Giải đáp 11 câu hỏi thường gặp về đột quỵ não
Bài viết dưới đây cung cấp đầy đủ các thông tin tổng quan về bệnh đột quỵ, từ định nghĩa, phân loại, nhận biết triệu chứng, đến cách sơ cấp cứu ban đầu, những sai lầm cần tránh và hướng dẫn phòng ngừa. Mời bạn đọc đón xem.
Mục lục
1. Đột quỵ não là gì, nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ não, còn gọi tai biến mạch máu não, là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.
Căn bệnh này “hiểm” ở chỗ phải được cấp cứu, điều trị kịp thời trong khoảng thời gian vàng. Nếu không, cứ mỗi phút trôi qua 2 triệu tế nào nơron thần kinh, đồng nghĩa với khoảng 12km sợi trục nơron thần kinh não, chết không hồi phục nếu thiếu máu nuôi.
Theo thống kê, trên thế giới cứ 6 giây có 1 người bị đột quỵ, 6 triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, hiện nay đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu trên cả ung thư.
2. Đột quỵ não có bao nhiêu loại?
Đột quỵ thường được xác định là một trong hai dạng sau:
Đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) chiếm gần 80% các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân là mạch máu não bị tắc, thường do cục máu đông gây bít tắc lòng mạch (cục máu đông có thể từ tim di chuyển lên não gây tắc, hoặc hình thành tại chỗ).
Mặc dù bất cứ ai cũng có thể trải qua một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tuy nhiên một số nhóm đối tượng nhất định có nguy cơ cao hơn. Một số yếu tố nguy cơ của đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm: Nữ giới; mắc chứng viêm mạch – một loại viêm mạch máu; bị xơ vữa động mạch; hút thuốc; uống nhiều rượu; ít vận động; trên 65 tuổi; mắc chứng rung tâm nhĩ.
Đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não) chiếm gần 20% các trường hợp đột quỵ, xảy ra khi mạch máu bị vỡ gây chảy máu vào não. Máu tích tụ từ sẽ chèn ép các mô não xung quanh. Đột quỵ xuất huyết có thể gây chết mô não một cách nhanh chóng.
Hai nguyên nhân tiềm ẩn của đột quỵ xuất huyết là phình động mạch và dị dạng động mạch (AVM).
Trong đó, chứng phình động mạch là một mạch máu phình to. Sự thay đổi về kích thước và hình dạng mạch máu này làm tăng nguy cơ vỡ gây xuất huyết. Chứng phình động mạch có thể là bẩm sinh hoặc di truyền hoặc có thể phát triển do các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Huyết áp cao; hút thuốc; uống nhiều rượu; sử dụng ma túy, các chất kích thích; nữ giới…
Còn dị dạng động mạch (AVM) là một mạch máu bị biến dạng và hầu hết là do bẩm sinh. Các mạch máu biến dạng có thể vỡ hoặc chảy máu, gây ra đột quỵ xuất huyết.
Một số trường hợp hiếm, đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra do chấn thương mạch máu đột ngột, chẳng hạn như từ chấn thương cổ; chấn thương đầu; đặt phần đầu ở một tư thế bất thường…
3. Những thời điểm trong ngày dễ bị đột quỵ?
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, ngành nghề. Bạn có thể bị đột quỵ khi đang ăn cơm, đang xem tivi, đang tắm, đang di chuyển bằng các phương tiện giao thông, thậm chí có thể bị đột quỵ ngay khi đang ngủ. Nhưng tại một số thời điểm bệnh có tỉ lệ xảy ra cao hơn, ví dụ như khi bạn bị stress, bức xúc, dùng chất kích thích… bởi khi đó, huyết áp dễ tăng cao.
Bên cạnh đó cũng có một số “khung giờ nguy hiểm” dễ bị đột quỵ. Yếu tố trực tiếp hình thành các cơn đột quỵ não là do nhịp sinh học của cơ thể. Nói cách khác, sự biến thiên của huyết áp và độ đặc của máu trong 24 giờ có tác động đến sự hình thành cơn đột quỵ. Do vậy, nếu xét trong thời gian 24 giờ của ngày thì có một số thời điểm huyết áp tăng cao và xuống thấp, cụ thể:
– 3g sáng là thời điểm huyết áp xuống thấp.
– 5g sáng và 18-19g lại là những khoảng thời gian huyết áp dễ tăng cao. Huyết áp tăng khiến thành mạch máu bị tổn thương, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu và dẫn tới đột quỵ.
– Khoảng thời gian sáng sớm (4-8g) cũng là thời điểm các cơn đột quỵ dễ xảy ra do đây là khoảng thời gian máu đặc nhất, sau đó loãng ra, đến 12g đêm là loãng nhất rồi dần đặc lại.
4. Độ tuổi nào dễ bị đột quỵ?
Trước đây, đột quỵ thường được nhắc đến là căn bệnh của người già, từ 55 tuổi trở lên. Nhưng thực tế, những năm gần đây xu hướng người trẻ bị đột quỵ ngày càng nhiều.
Theo Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Nguy hiểm hơn, mọi người thường nghĩ đột quỵ là bệnh người già, không bao giờ “gõ cửa” lớp thanh niên nên rất chủ quan. Họ dễ bỏ qua những triệu chứng đột quỵ nên khi bệnh vào giai đoạn muộn mới cầu cứu y tế. Nhiều người trẻ tử vong hoặc tàn phế vì không được cấp cứu kịp thời.
5. Biến chứng thường gặp sau đột quỵ?
Tùy thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân, người bệnh đột quỵ có thể gặp di chứng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó có 5 di chứng thường gặp do đột quỵ:
Liệt vận động: Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu,… thậm chí tử vong.
Rối loạn ngôn ngữ: Do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ, người bệnh có thể gặp các rối loạn ngôn ngữ với các biểu hiện nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Suy giảm nhận thức: Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não gây sa sút trí tuệ. Người bệnh bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói của người khác…
Trầm cảm, rối loạn cảm xúc: Cuộc sống sau đột quỵ khiến người bệnh phải phụ thuộc vào người khác, không tự chăm sóc bản thân khiến họ rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, xúc động…
Rối loạn tiểu tiện: Người bệnh đột quỵ không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện do rối loạn cơ vòng kết hợp với chứng rối loạn nhận thức, cảm giác.
Biến chứng đột quỵ ở người trẻ cũng tương tự như người cao tuổi. Có thể cơ địa người trẻ tốt hơn nên khả năng hồi phục cao hơn. Mặc dù vậy, nếu bệnh nặng gây tàn phế, tâm sinh lý người bệnh dễ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi một người đang hừng hực sức thanh niên, bỗng dưng “bán thân bất toại”, tạm dừng mọi công việc, phụ thuộc sinh hoạt vào người thân sẽ rất khó khăn để vượt qua.
6. Yếu tố nguy cơ thúc đẩy đột quỵ?
Có khoảng hơn 20 yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não, chúng được chia vào 2 nhóm:
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Tuổi (càng lớn tuổi nguy cơ bị đột quỵ càng cao), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền… Chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố này. Tuy nhiên, việc nhận thức về vấn đề này cung cấp thông tin để đề cao công tác dự phòng.
Các yếu tố nguy cơ thay đổi được: Có 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp; đái tháo đường; béo thể trung tâm (béo bụng) và rối loạn lipid máu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi khác như: nghiện rượu, hút thuốc lá, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các bệnh lý tim mạch, căng thẳng tâm lý, ít vận động, thức khuya…
Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt là “quả bom hẹn giờ” với cả tim và não
7. Triệu chứng nhận biết đột quỵ?
Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
Dấu hiệu yếu tay hoặc chân: Khi xảy ra đột quỵ, một triệu chứng hay gặp là một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các chi ở bên đối diện vùng não xảy ra đột quỵ. Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân lên được.
Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt.
Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Hãy nhớ rằng, khi có các dấu hiệu “Méo miệng, ngọng nói, yếu liệt một bên” hãy gọi ngay cấp cứu luôn đừng chờ, bởi đó là những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ.
8. Làm gì khi có người bị đột quỵ?
Việc đầu tiên hãy gọi Cấp cứu. Sau đó kiểm tra tình trạng của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có ý thức, đặt nằm gối cao 30-45 độ, cố gắng không di chuyển họ. Nới lỏng quần áo, bỏ khăn quàng nếu có. Nếu người bệnh bị lạnh, hãy dùng chăn hoặc áo khoác để giữ ấm.
Kiểm tra xem đường thở của họ có thông thoáng không. Nếu có dị vật hay chất nôn trong miệng của người bệnh, bạn hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh sặc.
Đồng thời, hãy trấn an người bệnh, nói với họ cấp cứu đang tới. Để ý triệu chứng và sự thay đổi về tình trạng bệnh của họ, nhớ thời gian mà người bệnh bắt đầu triệu chứng để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh đặt họ nằm nghiêng, cánh tay để trước ngực, một chân thẳng, gập đầu gối chân còn lại. Song song đó, theo dõi đường thở và nhịp thở của họ bằng cách nâng cằm của người đó và hơi nghiêng đầu về phía sau; nhìn xem ngực họ có cử động không; lắng nghe nhịp thở. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thở, bạn hãy hô hấp nhân tạo (hồi sức tim phổi).
9. Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu người bị đột quỵ?
Không tự ý điều trị cho người bệnh, kể cả bấm huyệt, châm cứu, chích lễ, đánh gió, nặn máu… Những tác động này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và mất thời gian vàng điều trị.
Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp. Không dùng thuốc Aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.
10. Thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị đột quỵ?
Đối với đột quỵ nhồi máu não, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.
Đối với đột quỵ xuất huyết não, thời gian không khắt khe như nhồi máu não nhưng cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
11. Làm gì khi có nguy cơ đột quỵ?
Trước tiên, nếu gia đình có người thân từng đột quỵ hoặc bản thân từng có tiền sử bị đột quỵ, đừng bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ, để có hướng xử trí phù hợp.
Nếu có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu thì cần khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa, sử dụng thuốc theo chỉ định, theo dõi các chỉ số thường xuyên.
Song song với việc dùng thuốc, người bệnh cần thay đổi lối sống lành mạnh, người cao huyết áp cần tránh ăn mặn, người rối loạn mỡ máu cần tránh ăn nhiều mỡ dầu và các thức ăn chiên xào, tăng cường ăn rau xanh, người đái tháo đường cần hạn chế, kiểm soát khẩu phần ăn có tinh bột, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao…, năng vận động để tránh thừa cân, béo phì. Mặt khác, cần tránh xa thuốc lá, rượu bia, tránh căng thẳng tâm lý.
Phương Nguyên, Minh Huy
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?
Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đang dự hội thảo ở Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh bất ngờ đột quỵ xuất huyết não
Đang tham dự hội thảo tại Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh đột ngột đau đầu, lơ mơ, sau khi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa và được chẩn đoán xuất huyết não, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 thì chuyển vào Bệnh viện Chợ rẫy để điều trị.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim