Yếu liệt tay chân tưởng đột quỵ, hóa ra do thoái hóa cột sống cổ

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ mới thực hiện ca cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, sau khi bị chẩn đoán nhầm là đột quỵ.

07-07-2023 18:23
Theo dõi trên |

Đó là trường hợp ông T.V.B (65 tuổi ở Cà Mau), được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trong tình trạng yếu liệt nửa người phải.

Trước đó khoảng 1 tuần, ông B có dấu hiệu tê bì tay chân nên tự mua thuốc uống nhưng tình trạng ngày càng trở nặng. Sau đó, bệnh nhân nhập viện tại Cà Mau và nghi ngờ bị đột quỵ cấp nên được chuyển đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ.

Bác sĩ cố định cột sống cổ cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Sau khi chụp MRI não, kết quả không ghi nhận tổn thương, các bác sĩ nghi ngờ tình trạng yếu liệt của ông B. có thể đến từ cột sống, nên đã tiến hành chụp MRI cột sống cổ. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ lệch bên phải, gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh dẫn đến yếu liệt nửa người phải.

Bệnh nhân tiếp tục được tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi cột sống để giải áp cho vị trí chèn ép.

BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng – Trưởng đơn vị Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết:

“Đây là phương pháp ít xâm lấn nhất hiện nay, với vị trí vết mổ chỉ khoảng 0.8mm, bác sĩ sẽ lấy hết các phần đĩa đệm vỡ gây chèn ép thần kinh, giúp bệnh nhân phục hồi lại chức năng vốn có”.

Ekip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi cột sống cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Sau mổ 1 ngày, các chức năng nửa người phải của ông B đã hồi phục gần như hoàn toàn như cầm nắm, bước đi. Sau mổ bệnh nhân cần tập thêm vật lý trị liệu để sớm trở về bình thường.

Đối với phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống, bệnh nhân có thể xuất viện sau mổ 1 ngày. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều muốn theo dõi tại bệnh viện đến khi bình phục hoàn toàn.

BS Hưng cho biết thêm, trong thực tế các trường hợp giả đột quỵ tương đối khó phân biệt. Đây không phải là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu yếu liệt nửa người được các tuyến khác chẩn đoán nhầm là đột quỵ.

Đối với bệnh nhân đột quỵ do vỡ mạch máu hoặc tắc nghẽn mạch máu gây tổn thương thần kinh, có 3 dấu hiệu điển hình: nói khó, mặt méo, yếu liệt tay chân.

Đối với trường hợp bệnh nhân có yếu liệt nửa người do tổn thương ở rễ tủy thần kinh vùng cột sống cổ thì ngoài dấu hiệu yếu liệt, bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng tại chỗ như: đau cột sống cổ, đau nhức cơ cổ, vai gáy…

 Vết mổ nội soi của bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Nếu như trước đây thoái hóa cột sống cổ chỉ gặp ở người lớn tuổi, thì hiện nay căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.

BS Hưng cho biết thêm: các bệnh nhân đến với Phòng khám Ngoại Thần kinh của Bệnh viện S.I.S Cần Thơ với triệu chứng đau cổ vai gáy có rất nhiều. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có xu hướng gia tăng theo độ tuổi, lối sống và điều kiện làm việc. Cùng với đó là sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán thì bệnh này được phát hiện nhiều hơn so với trước đây.

Minh Anh – benhdotquy.net

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Quảng cáo
Sự gia tăng đột quỵ đáng lo ngại ở người trẻ 

Sự gia tăng đột quỵ đáng lo ngại ở người trẻ 

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa với các con số đáng báo động trong thời gian gần đây tại nhiều cơ sở y tế cấp cứu đột quỵ trên cả nước. Mỗi năm có thêm 200.000 người Việt mắc bệnh này và số trường hợp tử vong do đột quỵ là 11.000 người. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Các chuyên gia nói gì về điều này?

Multimedia

Theo dõi trên:

Video

Hướng dẫn cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ngoài cộng đồng

Sơ cứu đột quỵ tại chỗ đảm bảo an toàn cho người bệnh trước khi nhận được sự can thiệp từ đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các phương pháp sơ cứu đúng cách. Trong video dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ hướng dẫn các phương pháp sơ cứu đúng cách nếu gặp trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ