Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch vành
Benhdotquy.net ghi nhận thông tin từ buổi livestream S.I.S Vì sức khỏe cộng đồng (lần 9) với chủ đề: “Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch vành”.

1. Bệnh mạch vành là gì và nguyên nhân nào gây ra căn bệnh này?
Bệnh mạch vành là một căn bệnh hết sức nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm cho tim mạch, thậm chí tử vong. Xin BS cho biết, bệnh mạch vành là gì và nguyên nhân nào gây ra căn bệnh này ạ?
BS.CKI Trần Ái Thanh :
Hiện nay bệnh tim mạch rất phổ biến, trong đó bệnh động mạch vành chiếm phần lớn. Theo khảo sát cách đây khoảng 20 năm ở Việt Nam có khoảng 30% bệnh nhân tử vong liên quan tới bệnh mạch vành. Ở những nước đang phát triển và những nước phát triển có khoảng 1/3 dân số tử vong là liên quan đến căn bệnh này.
Bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh động mạch vành. “Động mạch” có nghĩa là mạch máu nằm trên cơ tim và nuôi trái tim của chúng ta, mạch máu này có vai trò vận chuyển oxi, vận chuyển các chất dinh dưỡng. Khi thành mạch máu bị tổn thương 90% nguyên nhân của tổn thương này là do xơ vữa, lắng động của cholesterol trên thành mạch dẫn đến bệnh mạch vành. 10% còn lại có thể do viêm nhiễm, do dị dạng mạch vành hoặc chấn thương.
Trong máu chúng ta có một lượng cholesterol gọi nôm na là mỡ khi lượng mỡ trong máu cao sẽ lắng đọng lên thành mạch, cộng với quá trình viêm kéo dài và sự lắng đọng của canxi sẽ tạo thành mảng xơ vữa. Khi mảng xơ vữa này hình thành, qua thời gian sẽ tăng lên về kích thước nếu kích thước vượt quá 50% đường kính lồng mạch sẽ bắt đầu xuất hiện ra tình trạng gọi là thiếu máu cơ tim. Nghĩa là lượng máu đi qua vùng hẹp sẽ giảm đi, dẫn đến chuyện tưới máu bị giảm. Từ đó một số vùng của cơ tim sẽ thiếu chất dinh dưỡng, thiếu oxi và bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau ngực khi bệnh nhân gắng sức.
Nguyên nhân chính là sự lắng đọng của cholesterol trên thành mạch. Khi lượng mỡ trong máu lắng đọng, cộng với sự vôi hóa lắng đọng canxi và một quá trình viêm nhiễm kéo dài mãn tính, lòng mạch sẽ giảm về kích thước, sẽ nhỏ lại. Theo tiến triển của bệnh nếu mảng xơ vữa tiến triển dần lên, trên 50% sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu máu cơ tim đau ngực. Nếu diễn tiến xa hơn có thể lên đến 70, 80, 90% hậu quả cuối cùng là bệnh nhân bị suy tim, loạn nhịp tim.
Trong một quá trình, tốc độ diễn tiến đột ngột tăng lên do một nguyên nhân nào đó hoặc có hiện tượng đứt gãy, vỡ mãng, xơ vữa. Lượng máu trong lòng mạch có tiểu cầu, khi thành phần tiểu cầu lắng động lại sẽ tạo thành một cục huyết khối. Nếu huyết khối gây bít tắc lòng mạch sẽ xảy ra hiện tượng gọi là thiếu máu cấp tính của cơ tim, dẫn đến hàng loạt các tế bào cơ tim chết rất nhiều.
Lúc đó gọi là hiện tượng hội chứng mạch vành cấp mà chúng ta hay gọi là nhồi máu cơ tim hay cơn đau thắt ngực không ổn định. Bệnh này rất nguy hiểm, kết quả có thể dẫn đến bệnh nhân sẽ bị suy tim, phù phổi, rối loạn nhiệt, thậm chí thủng tim và nặng hơn có thể là bệnh nhân tử vong.
2. Bệnh động mạch vành thường có biểu hiện như thế nào?
Một số người thường than vãn hay đau ở ngực nhưng chỉ là cơn đau thoáng qua, không biết đây có phải là biểu hiện của căn bệnh này không. Xin BS cho biết bệnh động mạch vành thường có biểu hiện ra sao và làm thế nào để có thể sớm phát hiện sớm căn bệnh này ạ?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh:
Bệnh động mạch vành có biểu hiện rất đa dạng tùy vào thể bệnh. Đó là bệnh mạch vành cấp hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định hay thể bệnh, bệnh động mạch vành mạn, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn.
Đau ngực là một triệu chứng điển hình và cũng rất quan trọng để giúp chẩn đoán bệnh nhân có bệnh động mạch vành. Đau ngực có triệu chứng đau, cảm giác nè nặng, căn tức sau xương ức hoặc vùng giữa ngực, tim bên trái. Đôi lúc bệnh nhân sẽ đau lan đến vùng thượng vị hoặc có thể lan ra sau lưng rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý ở dạ dày hoặc bệnh lý gồm cột sống nếu có đau lói ra sau lưng.
Triệu chứng đau ngực thường diễn ra khoảng vài phút cho đến 10-15 phút, thường ít khi kéo dài quá 20 phút đối với bệnh động mạch mạn. Nếu bệnh nhân có biến cố nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không ổn định, có thể triệu chứng này sẽ kéo dài hơn trên 20 phút.
Triệu chứng đau ngực của bệnh mạch vành sẽ giảm sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc uống thuốc giảm đau ngực như nitrat.
Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh động mạch vành cấp bệnh nhân sẽ không giảm khi nghỉ ngơi hoặc uống thuốc.
Một số bệnh nhân như người lớn tuổi hoặc phụ nữ, đặc biệt trên bệnh nhân đái tháo đường triệu chứng đau ngực thường không xuất hiện. Thay vào đó sẽ có những biểu hiện như khó thở, mệt khi gắng sức hoặc đau ngực, khó thở khi làm những công việc nặng hoặc stress, kích thích cảm xúc nhiều bệnh nhân cũng sẽ xuất hiện triệu chứng mệt.
Đối với một số người có thể không gặp triệu chứng, đây thường gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ thầm lặng. Đối với những bệnh nhân này chúng ta sẽ có biện pháp để tầm soát cũng như chẩn đoán bệnh.
Khi bắt đầu đau ngực tốt nhất phải nghỉ ngơi, tuyệt đối không làm việc nặng hoặc gắng sức. Đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Bệnh động mạch vành có di truyền không và đối tượng nào sẽ dễ mắc bệnh?
Bệnh tim mạch thường có sự di truyền như cha mẹ mắc bệnh thì con cái cũng sẽ mắc bệnh, vậy thì không biết điều này có đúng không ạ? Xin BS có thể cho biết, đối với bệnh động mạch vành thường có sự di truyền không ạ? Và những ai dễ mắc phải căn bệnh này ạ?
BS.CKI Trần Ái Thanh :
Hiện tại chưa tìm được gen quy định bệnh xơ vữa động mạch vành. Nhưng nếu khảo sát sâu hơn, nhận thấy đối với những người trong cùng một gia đình chẳng hạn như cha mẹ, anh em cùng huyết thống có mắc bệnh động mạch vành, đặc biệt là cha mẹ hoặc anh em mắc bệnh mạch vành sớm (mẹ trước 65 tuổi hoặc ba trước 55 tuổi) khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn những người bình thường từ 40 – 60%.
Có một số yếu tố liên quan đến bệnh xơ vữa mạch vành, các cái yếu tố chính chẳng hạn như:
– Bệnh nhân bị tăng huyết áp
– Đái tháo đường
– Rối loạn mỡ máu
– Bệnh nhân có hút thuốc lá aaa
Ngoài bốn yếu tố chính còn một số yếu tố phụ khác chẳng hạn như:
– Độ tuổi: Càng lớn tuổi khả năng mắc bệnh xơ vữa mạch vành cao.
– Cân nặng: Những người béo phì khả năng mắc bệnh mạch vành cao hơn.
– Chế độ sinh hoạt: Ít vận động, ăn nhiều chất béo, ăn nhiều những thức ăn chế biến sẵn, có nhiều muối.
– Trong cuộc sống bị căng thẳng, áp lực lâu ngày bị stress.
– Một số bệnh đi kèm như rối loạn mỡ máu có yếu tố gia đình.
– Một số bệnh như: Suy thận mạn, bệnh hệ thống miễn dịch như bệnh lupus, bệnh viêm đa khớp hoặc suy giáp là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh lý mạch vành diễn tiến nhanh.

4. Có các phương pháp nào để chẩn đoán xác định bệnh động mạch?
Vậy hiện nay có các phương pháp nào để chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh:
Đối với những bệnh nhân có triệu chứng đau ngực phải đến gặp bác sĩ ngay để bác sĩ có thể chẩn đoán. Nếu là triệu chứng đau ngực điển hình kiểu mạch vành sẽ cần làm thêm những xét nghiệm cận lâm sàng để phục vụ cho chẩn đoán bao gồm:
– Đo điện tim xem có bị nhồi máu cơ tim cấp hay là chỉ là bệnh thiếu máu cơ tim.
– Cần phải làm các xét nghiệm sinh hóa máu và các chất chỉ điểm sinh học của tăng men tim để dự đoán bệnh nhân có mắc hội chứng động mạch vành cấp hay không.
– Siêu âm tim để đánh giá chức năng tim và đánh giá rối loạn vận động vùng trong trường hợp thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim cấp
– Các biện pháp gắng sức bao gồm: Siêu âm tim gắng sức và điện tâm đồ gắng sức. Đối với những bệnh nhân trên siêu âm tim thường và điện tim thường không có dấu hiệu thiếu máu cơ tim để phát hiện sớm thiếu máu tim thầm lặng.
– Các biện pháp chuyên sâu hơn bao gồm: Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành hoặc MRI tim để khảo sát mạch máu tim xem mức độ hẹp bao nhiêu và chức năng tim đáp ứng với thiếu máu cục bộ cơ tim như thế nào.
– DSA động mạch vành hay còn gọi là chụp động mạch vành qua da qua đường ống thông thì đây là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán chính xác nhất mức độ hẹp của mạch vành cũng như đánh giá sự tưới máu của động mạch vành.
>> Khi nào người bệnh tim cần làm nghiệm pháp gắng sức?
5. Điều trị bệnh động mạch vành như thế nào?
Có thể thấy các phương pháp chẩn đoán ngày nay rất hiện đại. Thưa BS hiện nay việc điều trị bệnh động mạch vành ra sao ạ?
BS.CKI Trần Ái Thanh :
Về vấn đề chuẩn đoán bệnh mạch vành hiện tại ở Bệnh viện S.I.S, khi bệnh nhân vào, sau khi thăm khám được khai thác các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ khám thực thể như nghe tim, nghe âm thổi tâm thu và các xét nghiệm thông thường như điện tim hoặc siêu âm tim.
Khi đó bác sĩ sẽ có bước đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành. Nếu đánh giá yếu tố nguy cơ cao, bệnh viện sẽ tiến hành cho bệnh nhân chạy gắng sức hoặc chụp cắt lớp vi tính động mạch vành.
Khi phát hiện những bệnh lý về mạch vành, xơ vữa và đủ tiêu chuẩn để can thiệp bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân thể nhập viện, chụp DSA mạch vành.
Về phương pháp điều trị hiện nay, có ba phương pháp chính:
– Thứ nhất là phương pháp dùng thuốc.
– Thứ hai là phương pháp là nong mạch vành qua da.
– Thứ ba là phương pháp mổ bắc cầu mạch vành.
Phương pháp dùng thuốc hay bất kỳ phương pháp nào trong điều trị mạch vành mục đích là nhằm tăng cường sự tưới máu của mạch vành cho những nơi thiếu hụt. Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh của bệnh nhân bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.
Về vấn đề dùng thuốc sẽ sử dụng suốt đời vì bệnh lý xơ vữa mạch vành không thể biến mất mà phải điều trị dai dẳng và lâu dài. Ngoài biện pháp dùng thuốc bệnh nhân phải thay đổi lối sống như:
– Có lối sống tích cực, lành mạnh.
– Hạn chế những chất mỡ, thức ăn bảo hòa quá nhiều dầu mỡ.
– Hạn chế hút thuốc lá.
– Ăn nhiều trái cây, ăn nhiều rau.
– Tập thể dục.
– Giảm stress.
Đây là biện pháp điều trị song hành với tất cả những biện pháp điều trị hiện nay. Là biện pháp không thể thiếu dù bệnh nhân chọn lựa bất kỳ phương pháp điều trị nào của bác sĩ.
>> Xem thêm: Sống chung hoà bình với bệnh động mạch vành thế nào?
5.1 Điều trị bằng thuốc
Hiện nay có một số nhóm thuốc để điều trị bệnh lý mạch vành.
– Đầu tiên là nhóm kháng kết tập tiểu cầu. Trong máu chúng ta có một hệ thống gọi là hệ thống đông máu, tại đó tiểu cầu đóng vai trò rất quan trọng, giúp hình thành cục máu đông làm kết dính lại tạo thành cục máu để ngưng hiện tượng chảy máu. Trong cơ chế của bệnh lý mạch vành, do hiện tượng xơ vữa mạch vành làm mạch vành bị hẹp. Khi có hiện tượng đứt gãy, vỡ mảng xơ vữa các tiểu cầu sẽ đến bám vào để tạo thành một cục huyết khối. Chính vì vậy sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẽn nên phải sử dụng kháng kết tập tiểu cầu nhằm mục đích làm giảm sự kết dính tiểu cầu, hạn chế sự tạo thành huyết khối ngay chỗ mảng bám xơ vữa. Trong đó gồm có những thuốc như: Aspirin hay Clopidogrel, Ticagrelor bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân uống.
– Thứ hai là thuốc giảm mỡ máu làm kháng viêm, giảm mảng xơ vữa mạch vành. Bác sĩ sẽ sử dụng những nhóm thuốc như nhóm Statin hoặc phối hợp thêm những nhóm khác như Ezetimibe (nếu cần thiết).
– Nhóm thuốc giúp làm giảm các triệu chứng đau ngực, làm giãn động mạch vành để giúp hiện tượng tưới máu được tốt hơn. Trong đó gồm những thuốc như ức chế beta hoặc là ức chế canxi và một số thuốc giúp các tế bào cơ tim chuyển quá tốt hơn như trimetazidine.
Ngoài ra phải điều trị thêm những bệnh đồng mắc khác như bệnh cao huyết áp sẽ sử dụng thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể và đồng thời điều trị những bệnh lý về đái tháo đường, sử dụng thuốc hạ đường huyết để làm giảm nồng độ đường xuống. Vì khi nồng độ đường cao sẽ làm cho tế bào bị ngộ độc và đặc biệt là tế bào trong thành nội mạch sẽ bị tổn thương rất nặng. Do đó chuyện điều chỉnh đường huyết ở mức độ ổn định là điều cần thiết trong điều trị bệnh lý xơ vữa mạch vành.
5.2 Can thiệp mạch vành qua da
Bác sĩ sẽ dùng một giá đỡ bằng kim loại đưa vào chỗ hẹp của mạch máu và nong ra, khi đó sẽ giữ cố định chỗ hẹp không bị tái hẹp.
Phương pháp này được lựa chọn khi
– Bệnh nhân điều trị về nội khoa, điều trị về thuốc đã tối ưu, điều trị tất cả các thuốc nhưng tình trạng đau ngực vẫn không cải thiện.
– Trong một số trường hợp như bệnh lý về mạch máu, mạch vành, những mạch lớn gọi là hẹp thân chung động mạch vành hoặc hẹp nhiều nhánh động mạch vành.
5.3 Phẫu thuật bắc cầu mạch vành
Nghĩa là sẽ dùng một đoạn mạch máu bắc qua nơi hẹp và máu sẽ cung cấp đến nơi phía sau giúp máu nuôi cơ tim tốt hơn. Phương pháp này được chọn lựa khi:
– Các phương pháp nong mạch vành thất bại.
– Những trường hợp không thể nong mạch.
Với kỹ thuật hiện nay, phương pháp nong mạch vành qua da bằng cách đặt stent được chọn lựa rất phổ biến. Vì những kỹ thuật đặt stent hiện tại rất tốt về nguyên liệu, công nghệ và có thể tráng một lớp phủ thuốc để chống tắc nghẽn stent.
6. Có những lời khuyên nào dành cho bệnh nhân đã đặt stent?
Đối với những bệnh nhân đã đặt stent, bác sĩ có đưa ra lời khuyên nào để cho bệnh nhân có thể sống vui khỏe với căn bệnh này không thưa bác sĩ
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh:
Ưu điểm của việc điều trị stent trên bệnh nhân là giải quyết được mảng xơ vữa, nong chỗ hẹp đó ra để đường máu cung cấp máu tới tim có thể thông thoáng hơn. Tuy nhiên không phải đặt stent là bệnh nhân không cần uống thuốc, điều trị nội khoa vẫn là nền tảng của điều trị thiếu máu tim, bệnh nhân bắt buộc phải uống thuốc suốt đời.
Sau khi đặt stent tuỳ mức độ và tùy thể bệnh của bệnh nhân là nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn. Bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc 6 tháng hoặc 12 tháng nhưng tối ưu là 12 tháng. Trong 12 tháng này, bệnh nhân phải được theo dõi liên tục để uống thuốc chống kết tập tiểu cầu kép. Sau đó sẽ giảm một loại và uống thuốc chống kết tập tiểu cầu suốt đời.
Đối với những bệnh nhân này phải điều trị nội khoa tối ưu sau khi đặt stent, kèm theo dự phòng những biến chứng có thể xảy ra như suy tim, rối loạn nhịp. Đối với những bệnh nhân đã mắc suy tim hoặc rối loạn nhịp phải điều trị tối ưu để tránh các biến chứng làm giảm nguy cơ tử vong vì bệnh nhân nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim vẫn có tỷ lệ phần trăm rối loạn nhịp tim hoặc suy tim cấp.
Việc tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn, không ngưng thuốc và điều trị tốt các bệnh kèm theo như tiểu đường, huyết áp, rối loạn lipid máu sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chức năng tim và tốt hơn sau đặt stent.
Kèm theo đó là điều chỉnh lối sống, phải có một lối sống thật tốt. Hạn chế mỡ, hạn chế thuốc lá hoặc giảm cân đối với những bệnh nhân thừa cân béo phì sẽ giúp tiên lượng sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện nhiều hơn.
>> Xem thêm: Sau khi đặt stent mạch vành, bệnh nhân cần làm gì để tránh nguy cơ tắc stent?

7. Cách phòng ngừa bệnh động mạch vành và khi nào cần tầm soát bệnh?
Thưa bác sĩ, không biết là việc phòng ngừa với căn bệnh này ra sao và khi nào bệnh nhân nên đi tầm soát căn bệnh này?
BS.CKI Trần Ái Thanh:
Có rất nhiều yếu tố tác động vào bệnh lý mạch vành để gây ra mảng xơ vữa, làm tăng kích thước mảng xơ vữa. Chúng ta sẽ chia ra 2 yếu tố là những yếu tố thay đổi được và những yếu tố không thay đổi được.
Những yếu tố không thay đổi được, chẳng hạn như:
– Tuổi: theo sinh lý mạch máu, càng lớn tuổi sẽ càng xơ vữa. Do đó người càng lớn tuổi khả năng mắc bệnh mạch vành càng cao.
– Yếu tố gia đình: Trong gia đình có anh em hoặc ba mẹ là những người mắc bệnh mạch vành sớm, chúng ta sẽ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành sớm.
– Yếu tố về chủng tộc.
Những yếu tố thay đổi được, phải xem xét đến vấn đề phòng ngừa tiên phát, khi bệnh chưa diễn ra chúng ta phải phòng từ xa để không mắc bệnh xơ vữa mạch vành.
Phòng ngừa thứ phát của bệnh mạch vành: sau khi bệnh nhân đã phát hiện mắc bệnh xơ vữa mạch vành phải phòng ngừa không để bệnh diễn tiến nặng hơn và xảy ra những biến chứng. Để có hiệu quả, tốt nhất chúng ta nên:
– Đi khám định kỳ và làm một số xét nghiệm để phát hiện những yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Chẳng hạn như đo điện tim, đo huyết áp, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm về đường huyết.
– Thay đổi lối sống là một phòng ngừa tiên phát và đó là những yếu tố mà chúng ta có thể khắc phục được.
– Về vấn đề ăn uống: Ăn những thức ăn, trái cây tươi, trái cây có nhiều màu sắc, ăn rau. Giảm thức ăn đóng hộp sẵn, những thức ăn có nhiều muối hoặc có độ mỡ bão hòa cao như thịt có màu quá đỏ (thịt bò, thịt heo). Có thể thay bằng những thức ăn như cá hoặc thịt màu trắng.
– Phải tập thể dục, vận động: Theo khuyến cáo tốt nhất nên đi bộ 30 phút/ngày. Hình thức vận động tùy vào điều kiện, có thể đi bộ, đạp xe đạp hoặc chạy bộ, bơi lội.
– Theo khuyến cáo, nếu bạn hút thuốc thì nên ngưng ngay: Ngưng hút thuốc lá sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
– Nên hạn chế uống rượu.
– Cố gắng giữ đừng để cân nặng, chỉ số khối cơ thể (PMI) quá 23.
– Điều trị một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh đồng mắc: Nếu có bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận mạn phải điều trị tích cực và theo dõi.
Hồng Yến (ghi) – Benhdotquy.net

Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim