Đột quỵ do xơ vữa động mạch, làm thế nào để phòng ngừa?

Xơ vữa động mạch là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên có thể xảy ra ở người trẻ. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, đột quỵ.

28-08-2023 10:00
Theo dõi trên |

1. Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là tình trạng hẹp lòng các động mạch trong cơ thể do quá trình lắng đọng các chất béo, chất thải của tế bào và canxi ở trong thành động mạch. Động mạch là những mạch máu được xem như những ống dẫn mang máu từ tim đến những phần còn lại của cơ thể.

Xơ vữa động mạch là quá trình phức tạp, diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, có thể bắt đầu vào thời thơ ấu và tiến triển dần theo tuổi. Các yếu tố nguy cơ thường gặp của xơ vữa động mạch là lớn tuổi, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động thể lực, tiền căn gia đình bệnh tim mạch sớm …

2. Nhóm người nào có nguy cơ bị xơ vữa động mạch?

Nguyên nhân chính xác gây ra xơ vữa động mạch vẫn chưa được biết đến. Nhưng có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định làm tăng khả năng bị xơ vữa động mạch.

Các yếu tố nguy cơ này thường liên kết với nhau, bao gồm: những người trên 55 tuổi, nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới, phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh có nguy cơ tương đương nam giới, tiền sử gia đình có người bị xơ vữa động mạch, những người hút thuốc lá, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít vận động, thường xuyên căng thẳng tâm lý, nồng độ axit uric máu cao, ăn nhiều muối, chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hoà.

3. Triệu chứng của xơ vữa động mạch là gì?

Chỉ khi mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch ở một mức độ nào đó mới gây ra triệu chứng. Trước đó, xơ vữa động mạch ít khi được chẩn đoán trừ khi khám sức khỏe vì một nguyên nhân bệnh lý khác.

Phụ thuộc vào vị trí động mạch bị xơ vữa mà nó có các biểu hiện như sau:

Xơ vữa động mạch não: thường gặp là xơ vữa động mạch não giữa. Giai đoạn đầu thiếu máu não gây rối loạn chức năng hưng phấn và ức chế. Sau đó gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nặng nhất là tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu cục bộ. Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm tàn tật và tử vong.

Xơ vữa động mạch mắt: thiếu máu nuôi võng mạc gây rối loạn thị lực, giảm thị lực và mù lòa.

Xơ vữa động mạch cảnh: khi xơ vữa hẹp dưới 70% thường không gây triệu chứng. Khi hẹp 70-99% gây ra các triệu chứng thần kinh nặng nề.

Xơ vữa động mạch mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới, động mạch thượng vị (các động mạch cung cấp máu cho ruột): gây thiếu máu, loét, thủng, rối loạn chức năng vùng nuôi dưỡng tương ứng. Triệu chứng: đau dữ dội sau bữa ăn, sụt cân và tiêu chảy.

Xơ vữa động mạch thận: gây hẹp động mạch thận. Ban đầu không có triệu chứng, khi bệnh nặng gây tăng huyết áp, cực kỳ mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sưng bàn tay hoặc chân. Ở bệnh nhân tăng huyết áp thường dẫn đến suy thận.

Xơ vữa động mạch vành: thường động mạch vành trái xơ vữa nhiều hơn động mạch vành phải. Gây ra cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Các triệu chứng thường gặp: đau thắt ngực, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, cực kỳ mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn.

Xơ vữa động mạch chủ: gây phình hoặc phình bóc tách động mạch chủ. Nặng nhất là gây vỡ động mạch chủ dẫn đến tử vong.

Xơ vữa động mạch chi dưới: gây cơn đau cách hồi, nhức, nặng và chuột rút ở chân khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Nặng hơn gây hoại tử đầu chi.

Xem thêm: Xơ vữa động mạch có thể gây đột quỵ: Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

4. Xơ vữa động mạch nguy hiểm như thế nào?

Mảng xơ vữa thường xuất hiện tại 3 vị trí chính là động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại biên, gây các hậu quả khác nhau.

Hệ thống động mạch vành cung cấp máu giàu oxy nuôi tim. Mảng xơ vữa ở động mạch vành có thể gây ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Hệ thống động mạch cảnh cung cấp máu giàu oxy nuôi não. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc động mạch này sẽ gây ra đột quỵ và có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn.

Hệ thống động mạch ngoại biên cung cấp máu giàu oxy nuôi các cơ quan như tay chân và vùng chậu. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch ngoại biên có thể dẫn đến đoạn chi (cắt cụt chi).

5. Tại sao xơ vữa động mạch có thể gây đột quỵ?

Đột quỵ có hai loại chính: nhồi máu não và xuất huyết não. Nếu như xuất huyết não gây ra bởi vỡ các động mạch trong não thì nhồi máu não là tình trạng động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Nhồi máu não thường gây ra do cục máu đông hình thành làm tắc nghẽn động mạch não hoặc cục máu đông di chuyển từ tim đến não. Hầu hết đột quỵ (khoảng 82-92 %) là dạng nhồi máu não và đa số gây ra do xơ vữa động mạch.

Lớp áo trong của động mạch có thể bị tổn thương do nồng độ cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc lá, đường huyết cao… Khi tổn thương lớp áo trong, quá trình xơ vữa động mạch bắt đầu và hình thành mảng xơ vữa. Chất béo, cholesterol, mảnh vụn tế vào và canxi tích tụ ở thành động mạch. Các chất này có thể kích thích các tế bào của thành động mạch sản xuất thêm các chất khác dẫn tới sự hấp dẫn và lắng đọng ngày một nhiều mảng xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm đường kích lòng động mạch ngày càng hẹp dần và giảm dòng máu cung cấp oxy cho các tế bào não ở vùng tương ứng do động mạch đó cấp máu.

Đột quỵ có thể xảy ra khi mảng xơ vữa ở động mạch cảnh và động mạch trong sọ suy yếu và nứt vỡ. Mảng xơ vữa nứt vỡ gây ra hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng động mạch, không cung cấp đủ máu và oxy cho các tế bào não, dẫn đến các tế bào não chết đi và biểu hiện triệu chứng đột quỵ ở người bệnh. Nếu vùng nhồi máu não có diện tích rộng có thể chuyển dạng sang xuất huyết não.

6. Phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân xơ vữa động mạch như thế nào?

Khoảng 80% đột quỵ có thể phòng ngừa được. Giảm các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống, duy trì cân nặng lý tưởng, kiểm soát huyết áp, mỡ máu và đường huyết và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể bảo vệ não của bạn giảm nguy cơ đột quỵ do xơ vữa động mạch.

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Hít khói thuốc lá từ những người hút thải ra cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngưng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình xơ vữa động mạch. Bạn cần quyết tâm bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá nếu không phải là người hút thuốc. Đối với người nghiện thuốc lá, bác sĩ có thể kê đơn các sản phẩm thay thế nicotin và dùng thuốc hỗ trợ cai nghiện thành công.

Tiết chế bia rượu

Uống nhiều bia rượu có thể làm tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu đối với nữ. Điều đó có nghĩa một ngày nam giới không nên uống quá 2 lon bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh; còn nữ giới thì không uống quá một nửa số lượng đó.

Xem thêm: Xơ vữa động mạch và Đột quỵ: Làm thế nào mảng bám dư thừa có thể gây ra đột quỵ

Tập thể dục

Hoạt động thể lực thường xuyên giúp cải thiện cân nặng, huyết áp, mỡ máu và đường huyết, từ đó giảm xơ vữa động mạch. Các hiệp hội chuyên ngành khuyến cáo, mỗi người cần vận động cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần). Bạn có thể chọn lựa chế độ luyện tập phù hợp với khả năng gắng sức của mình, bắt đầu từ các hoạt động cơ bắp như đi bộ nhanh. Ngoài lợi ích về thể chất, tập thể dục đều đặn thường xuyên sẽ giúp bạn tự tin hơn và có trạng thái tinh thần tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ ăn lành mạnh có thể giảm nguy cơ đột quỵ, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu và cân nặng. Bạn hãy ăn nhiều rau quả (200 gram/ngày), trái cây tươi (200 gram/ngày) và ngũ cốc mỗi ngày, chọn thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều cá (ít nhất 1-2 lần/tuần). Chế độ ăn nhiều chất béo cần được giảm bằng cách giảm sử dụng mỡ động vật, bơ thực vật, sữa béo nguyên kem, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách …), thức ăn chiên rán sẵn, thức ăn nhanh …

Bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, các chất đường ngọt như đường mía, mật, mứt, kem, sôcôla, bánh ngọt, kẹo, trái cây khô, trái cây ngọt (nho, xoài, nhãn, sầu riêng …), nước ngọt …

Lượng muối ăn vào được khuyến cáo dưới 6 gram/ngày (tương đương một muỗng nhỏ). Bạn có thể thực hiện chế độ giảm ăn mặn bằng cách giảm sử dụng thức ăn chế biến sẵn, chọn lựa thực phẩm tươi, không nêm mặn khi nấu ăn, hạn chế chấm thêm muối, nước chấm như nước mắm, nước tương khi ăn. Bạn cần biết cách đọc lượng muối natri (sodium) ghi trên nhãn các sản phẩm: nên chọn các thực phẩm có hàm lượng muối rất thấp (< 35 mg) hoặc không thêm muối trong quá trình sản xuất (trên nhãn thực phẩm được sản xuất ở nước ngoài có dòng chữ Unsalted”, “No added salt hoặc Without added salt).

Duy trì cân nặng lý tưởng

Béo phì làm gia tăng tiến trình xơ vữa động mạch và mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu thừa cân, béo phì, bạn cần giảm cân bằng chế độ ăn thích hợp, hoạt động thể lực và đôi khi cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt chỉ số khối cơ thể ở mức bình thường. Chỉ số khối cơ thể được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Người Châu Á – Thái Bình Dương có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường khi trị số này nằm trong khoảng 18,5 – 22,9.

Kiểm soát huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Nếu không được kiểm soát tốt, tăng huyết áp có thể gia tăng 4-6 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân tăng huyết áp cần được giảm huyết áp xuống dưới trị số 140/90 mmHg bằng cách dùng thuốc hạ áp và điều chỉnh lối sống như giảm ăn mặn, tập thể dục, không hút thuốc lá, tiết chế rượu bia, hạn chế căng thẳng, lo âu…

Kiểm soát đường huyết

Đái tháo đường có thể gia tăng 2 – 4 lần nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân đái tháo đường cần được kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu bằng thuốc, chế độ ăn và vận động thể lực. Nếu chưa mắc đái tháo đường, bạn cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát đái tháo đường.

Kiểm soát mỡ máu

Quá nhiều mỡ xấu có thể làm tiến triển xơ vữa động mạch, dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Giữ các trị số mỡ máu của bạn trong giới hạn bình thường bằng chế độ ăn, tập thể dục và thuốc hạ mỡ máu.

Sử dụng thuốc

Để phòng ngừa tiên phát đột quỵ, bác sĩ có thể xem xét kê đơn aspirin cho một số người lớn 40 – 70 tuổi có nguy cơ tim mạch cao nhưng nguy cơ xuất huyết thấp khi dùng thuốc này. Nếu bạn đã bị đột quỵ, hãy nhớ sử dụng đều đặn thuốc để phòng ngừa thứ phát. Các nghiên cứu ghi nhận ít nhất 25% bệnh nhân đột quỵ ngưng sử dụng một hoặc nhiều thuốc trong vòng 3 tháng. Điều này thực sự nguy hiểm vì bạn có thể tái phát đột quỵ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình – Phó ban AloBacsi Cộng đồng

  • Từ khóa:
Quảng cáo
Tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ?

Tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ?

Chào BS,

Tôi nghe nói bệnh đột quỵ dễ tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc là khi tắm. Do công việc nên tôi thường tắm trễ, sau 11 giờ. Xin BS tư vấn cho tôi biết chi tiết, nên tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ? Cảm ơn BS.

laduc…@gmail.com

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ