Vượt qua án tử dị dạng mạch máu não, cảm ơn vì con vẫn vui cười bên mẹ!

Kể từ nay, chị Phụng – mẹ của bé Zin, cậu thiếu niên vừa được can thiệp búi dị dạng thành công đã có thể yên tâm khi nhìn con vui khỏe, vì chị biết con mình đã thoát khỏi “cửa tử”.

21-01-2022 08:33
Theo dõi trên |

Mệnh lệnh của tình mẫu tử thiêng liêng!

Giữa những thông tin dồn dập về các ông bố bà mẹ dứt ruột đẻ con mình ra nhưng lại nhẫn tâm đánh đập, hành hạ khiến các “thiên thần nhỏ” phải hứng chịu những trận đòn roi đau đớn hay ra đi mãi mãi… thì tại TP Huế, có một người mẹ vẫn ngày đêm tìm kiếm khắp nơi, cầu cứu mọi sự giúp đỡ để mang lại sự sống cho con.

L.H.C.Đ., – cậu bé 15 tuổi bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh, cùng mẹ lặn lội từ Huế vào TP Cần Thơ để tìm lại “cơ hội sống” lấy đi biết bao nhiêu giọt nước mắt của mọi người và cả lòng thán phục tình mẫu tử thiêng liêng.

Đã biết bao lần, chị Phụng đưa Zin (tên thường gọi ở nhà của L.H.C.Đ.) tìm đến các cơ sở y tế với mong muốn điều trị cho con khỏi bệnh hiểm nghèo vì chẩn đoán “khối u não ác, nằm vị trí hiểm hóc. Bác sĩ cho về chờ…”. Thế nhưng, đáp lại những hi vọng ấy là những cái lắc đầu tuyệt vọng!

Có lẽ chị Phụng đã cạn nước mắt. Thế nhưng,”mệnh lệnh” của tình mẫu tử không cho phép người mẹ ấy bỏ cuộc, gục ngã. Lúc này cứu con là suy nghĩ duy nhất mà chị Phụng phải làm.

Duyên lành với AloBacsi sau đợt cứu trợ Thừa Thiên – Huế và các tỉnh miền Trung hồi cuối năm 2020 thông qua chị Loan – bác gái của Zin, mẹ con chị Phụng lại tiếp tục lên đường với mong muốn “còn nước còn tát”.

Những ngày cận Tết, 2 mẹ con vội đặt vé máy bay vào Cần Thơ, xin gặp TS.BS Trần Chí Cường thông qua sự hỗ trợ của AloBacsi để cứu chữa cho bé, viết lại cho con cuộc đời mới.


Zin đã khỏe mạnh lại bình thường và cùng mẹ chụp hình kỷ niệm tại bệnh viện, nơi em được tái sinh thêm lần nữa.

Tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, Zin được chẩn đoán dị dạng mạch máu não, to bằng trái chanh. Búi dị dạng nằm ở vị trí hiểm hóc nên bệnh viện tỉnh bạn khó can thiệp, nếu can thiệp nguy cơ Zin bị khiếm khuyết thần kinh rất cao nên gia đình không dám mạo hiểm.

TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM; Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng là người trực tiếp can thiệp cho Zin chia sẻ: “Đây là một ca can thiệp khó do búi dị dạng nằm ở vùng sâu trong não và tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng. Nếu không can thiệp kịp thời thì nguy cơ tử vong gần như chắc chắn hoặc diễn tiến đời sống thực vật kéo dài, tàn phế vĩnh viễn”.

May mắn thay, ca can thiệp thành công tốt đẹp và Zin có dấu hiệu phục hồi sau vài giờ. Cảm xúc như vỡ òa với mẹ con Zin và cả ekip bác sĩ thực hiện.

Chuyến đi từ tuyệt vọng chuyển sang tuyệt vời

Lần đầu tiên xa quê, không phải đi du lịch mà là đi chữa bệnh. Chuyến bay dài mang theo hi vọng mới được thắp lại sau bao lần bị dập tắt từ những chuyến thăm khám trước.

Lần đầu đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, em khá mệt mỏi, rụt rè. Không còn là cậu bé hồn nhiên ham thích đá bóng, Zin nay trầm lặng hơn.

Bắt đầu từ hơn một năm trước, bàn tay phải của Zin yếu dần, rồi từ từ co lại, mỗi lần duỗi ra chỉ được 1 ngón. Chân phải cũng yếu dần, bước đi hai cái chân như muốn đá lại với nhau. Những buổi đến trường Zin chỉ còn dự thính vì không cầm viết được nữa. Những buổi đá bóng Zin cũng đành từ bỏ, chỉ có thể ngậm ngùi nhìn theo chúng bạn.


Sinh nhật năm ngoái, bàn tay Zin đã co lại như bị tật

Vài giờ sau khi Zin ra khỏi phòng DSA của bệnh viện S.I.S Cần Thơ, chị Phụng gửi đoạn video với những động tác bắt tay, xòe nắm của Zin về Huế khiến người thân, bạn bè ai nấy xôn xao, mừng rỡ. Ca can thiệp thành công ngoài mong đợi!

Giây phút này, chị Phụng đã mong mỏi suốt hơn một năm nay. Chị không nói gì được và người mẹ ấy cũng không thể cầm được nước mắt!


Sau ca can thiệp thành công ngày 14/1, đến ngày 19/1 Zin xuất viện với những bước chân thoăn thoắt

Mẹ Zin bồi hồi: “Hai đêm nay sau khi can thiệp (16/1), Zin ngủ rất ngon, hơi thở đều không có biểu hiện như trước. Trước mỗi lần cháu ngủ cứ như có cái gì đó chèn ép khiến cháu thở ra những âm thanh mà em phải giật mình lo sợ.

Đã có những đêm em ngồi bên con rất lâu quan sát mà lòng sợ hãi. Sợ sáng mai thức dậy không còn nhìn thấy nụ cười của con và sợ cả những tiếng ngáy phát ra từ con, vì em biết có cái gì đó nữa chứ không như một tiếng ngủ ngáy thông thường. Nhưng 2 hôm nay khác rồi, khác rõ rệt mà em cảm nhận được.

Như một phép màu, cảm ơn bác sĩ Cường và các anh chị AloBacsi rất nhiều. Cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của anh chị, và bàn tay tài hoa của bác sĩ Cường đã đem lại sự sống cho con trai em, cháu như được hồi sinh trở lại. Cảm ơn vì tất cả ạ”.


Rất nhiều lời chúc mừng của những người thân yêu, bà con làng xóm ở quê dành cho bé Zin.

Chị Loan, bác gái của Đ. bày tỏ: “Zin đã hồi sinh một cách ngoạn mục. Cả nhà Dì Phụng đã bước sang trang mới rồi. Từ nay trở đi cố gắng sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho đời nè! Iu thương”


Biết tin Zin can thiệp thành công và trở về rất nhiều người thân, bạn bè đã đến hỏi thăm và chúc mừng em.

Ngày mẹ con chị Phụng, bé Zin rời TP Cần Thơ cũng là lúc mai vàng nảy nụ chào đón xuân về!

Còn 2 tuần nữa mới tới mùng 1 Tết nhưng năm nay, gia đình chị vui tết sớm, bởi họ hàng, làng xóm kéo đến thăm Zin, mừng cho Zin và nhìn tận mắt “phép màu” của y học hiện đại.

Về với cuộc sống hiện tại ở Huế, vẫn là Zin nhưng với một tinh thần mới, cười nhiều hơn, ngủ ngon hơn và không còn lo lắng gì nữa. Chặng đường tiếp theo Zin sẽ tập viết trở lại, đến trường, đến với sân bóng… sẽ nhanh thôi!

Bình Phương – Hồng Nhung

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ