Bệnh mạch vành là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Nó đôi khi được gọi là bệnh tim mạch vành hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương – Bệnh viện Trưng Vương sẽ giúp quý bạn đọc benhdotquy.net hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm, triệu chứng nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.
Mục lục
1. Bệnh mạch vành là gì và có bao nhiêu loại?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng quả tim. Mỗi quả tim của chúng ta có hai động mạch vành: động mạch vành phải và động mạch vành trái, các động mạch vành này cho ra rất nhiều các nhánh động mạch nhỏ hơn có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tất cả các cấu trúc trong quả tim.
Bệnh mạch vành là thuật ngữ chỉ tình trạng động mạch vành bị tắc hẹp hoặc tổn thương do nhiều nguyên nhân. Điều này khiến máu lưu thông khó khăn qua mạch vành, khiến cơ tim thiếu máu, oxy và dinh dưỡng để duy trì hoạt động.
Có nhiều cách để phân loại bệnh mạch vành, ví dụ như phân loại theo cơ chế bệnh sinh thì chúng ta có bệnh mạch vành do xơ vữa, bệnh co thắt mạch vành, bóc tách động mạch vành tự phát…Cách phân loại thường dùng hiện nay là chia thành hội chứng vành cấp và bệnh mạch vành mạn để nhấn mạnh sự cấp bách trong xử lý và điều trị cho bệnh nhân.
Hội chứng động mạch vành mạn (Chronic coronary syndrome), gọi tắt là hội chứng mạch vành mạn, là thuật ngữ mới được đưa ra tại Hội Nghị Tim Mạch Châu Âu (ESC) 2019, thay cho tên gọi trước đây là đau thắt ngực ổn định, bệnh động mạch vành ổn định, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc suy vành mạn.
Hội chứng động mạch vành cấp tên gọi tắt là hội chứng vành cấp, bao gồm nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI), nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) và cơn đau thắt ngực không ổn định.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương hiện đang công tác tại Khoa điều trị theo yêu cầu (khoa dịch vụ) và Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trưng Vương.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh mạch vành?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành, thường gặp nhất là xơ vữa động mạch vành gây nên bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nhưng ngoài ra, bệnh mạch vành còn bao gồm các nguyên nhân khác như dị tật bẩm sinh động mạch vành, nghẽn động mạch vành do thuyên tắc (cục máu, khí, mảnh sùi…), cầu cơ động mạch vành hay cầu cơ tim (myocardial bridging), viêm động mạch vành do bệnh hệ thống (bệnh Kawasaki, bệnh Takayasu, bệnh Lupus ban đỏ…), tổn thương động mạch vành do xạ trị.
3. Những ai dễ bị bệnh mạch vành?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Khi nói đến yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành, thì mặc định chúng ta đang muốn nói đến bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch, chứ không phải bao quát hết tất cả nguyên nhân của bệnh mạch vành kể trên (như viêm, dị tật…). Theo đó, yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành chính là yếu tố của xơ vữa động mạch. Yếu tố nguy cơ là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó chứ không phải bắt buộc là chắc chắn sẽ bị bệnh.
Thường thì các yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh tăng theo cấp số nhân. Các yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành là:
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
– Tuổi tác: Động mạch ở người lớn tuổi rất dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn.
– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nữ giới.
– Tiền sử gia đình: Nếu có người thân mắc bệnh tim mạch, đột quỵ thì nguy cơ bạn cũng mắc các bệnh này cao hơn.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
– Cao huyết áp.
– Hút thuốc, rượu bia.
– Tăng cholesterol máu (lượng mỡ trong máu cao).
– Tiểu đường, kháng insulin.
– Thừa cân, béo phì.
– Lười vận động.
4. Bệnh mạch vành nguy hiểm như thế nào? Tỷ lệ biến chứng và tử vong có cao không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016 chính là: Bệnh tim mạch hiện đã trở thành nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu. Hằng năm có khoảng 17,9 triệu người chết do bệnh tim mạch, chiếm 31% tổng số tử vong, trong đó có tới 85% chết do nguyên nhân bệnh mạch vành hoặc đột quỵ não.
Tại Việt nam, năm 2016, theo thống kê của WHO, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong số 77% nguyên nhân tử vong do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam thì có tới khoảng gần 70% tử vong do bệnh tim mạch, và trong đó bệnh mạch vành vẫn chiếm giữ vị thế cao nhất. Người mắc bệnh mạch vành nếu không điều trị tốt sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng, ngoài những cơn đau ngực thì người bệnh còn đối diện với bệnh suy tim, hở van tim, loạn nhịp tim, và từ quả tim có nhiều vấn đề đó lại tiếp tục sinh ra những biến chứng lên các cơ quan khác trong cơ thể như não, thận, phổi, gan…
>>> Xem thêm: Các bệnh tim thường gặp và cách nhận biết
5. Làm sao có thể nhận biết được dấu hiệu của bệnh mạch vành? Sự thể hiện triệu chứng ở nữ giới có khác so với nam giới?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực điển hình biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay, triệu chứng gia tăng khi gắng sức hoặc stress tình cảm, biến mất khi ngậm nitroglycerin. Cơn đau thắt ngực gọi là ổn định khi các đặc điểm của cơn đau (tần suất, độ nặng, thời gian đau, giờ xuất hiện và yếu tố làm nặng) không thay đổi trong 60 ngày trước.
Cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường xảy ra sau gắng sức, đỡ khi nghỉ ngơi
Bệnh nhân có thể không có cảm giác đau, mà mô tả cảm giác khác ở ngực như: đè nặng, bóp nghẹt, khó chịu, nóng bỏng, khó tiêu, xiết chặt, tức, đầy đầy, nặng ngực…vị trí đau thường ở sau xương ức hay ngực trái, có thể kèm hoặc chỉ đau thượng vị, có thể lan tới cánh tay, ít hơn tới 2 vai, hàm dưới, bụng nhưng không lan xuống dưới rốn. Cơn đau thường xuất hiện ban ngày, lúc gắng sức hoặc xúc động, đang ăn hoặc thời tiết lạnh, kéo dài vài phút đến 10-15 phút, hiếm khi trên 30 phút.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cơn đau thắt ngực cũng điển hình như vậy, mà thường gặp hơn là những cơn đau thắt ngực không điển hình, và những triệu chứng tương đương với cơn đau thắt ngực. Theo đó, bệnh nhân có thể chỉ có cảm giác khó thở khi gắng sức, rất giống với bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính; hay đau thượng vị khi gắng sức, rất giống với cơn đau dạ dày, và có khi chỉ là cảm giác mệt, giảm dung nạp với gắng sức. Hoặc như, bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn nhưng lại có cảm giác giống với cơn đau ngực không điển hình do tim.
Y khoa ghi nhận nữ giới thường gặp các cơn đau thắt ngực không điển hình hơn là nam giới.
6. Cách chẩn đoán, xét nghiệm giúp “gọi đúng tên” bệnh mạch vành?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Để chẩn đoán bệnh động mạch vành, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử, hỏi các yếu tố nguy cơ chính đưa đến bệnh mạch vành, khám lâm sàng, nghe tim phổi và kết hợp với các cận lâm sàng chuyên biệt giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Các cận lâm sàng cần làm để đánh giá và chẩn đoán bệnh mạch vành gồm:
– Đo điện tâm đồ
– Chụp X-quang tim phổi
– Siêu âm tim Doppler màu
– Trắc nghiệm gắng sức: điện tâm đồ gắng sức (nếu bệnh nhân có thể chạy bộ được) hoặc siêu âm tim gắng sức bằng thuốc Dobutamine (cho người cao tuổi, không chạy bộ trên thảm lăn được)
– Chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang: giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn và vôi hóa mạch vành.
– Chụp động mạch vành xóa nền (DSA), đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành, đây là bước nhịp cầu để tiến hành can thiệp mạch vành (như đặt stent mạch vành, nong mạch vành).Chụp động mạch vành xóa nền và can thiệp mạch vành qua da còn gọi là “thông tim can thiệp”.
7. Người bị bệnh mạch vành, khi nào cần cấp cứu? Có bao nhiêu phương pháp điều trị bệnh mạch vành?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Người bị bệnh mạch vành khi rơi vào hội chứng vành cấp là cần phải can thiệp cấp cứu. Như đã trình bày ở trên, hội chứng vành cấp bao gồm nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI), nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) và cơn đau thắt ngực không ổn định. Các tình huống thường gặp gợi ý hội chứng vành cấp là:
– Cơn đau thắt ngực mới xuất hiện.
– Đau thắt ngực tăng lên (trên cơ sở bệnh nhân đã có tiền sử đau thắt ngực ổn định) có xu hướng lan tỏa kéo dài trên 20 phút, không giảm với nghỉ ngơi và dùng thuốc giãn mạch vành.
– Đau thắt ngực xảy ra sau các biến cố hoặc thủ thuật như: Sau nhồi máu cơ tim, can thiệpđộng mạch vành, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành, dù cho người bệnh không rõ triệu chứng đau mà chỉ là cảm giác tức nặng khó thở (đau thầm lặng).
Điều trị bệnh mạch vành có 2 phương pháp:
Điều trị nội khoa:
Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:
– Thuốc hạ mỡ máu: Giúp giảm cholesterol máu, hạn chế sự hình thành mảng xơ vữa.
– Thuốc chống đông: Ngăn chặn hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim.
– Thuốc hạ huyết áp: Giảm gánh nặng cho tim và làm ổn định nhịp tim.
– Thuốc giãn mạch: Cải thiện tình trạng hẹp mạch vành, giảm nhanh triệu chứng đau thắt ngực.
Điều trị can thiệp: gồm can thiệp qua da hoặc phẫu thuật.
Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): Nong đoạn động mạch vành bị hẹp, đặt stent để tái lưu thông máu lại bình thường, giải quyết tình trạng tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, giảm đau thắt ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim mà không phải mổ.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG): Bác sĩ dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch nối từ nguồn cung cấp máu đến đoạn động mạch vành phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Tĩnh mạch, động mạch ghép có thể lấy ở chân, cổ tay, động mạch vú bên trong thành ngực.
8. Bệnh mạch vành khi nào được điều trị nội khoa, khi nào cần nong, đặt stent? Đặt stent có giảm tuổi thọ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Điều trị nội khoa bằng thuốc vẫn là lựa chọn đầu tiên đối với hội chứng mạch vành mạn, trong đó mạch vành tắc hẹp mạn tính.
Chỉ định nong và đặt stent mạch vành là lựa chọn hàng đầu đối để cấp cứu các trường hợp rơi vào hội chứng vành cấp (nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực không ổn định) nhằm cứu lấy quả tim đang hoại tử từng vùng. Những trường hợp bệnh mạch vành mạn mà mạch vành bị tắc hẹp trên 70% gây ra triệu chứng cho người bệnh thì cũng có chỉ định nong và đặt stent mạch vành. Bệnh mạch vành được đặt stent không hề làm giảm tuổi thọ của người bệnh, ngược lại, stent mạch vành đóng vai trò như là một giá đỡ giúp lòng mạch luôn được mở rộng và phục hồi quá trình lưu thông máu tới cơ tim, từ đó giúp giảm biến chứng của bệnh, giảm tỉ lệ tử vong (kéo dài tuổi thọ) và nâng cao chất lượng cuộc sống.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về nong mạch vành và đặt stent
9. Người bệnh mạch vành hoặc bệnh nhân đặt stent cần lưu ý gì trong ăn uống và sinh hoạt?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Người bệnh mạch vành cần thay đổi lối sống để bảo vệ trái tim mình, đó là ngưng thuốc lá, tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần, giảm cân nếu dư cân hay béo phì, chế độ ăn tốt cho tim mạch, giảm rượu bia. Bệnh nhân không tự ý dùng các loại thuốc, bất kể thuốc gì cũng phải có tư vấn của các bác sĩ để tránh các nguy hại cho sức khỏe.
Thực phẩm cho người bệnh mạch vành không chỉ phải có tác dụng ngăn ngừa mảng xơ vữa mạch vành phát triển mà còn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
Chế độ ăn tốt cho tim mạch là:
Nên hạn chế những loại thực phẩm sau:
– Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol: như các loại thịt đỏ (thịt bò); mỡ, da, phủ tạng động vật; lòng đỏ trứng, gan, đồ ăn chiên xào, nước hầm xương… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh mạch vành cần đặc biệt hạn chế bởi chúng có thể làm gia tăng nồng độ cholesterol máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch vành và tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim.
– Muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và gia tăng các biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành cần ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, hành muối hoặc các thức ăn chế biến sẵn như pate, lạp xưởng,…
– Đồ ăn hoặc thức uống có chứa nhiều đường: như bánh, kẹo, nước ngọt…
– Bia, rượu: tránh sử dụng bởi chúng có thể làm tăng huyết áp, tăng triglyceride máu và gây hại cho tim mạch. Mỗi ngày uống không quá 2 lon bia với nam và 1 lon bia đối với nữ.
Nên bổ sung thêm:
– Trái cây tươi nhiều màu sắc, rau củ màu đậm như: súp lơ xanh, cải xoăn, cải bó xôi, cam, dưa hấu, quýt, dâu tây, cà rốt,…
– Ngũ cốc các loại: gạo lứt, bột yến mạch,…
– Nên sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu hướng dương,…
– Các loại quả hạch: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó,…
– Omega – 3 trong các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ,
Bệnh nhân sau đặt stent mạch vành cần chú ý thêm trong sinh hoạt như sau:
Trong tuần đầu tiên sau đặt stent, không nên lái xe, du lịch xa, đi xe đạp, khuân vác hoặc các hoạt động thể lực nặng, tham gia bất kỳ môn thể thao nào, ngoại trừ đi bộ trên mặt phẳng. Bệnh nhân có thể rời khỏi giường như bình thường nhưng cố gắng nghỉ ngơi tối đa trong hai ngày đầu (sau đó tăng dần mức thể lực), đi bộ không quá 10 phút với lực bước tăng dần, nấu ăn nhưng không nên đứng lâu quá 20 phút.
Sang tuần thứ 2 có thể tăng dần mức thể lực trong sự thoải mái cho phép, đi bộ xa hơn một chút nhưng không nên chạy bộ.
Ở một số nơi, người bệnh có thể tham gia chương trình giáo dục phục hồi vận động cho bệnh nhân sau đặt stent.
Người bệnh có thể trở lại làm việc sau 1-2 tuần, nhưng nên giảm giờ làm trong tuần đầu tiên để tránh mệt mỏi quá mức hay đi làm vào giờ cao điểm. Nếu công việc liên quan đến khuân vác nặng, nên chuyển sang khuân vác nhẹ trong thời gian đầu.
Về lâu dài, người bệnh có thể tham gia các hoạt động thể lực bình thường và các môn thể thao trong sự cho phép của bác sĩ tim mạch. Môn được khuyến cáo là đi bộ ít nhất 30 phút, 5 lần mỗi tuần. Nếu thấy đau ngực xuất hiện hoặc khó thở quá mức, nên ngừng vận động ngay và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ.
10. Tỷ lệ tái phát của bệnh động mạch vành có cao không? Liệu có thể phòng ngừa được căn bệnh này?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Khi mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa hay cục máu đông làm nghẽn dòng máu đến nuôi dưỡng tim, đặt stent mạch vành là bước đột phá trong tim mạch can thiệp giúp điều trị phục hồi khả năng tưới máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ và người bệnh sẽ giảm được các triệu chứng đau ngực, khó thở, mệt mỏi và cải thiện chất lượng sống. Do đó, bệnh nhân thường cho rằng đặt stent giúp khỏi vĩnh viễn bệnh mạch vành. Đây là nhầm lẫn tai hại vì can thiệp chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, chứ không điều trị bệnh nền là xơ vữa động mạch đã có từ trước. Tắc nghẽn có thể xảy ra ở những vị trí khác trên động mạch vành.
Nếu bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có thể tái phát chỉ sau 6 tháng – 2 năm đặt stent. Và nguy hiểm hơn khi bị tái hẹp hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim, bệnh nhân buộc phải thực hiện can thiệp tim mạch lần 2 với kỹ thuật phức tạp và chi phí tốn kém hơn như đặt stent trong lòng stent, hoặc phẫu thuật bắc cầu và tất nhiên, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
Bệnh mạch vành là bệnh có thể phòng ngừa được, cách phòng ngừa chính là:
Tuân thủ lối sống lành mạnh
Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh các bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh mạch vành.
– Ngưng hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động
– Thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày, các ngày trong tuần. Có thể đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn, đánh golf, tập yoga, thể dục nhịp điệu, thiền,..tùy theo tình trạng sức khỏe mỗi người; tránh căng thẳng trong cuộc sống và công việc.
– Giảm cân nếu dư cân, béo phì (khi BMI >23): đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 7% cân nặng trong vòng mỗi 6 tháng đến khi đạt cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 – 22)
– Chế độ ăn tốt cho tim mạch:
-
- Ăn ít chất béo, thịt mỡ, chất bột đường, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, hạn chế muối, giảm rượu bia.
- Nên ăn cá, thịt gia cầm; nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống, organic.
Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm:
– Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có đái tháo đường
– Điều trị ổn định huyết áp và mỡ máu
Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- ai dễ bị bệnh mạch vành
- bệnh động mạch vành
- bệnh mạch vành
- dấu hiệu bệnh mạch vành
- điều trị bệnh mạch vành
- động mạch vành
- nguyên nhân bệnh mạch vành
- phòng ngừa bệnh mạch vành
![](https://benhdotquy.net/wp-content/uploads/2022/01/banner1200X90-benhdotquy-BOTTOM.png)
Số ca đột quỵ tăng gấp 3 lần so với ngày thường tại Bệnh viện Bạch Mai dịp Tết Nguyên Đán
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 566 ca đột quỵ trong 9 ngày nghỉ Tết, cao gấp 3 lần so với ngày thường. Trong đó, số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện do đột quỵ chiếm tới 45%.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Nhịp tim khỏe mạnh, đón tết Ất Tỵ 2025 cùng TS.BS Trần Hòa
Tết đến là dịp đoàn viên, ăn uống thỏa sức, tuy nhiên người bệnh tim mạch luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là mỗi dịp lễ Tết khi chế độ ăn uống, sinh hoạt thay đổi đột ngột. Vậy làm thế nào để có nhịp tim khỏe mạnh, đón Tết an vui? Thắc mắc sẽ được TS.BS Trần Hòa – Phó khoa Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp sau đây.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim