Lọc máu có giúp phòng tránh đột quỵ?

Lọc máu là kỹ thuật khá phổ biến trong điều trị các bệnh suy thận, suy gan nặng, ngộ độc cấp tính. Tuy nhiên, phương pháp này trong phòng ngừa đột quỵ có thật sự hiệu quả hay không? Câu hỏi này đã được TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ giải đáp.

05-08-2023 17:54
Theo dõi trên |

Lọc máu là kỹ thuật gì, thực hiện thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Thời gian gần đây, một số đơn vị nói về kỹ thuật lọc máu trong việc phòng ngừa và dự phòng đột quỵ. Việc sử dụng một thiết bị bên ngoài để loại bỏ các chất độc, tạp chất trong cơ thể thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận nặng, thường áp dụng là lọc thận. 

Khi cơ thể không đào thải được chất độc, máy lọc thận sẽ hỗ trợ làm nhiệm vụ này. Nguyên lý thực hiện cho việc này là máu từ trong cơ thể được đưa qua ống dẫn đi qua hệ thống màng lọc rồi trở về lại cơ thể. 

Với những người suy thận mạn, phải được thực hiện lọc thận định kỳ. Trong đó, người bệnh nên lọc hàng tuần khi chức năng thận còn hoạt động được hoặc định kỳ vài ngày, cách ngày nếu thận mất khả năng hoạt động. 

Theo nguyên lý đó, hiện nay có rất nhiều loại máy lọc máu có thể loại bỏ những chất độc khác như: mỡ máu hay một số trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc, trường hợp bệnh nhân suy thận cấp, nhiễm trùng nặng, ngộ độc cấp… 

Một số trường hợp suy tạng, suy đa tạng, suy đa cơ quan hoặc bệnh nhân hôn mê kéo dài, cơ thể chúng ta không thể đào thải tất cả những chất cặn bã, chất độc thì lọc máu sẽ thay thế nhiệm vụ đó trong thời gian ngắn. 

Các bệnh viện lớn áp dụng lọc máu cho bệnh nhân như thế nào, tại Bệnh viện S.I.S có áp dụng lọc máu cho bệnh nhân đột quỵ không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đa phần, tại các bệnh viện lớn đều có các thiết bị lọc máu, nhưng không khuyến cáo bệnh nhân thực hiện lọc máu để phòng ngừa đột quỵ. Kỹ thuật này chỉ sử dụng cho những bệnh nhân có tổn thương gan, thận nặng cấp tính. 

Trong một giai đoạn ngắn, khi bệnh nhân bị đột quỵ, sau đó ngưng tim, ngưng thở, ngưng tuần hoàn trong một thời gian thì cơ thể chúng ta bị nhiễm chất độc quá nhiều như: nhiễm toan, suy thận cấp, có rất nhiều chất độc tích tụ trong người. Lúc này, chúng ta có thể sử dụng hệ thống lọc máu để đào thải chất độc cho bệnh nhân, việc lọc máu này có thể kéo dài 1-2 ngày, thậm chí 1 tuần tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân. 

Một điều cần nhấn mạnh là không có chỉ định lọc máu cho việc điều trị dự phòng đột quỵ. Kể cả tại bệnh viện S.I.S, có đầy đủ tất cả các trang thiết bị, máy móc, phương pháp tái thông mạch máu trong điều trị đột quỵ cấp cứu. 

Lọc máu chỉ là một phương pháp hỗ trợ loại bỏ chất độc trong thời gian bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính, ngưng tim, ngưng thở, rối loạn chuyển hóa nặng hoặc sốc nhiễm trùng nặng.  

“Xin khẳng định là không thể thực hiện lọc máu để phòng ngừa đột quỵ!”, TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Người có mỡ máu, chức năng gan thận bình thường có nguy cơ đột quỵ không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hàng đầu trong cộng đồng Việt Nam chúng ta là tình trạng hút thuốc lá và việc tiêu thụ rượu bia quá nhiều. 

Vấn đề rất đáng báo động là việc hút thuốc lá, nhiều người hút thuốc lá từ khi còn rất trẻ cho đến năm 40 tuổi thì bệnh nhân bị đột quỵ. Tình trạng này đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. 

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có chức năng gan, thận, mỡ máu hoàn toàn bình thường nhưng vẫn bị đột quỵ, vì uống rượu bia. Điều đó cho thấy, trong trường hợp bệnh nhân không có mỡ máu cao, nếu bệnh nhân lấy lý do đó để phòng ngừa đột quỵ thì hoàn toàn không có tác dụng. 

Bởi vì trên kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có tình trạng mỡ máu bình thường, công thức máu bình thường, không có tiểu đường, không tăng huyết áp, không hút thuốc lá. Bệnh nhân chỉ đơn thuần là sử dụng rượu bia. 

Ví dụ, một trường hợp bệnh nhân khoảng 40 tuổi, trung bình  một tuần, người bệnh tiêu thụ 1 thùng bia (khoảng 24 lon bia), bệnh nhân đột quỵ và bị yếu liệt nửa người bên phải.

Một số yếu tố nguy cơ khác như bệnh lý tiểu đường, bệnh lý mỡ máu cao cũng chiếm một phần. Ngoài ra, còn các yếu tố về tuổi tác, dị dạng mạch máu não… cũng có thể là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây nên vấn đề đột quỵ xuất huyết não mà việc lọc máu hoàn toàn không có tác dụng cho những bệnh nhân này.

Yếu tố môi trường như tiếp xúc hóa chất độc hại, phân bón, thuốc trừ sâu quá nhiều hoặc kim loại nặng như chì, thủy ngân trong quá trình làm việc. Những ai làm việc trong ngành công nghiệp kim loại nặng, công nghiệp nặng cũng cần lưu ý. Đó là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể dẫn đến đột quỵ 

Yếu tố tuổi tác là nguy cơ không thể thay đổi được. Đây là một trong những nguy cơ hàng đầu, tuổi càng lớn thì nguy cơ càng cao. 

Tăng huyết áp là trường hợp quan trọng và phổ biến trong cộng đồng, một trong những yếu tố nguy cơ “như hình với bóng” đối với xuất huyết não. Số lượng bệnh nhân tăng huyết áp trong cộng đồng càng nhiều, bệnh nhân không kiểm soát được mức huyết áp ổn định thì nguy cơ đột quỵ sẽ gia tăng.

Đó là tất cả những nguy cơ gây đột quỵ hàng đầu và không phải riêng mỡ máu mới dẫn đến đột quỵ. 

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác do điều trị dùng thuốc kháng đông vẫn có thể dẫn đến một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị xuất huyết não. Một số bệnh lý tim mạch kèm theo như rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, đa hồng cầu, ung thư… cũng có thể dẫn đến đột quỵ. 

 Người mắc bệnh mỡ máu cao có thể đột quỵ trong trường hợp nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Bản thân người mắc mỡ máu cao sẽ không dẫn đến đột quỵ nếu bệnh nhân kịp thời điều trị, phát hiện và kiểm soát các nguy cơ kèm theo. 

Đối với mỡ máu cao chỉ có thể kết luận làm gia tăng tổn thương thành mạch và gia tăng hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ đột quỵ về lâu dài. 

 Việc điều trị tăng mỡ máu cần được phối hợp tất cả các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Bởi vì đa số bệnh nhân mỡ máu cao thường có các vấn đề đi kèm như: thừa cân, béo phì, chế độ ăn không hợp lý hoặc một số các bệnh lý như tiểu đường, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều. Đa số các trường hợp không chỉ đơn thuần là yếu tố mỡ máu cao mà dẫn đến đột quỵ

 Việc mỡ máu cao quá mức có thể làm cho bệnh nhân có những tổn thương gan, thận trong một thời gian cấp tính. Ví dụ như viêm tụy cấp, thì việc chỉ định lọc máu trên bệnh nhân này không phải dự phòng đột quỵ mà là để cấp cứu. 

 Khi lọc máu cho bệnh nhân trong tình huống này phải thực hiện ở khoa hồi sức cấp cứu, không tiến hành tại phòng khám đa khoa, cơ sở y tế không có đầy đủ những phương tiện cấp cứu hồi sức như máy thở, máy mê, những phương tiện hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn trong trường hợp bệnh nhân suy gan, suy thận cấp hay suy đa cơ quan để loại bỏ chất độc một cách nhanh chóng.

 Việc lọc mỡ máu để phòng ngừa đột quỵ như lời quảng cáo có khả thi?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Việc lọc máu phòng ngừa đột quỵ hiện nay là một trong các mục tiêu khoa học kỹ thuật, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật lọc máu để loại bỏ các chất không không mong muốn như mỡ máu và một số thành phần khác. 

Tuy nhiên, việc lọc máu để phòng ngừa đột quỵ là không hợp lý đối với một bệnh cảnh chung. Bởi vì đột quỵ do rất nhiều nguyên nhân như do hình thành cục máu đông, tăng huyết áp, hẹp động mạch nội sọ. Thậm chí, một số trường hợp do hình thành cục máu đông nội sinh như từ tim do bệnh lý rung nhĩ.  

Còn với mục tiêu của quá trình lọc máu, phần lớn các trường hợp hiện nay theo thông tin được đăng tải chỉ để loại bỏ chất độc thông thường, mà đa số trường hợp cơ thể có thể tự đào thải mà không cần máy lọc. 

Nếu đưa ra lý thuyết lọc máu để loại bỏ một số thành phần mỡ máu sẽ có khả thi. Tuy nhiên, trong vấn đề đạt được mục tiêu phòng ngừa đột quỵ theo mong muốn của bệnh nhân hoặc một số thông tin từ nhà quảng cáo là không hợp lý và hoàn toàn không đạt được hiệu quả lâu dài.

Bởi vì, với việc điều trị mỡ máu là thường xuyên và phải phối hợp rất nhiều loại thuốc, chế độ ăn uống, vận động, tập luyện mới có thể duy trì hiệu quả lâu dài. 

Trong trường hợp bệnh nhân suy gan không đào thải được các loại mỡ máu, thay thế bằng lọc máu thì chỉ sử dụng cho những bệnh nhân xơ gan nặng. Trong trường hợp đó, thực hiện lọc máu không phải để phòng ngừa đột quỵ mà để thực hiện đào thải chất độc trong cơ thể ra khỏi vòng tuần hoàn.

Liệu bệnh nhân suy gan thận, họ vẫn muốn lọc máu để ngừa đột quỵ thì có phải chỉ lọc một lần là khỏe?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Với thông tin lọc máu cho bệnh nhân suy gan suy thận, trường hợp này bệnh nhân phải theo dõi tại các khoa Hồi sức tích cực, không thể lọc máu tại phòng khám đa khoa để có thể loại bỏ chất độc trong thời gian rất ngắn.

Bởi vì trong một thời gian rất ngắn, những bệnh nhân bị suy gan, suy thận nặng, cần có những điều trị đặc hiệu về gan. Thậm chí, một số trường hợp cần có ghép gan hoặc điều trị chuyên biệt, chuyên khoa về gan.

Còn trong trường hợp bệnh nhân suy thận nặng, nếu như đến một mức độ quá nặng cần lọc máu định kỳ, thì đây cũng không phải một phương pháp được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân một lần sẽ khỏi. 

Việc lọc thận định kỳ cần thực hiện lâu dài cho những bệnh nhân suy thận mạn hoặc có những phương pháp khác để điều trị. Nếu có thể, bệnh nhân phải được ghép thận mới có thể giải quyết vấn đề căn nguyên cho bệnh nhân, không thể lọc máu mỗi ngày theo phương pháp này để đơn thuần là loại bỏ mỡ máu.

Trong trường hợp bệnh nhân suy thận, suy gan, chúng ta phải sử dụng rất nhiều màng lọc đặc biệt để loại bỏ được toàn bộ chất độc trong cơ thể bệnh nhân chứ không phải đơn thuần chỉ là loại bỏ mỡ máu đã có thể giải quyết việc phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân.

Trong bệnh cảnh nặng như vậy, không có bằng chứng, cơ sở khoa học chứng minh việc loại bỏ mỡ máu đơn thuần mà bệnh nhân suy gan, suy thận có thể làm bệnh nhân khỏe hơn.

Tuy nhiên, trong cộng đồng, đa số những trường hợp mà chúng ta nghe qua truyền thông hoặc trên các chỉ định trị mỡ máu. Đa số các trường hợp này cần xem lại chức năng gan, chức năng thận của bệnh nhân, trong đa số các trường hợp thì vẫn còn đủ chức năng để loại bỏ chất độc cũng như các chức năng để chuyển hóa thuốc làm gia tăng đào thải mỡ máu, kiểm soát được mỡ máu trong đa số các trường hợp được chỉ định tại phòng khám.  

Bệnh nhân không nên quá bi quan khi trong tình trạng suy thận, suy gan nhẹ, chưa đánh giá chức năng thận một cách đầy đủ, Chỉ trường hợp suy thận, suy gan nặng mới làm ảnh hưởng.

Lọc máu có gây hại cho bệnh nhân đột quỵ không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Giả sử một bệnh nhân đang có dị tật, dị dạng mạch máu não trong đầu hoặc bệnh nhân đang có mang một túi phình mạch máu não, nếu chúng ta không điều trị túi phình mà đưa bệnh nhân đi lọc máu vì lý do mỡ máu cao, không may trong thời gian lọc máu, chúng ta sử dụng heparin cho bệnh nhân. Đây là loại thuốc kháng đông bắt buộc phải sử dụng trong quá trình lọc máu. Vô tình chúng ta đã làm tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, đây là điều vô cùng nguy hiểm. Thậm chí trong một số trường hợp bệnh nhân đang lọc máu mà tình trạng đột quỵ xảy ra.

Nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng hẹp động mạch nội sọ, thiếu máu lên não mà chúng ta dẫn một lượng máu của bệnh nhân ra ngoài cơ thể, qua máy, qua hệ thống màng lọc sau đó trả về vòng tuần hoàn thì phần nào làm chậm vòng tuần hoàn của bệnh nhân. 

Có nghĩa, thay vì lượng máu đưa thẳng lên cơ thể thì nó được chia sẻ vào hệ thống máy lọc và sau đó mới trở lại vòng tuần hoàn. Đó là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng bệnh nhân có nguy cơ bị thiếu máu não khi lọc máu để điều trị bệnh lý nguy hiểm. Vấn đề này cần chỉ định thận trọng

 Minh Anh (ghi) – benhdotquy.net

 

  • Từ khóa:
Quảng cáo

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ