Chia sẻ của TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực về ca bệnh trên, khối phình động mạch cảnh của bệnh nhân bắt đầu rỉ máu dọa vỡ. Đây là nguyên nhân khiến lượng máu lên não bị chặn gần hết, gây chóng mặt do thiếu máu não thoáng qua. Nếu không can thiệp kịp thời, khối phình vỡ, dẫn tới đột quỵ.
Ekip bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật “2 trong 1” – Phối hợp can thiệp và phẫu thuật mạch máu để xử lý khối phình động mạch cảnh (Ảnh: BV)
Trường hợp của bệnh nhân phức tạp, bác sĩ kết hợp hai phương pháp trong cùng một ca mổ, gọi là kỹ thuật Hybrid. Phẫu thuật Hybrid gồm mổ kết hợp đặt stent để tái thông động mạch cảnh, giúp lưu thông dòng máu lên não cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Dũng, đây là kỹ thuật phù hợp nhất để điều trị cho trường hợp này giúp bác sĩ chủ động phẫu thuật, bệnh nhân ít chảy máu, thời gian hồi phục nhanh, giảm nguy cơ tổn thương cơ quan lân cận.
Sau 4 giờ, ekip hoàn thành kéo thẳng đoạn động mạch cảnh gấp khúc và đặt được stent phủ (cover stent) vào đoạn mạch cảnh bị tổn thương. Nhờ đó, đường đưa máu lên não được khai thông, cải thiện tình trạng thiếu máu não.
5 ngày sau ca mổ “2 trong 1”, bệnh nhân hết chóng mặt, dòng máu lên não lưu thông tốt, huyết áp ổn định, ăn uống bình thường.
BS Dũng khuyến cáo, phình động mạch cảnh là tổn thương ít gặp. Các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ… cũng là nguy cơ gây phình động mạch cảnh. Để giảm nguy cơ này, người bệnh cần có lối sống lành mạnh gồm không hút thuốc lá; hạn chế chất béo bão hòa, muối, đường, bia rượu; tập thể dục thường xuyên. Người bị đái tháo đường và tăng huyết áp cần kiểm soát bệnh, tái khám định kỳ, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh