Người đặt máy tạo nhịp tim vận động, thể dục sao cho an toàn?
Người đặt máy tạo nhịp tim vận động, thể dục sao cho an toàn, có được leo cầu thang bộ không, có thể làm được công việc gì… là những thắc mắc của bạn đọc Benhdotquy.net được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.
1. Người đặt máy tạo nhịp tim đa số ở độ tuổi nào?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Dựa vào chỉ định đặt máy tạo nhịp hiện nay, chủ yếu áp dụng cho những bệnh lý như suy nút xoang, block tim, suy tim mức độ nặng, rung nhĩ… theo đó đối tượng đặt máy tạo nhịp tim đa số ở độ tuổi trên 50.
Ngoài ra, vẫn có trường hợp trẻ em cần đặt máy tạo nhịp nhưng đa số là đặt máy tạo nhịp tạm thời do viêm cơ tim, trong phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh.
>> Xem thêm: Máy tạo nhịp tim hoạt động thế nào, ai cần đặt máy tạo nhịp?
2. Sau ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim, mất bao lâu họ trở lại sinh hoạt thường ngày?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được đưa về khoa phòng. Bệnh nhân được yêu cầu nằm trên giường trong vài giờ trước khi có thể ngồi dậy để ăn uống. Tuy nhiên, bệnh nhân cần bất động vai đặt máy 24 giờ sau thủ thuật, có thể gập khuỷu tay.
Sau 24 giờ thì có thể cử động phần cánh tay bên dưới vai đặt máy, tuy nhiên không giơ cánh tay này qua khỏi vai (không đưa tay quá đầu) trong vòng 2 tuần sau đặt máy.
Trong vòng 4 tuần đầu thì cánh tay bên đặt máy không được nâng vật nặng quá 5 kg. Nhìn chung là mất khoảng 4 tuần để bệnh nhân trở lại sinh hoạt thường ngày sau đặt máy, vì đây là thời gian trung bình để các dây dẫn của máy tạo nhịp ở trong tim được dính chặt vào.

3. Người đặt máy tạo nhịp tim có thể tiếp tục công việc trước đây không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Chỉ định đặt máy tạo nhịp là một chỉ định đặc biệt, khi mà rối loạn nhịp nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân hay nguy cơ xảy ra biến chứng cao (suy tim, ngưng tim, đột quỵ).
Điều này có nghĩa là bệnh nhân có bệnh lý cần đến bước phải đặt máy tạo nhịp thì đa phần là không thể hoạt động ở mức gắng sức như mong muốn được, và họ cần điều trị để có thể được làm việc – sinh hoạt như người cùng lứa tuổi cùng giới bình thường khác.
Công việc của những bệnh nhân có chỉ định đặt máy tạo nhịp đa phần là nhẹ nhàng. Nói cách khác, việc điều trị bệnh bằng hướng đặt máy tạo nhịp đem lại sức khỏe tốt hơn cho người bệnh, tăng khả năng gắng sức sau điều trị, người bệnh không phải chuyển sang một công việc nhẹ nhàng hơn nữa so với trước đó.
Tuy nhiên, người bệnh sau đặt máy tạo nhịp cần tránh làm việc ở nơi có các máy móc, thiết bị và môi trường có cường độ dòng điện cao, từ trường mạnh hay lưu lại lâu tại khu vực có tháp truyền tín hiệu, anten, có thể gây tình trạng shock điện và gây nhiễu cho máy điều chỉnh nhịp tim.
4. Người đặt máy tạo nhịp cần lưu ý gì khi đi xe máy?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Ô tô, tàu hỏa không ảnh hưởng đến sức khỏe người đặt máy tạo nhịp và họ có thể tham gia giao thông bằng xe máy như những người bình thường khác.
5. Người đặt máy tạo nhịp tim có đi thang bộ được không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Khả năng leo cầu thang bộ phụ thuộc chính yếu vào hệ cơ xương khớp và sức co bóp của cơ tim (mức độ suy tim).
Người đặt máy tạo nhịp tim không có khuyến cáo hạn chế leo cầu thang, leo được đến đâu phụ thuộc vào mức độ suy tim trước và sau đặt máy (việc đặt máy tạo nhịp có cải thiện mức độ suy tim của bệnh nhân).
6. Những môn thể dục nào phù hợp với người đặt máy tạo nhịp tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Những môn thể dục thể thao phù hợp với người đặt máy tạo nhịp là đi bộ, cầu lông, bóng bàn, khí công…
7. Người đặt máy tạo nhịp tim cần tránh môn thể dục nào?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Người đặt máy tạo nhịp tim được khuyến cáo chơi các môn thể thao nhẹ nhàng, không có tính đối kháng (đá banh, bóng bầu dục, võ thuật…) và không sử dụng lực mạnh từ cánh tay (như tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bơi, cử tạ…).
8. Người đặt máy tạo nhịp tim có cần hạn chế quan hệ tình dục hay không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Người đặt máy tạo nhịp tim không có khuyến cáo hạn chế quan hệ tình dục. Nhu cầu và khả năng thực hiện quan hệ tình dục chủ yếu phụ thuộc và mức độ suy tim của bệnh nhân, việc đặt máy tạo nhịp không can dự vào chuyện này.
9. Những triệu chứng bất thường nào bệnh nhân cần ngưng vận động, nên gặp bác sĩ ngay?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Tức ngực, khó thở, chóng mặt, tăng cân và phù nề chân tay,… là những dấu hiệu bất thường mà người đặt máy tạo nhịp cần chú ý. Khi có các triệu chứng này, người đặt máy tạo nhịp cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch của mình sớm nhất có thể.
10. Lưu ý của BS dành cho người đặt máy tạo nhịp tim để họ vận động an toàn?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân có máy tạo nhịp tim sẽ cần lưu ý những điều sau:
- Trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được cấp thẻ chứng nhận máy tạo nhịp tim, trong đó có ghi tên bệnh nhân và các chi tiết về hiệu máy và kiểu máy. Bệnh nhân nên luôn mang thẻ bên mình vì trong trường hợp cấp cứu sẽ làm giảm được thời gian khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân, cũng như tìm hiểu thông số máy tạo nhịp tim, bác sĩ sẽ có hướng xử trí kịp thời.
- Bệnh nhân cần ăn theo nguyên tắc ít muối, ít mỡ và ít tinh bột. Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá,…
- Đến cơ sở y tế ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: tức ngực, khó thở, chóng mặt, tăng cân và phù nề chân tay,… là những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.
- Không nên tiếp xúc lâu với một số thiết bị như: Điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy dò kim loại, máy chụp cộng hưởng từ, máy phát điện, dây điện cao thế, điều trị bằng sóng cao tần,… Những thiết bị này có thể làm gián đoạn các tín hiệu điện của máy tạo nhịp, hoạt động của máy sẽ không được chính xác.
- Tránh đè tay lên vị trí cấy máy đo nhịp tim: Phụ nữ nên có một miếng lót nhỏ đệm giữa vết rạch da với dây đeo áo ngực.
- Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ như: đi bộ, cầu lông, bóng bàn, khí công… Người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động bình thường như những người cùng độ tuổi khác. Tuy nhiên không tập quá sức, ngừng tập nếu thấy mệt. Vận động phù hợp sẽ giúp bệnh nhân khỏe hơn.
Benhdotquy.net

Sự gia tăng đột quỵ đáng lo ngại ở người trẻ
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa với các con số đáng báo động trong thời gian gần đây tại nhiều cơ sở y tế cấp cứu đột quỵ trên cả nước. Mỗi năm có thêm 200.000 người Việt mắc bệnh này và số trường hợp tử vong do đột quỵ là 11.000 người. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Các chuyên gia nói gì về điều này?
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Hướng dẫn cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ngoài cộng đồng
Sơ cứu đột quỵ tại chỗ đảm bảo an toàn cho người bệnh trước khi nhận được sự can thiệp từ đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các phương pháp sơ cứu đúng cách. Trong video dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ hướng dẫn các phương pháp sơ cứu đúng cách nếu gặp trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim