Phục hồi chức năng sau đột quỵ tiến hành khi nào, thực hiện bao lâu?

Quá trình phục hồi chức năng sẽ tiến hành khi nào và kéo dài trong bao lâu, gồm những phương pháp nào sẽ được BS.CK2 Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa PHCN, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sẽ giải đáp.

22-12-2022 15:56
Theo dõi trên |

1 Vai trò, ý nghĩa của phục hồi chức năng sau đột quỵ

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành:

Vai trò phục hồi chức năng (PHCN) trong điều trị bao gồm đột quỵ càng được quan tâm hơn. PHCN là giúp người bệnh quay lại cuộc sống hằng ngày càng nhiều càng tốt, bệnh nhân hiểu và thích nghi với các khó khăn do bệnh như bệnh nhân bị liệt, khó nói, nuốt khó.

Ngoài ra, chúng ta cần kết hợp với các phương pháp khác như điều trị nội khoa, chăm sóc điều dưỡng, phòng ngừa thương tật thứ cấp. Thương tật thứ cấp là các biến chứng này có thể xảy ra ngay trong thời gian bệnh nhân bị đột quỵ cấp. Tình trạng này cũng xảy ra khi bệnh nhân xuất viện và trở về nhà. Trong đó biến chứng nổi bật như bị viêm phổi, loét do chăm sóc không tốt. Một số biến chứng có thể gây tử vong.

PHCN cũng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị biến chứng nêu trên để tránh tình trạng đáng tiếc cho người bệnh. Mục tiêu tiếp theo là chúng ta cần hướng dẫn cho người nhà và người chăm sóc hiểu được bệnh đột quỵ có các khó khăn ra sao, biến chứng nguy hiểm ra sao. Từ đó, chúng ta sẽ hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh và quá trình này sẽ kéo dài.

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa PHCN, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

2. Quá trình phục hồi chức năng sẽ tiến hành khi nào và kéo dài trong bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành:

Bệnh nhân đột quỵ cần thực hiện PHCN càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp đột quỵ nguy kịch, dấu hiệu sinh tồn không ổn định thì chưa tập PHCN mà chờ người bệnh qua cơn nguy kịch. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể tiến hành PHCN ngay trong giờ đầu tiên hay ngày đầu tiên.

Thực hiện PHCN càng sớm, kết quả phục hồi sẽ càng tốt. Quá trình trong PHCN đột quỵ là một quá trình kéo dài nhiều tháng, nhiều năm thậm chí cả đời. Gia đình người bệnh cần hiểu và kiên trì trong quá trình điều trị.

Thời gian phục hồi tốt nhất là trong vòng 6 tháng đầu. Sau 6 tháng, quá trình đáp ứng điều trị có thể chậm lại vì vậy cần khuyến cáo người bệnh tham gia quá trình PHCN càng sớm càng tốt.

3. Các phương pháp phục hồi chức năng phổ biến được áp dụng với người bệnh như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành:

Các phương pháp PHCN cũng giống như đối với các bệnh khác, các phương pháp như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp và huấn luyện người bệnh tự chăm sóc cần được áp dụng vì hoạt động sinh hoạt trong đời sống hằng ngày là một mục tiêu quan trọng.

Vật lý trị liệu được áp dụng cùng các phương pháp khác ngay ngày đầu sau đột quỵ. Tùy theo mức độ của người bệnh, chúng ta sẽ có biện pháp can thiệp khác nhau. Có thể nói không thể có hai bệnh nhân đột quỵ có thể trạng hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, cần cá nhân hóa.

Trước tiên, chúng ta cần duy trì cho bệnh nhân ở tư thế đúng để giúp tránh biến chứng thứ phát như teo cơ, co rút khớp, loét tì đè.

Theo sự tiến triển của bệnh tốt hơn, chúng ta có thể tập cơ, tập khớp, hình thể, giữ thăng bằng. Sau đó, chúng ta tập cho bệnh nhân di chuyển và đi đứng ra khỏi giường càng sớm càng tốt. Khi bệnh nhân đã đi đứng tốt, thì chúng ta sẽ tập cho họ có dáng đi đúng và tập theo tác vụ.

Khi bệnh nhân tiến triển tốt hơn, bác sĩ sẽ tập cho họ có sức bền để họ có khả năng làm được các hoạt động đời sống hằng ngày.

>> Xem thêm: Giải đáp thắc mắc về tập vật lý trị liệu sau đột quỵ

Hoạt động trị liệu cùng vật lý trị liệu được tiến hành song song cùng một thời điểm. Hoạt động trị liệu tập trung vào các hoạt động đời sống hằng ngày của người bệnh. Đơn giản nhất như ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh tắm rửa cho đến PHCN về nhận thức. Khá nhiều bệnh nhân bị tổn thương não nên chúng ta phải tiến hành giúp bệnh nhân PHCN về nhận thức.

Hoạt động trị liệu cũng là biện pháp trị liệu có liên quan đến nghề nghiệp của người bệnh kể cả hoạt động liên quan đến giải trí. Mục tiêu cuối cùng là giúp bệnh nhân tái hòa nhập với xã hội, càng nhiều càng tốt.

Một số bệnh nhân bị rối loạn nuốt, sặc khi ăn uống, một số người bị rối loạn nghe, nói, đọc và viết khi giao tiếp với người khác. Họ sẽ được can thiệp bằng phương pháp ngôn ngữ trị liệu. Mỗi trường hợp, chúng ta sẽ có phương pháp điều trị và hỗ trợ cho người bệnh.

>> Xem thêm: Các bài tập phục hồi chức năng nuốt sau đột quỵ não

Hầu hết các bệnh nhân gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và cần có công cụ hỗ trợ để giúp họ làm việc dễ dàng hơn, giúp giảm đau và cải thiện nguy cơ biến dạng do đột quỵ chẳng hạn như co cứng.

PHCN cùng các chuyên ngành khác cũng giúp giải thích và huấn luyện cho bệnh nhân để họ tự chăm sóc cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội và người bệnh có thể sống độc lập, có được chất lượng cuộc sống càng cao càng tốt.

Chúng ta sẽ giải thích cho người bệnh và thiết lập các phương pháp điều trị PHCN. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo từng giai đoạn, chúng ta sẽ có các bước hướng dẫn cho bệnh nhân để có được các kỹ năng cần thiết nhằm thích nghi với bệnh của mình và tái hòa nhập với xã hội.

4. Người bệnh đột quỵ sau khi xuất viện, cần lưu ý gì  để tránh đột quỵ tái phát?

BS.CK2 Nguyễn Đức Thành:

Thông thường, quá trình phục hồi được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn cấp tính, giai đoạn điều trị ngoại trú và điều trị trọn đời. Ở giai đoạn cuối (giai đoạn thứ ba), bệnh nhân tự thực hiện bài tập tại nhà, họ có thể tái khám hay không.

Có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện giai đoạn 1 rất tốt. Khi bệnh nhân nằm tại bệnh viện trong giai đoạn cấp, chúng ta cho tập luyện rất tốt.

Tuy nhiên, từ giai đoạn 2 trở về sau có rất nhiều lý do để chúng ta không theo dõi và tiếp tục điều trị người bệnh. Như vậy, hậu quả đáng tiếc là bệnh nhân có khả năng bị tái phát đột quỵ.

Phương pháp điều trị đột quỵ nói riêng và các bệnh khác nói chung trong thời đại ngày nay sẽ điều trị đa ngành, có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, sử dụng nhiều phương pháp khác nhằm nhắm đến phương pháp tối ưu cho người bệnh.

Khi người bệnh đã xuất viện và ổn định hoàn toàn, họ nên đi tái khám ở các chuyên khoa mà bác sĩ dặn dò. Các chuyên khoa này không chỉ liên quan đến đột quỵ, bệnh nền và bệnh có nguy cơ gây ra đột quỵ lần này cũng như những lần khác trong tương lại.

Ví dụ như người bệnh bị tăng huyết áp, tiểu đường, khi đó chúng ta cần đến các chuyên khoa nội thần kinh. Chúng ta có thể khám ở các trung tâm khác như nội tiết, tim mạch và khám PHCN để bác sĩ kiểm tra và tiếp tục có chế độ điều trị theo từng giai đoạn điều trị của bệnh.

 Trọng Dy (ghi) – Benhdotquy.net, nguồn: BV ĐHYD

Ca sĩ Lương Ngọc Diệp đột ngột qua đời ở tuổi 37

Ca sĩ Lương Ngọc Diệp đột ngột qua đời ở tuổi 37

Nữ ca sĩ được biết đến với danh xưng “sơn ca đất mỏ” đột ngột qua đời do đột quỵ sau khi tiếp nhận kết quả mắc ung thư máu vào buổi sáng.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ