Nguy cơ đột quỵ tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng

Với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao phủ diện rộng trong dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, các nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là đột quỵ tăng cao. Vậy làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ trước thời tiết nắng nóng gay gắt này?

29-04-2024 09:50
Theo dõi trên |

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Bộ Y tế cảnh báo, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, Bộ Y tế lưu ý, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Khi gặp bệnh nhân đột quỵ, cần xử trí đúng cách và đưa ngay đến cơ sở có cấp cứu đột quỵ gần nhất

Cảnh báo về vấn đề này, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… Sau đó, có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê…

Để phòng bệnh đột quỵ, nhất là trong thời tiết nắng nóng gay gắt, PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….

Khi người dân có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời trong giai đoạn giờ vàng (từ 4-6 giờ).

Nguyên tắc cấp cứu đột quỵ F.A.S.T:

Việc nhận biết người nhà hoặc các trường hợp bị đột quỵ theo nguyên tắc “FAST”. Tức là nhận biết qua:

– F (Face, khuôn mặt): bệnh nhân có các biểu hiện mặt bị méo, mắt nhắm không kín, nếp nhăn trên trán…

– A (Arm, tay hoặc chân): có trường hợp một trong hai tay không đưa lên đưa, trường hợp nặng hơn là cả hai tay đều không đưa lên được.

– S (Speech, giọng nói): bệnh nhân không nói được hoặc nói ú ớ, giọng nói bị thay đổi tùy theo từng mức độ.

– T (Time, thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có cấp cứu đột quỵ gần nhất để được cứu chữa kịp thời, tránh lỡ mất “thời gian vàng”.

  • Từ khóa:
Thuốc lá điện tử, bóng cười vào danh sách CẤM từ 1/1/2025

Thuốc lá điện tử, bóng cười vào danh sách CẤM từ 1/1/2025

Trong kỳ họp thứ 8 cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ