Việt Nam, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ

Đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh của mọi nền y tế, trong đó có Việt Nam, cứ 6 người sẽ có một người gặp phải căn bệnh này.

08-04-2021 22:40
Theo dõi trên |

1. TPHCM có 27 cơ sở cấp cứu đột quỵ

Trong 15 năm qua, số bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Nhân dân 115 tăng gấp 11 lần. Nếu năm 2005, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp. Năm 2019 có gần 14.000 bệnh nhân được điều trị tại đây, trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 1.150 ca. Đến năm 2020, trung tâm tiếp nhận hơn 60% trong tổng số bệnh nhân đột quỵ do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển tới.

Hiện nay, tại TPHCM tính đến tháng 4/2020 bản đồ mạng lưới đột quỵ đã có 27 cơ sở, gồm một trung tâm, 18 đơn vị và 8 đội đột quỵ đặt tại các bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay chưa bệnh viện nào trong thành phố có khoa đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 là cơ sở y tế đầu tiên tại TPHCM thành lập trung tâm đột quỵ và là trung tâm đột quỵ duy nhất hiện nay tại thành phố. Số bệnh nhân đột quỵ tại cơ sở y tế này tăng cao hàng năm.

Đây là bệnh lý phổ biến, gây tử vong hàng đầu. Trên thế giới, cứ hai giây lại có một người đột quỵ, mỗi 6 giây có một người tử vong. Bên cạnh nguy cơ tử vong, gánh nặng chi phí y tế cũng đè nặng người bệnh nếu họ bị di chứng tàn tật suốt đời. Ở Việt Nam, trung bình cứ 6 người trong chúng ta sẽ có một người bị đột quỵ. Đây là những con số được BS Phạm Nguyên Bình, Tổng thư ký Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ.


Cứ trong 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, có đến 85% người bị đột quỵ ở thể nhồi máu não do tắc mạch máu; 15% còn lại xuất huyết não do vỡ mạch máu. Mỗi một phút não thiếu máu trôi qua, có hai triệu tế bào não chết đi, không thể phục hồi. Do đó điều kiện tiên quyết để cứu người đột quỵ là xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt, thường gọi là trong thời gian vàng khởi phát đột quỵ là 4,5-6-24 giờ, tùy từng trường hợp. Mỗi 15 phút được rút ngắn trong quá trình trị liệu sẽ giảm 4% nguy cơ tử vong và tăng 4% cơ hội sống cho bệnh nhân đột quỵ.

Để phát hiện sớm biểu hiện đột quỵ, có thể dựa vào dấu hiệu F.A.S.T, viết tắt của các từ Face – liệt mặt, méo miệng, Arm – yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech – nói ngọng, nói khó, Time – thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên. Dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ có thể rất nhẹ nhưng cũng có thể diễn biến nặng lên rất nhanh và sau vài tiếng đã dẫn đến hôn mê.

Nhưng đáng lo lắng, đa phần bệnh nhân đột quỵ bỏ lỡ “giờ vàng” do nhập viện muộn. Vì vậy, Sở Y tế TPHCM đang đặt mục tiêu điều trị dưới 60 phút cho bệnh nhân đột quỵ, bao gồm toàn bộ quá trình, từ khi 115 tiếp cận người bệnh tại hiện trường, xử trí ban đầu, vận chuyển, cho đến khi có chỉ định can thiệp tại bệnh viện.

Ngoài ra, Sở Y tế dự định nâng cấp hai đơn vị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (90 giường) và Nguyễn Tri Phương (65 giường) thành khoa đột quỵ. Ngoài ra, 5 bệnh viện gồm Nhân dân Gia Định, Đại học Y dược, Gia An 115, TP Thủ Đức, Đa khoa khu vực Thủ Đức đều có quy mô trên 20 giường điều trị đột quỵ, sẽ chuyển đổi mô hình từ đơn vị lên khoa đột quỵ.

Mục tiêu 2025 của ngành y tế thành phố là tất cả các bệnh viện đa khoa hạng 1 có khoa đột quỵ và các bệnh viện đa khoa còn lại có đơn vị đột quỵ. Đặc biệt là khu vực nam Sài Gòn, xa trung tâm thành phố (ba huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) sẽ sớm được mạng lưới đột quỵ “phủ sóng”.

2. Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa: Làm sao để phòng ngừa?

Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người già trên 60 tuổi, nhưng thời gian gần đây đột quỵ có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong số bệnh nhân đột quỵ đến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì có từ 30 đến 40% ca dưới 60 tuổi. Tuy nhiên, lớp trẻ thường chủ quan với bệnh này.

Không ít những ca đột quỵ ở người trẻ thường phát hiện muộn, khiến người bệnh mất đi “cơ hội vàng” để phục hồi và để lại hệ lụy cho sức khỏe. Sự nguy hiểm của bệnh là thường đến bất ngờ, do đó, cần có biện pháp dự phòng cần thiết bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp…

Đối với nhóm dự phòng cấp một, tức chưa từng đột quỵ, cần khám thường quy để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát sớm ngay từ đầu. Người đái tháo đường, huyết áp, mỡ máu nên đi khám một tháng một lần.

Đối với người trung niên và cao tuổi, cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Trong những ngày lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm… Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức. Tự theo dõi huyết áp mỗi ngày, kiểm soát sức khỏe, tránh tình trạng quên thuốc, ngưng thuốc khiến bệnh trầm trọng.

Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị sớm. Xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. chủ động tìm hiểu một số thông tin cơ bản về sơ cứu khi phát hiện người bệnh đột quỵ nhằm tăng cơ hội điều trị, giảm tối đa các biến chứng vận động sau này.

Phương Nguyên, Minh Huy

Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc

Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc

PGS.TS.BS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới điều trị đột quỵ tại miền Bắc đang có bước phát triển mạnh, nhiều trung tâm, khoa, đơn vị đột quỵ được thành lập nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, đặc biệt là cấp cứu trước viện, đào tạo nhân lực và hành lang pháp lý.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ