Liệt vận động sau đột quỵ, làm gì để cải thiện?
Đột quỵ (Tai biến mạch máu não) thường gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Theo thống kê, khoảng 30% số người bị tai biến mạch máu não sau đó bị liệt nửa người. Di chứng sau đột quỵ khiến bệnh nhân khó có thể vận động, đi lại được, gây khó khăn trong sinh hoạt.
1. Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thường gặp, ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người trên toàn thế giới. Trong số những người bệnh tai biến mạch máu não, có tới 5 triệu người tử vong và 5 triệu người khác bị tàn tật vĩnh viễn mỗi năm, căn bệnh này trở thành gánh nặng bệnh tật cho toàn cầu.
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 200.000 ca đột quỵ.
Đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nhiều đến những người trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình, đặt gánh nặng lên gia đình và xã hội.
Căn bệnh này thuộc loại đa tàn tật vì ngoài giảm khả năng vận động, người bệnh còn kèm theo nhiều rối loạn về ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, rối loạn tri giác, nhận thức, tâm lý và rối loạn chức năng tùy thuộc mức độ và loại khiếm khuyết tìm thấy trên người bệnh.
2. Liệt vận động sau đột quỵ có triệu chứng ra sao?
Triệu chứng: Tùy theo nguyên nhân liệt nửa người, các triệu chứng có thể biểu hiện ở các mức độ liệt nặng nhẹ khác nhau. Bao gồm:
Liệt: liệt một tay, một chân cùng bên, có thể có liệt mặt cùng bên hoặc đối bên với chi bị liệt. Ban đầu liệt mềm, sau chuyển sang liệt cứng (tổn thương trung ương) với tăng trương lực cơ, phản xạ gân xương, cảm giác. Mẫu co cứng thường xuất hiện ở giai đoạn hồi phục, thể hiện bằng hiện tượng co cứng gấp ở chi trên và co cứng duỗi ở chi dưới.
Rối loạn cảm giác: Tê, đau, rát, giảm hoặc mất cảm giác bên liệt.
Rối loạn tri giác: có thể hôn mê, vật vã, kích thích…
Rối loạn tâm thần: có thể có hoặc không sau khi bị bệnh
Rối loạn ngôn ngữ: tùy vùng não bị tổn thương mà có thể có các rối loạn về ngôn ngữ: thất ngôn, nói khó, nói ngọng, mất khả năng hiểu ngôn ngữ, mất khả năng diễn đạt ngôn ngữ.
Rối loạn thị giác: bán manh (mất một nửa thị trường một hoặc 2 mắt).
Các hậu quả của bất động: có thể có các thương tật thứ cấp như: loét do đè ép, teo cơ,
Cứng khớp, cốt hóa lạc chỗ, huyết khối tĩnh mạch, bội nhiễm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu…
Mẫu co cứng thường gặp
Đầu: Nghiêng sang bên liệt, mặt quay sang bên lành.
Chi trên: Co cứng gấp với:
Xương bả vai bị kéo ra sau, đai vai bị đẩy xuống dưới. Khớp vai khép và xoay trong. Khớp khủy gấp, cẳng tay quay sấp. Khớp cổ tay gấp mặt lòng, hơi nghiêng về phía xương trụ, các ngón tay gấp, khép.
Thân mình: Bị co ngắn và kéo ra sau.
Chi dưới: co cứng duỗi, hông bị kéo lên trên và ra sau. Khớp háng duỗi, khép và xoay trong. Khớp gối và khớp cổ chân duỗi, các ngón chân khép, bàn chân nghiêng trong.
3. Di chứng liệt vận động sau đột quỵ có thường gặp?
Trong số các loại di chứng ở bệnh nhân sau đột quỵ, liệt chức năng vận động là di chứng thường gặp nhất (chiếm tới 90%).
Liệt vận động khiến người bệnh suy giảm hoặc mất khả năng độc lập, phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày, làm giảm khả năng tái hội nhập xã hội của người bệnh. Tuy nhiên, liệt vận động có thể cải thiện được nhờ tập phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ. Đã có rất nhiều bệnh nhân sau đột quỵ não được tập phục hồi chức năng vận động đã đi lại được, có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, cũng như khả năng tái hội nhập cộng đồng.
Xem thêm: Liệt vận động sau đột quỵ: Nguyên nhân và cách cải thiện
4. Hậu quả của liệt vận động sau đột quỵ là gì?
Liệt vận động không chỉ đơn thuần làm giảm hoặc mất khả năng vận động của người bệnh, nó còn kéo theo rất nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của các đối tượng này, nổi bật như:
Bán trật khớp vai: 84% người bệnh bị đau và hạn chế vận động khớp vai sau tai biến mạch máu não bởi bán trật khớp vai, co cứng – cứng khớp vai, viêm quanh khớp vai. Trong đó bán trật khớp vai là tình trạng phổ biến nhất trong nhóm bệnh lý khớp vai ở bệnh nhân tai biến.
Bình thường, khớp vai có tầm vận động lớn hơn các khớp khác trên cơ thể, vì vậy để đảm bảo linh hoạt và ổn định của khớp, đòi hỏi có sự kết hợp tốt của hệ thống xương, dây chằng, và cơ. Khi bệnh nhân bị tai biến, đặc biệt là trong giai đoạn liệt mềm, các cơ vùng quanh khớp vai và hệ thống cơ chi trên bị yếu, kèm theo sức nặng của chi trên làm khớp vai bị lỏng lẻo và trật ra ngoài ổ khớp bán phần hay hoàn toàn, từ đó gây đau, hạn chế tầm vận động khớp và làm chậm hồi phục vận động tay.
Để phòng tránh bán trật khớp vai sau tai biến, người bệnh cần được đeo đai treo vai khi không ở tư thế nằm, và khi chăm sóc không được lôi, kéo tay bị liệt. Tại đơn vị phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ được đánh giá nguy cơ bán trật khớp, tập các bài vận động theo tầm vận động khớp, kèm theo là các phương pháp vật lý trị liệu để làm giảm đau khớp vai, tăng cường tuần hoàn cho vùng cơ quanh khớp, kích thích cơ vùng quanh khớp nhằm tăng cường sức mạnh cơ như biện pháp siêu âm khớp, điện xung kích thích cơ, điện xung giảm đau…
Viêm phổi: Tỷ lệ viêm phổi ở bệnh nhân tai biến có thể gặp từ 6-22%, thường liên quan đến vấn đề rối loạn nuốt, ăn sặc. Tuy nhiên ở các bệnh nhân liệt vận động, nằm lâu, cơ hô hấp yếu có thể dẫn đến viêm phổi hoặc làm viêm phổi nặng hơn, làm chậm thời gian hồi phục, tăng nguy cơ tử vong.
Huyết khối tĩnh mạch: Bình thường, hệ thống tĩnh mạch chi dưới muốn hoạt động tốt cần nhờ vào sự vận động các cơ ở chân, giúp đẩy máu trong hệ thống tĩnh mạch về tim được tốt hơn. Ở bệnh nhân bị liệt vận động, hoạt động này không được diễn ra một cách bình thường do cơ bị yếu hoặc mất vận động, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông trong hệ thống tĩnh mạch, gây tắc mạch chi, từ đó dẫn đến phù chân, đau, hoặc có thể dẫn đến tắc mạch phổi và tử vong.
Đây là một biến chứng nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, để giảm nguy cơ tắc mạch và giảm nguy cơ tử vong do tắc mạch, tăng cường vận động bên liệt là một trong các yếu tố bắt buộc, ngay từ khi bệnh nhân còn trong giai đoạn cấp ở đơn vị cấp cứu.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị teo cơ, cứng khớp, loãng xương do liệt vận động sau tai biến mạch máu não. Các thương tật thứ cấp này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm chậm khả năng hồi phục của người bệnh, và tăng nguy cơ tàn tật ở người bị tai biến.
5. Phục hồi chức năng cho người liệt vận động sau đột quỵ thực hiện ra sao?
Vận động trị liệu
Là một chỉ định điều trị cần thiết nhất cho bệnh nhân liệt vận động từ những ngày đầu tiên sau tai biến khi còn ở các đơn vị hồi sức – cấp cứu để phòng ngừa các bệnh lý thứ phát do liệt có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng như viêm phổi, tắc mạch chi, tắc mạch phổi, làm rút ngắn thời gian điều trị và làm giảm các di chứng kèm theo.
Tùy vào mức độ liệt, loại liệt, khả năng phối hợp của người bệnh mà bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị bằng các bài tập vận động khác nhau:
Tập vận động theo tầm vận động khớp: chủ động hoặc thụ động.
Tập mạnh cơ
Tập dịch chuyển ở tư thế nằm, từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, dịch chuyển sang xe lăn, dịch chuyển trong nhà vệ sinh.
Tập di chuyển: khi cơ thể người bệnh đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển, bệnh nhân sẽ được tập đi và tập dáng đi với các bài tập đi có hỗ trợ của nẹp chân, gậy, khung tập đi, tập leo cầu thang, địa hình phức tạp…
Bài tập thăng bằng khi ngồi, khi đứng
Các bài tập ức chế mẫu co cứng: vì bệnh nhân liệt sau giai đoạn cấp sẽ bắt đầu bị co cứng, khi bị nặng sẽ làm bệnh nhân có bàn chân thuổng gây khó khăn trong việc di chuyển và dễ ngã. Vì vậy các bài tập ức chế mẫu co cứng sẽ trợ giúp cho người bệnh giảm gồng cứng, vận động dễ hơn.
Hoạt động trị liệu
Trong khi vận động trị liệu chú ý đến vấn đề vận động ở chân, khả năng dịch chuyển, khả năng di chuyển và các vấn đề vận động toàn thân để hạn chế biến chứng, hoạt động trị liệu lại tập trung vào các vấn đề vận động ở tay, đặc biệt là khả năng vận động tinh tế của bàn tay và phục hồi khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày đối với bệnh nhân liệt.
Tại đơn vị hoạt động trị liệu, bệnh nhân sẽ được tập các bài tập ức chế co cứng chi trên, bài tập cầm nắm với các vật từ to đến nhỏ, từ nhẹ đến nặng, bài tập kích thích cảm giác.
Tập các chức năng sinh hoạt hàng ngày: tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, chải đầu…), tập sử dụng đũa – thìa – dĩa, tập nấu bếp, tập sử dụng nhà vệ sinh…
Vật lý trị liệu
Điện trị liệu, nhiệt trị liệu và thủy trị liệu trong nhóm vật lý trị liệu đều rất có giá trị đối với bệnh nhân liệt nhằm giảm đau thần kinh, giảm đau khớp, tăng cường sức mạnh cơ, hạn chế biến chứng do liệt.
6. Tập phục hồi chức năng cho người liệt vận động sau đột quỵ mang lại hiệu quả gì?
Theo một nghiên cứu về đánh giá khả năng vận động ở 50 bệnh nhân sau khi trải qua cơn đột quỵ não cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân tự ngồi được chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 6,0%), khoảng 30% người bệnh không tự ngồi được; tự đứng được (18,0%), 54% người bệnh không tự đứng được; người bệnh tự đi được (16,0%) và không tự đi được chiếm tới 64%.
Nhưng nếu được phục hồi chức năng kịp thời và đúng cách, thì khả năng vận động của người bệnh tai biến mạch máu não được cải thiện rõ rệt.
Cụ thể: sau phục hồi chức năng tỷ lệ người bệnh có khả năng tự ngồi dậy tăng lên đáng kể (khoảng 56%) so với trước khi phục hồi chức năng (6%). Khả năng người bệnh tự đứng dậy được cũng tăng lên (khoảng 44%) so với trước khi phục hồi chức năng (18%). Khả năng tự đi lại được sau phục hồi chức năng cũng tăng (khoảng 30%) so với trước khi phục hồi chức năng (16%).
Nhìn chung, chăm sóc phục hồi chức năng giúp người bệnh cải thiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Giảm tỷ lệ người bệnh phải phụ thuộc hoàn toàn từ 74% xuống còn khoảng 50%, tỷ lệ người bệnh có thể sinh hoạt độc lập tăng từ 20% lên 28%.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân liệt vận động sau đột quỵ?
7. Tập phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ ở giai đoạn nào?
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO thì các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não bao gồm:
Giai đoạn cấp và tối cấp: 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ
Bệnh nhân cần được can thiệp sớm, hồi sức tích cực để duy trì sự sống bằng cách đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn trong mức ổn định.
Giai đoạn hồi phục sớm: sau 24 giờ đầu đến 3 tháng đầu sau đột quỵ
Bệnh nhân cần được điều trị nội khoa, kết hợp với tập phục hồi chức năng sớm vì đây là giai đoạn mà cơ thể bệnh nhân có thể phục hồi một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Cần chú ý hạn chế những biến chứng sau đột quỵ não có thể xảy ra như viêm phổi, loét tỳ đè, teo cơ hay cứng khớp do nằm bất động tại giường.
Giai đoạn phục hồi muộn: 3 tháng đến 6 tháng
Tiếp tục tập phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bệnh nhân nhưng nếu thời gian bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não càng chậm thì khả năng phục hồi hoàn toàn càng thấp.
Giai đoạn mãn tính: sau 6 tháng
Bệnh nhân trong tình trạng ổn định, duy trì tập những bài tập phục hồi chức năng tại nhà và tái hòa nhập với gia đình và xã hội.
Phục hồi chức năng được xem là một phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Bệnh nhân bắt đầu tập ở các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não khác nhau thì sẽ đem lại hiệu quả khác nhau, nên tiến hành tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt để có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, phục hồi được những chức năng sống để sinh hoạt và làm việc một cách độc lập nhất có thể, tái hòa nhập với cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình – Phó ban AloBacsi Cộng đồng
- Từ khóa:

Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim