Tài xế xe buýt đột quỵ khi đang dừng đèn đỏ

Nam tài xế điều khiển xe buýt tuyến số 24, khi dừng đèn đỏ tại giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM thì lên cơn co giật, sau đó bất tỉnh.

02-12-2024 10:00
Theo dõi trên |

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip tài xế xe buýt bất ngờ buông vô lăng ngã về phía sau khi đang dừng chờ đèn đỏ.

Qua xác minh, vụ việc xảy ra vào lúc 17h50 ngày 29/11 tại giao lộ Chu Văn An – Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, nam tài xế trong clip là ông T.Q.V. (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp).

Thời điểm nam tài xế buông tay lái, ngã đầu về sau ghế rồi ngất lịm, chị T. (nữ tiếp viên trên xe, đồng thời là vợ nam tài xế) cố gắng sơ cứu nhưng chỉ kịp nhìn chồng ngất lịm dần.

Sau khoảng 5 phút, một xe buýt chạy cùng tuyến 24 đã hỗ trợ đưa lái xe V. vào bệnh viện Gia Định để cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Theo đại diện trung tâm, nguyên nhân tài xế tử vong do tai biến mạch máu não.

Vợ nam tài xế sơ cứu nhưng chỉ kịp nhìn chồng ngất lịm dần (hình ảnh cắt từ clip)

Nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ ở tài xế?

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, đặc thù của nghề tài xế lái xe là phải thức đêm, thức khuya, di chuyển trên những tuyến đường dài và phải chịu rất nhiều áp lực trong khoảng thời gian lái xe. Việc này có thể cảm nhận rõ nếu là người từng trực tiếp lái xe hoặc đi trên có thể thấy là trong lúc hàng khách ngủ, tài xế vẫn phải tập trung cao độ để lái xe.

Điều quan trọng là trong lúc lái xe, người tài xế không thể nào lập trình được hết tất cả những tình huống khi đang di chuyển trên đường đi, là một áp lực rất lớn cho các bác tài. Chính vì vậy, những người tài xế luôn mang một tâm lý rất áp lực khi cầm vô lăng. Đa số các bác tài hiện nay ngoài việc làm việc bất kể ngày đêm, họ còn hút thuốc lá khá nhiều.

Đối với những người hút thuốc lá sẽ có tỷ lệ gia tăng đáng kể về nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng như đột quỵ, không chỉ riêng ở những đối tượng là tài xế, tất cả những ai hút thuốc lá đều gia tăng những nguy cơ về bệnh tật.

Nếu người tài xế hút thuốc lá càng nhiều, nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim mạch càng tăng cao, cộng thêm những áp lực của nghề tài xế sẽ gia tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ trong lúc lái xe.

Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, người tài xế nên làm gì?

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, nghề tài xế khi phải chịu nhiều áp lực, điều quan trọng nhất là cần có một sức khỏe tốt trước khi thi vào lái xe và khi hành nghề. Đây là một việc hết sức cần thiết, người tài xế cần nghiêm túc chấp hành cũng như nghiêm túc khám sức khỏe trước khi tiến hành tham gia hoặc định hướng vào nghề tài xế.

Nếu là người đang làm trong lĩnh vực này cần quan tâm đến các vấn đề sức khỏe của mình nhiều hơn, phải khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt về thị lực, mắt cũng như là các phản xạ nói chung. Điều quan trọng là người tài xế nên cố gắng không hút thuốc lá trong khi đang làm công việc lái xe.

Hiện nay, pháp luật hiện hành đã nghiêm cấm tuyệt đối những người uống rượu, bia khi tham gia lái xe. Người tài xế nên nâng cao nhận thức và tuyệt đối tuân thủ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân khi lái xe và những người xung quanh.

Một điều quan trọng không kém là trong hành trình di chuyển, người tài xế không được lái xe trong khoảng thời gian quá dài, đặc biệt trong môi trường khắc nghiệt, người tài xế cần có thời gian nghỉ, ngủ đủ giấc, sau đó tiếp tục hành trình.

Như đã chia sẻ ở trên với những hành trình, tuyến đường dài, nên có hai tài xế đi cùng nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau, khi tài xế này mệt mỏi, buồn ngủ có thể thay thế bởi người khác hoặc trong trường hợp bất khả kháng, người tài xế không thể dừng xe nghỉ giữa đường cũng cần có người thay thế để hành trình được an toàn hơn.

  • Từ khóa:
Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp nam bệnh nhân người Nhật đến tái khám lần hai nhưng tình trạng huyết áp không hề thay đổi so với lần đầu khám tại đây (150/100 mmHg), người bệnh không tuân thủ điều trị, không tái khám định kỳ, tự ý bỏ thuốc. Bác sĩ cảnh báo các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải nếu tiếp tục tình trạng này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ