Một số việc cần làm khi phát hiện người đột quỵ não

Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn, vì vậy một trong những điều quan trọng nhất là gọi ngay cấp cứu 115 và người hỗ trợ. Trong quá trình chờ cấp cứu đến thì việc sơ cứu đột quỵ tại nhà đúng cách cũng rất quan trọng.

07-05-2024 15:23
Theo dõi trên |

Theo ThS.BS Chu Văn Vinh – Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đột quỵ não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Khi xảy ra đột quỵ não, việc phát hiện, cấp cứu và xử trí kịp thời đóng vai trò rất quan trọng.

Khi phát hiện người nghi bị đột quỵ não, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là gọi ngay cấp cứu 115 và gọi người hỗ trợ.

Người nhà cần hết sức bình tĩnh thay vì hoảng loạn. Cố gắng xác định thời điểm xảy ra đột quỵ và tình trạng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế cấp cứu và thực hiện theo hướng dẫn.

Có thể thực hiện thêm một số hành động sau:

– Dìu người bệnh tránh để người bệnh bị ngã, chấn thương.

– Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20 – 30 độ, nằm nghiêng để tránh sặc khi bị nôn, lau sạch đờm dãi, nới lỏng quần áo, phụ kiện để người bệnh dễ thở.

– Nếu người bệnh còn tỉnh, giao tiếp được hoặc khi có người hỗ trợ, hỏi thông tin về tình trạng bệnh lý, lịch sử và kết quả khám chữa bệnh, các thuốc đang sử dụng. Qua đó, có thể trao đổi khi nhân viên 115 tới hoặc với bác sĩ khi tiếp nhận người bệnh. Các thông tin này hết sức có ích cho quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh.

– Nếu người bệnh bị rối loạn ý thức, kiểm tra mạch của người bệnh. Nếu người bệnh bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo). Có thể thông báo cho nhân viên y tế qua tổng đài cấp cứu 115 để được hướng dẫn khi không biết cách làm.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo, khi phát hiện người nhà có các dấu hiệu nghi đột quỵ não, tuyệt đối không tự ý cho uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu người bệnh bị chảy máu não, việc tự ý cho dùng thuốc có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tăng kích thước khối máu tụ, dẫn tới tình trạng bệnh nặng lên, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.

Bên cạnh đó, việc tự ý cho dùng thuốc còn có thể làm sặc vào đường hô hấp dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng do sặc, làm kéo dài thời gian cấp cứu người bệnh, hoặc gây ra chống chỉ định của các phương pháp điều trị tái thông.

Trong khi đó, hoàn toàn không có cơ sở khoa học cho thấy các biện pháp dân gian có thể giúp giảm nhẹ hay hồi phục người bệnh bị đột quỵ não. Việc chích máu hay cạo gió chỉ làm kéo dài thêm thời gian cấp cứu người bệnh đột quỵ não, có thể dẫn tới các biến chứng, nguy hiểm, chống chỉ định của việc điều trị.

Khả năng hồi phục của người bệnh đột quỵ não chủ yếu phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ nặng của bệnh, vào việc cấp cứu và điều trị kịp thời ngay trong thời gian “vàng”,đúng cách cũng như quá trình tập phục hồi chức năng tích cực sau đột quỵ.

Đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là một dạng tổn thương đột ngột ở não do quá trình cấp máu não bị gián đoạn khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào não.

Đột quỵ xảy ra do 2 nguyên nhân phổ biến:

– Đột quỵ nhồi máu não (chiếm khoảng 85% số ca bệnh đột quỵ): Đây là tình trạng máu lên não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa. Hoặc do tim co bóp kém khiến lượng máu bơm lên não không đủ để các tế bào não hoạt động bình thường, gây tổn thương tế bào não.

– Đột quỵ do xuất huyết não: Xuất huyết não là tình trạng mạch máu não bị vỡ làm cho máu tràn vào mô não phá hủy và chèn ép mô não. Nguyên nhân gây xuất huyết não đa phần là do tăng huyết áp, chấn thương va đập mạnh làm xuất huyết mạch máu não.

Các triệu chứng điển hình của một cơn đột quỵ là đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân một bên; méo miệng, nói khó; đột ngột mất thị lực; đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng.

 

 

  • Từ khóa:
Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp nam bệnh nhân người Nhật đến tái khám lần hai nhưng tình trạng huyết áp không hề thay đổi so với lần đầu khám tại đây (150/100 mmHg), người bệnh không tuân thủ điều trị, không tái khám định kỳ, tự ý bỏ thuốc. Bác sĩ cảnh báo các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải nếu tiếp tục tình trạng này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ