ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Gout là yếu tố nguy cơ của đột quỵ

Theo ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, gout là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Những người mắc bệnh này cần thăm khám bác sĩ sớm để điều trị gout và phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm khác.

13-06-2022 15:44
Theo dõi trên |

1. Bệnh gout là gì, dấu hiệu nào nhận biết?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Bệnh gout xuất phát từ việc tăng acid uric máu. Tình trạng này thường gặp nhưng không phải ai bị tăng acid uric máu cũng bị bệnh gout. Khoảng 95% người bị tăng acid uric máu không bị bệnh gout, chỉ 5% mới chuyển thành bệnh gout.

Khi acid uric máu tăng sẽ lắng đọng ở mô, cơ, khớp, thận, tim và máu, gây ra cho bệnh nhân tình trạng viêm, đặc biệt là viêm khớp, thì mới gọi là bệnh gout.

Biểu hiện của gout khá điển hình, ban ngày chúng ta thấy bình thường, nhưng buổi tối sẽ hơi nhức ở vùng chân. 80% bàn chân hay ngón chân bị đau và buổi tối chúng ta cảm thấy hơi đau một chút. Đến sáng hôm sau, chúng ta không thể đi lại, cơn đau và sưng biểu hiện rõ ở bàn chân và ngón chân. Trong giai đoạn đó, người bệnh phải đi xe lăn nhưng đến chiều hôm sau bệnh nhân thấy khỏe, biểu hiện thay đổi rất nhanh chóng. Có một số trường hợp ở vùng sâu vùng xa chưa đi khám bác sĩ đã cảm thấy hết đau. Đó là biểu hiện thường gặp của bệnh gout.

Chúng tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân đến khám vì thây hơi đau, nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến gout bởi vì đôi lúc nó có thể là tình trạng viêm gân đơn thuần. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân bị đau đầu gối đến khám vì sợ bệnh gout, nhưng lại không phải gout.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ về bệnh gout và cách phòng ngừa đột quỵ
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ về bệnh gout và cách phòng ngừa đột quỵ

2. Nguyên nhân gây bệnh gout và đối tượng dễ mắc bệnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Tình trạng tăng acid uric sẽ có 2 cơ chế: tăng tạo ra và tạo ra nhiều nhưng không thải ra được. Acid uric tăng tạo ra do ăn quá nhiều nhân tế bào, ví dụ như ăn nhiều trứng cá, nội tạng và nhiều loại rau đang nảy mầm. Những loại này sẽ làm nhân đôi tế bào và phân chia chuyển hóa thành acid uric.

Một số trường hợp do bệnh lý như bị ung thư đang điều trị, những tế bào chết đi và tạo ra acid uric.

Nhóm cơ chế thứ hai là giảm thải, chất không tăng nhiều nhưng không thải ra được. Chủ yếu acid uric được thải qua đường thận, bệnh lý về thận là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ví dụ như trường hợp bị suy thận, một số gia đình có gene khiến thận không thải ra được acid uric nên cả gia đình đều bị.

Đặc biệt, người bị loại gene này thường bị sớm và rất nặng, khoảng 20 tuổi họ đã có thể bị gout. Dù họ ăn kiêng cỡ nào, họ cũng sẽ mắc bệnh. Một số bạn trẻ cho biết họ không uống rượu, ăn kiêng nhiều nhưng bị gout vì liên quan đến gene. Nguyên nhân thứ hai là chúng ta sử dụng thuốc ức chế, chất này cạnh tranh với acid uric. Thận sẽ ưu tiên thải chất này khiến acid uric không thải ra được.

Ngoài ra, khi chúng ta uống rượu bia, thận sẽ ưu tiên thải rượu trước, sau đó mới thải acid uric dẫn đến tình trạng tăng acid uric máu. Như vậy, nhóm thứ hai bao gồm uống nhiều rượu bia, bệnh lý thận và gene.

>>> Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ 

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh gout?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Để chẩn đoán đúng 100%, chúng ta phải chọc dịch khớp. Trong trường hợp bệnh nhân có nốt tophi, chúng ta cần chọc nốt tophi đó ra và soi kính hiển vi để thấy được tinh thể urat.

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng xét nghiệm khác như thử máu. Tuy nhiên, nồng độ acid uric trong máu cao không hẳn là bị gout, vì nó chỉ chiếm 5%. Có một số trường hợp bệnh nhân bị gout cấp nhưng acid uric máu lại bình thường. Cho nên, việc đo acid uric chỉ hỗ trợ chứ không loại trừ được.

Một số xét nghiệm khác như siêu âm khớp, chụp X-quang khớp cũng có thể góp phần chẩn đoán gout.

4. Bệnh gout để lại biến chứng gì? Nó gây ra đột quỵ, đúng hay sai?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Khi nồng độ acid uric trong máu cao, nó sẽ lắng động ở khớp gây ra bệnh viêm khớp. Đó là biểu hiện ai cũng thấy nhưng ở dạng nhẹ. Nó cũng lắng động ở các cơ quan khác, ví dụ ở thận gây ra sỏi thận. Acid uric lắng động ở cầu thận, ống thận sẽ gây ra suy thận.

Thứ hai, nó sẽ gây viêm ở các mạch máu dẫn tới các bệnh lý liên quan đến mạch máu như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy gout là yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ.

5. Người bị đột quỵ kèm gout sẽ gặp nguy hiểm gì?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Thứ 1, một số loại thuốc điều trị gout thường thúc đẩy dẫn đến đột quỵ, ví dụ như kháng viêm. Nếu bác sĩ không hỏi kỹ bệnh nhân có tiền sử đột quỵ mà cho họ uống thuốc thì sẽ khiến bệnh nhân rơi vào đột quỵ mới.

Thứ hai, bản chất bệnh gout sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ ba, gout gây ra tình trạng suy thận và bệnh này cũng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Khi bệnh nhân bị gout, chúng ta cần hạ acid uric máu xuống mức bình thường để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ và các bệnh lý khác như nhồi máu cơ tim. Cho nên chúng ta phải kết hợp song song.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh và MC Thanh Ráp
ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh và MC Thanh Ráp

6. Bệnh nhân bị yếu liệt nửa người sau đột quỵ, cần ưu tiên chữa gout hay liệt nửa người?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Chúng ta cần kết hợp cả hai, bệnh gout ngoài giai đoạn cấp, nó sẽ không gây ra triệu chứng gì hết. Trong giai đoạn đó, chúng ta chỉ điều trị để hạ acid uric máu kèm theo điều trị dự phòng để không rơi vào tình trạng gout cấp bằng Colchicine.

Gần đây, nghiên cứu về Colchicine cho thấy Colchicine giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu đó còn quá mới nên vẫn chưa được đưa vào hướng dẫn điều trị và nhiều người vẫn còn đang bàn cãi về vấn đề này. Mặc dù Colchicine không làm giảm acid uric máu nhưng nó giảm tình trạng viêm mạch máu, viêm mạch máu gây ra đột quỵ.

Thông thường, các loại thuốc điều trị gout và điều trị phục hồi sau đột quỵ sẽ không đối kháng với nhau. Ngoại trừ các loại thuốc điều trị dự phòng đợt gout cấp khác ngoài Colchicine, ví dụ như kháng viêm corticoid sẽ thúc đẩy nguy cơ đột quỵ mới.

Corticoid chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị gout thường xuyên hoặc nhiều đợt cấp, khi sử dụng thuốc Colchicine không còn hiệu quả thì mới chuyển qua corticoid.

Tác dụng phụ của corticoid là làm tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ đột quỵ. Cho nên, chúng ta phải thận trọng trong việc sử dụng thuốc điều trị dự phòng đợt cấp ở bệnh nhân bị gout. Và việc điều trị hai bệnh nên được thực hiện song song.

7. Giải pháp nào cho bệnh nhân bệnh gout?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Thứ nhất, là dùng thuốc. Thứ 2, bệnh nhân cần thay đổi thói quen ăn uống, bằng cách hạn chế rượu bia và những thức ăn làm tăng acid uric máu. Ngoài hạ acid uric máu, chúng ta cần cẩn thận với các loại thuốc làm tan acid uric máu, đặc biệt là một số thuốc điều trị huyết áp.

Các thuốc vừa hạ huyết áp và giảm acid uric máu thì chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng các loại thuốc đó. Một số thuốc điều trị dự phòng tái phát đột quỵ cũng hạ acid uric máu, nên dùng cho bệnh nhân.

8. Làm sao phòng ngừa đột quỵ tái phát và giảm thiểu biến chứng của bệnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Nếu chúng ta có thuốc ở nhà sẵn, thường chúng ta sẽ sử dụng Colchicine vì Colchicine có hiệu quả tốt trong 36 giờ đầu sau khi đau. Trong trường hợp bệnh nhân bị gout, nếu buổi tối bắt đầu thấy đau khớp, có thể uống liền một viên, sau một giờ uống thêm nửa viên, tức là một ngày chỉ uống một viên rưỡi. Cách làm trên sẽ ngăn tình trạng viêm.

Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, thuốc kháng viêm có sẽ có một số nguy cơ, nên ưu tiên dùng thuốc Colchicine. Nếu lỡ có tình trạng sưng, chúng ta sẽ lấy nước đá bỏ vào khăn hay túi nylon đắp lên vùng khớp bị sưng. Đó là việc ở nhà chúng ta có thể làm được.

Để phòng ngừa tái phát, chúng ta phải điều chỉnh chế độ ăn uống và hạ acid uric máu. Điều chỉnh chế độ ăn uống tức là chúng ta hạn chế rượu bia, các loại rau mầm, nội tạng, đặc biệt là trứng cá. Nếu ăn trứng thì chúng ta nên ăn trứng gà và trứng vịt, vì có hàm lượng acid uric máu không nhiều.

Ngoài ra, chúng ta sẽ ưu tiên thịt trắng như thịt gà và hạn chế thịt đỏ như thịt heo, thịt cừu và thịt bò.

Khi dùng thuốc, chúng ta cần đi khám bác sĩ để bác sĩ xem xét cho dùng thuốc hạ acid uric máu. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ mạch máu, nguy cơ nhồi máu cơ tim và nguy cơ đột quỵ. Lúc đó, họ sẽ đánh giá cả đường huyết, mỡ máu, acid uric máu đi kèm và xem người bệnh có bị béo phì hay không.

Về huyết áp, bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện nguy cơ tim mạch. Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc cũng như điều trị rối loạn mỡ máu, huyết áp, gout. Chúng ta phải điều trị chung những bệnh đó mới dự phòng được bệnh đột quỵ, vì hạ acid uric máu đơn thuần chỉ là một khía cạnh. Kết hợp được nhiều khía cạnh thì chúng ta mới phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Trọng Dy (ghi), benhdotquy.net

Khoảnh khắc nữ điều dưỡng cấp cứu một du khách nước ngoài tại nhà hàng ở Đà Nẵng

Khoảnh khắc nữ điều dưỡng cấp cứu một du khách nước ngoài tại nhà hàng ở Đà Nẵng

Trong lúc cùng bạn đến ăn tối tại một nhà hàng, nữ điều dưỡng đang công tác tại Bệnh Bạch Mai thấy người khách bàn bên cạnh có dấu hiệu ngã gục khi rời bàn ăn.Ngay lập tức, cô kéo người đàn ông này từ tay vợ, đặt xuống sàn và ép tim ngoài lồng ngực liên tục.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ