Khoảnh khắc người phụ nữ bị đột quỵ dù 30 giây trước vẫn đi lại bình thường: Vì sao đột quỵ đáng sợ như vậy?

Cư dân mạng đang truyền tay nhau một đoạn clip dài 40 giây, ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ đang đi lại dưới sảnh một tòa nhà, tuy nhiên khi chị dừng lại chờ thang máy chưa được bao lâu thì bị đột quỵ, ngã khuỵu xuống đất.

13-12-2021 09:07
Theo dõi trên |

Bên dưới bài đăng, nhiều cộng đồng mạng bày tỏ rất nhiều nỗi lo lắng cho tính mạng của người phụ nữ trên. Bên cạnh đó, có không ít người chia sẻ rằng bản thân thật sự sợ hãi trước căn bệnh đột quỵ, bởi 30 giây trước người phụ nữ trên còn bước đi rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, nửa giây sau cơn đột quỵ đã xảy ra.


Hình ảnh từ camera ghi lại, chỉ vài giây trước người phụ nữ vẫn rảo bước về phía trước để mở cửa thì bỗng nhiên đổ ập xuống

Đột quỵ ở người trẻ gia tăng

Thực tế, nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu những căn bệnh khác như ung thư sẽ còn cho người bệnh còn cơ hội tìm kiếm các bệnh viện trong và ngoài nước để điều trị. Nhưng với đột quỵ cần tiết kiệm từng giây phút, như chắt chiu cơ hội để người bệnh được cứu sống và khả năng phục hồi sau đó. Trong đột quỵ, thời gian là vàng, càng đến sớm, càng có cơ hội được cứu sống.

Theo thống kê, trên thế giới hằng năm có khoảng 15 triệu người đột quỵ, trong đó Việt Nam có 200.000 ca. Trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có một người tử vong.

Theo TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ gia tăng rất nhanh. Hiện nay bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi đã chiếm 5% trong số bệnh nhân đột quỵ. Nếu bỏ qua việc điều trị đột quỵ vì COVID-19, số lượng tử vong sẽ tăng cao trong tương lai.

Dấu hiệu phổ biến nhận diện đột quỵ

Nếu bạn không chú tâm đến sức khỏe của mình sẽ rất khó để nhận diện dấu hiệu đột quỵ. Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

– Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Đột quỵ, đến bệnh viện càng nhanh càng tốt

Đột quỵ nguy hiểm và việc sơ cứu đúng cách đóng vai trò quan trọng, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về điều này, dẫn đến áp dụng các biện pháp truyền miệng không có chứng cứ khoa học, nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

Khi gặp một người bị đột quỵ, hãy gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4,5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch; nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.

Trong quá trình chờ xe, nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, nôn mửa, cần đặt bệnh nhân ở tư thế hồi sức. Đầu tiên, bạn quỳ xuống một bên của nạn nhân, sửa tay phía bạn vuông góc. Bước hai, kéo tay bên kia của nạn nhân đặt lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Bước ba, kéo chân co lên, để lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Giữ tư thế đó và kéo nạn nhân quay về phía bạn là hoàn thành tư thế hồi sức. Nếu bệnh nhân tỉnh, hỗ trợ bệnh nhân nằm thoải mái, theo dõi liên tục.

Không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay… Không chờ đợi bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng hai triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với ba năm rưỡi.

Hồng Anh

  • Từ khóa:
Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp nam bệnh nhân người Nhật đến tái khám lần hai nhưng tình trạng huyết áp không hề thay đổi so với lần đầu khám tại đây (150/100 mmHg), người bệnh không tuân thủ điều trị, không tái khám định kỳ, tự ý bỏ thuốc. Bác sĩ cảnh báo các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải nếu tiếp tục tình trạng này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ