Vật lý trị liệu sau đột quỵ: tập khi nào, vì sao cần thiết?
Benhdotquy.net ghi nhận thông tin từ buổi livestream S.I.S Vì sức khỏe cộng đồng (lần 8) với chủ đề: “Vai trò của vật lý trị liệu sau đột quỵ”.

1. Bệnh nhân sau đột quỵ thường gặp phải những di chứng gì?
Việc phục hồi chức năng của người bệnh sau đột quỵ có thể nói là rất cần thiết và vô cùng quan trọng đối với người bệnh và đặc biệt là đối với những người thân bệnh nhân. Thưa TS.BS Trần Chí Cường, xin BS cho biết những bệnh nhân sau đột quỵ thường gặp phải những di chứng gì? (1p30s)
TS.BS Trần Chí Cường:
Bệnh nhân sau khi đột quỵ một số trường hợp may mắn phục hồi, có thể trở lại công việc bình thường. Tuy nhiên đó là một trong những trường hợp rất hiếm và tỷ lệ không bao giờ vượt quá 30%.
Trong mọi điều kiện chúng ta điều trị tốt nhất cho bệnh nhân thì mới đạt được con số đó.
– Bệnh nhân phải đến trong thời gian vàng.
– Phải được điều trị đúng bằng những phương pháp tối ưu nhất.
– Vị trí mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ không vượt quá giới hạn có thể cứu chữa được.
Ví dụ trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu lớn, đến muộn trong khoảng thời gian ngoài cửa sổ giờ vàng (sau 6 giờ) thì ít nhiều cũng sẽ để lại di chứng, thậm chí rất nhiều trường hợp tử vong. Trong tuần qua bệnh viện chỉ cấp cứu được 17% bệnh nhân đến trong thời gian vàng, phần lớn các trường hợp là đến trễ.
Có một quy tắc chung là tùy thuộc vào vị trí tổn thương của hệ thần kinh mà sẽ để lại các di chứng sau:
– Nếu vị trí đột quỵ nằm ở dây thần kinh vận động: ít nhiều sẽ có những khiếm khuyến về vận động như yếu liệt nửa bên, thậm chí trường hợp nặng sẽ yếu liệt cả tứ chi.
– Tổn thương dây thần kinh cảm giác: bệnh nhân có thể mất cảm giác một vùng trong cơ thể hoặc tê nửa người liên tục.
– Trong một số trường hợp vùng tổn thương não nằm ở vị trí dây thần kinh nuốt: bệnh nhân sau đột quỵ không thể nuốt được và không thể nói được.
– Trường hợp vị trí tổn thương nằm ở vùng kiểm soát đi tiêu đi tiểu: bệnh nhân có thể đi tiêu đi tiểu mất kiểm soát.
– Để lại những tổn thương về tinh thần: Làm cho người bệnh đa số bị trầm cảm, rối loạn sinh lý, rối loạn tâm thần sau đột quỵ rất khó hội nhập với xã hội.
Ngoài ra vấn đề dự hậu nghiêm trọng có thể làm bệnh nhân bị đời sống thực vật nằm một chỗ, ăn uống mất kiểm soát, tiêu tiểu tại chỗ, chỉ biết cảm giác đau, không có bất kỳ một tiếp xúc nào với xã hội.
Đó là những di chứng để lại, gây tàn phế rất nặng mà bệnh nhân có thể gặp sau khi bị đột quỵ.

2. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau đột quỵ có vai trò như thế nào?
Thưa BS Nguyễn Hữu Thơ, xin BS cho biết vai trò của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau khi bị đột quỵ là như thế nào ạ?
BS Nguyễn Hữu Thơ:
Từ khi bệnh nhân sau đột quỵ nằm ở khoa hồi sức đã thể hiện được vai trò của vật lý trị liệu qua các bài tập vận động, bài tập hô hấp giúp bệnh nhân giữ vững thăng bằng, giữ vững các nhóm cơ.
Sau khi xuất viện sự thăng bằng và hô hấp của bệnh nhân sẽ tốt hơn, tránh các yếu tố lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và gia đình.
Ngoài ra vật lý trị liệu như bài tập vận động các nhóm cơ do tổn thương thần kinh sẽ điều trị hỗ trợ một số các bệnh lý do di chứng đột quỵ. Các tổn thương liệt nửa người cần phải hỗ trợ vật lý trị liệu kết hợp một số phương pháp như vận động trị liệu, điện xung để giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động, kích thích vùng tổn thương não.
Sau giai đoạn phục hồi bệnh nhân sẽ lấy lại khả năng, kỹ năng của bản thân trước khi đột quỵ.
3. Sau đột quỵ bao lâu có thể tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng?
BS cho em hỏi, sau khi bị đột quỵ bao lâu có thể bắt đầu tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng và tập trong bao lâu mới thấy rõ hiệu quả ạ? (Lê Lavendo Trân)
BS Nguyễn Hữu Thơ:
Sau khi bị đột quỵ quá trình tiếp cận và phục hồi chức năng khởi động càng sớm càng hiệu quả.
Sau 24 giờ nếu tình trạng bệnh nhân đã ổn có thể áp dụng tập cho bệnh nhân sớm để giúp phục hồi và kích thích, phần não tổn thương sẽ được hỗ trợ từ phần não không tổn thương. Bệnh nhân sau khi được hỗ trợ vật lý trị liệu sớm, tiếp cận các phương pháp sẽ phục hồi tốt hơn và để lại di chứng ít hơn.
4. Tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có những thiết bị, máy móc gì?
BS Nguyễn Hữu Thơ:
Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sử dụng phương pháp vật lý trị liệu như laser năng lượng cao, từ trường siêu dẫn, sóng xung kích, sóng siêu âm, điện xung kết hợp đa mô thức để hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân. Một số trường hợp bệnh nhân phục hồi, lấy lại kỹ năng tốt hơn và gần như không để lại di chứng.
– Từ trường siêu dẫn: Có tác dụng kích thích co giãn cơ liên tục giúp bệnh nhân phục hồi nhóm cơ sau khi bị liệt, hồi phục khả năng vận động. Kích thích vùng tổn thương não giúp bệnh nhân phục hồi thần kinh tốt hơn.
– Laser năng lượng cao: Với năng lượng 12W sẽ giúp mô cơ thần kinh của bệnh nhân phản ứng nhiệt sinh học giúp phục hồi khả năng vận động và kích thích lên não từ đó phục hồi tốt hơn.
– Điện xung: Giúp kích thích cơ, kích thích mạch máu để nuôi dưỡng các nhóm cơ tránh teo cơ và cứng khớp.

5. Người bệnh đang trong tình trạng hôn mê hoặc thở máy oxy có thể tập vật lý trị liệu không?
Chào BS, cho em hỏi đối với người bệnh đang trong tình trạng hôn mê hoặc thở máy oxi có thể tập vật lý trị liệu được không ạ (Nguyễn Tín)
BS Nguyễn Hữu Thơ:
Khi bệnh nhân trong giai đoạn thở máy, tạm qua cơn nguy kịch sẽ được tiếp cận vật lý trị liệu sớm để giúp phục hồi khả năng về các cơ hô hấp.
Nếu trong quá trình thở máy bệnh nhân không được tập vật lý trị liệu thì các cơ hô hấp, cơ gian sườn sau khi xuất viện sẽ khó hoạt động, khiến cho việc giữ thăng bằng bị hạn chế.
Nên hỗ trợ các cơ vận động như tập vận động tứ chi để bệnh nhân không bị teo cơ, cứng khớp và không để lại biến chứng do di chứng của đột quỵ.
6. Vật lý trị liệu có điều trị được tình trạng rối loạn nuốt ở bệnh nhân đột quỵ?
Sau đột quỵ bị rối loạn nuốt, không nuốt được, không uống nước được vậy tập vật lý trị liệu có điều trị được tình trạng này không thưa BS? (Lê Lê)
BS Nguyễn Hữu Thơ:
Đa phần bệnh nhân sau đột quỵ sẽ có rối loạn vận động và rối loạn nuốt khiến họ ăn uống khó khăn. Chuyên khoa âm ngữ trị liệu sẽ có phương pháp để hỗ trợ tập và hướng dẫn cho người nhà tập cho bệnh nhân.
Rối loạn nuốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình dinh dưỡng nên cần hỗ trợ cho bệnh nhân ăn trong giai đoạn chưa tỉnh. Sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch phải hỗ trợ các bài tập về nuốt.
Khi người nhà hoặc bác sĩ về âm ngữ trị liệu hướng dẫn tập nuốt, nên hạn chế cho bệnh nhân uống nước vì dễ gây sặc. Cơ nuốt của bệnh nhân chưa khép mở nắp thanh môn vững nên phải tập nuốt và tập ăn từ từ như cháo, súp kết dính sẽ giúp cơ nuốt của bệnh nhân mau phục hồi hơn, tránh tình trạng hít sặc gây viêm phổi rất nguy hiểm.
TS.BS Trần Chí Cường:
Rối loạn nuốt sau đột quỵ gặp khá nhiều và liên quan đến sự điều hành của não ảnh hưởng đến các dây thần kinh, liên quan đến vận động các cơ tại chỗ vùng hầu họng. Bệnh nhân tổn thương vùng vận ngôn (trung tâm ngôn ngữ/bán cầu trái) sẽ ảnh hưởng vấn đề nuốt và nói nhiều hơn so với bệnh nhân sau đột quỵ bị tổn thương bán cầu phải.
Tùy theo mức độ rối loạn nuốt mà bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập khác nhau. Đặc biệt trong giai đoạn đầu nếu bệnh nhân bị hôn mê, nuốt kém các bác sĩ sẽ nuôi ăn bằng ống, có thể đặt sonde dạ dày, thậm chí mở dạ dày nuôi ăn trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nuốt kéo dài.
Người nhà phải được nhân viên y tế hướng dẫn rất kỹ nếu một trường hợp rối loạn nuốt nặng không cho ăn đúng cách sẽ rất dễ bị viêm phổi hít. Nghĩa là các thức ăn chúng ta đưa vào bệnh nhân không nuốt được sẽ gây sặc vào phổi và có thể dẫn đến tử vong do bị tắc nghẽn đường thở cấp tính.
Hồng Yến – Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ
- Phục hồi chức năng sau đột quỵ
- S.I.S vì sức khỏe cộng đồng
- Vật lý trị liệu sau đột quỵ

Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại
Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
TOP 6 bài tập giúp giảm cholesterol
Cholesterol (hay mỡ máu) làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Bạn có thể tham khảo các bài tập sau để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý trên, bảo vệ sức khỏe.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim