Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian, hãy xử lý đúng để cứu người thân của bạn
Nhằm hưởng ứng Ngày đột quỵ Thế giới, sáng ngày 19/10, Bệnh viện Quân Y 175 đã tổ chức Chương trình tư vấn “Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian, hãy xử lý đúng để cứu người thân của bạn”, góp phần đem đến những kiến thức hữu ích về nhận biết đột quỵ và cách phòng ngừa căn bệnh “tử thần” này.
Chạy đua với thời gian: Cơ hội giành lấy cơ hội sống từ tay “tử thần” đột quỵ
Mở đầu chương trình, Đại tá, TS.BS Nguyễn Việt Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một căn bệnh phổ biến hiện nay, xảy ra ở mọi lứa tuổi, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Ngày nay, cùng với sự phát triển của hệ thống y tế tại Việt Nam, ngày càng có nhiều đơn vị cấp cứu đột quỵ cùng các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến được ra đời, hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Phó giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 chia sẻ: “Trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đột quỵ, chúng tôi nhận thấy vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác giáo dục, truyền thông sức khỏe nhằm giúp cho mọi người biết được các dấu hiệu để phát hiện sớm các cái dấu hiệu của đột quỵ, ghi nhớ “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ, biết được các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ để đưa người bệnh đến đúng nơi và kịp thời.”
Đại tá, TS.BS Nguyễn Việt Cường – Phó giám đốc Bệnh viện Quân Y 175
Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175, trên thế giới có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ mỗi năm, trong đó có 5,5 triệu người tử vong. Hậu quả của những người sống sót sau đột quỵ là vô cùng nặng nề, để lại những khiếm khuyết về mặt vận động, cảm giác, sa sút trí tuệ, tâm thần…
“Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có 200.000 người mắc đột quỵ. Đột quỵ có tỷ lệ hàng đầu trong những nguyên nhân gây ra tử vong tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 29/10 hàng năm đã được Hội Đột quỵ Thế giới chọn làm ngày nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lý đột quỵ.” – ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết.
Chuyên gia nhấn mạnh, để cứu sống người thân bị đột quỵ, mỗi người nên ghi nhớ các triệu chứng cảnh báo đột quỵ bao gồm: đột ngột nói khó, méo miệng và yếu liệt nửa người. Nếu phát hiện người nhà có những triệu chứng trên, người dân cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất có khả năng cứu chữa đột quỵ.
Hơn hết, để phòng ngừa đột quỵ, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa khuyến cáo người dân nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá mỡ, hút thuốc lá và lối sống ít vận động. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện những bất thường như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid, đái tháo đường… có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này, gần như bạn đã có thể phòng ngừa được hơn 90 các loại đột quỵ khác nhau.
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175
Hiện, Bệnh viện Quân y 175 là một trong những đơn vị đã được tổ chức Đột quỵ Thế giới chứng nhận là đơn vị điều trị đột quỵ đạt chuẩn vàng trong nhiều quý liên tục. Nằm trong hệ thống cấp cứu đột quỵ tại khu vực TPHCM, bệnh viện đã tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu, quy trình để đảm bảo việc cứu chữa đột quỵ đạt được kết quả tốt nhất.
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết: “Trong quý tới đây, Bệnh viện Quân y 175 sẽ được tổ chức Đội quỵ Thế giới chứng nhận là đơn vị điều trị đột quỵ đạt chuẩn Bạch kim. Để cứu chữa được một bệnh nhân đột quỵ thành công, ngay khi bệnh nhân đến với cửa khoa cấp cứu, một hệ thống các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa được kích hoạt như chuyên khoa nội thần kinh, chuyên khoa hồi sức cấp cứu, các khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh và hồi sức thần kinh được huy động để đảm bảo quá trình cứu chữa bệnh nhân đột quỵ được diễn ra thông suốt, không có sự chậm trễ về mặt thời gian vì “Thời gian là não”.
Trong chương trình, các chuyên gia đột quỵ cũng nhấn mạnh rằng, khi người dân phát hiện đột quỵ hãy gọi ngay xe cấp cứu, không nên trì hoãn, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt để nhận được sự điều trị kịp thời.
Điều quan trọng là người dân cần xác định vị trí của đơn vị cấp cứu đột quỵ gần nơi ở của mình nhất, đến đúng nơi có khả năng điều trị đột quỵ cấp sẽ giúp tiết kiệm thời gian vàng. Đặc biệt, tuyệt đối không nên áp dụng các biện pháp dân gian truyền miệng hay thông tin trên mạng internet như bấm huyệt, chích ngón tay,… bởi điều đó có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ và danh sách các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ tại TPHCM
Bản đồ các bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ cấp.
Bệnh nhân đột quỵ được điều trị như thế nào tại Bệnh viện Quân y 175?
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một nhóm bệnh lý của mạch máu não. Nhồi máu não là loại đột quỵ thường gặp nhất, trong đó mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi làm chết các tế bào não, từ đó gây hậu quả tàn phế nặng nề và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Đại tá, TS.BS Nguyễn Việt Cường cho biết: “Hiện nay, với sự hình thành ngày càng nhiều các đơn vị cấp cứu đột quỵ cùng các phương pháp điều trị tiên tiến, tỷ lệ tàn phế và tử vong do đột quỵ não đã giảm đáng kể. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ thực hiện được ở các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các chuyên gia về thần kinh mạch máu có kinh nghiệm.
Bệnh viện Quân y 175 là một trong số những bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp nhận và điều trị đột quỵ cho bệnh nhân với đầy đủ phương pháp điều trị, góp phần mang đến cơ hội sống và phục hồi cho các bệnh nhân.”
Khi đến với bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân sẽ được tiếp nhận tại khoa Cấp cứu. Cụ thể, điều dưỡng sẽ ghi nhận các chỉ số sinh tồn như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Kế đến, các bác sĩ sẽ tiến hành xử trí các tình trạng cần cấp cứu ban đầu và nhận diện, đánh giá các tình huống nghi ngờ đột quỵ nhồi máu não cấp.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175
Quy trình đột quỵ cấp sẽ được kích hoạt để thông báo đến các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Bệnh nhân sẽ được tiến hành lấy máu làm xét nghiệm và đặt các đường truyền tĩnh mạch để phục vụ cho việc điều trị. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển ngay đến phòng chụp phim của khoa chẩn đoán hình ảnh.
Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân sẽ được chụp hình ảnh sọ não (CT scan/MRI) để xác định chẩn đoán. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh khi nhận được thông báo sẽ có mặt ngay tại phòng chụp phim để hội chẩn, đánh giá tổn thương não và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Chương trình “Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian, hãy xử lý đúng để cứu người thân của bạn” thu hút gần 200 bệnh nhân và người dân quan tâm đột quỵ đến tham dự.
Đối với những bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4,5 giờ từ khi có biểu hiện đột quỵ, bác sĩ thần kinh sẽ kiểm tra chỉ định và chống chỉ định của thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Đồng thời, các bác sĩ sẽ giải thích nguy cơ, tác dụng phụ và lợi ích của thuốc cho bệnh nhân và thân nhân.
Khi bệnh nhân và thân nhân ký xác nhận đồng ý về phương pháp điều trị, điều dưỡng sẽ tiến hành bơm vào đường truyền tĩnh mạch một lượng thuốc tiêu huyết khối và duy trì lượng thuốc còn lại qua bơm tiêm tự động.
Ngay sau khi bơm thuốc, bệnh nhân sẽ được chụp phim mạch máu não để kiểm tra. Trong trường hợp không ghi nhận tắc nghẽn các mạch máu lớn bệnh nhân sẽ được chuyển vào phòng hồi sức của đơn vị đột quỵ khoa nội thần kinh để theo dõi và điều trị nội khoa. Ngược lại, nếu có sự tắc nghẽn mạch máu lớn, bác sĩ thần kinh sẽ hội chẩn với các bác sĩ can thiệp để đưa ra quyết định can thiệp mạch máu não (DSA) để lấy huyết khối bằng dụng cụ.
Đối với những trường hợp đến bệnh viện sau thời gian 4.5 giờ từ lúc có biểu hiện đột quỵ, bệnh nhân sẽ được chụp hình ảnh học để đánh giá thương não và hình ảnh mạch máu não. Dựa vào kết quả hình ảnh chụp sọ não, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân.
Cụ thể, nếu có chỉ định can thiệp mạch máu não, bác sĩ can thiệp sẽ tham gia hội chẩn để lên kế hoạch điều trị, giải thích cho thân nhân, bệnh nhân. Điều trị lấy huyết khối sẽ được tiến hành ngay sau khi có được sự đồng thuận từ người nhà bệnh nhân. Nếu không còn chỉ định can thiệp mạch não, bệnh nhân sẽ được chuyển vào khoa nội thần kinh để các bác sĩ chuyên khoa xây dựng kế hoạch tư vấn và điều trị.
Anh Thi – Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- bệnh viện quân y 175
- Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian
- Đại tá
- đột quỵ não
- Phó giám đốc Bệnh viện Quân Y 175
- tai biến mạch máu não
- ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa
- TS.BS Nguyễn Việt Cường
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?
Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đang dự hội thảo ở Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh bất ngờ đột quỵ xuất huyết não
Đang tham dự hội thảo tại Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh đột ngột đau đầu, lơ mơ, sau khi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa và được chẩn đoán xuất huyết não, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 thì chuyển vào Bệnh viện Chợ rẫy để điều trị.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim