Tăng huyết áp “kẻ giết người thầm lặng”, đưa người bệnh đến ranh giới sinh tử

Tăng huyết áp là bệnh lý rất phổ biến và không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay. Đại đa số người bệnh thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước, cho đến khi xuất hiện triệu chứng thì đã gặp tai biến nặng nề. Đó là lý do, Y học gọi bệnh lý này với cái tên “Kẻ giết người thầm lặng”.

10-08-2023 14:00
Theo dõi trên |

Thế nào là tăng huyết áp?

Tăng huyết áp (cao huyết áp) là trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

Tăng huyết áp là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.

Dấu hiệu nào cảnh báo tăng huyết áp?

Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp, mức độ nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người.

Những dấu hiệu thường gặp khi bị tăng huyết áp bao gồm: choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn.

Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn, người mắc bệnh này thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.

Xem thêm: Tránh xa thực phẩm, nước uống gây tăng huyết áp

Tại sao nói tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”

Thứ nhất, tăng huyết áp là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ.

Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính là khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025.

Các yếu tố nguy cơ từ lối sống như: lười vận động, ăn không hợp lý với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá… là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gánh nặng này.

Thứ hai, tăng huyết áp đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Vào năm 2002, WHO đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê tăng huyết áp là “kẻ giết người số 1”.

Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị tăng huyết áp. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương.

Thứ ba, đại đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh tăng huyết áp do đã bị tai biến mạch não. Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng.

Thứ tư, tăng huyết áp ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên (còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát). Chỉ một số nhỏ dưới 5% là tăng huyết áp có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lý khác). Do vậy, những dấu hiệu thể hiện bệnh tăng huyết áp không đặc hiệu và không có gì khác biệt so với người bình thường.

Thứ năm, mặc dù tăng huyết áp đã được chứng minh sự nguy hiểm như vậy, nhưng ngay cả tới hiện nay, tăng huyết áp vẫn tồn tại như là một “bộ ba nghịch lý” đó là:

– Tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo khá đơn giản) nhưng nhiều người lại thường không được phát hiện mình bị tăng huyết áp từ bao giờ.

– Tăng huyết áp là bệnh điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều.

– Tăng huyết áp là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người mắc dù được điều trị đạt mục tiêu cũng không nhiều. Vì vậy, đã rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của tăng huyết áp, thậm chí tử vong mới biết mình bị tăng huyết áp hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt tăng huyết áp là quan trọng như thế nào.

Hiện trạng tăng huyết áp hiện nay ra sao?

Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, được xem như “Kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Yếu tố nguy cơ nào gây tăng huyết áp

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp như: tuổi cao (càng lớn tuổi nguy cơ tăng huyết áp càng cao), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, thừa cân béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp, dùng thuốc (một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc co mạch trong một số sản phẩm trị cảm cúm… có thể gây tăng huyết áp). Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh.

Xem thêm: Top 18 loại thực phẩm giúp hạ huyết áp

Chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.

Mỗi người cần kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế…

Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc bệnh tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh, để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.

Làm thế nào để phòng ngừa tăng huyết áp?

Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số thói quen bạn có thể cải thiện để kiểm soát huyết áp.

Chế độ ăn hợp lý: Ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp); nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Duy trì cân nặng hợp lý: Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày, ít nhất 3 – 4 lần/tuần.

Bỏ thói quen xấu: Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; không thức khuya, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình – Phó ban AloBacsi Cộng đồng hiệu đính

 

  • Từ khóa:
Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc

Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc

PGS.TS.BS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới điều trị đột quỵ tại miền Bắc đang có bước phát triển mạnh, nhiều trung tâm, khoa, đơn vị đột quỵ được thành lập nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, đặc biệt là cấp cứu trước viện, đào tạo nhân lực và hành lang pháp lý.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ