Vì sao người bệnh tăng huyết áp được kê thuốc lợi tiểu, mặc dù không bí tiểu?
Một số người bệnh tăng huyết áp thấy trong toa thuốc bác sĩ kê có thuốc lợi tiểu, mặc dù không bị bí tiểu. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương sẽ giúp bạn đọc Benhdotquy.net hiểu về công dụng, cách dùng của thuốc lợi tiểu.
1. Thuốc lợi tiểu có công dụng gì đối với người bệnh tăng huyết áp?
Thuốc lợi tiểu hay thuốc lợi niệu là loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch. Đây là loại thuốc thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước và muối trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các khoảng gian bào.
Thuốc lợi tiểu không phải là thuốc giúp dễ đi tiểu trong trường hợp bí tiểu, ngược lại, bí tiểu do tắc nghẽn cơ học đường tiểu như phì đại tiền liệt tuyến lại là chống chỉ định sử dụng lợi tiểu vì nước tiểu cứ tăng tạo mà không thoát ra ngoài được sẽ gây thận ứ nước.
2. Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong trường hợp nào?
Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
Điều trị bệnh tăng huyết áp
Thuốc lợi tiểu làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm lượng nước và muối trong cơ thể qua đó làm hạ huyết áp. Thuốc thường được dùng phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Điều trị suy tim
Thuốc lợi tiểu làm giảm triệu chứng sưng phù và tình trạng tích tụ dịch (trong phổi) do ảnh hưởng của bệnh suy tim.
>> Xem thêm: Suy tim: Nhận biết sớm, tránh rủi ro
Trường hợp bị phù bệnh lý
Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường khả năng đào thải nước bị ứ trong cơ thể do đang mắc các bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư).
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giúp bạn đọc Benhdotquy.net hiểu về công dụng, cách dùng của thuốc lợi tiểu
3. Khi dùng thuốc lợi tiểu, bệnh nhân có nên giảm uống nước để giảm số lần đi tiểu hay không?
Như chúng ta thấy, chỉ định sử dụng lợi tiểu không rộng rãi mà thu hẹp cho một số bệnh lý đặc biệt. Những bệnh lý này đều sẽ có chế độ ăn đặc thù riêng với lượng nước cho phép nhập vào hàng ngày khác nhau mà bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh khi kê thêm chỉ định sử dụng lợi tiểu.
Trong đó, đa phần là các bệnh nhân đều tiết chế nước và/hoặc muối (tăng huyết áp cần phối hợp thuốc, suy tim sung huyết, xơ gan mất bù, hội chứng thận hư…) để ổn định bệnh lý nền, giúp cho thuốc lợi tiểu phát huy tác dụng tối đa là rút bớt dịch ngoại bào và dịch thừa trong lòng mạch kéo theo muối thải xuất ra ngoài, chứ không phải ở việc uống ít nước để bớt số lần đi tiểu.
4. Nếu thuốc lợi tiểu khiến bệnh nhân gặp bất tiện trong sinh hoạt thì có thể tự giảm liều hay đổi giờ uống thuốc hay không?
Người bệnh không nên tự ý điều chỉnh thuốc mà không có sự trao đổi với bác sĩ điều trị. Để đạt hiệu quả tối đa trong điều trị bệnh của mình, thì khi có bất kỳ khó chịu nào do việc sử dụng thuốc mang lại, bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị, để bác sĩ điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp.
Ví dụ cần đổi giờ uống thuốc lợi tiểu sớm hơn thì có thể bác sĩ sẽ hạ giờ uống thuốc của 1 thuốc khác (cùng tác dụng hạ áp) xuống để tránh huyết áp hạ thấp quá trong cùng 1 thời điểm uống thuốc.
Hoặc bác sĩ sẽ cùng bạn tìm hiểu tại sao với liều thuốc đó lại gây bất tiện trong sinh hoạt của bạn, là do tính chất công việc hay do chế độ ăn uống chưa đúng như lời dặn, chứ chưa chắc gì là do liều lượng thuốc.
5. Khi bệnh nhân gặp bất tiện trong sinh hoạt do đi tiểu nhiều thì có thuốc gì thay thế không?
Chúng ta cần nhắc lại một lần nữa, đó là chỉ định sử dụng lợi tiểu không rộng rãi mà thu hẹp cho một số bệnh lý đặc biệt mà thôi.
Với kinh nghiệm hiện có của tôi thì tôi chưa thấy bệnh nhân nào yêu cầu đổi thuốc lợi tiểu sang thuốc khác chỉ vì bất tiện trong sinh hoạt do tiểu nhiều cả. Ngược lại, yêu cầu đổi thuốc lợi tiểu sang thuốc khác chủ yếu đến từ tác dụng phụ của thuốc nhiều hơn, hoặc thuốc không còn tác dụng được nữa (như suy thận giai đoạn cuối ép mấy cũng không ra nước tiểu).
Tất nhiên, giả dụ như trong tình huống bạn đặt ra, thì chúng ta vẫn luôn có cách giải quyết vấn đề. Bác sĩ sẽ xem xét lại nhu cầu dùng thuốc, chế độ ăn uống – sinh hoạt – làm việc của bệnh nhân, bệnh tình hiện tại mà tư vấn chuyển đổi sang thuốc khác, tùy mỗi loại bệnh mà sẽ có thuốc thay thế khác nhau.
6. Những thuốc lợi tiểu phổ biến hiện nay?
Thuốc lợi tiểu nhìn chung thường được chia thành 3 nhóm chính sau:
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid
Đây là nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng phối hợp với các nhóm thuốc khác trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Nhóm thuốc lợi tiểu này có tác dụng lợi niệu vừa phải nên không gây tụt huyết áp khi sử dụng.
Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng trong nhóm này bao gồm:
Hydrochlothiazide
Chlorothiazide
Methylchlorothiazide
Indapamide.
Nhóm thuốc lợi tiểu tác động trên quai Henle (thuốc lợi tiểu quai)
Đây là nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng lợi tiểu mạnh, làm mất natri nhanh hơn các nhóm lợi tiểu khác nên thường được chỉ định trong trường hợp suy tim và phù nặng.
Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng trong nhóm này bao gồm:
Torsemide
Furosemide
Bumetanid
Axit ethacrynic.
Nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali
Tác dụng lợi tiểu của nhóm này yếu hơn so với hai nhóm kể trên nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được phối hợp với thuốc thuộc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai Henle.
Nhóm thuốc lợi tiểu này có tác dụng làm giảm thể tích dịch trong cơ thể mà không làm mất lượng kali. Thuốc này thường được kê toa cho những người có nồng độ kali máu thấp hoặc bệnh nhân có đề kháng aldosteron. Các thuốc lợi tiểu giữ kali bao gồm:
Amiloride
Spironolactone (có kèm kháng aldosteron)
Triamterene
Eplerenone (có kèm kháng aldosteron)
Ngoài ba nhóm thuốc lợi tiểu trên còn có một số nhóm thuốc lợi tiểu khác thường dùng trong những trường hợp đặc biệt như: Nhóm thuốc lợi tiểu thẩm thấu (manitol, glycerin) được chỉ định trong phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật mắt hay tăng áp lực nội sọ, nhóm thuốc lợi tiểu ức chế men carbonic anhydrase (acetazolamide) dùng trong điều trị tăng nhãn áp.
7. Ngoài việc gây mắc tiểu thì thuốc lợi tiểu có các tác dụng phụ gì?
Tùy thuộc vào cơ địa và bệnh lý của từng người, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc mà thuốc lợi tiểu có thể gây các tác dụng phụ như:
+ Dị ứng thuốc (với những biểu hiện: nổi mẩn, ngứa, đau bụng, đi ngoài…);
+ Hạ huyết áp, gây mất nước;
+ Rối loạn điện giải: hạ natri, tăng hoặc giảm kali quá mức, hạ canxi và magiê máu. Các chất này rất cần thiết cho cơ thể, nhất là cho hệ thần kinh – cơ. Khi bị rối loạn nặng có thể dẫn đến yếu cơ, tê, co quắp chân tay, rối loạn nhịp tim, hôn mê, co giật hoặc gây chết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời;
+ Rối loạn chuyển hóa và nội tiết (tăng hàm lượng đường, lipid và acid uric trong máu (gây bệnh gút); gây liệt dương, vú to ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới), nhiễm độc tai gây điếc.
Vì vậy cần dùng thuốc lợi tiểu hợp lý, không tự động dùng khi chưa có ý kiến của thầy thuốc, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em để đề phòng các tai biến.
8. Người cao tuổi thường có nhiều bệnh cùng lúc, thuốc lợi tiểu có những tương tác thuốc nào cần lưu ý?
Những tương tác nguy hiểm khi dùng thuốc lợi tiểu:
+ Giảm tác dụng, dễ gây suy thận chức năng cấp nếu dùng cùng với thuốc chống viêm không đặc hiệu.
+ Làm tăng độc tính của digital và các thuốc chống loạn nhịp nếu tương tác với chúng.
+ Gây tụt huyết áp nặng hoặc suy thận cấp khi dùng cùng với thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể Angiotensin II, tình huống gây giảm đáng kể lượng nước nhập vào (nôn ói, tiêu chảy, sốt cao li bì giảm ăn uống đột ngột…)
+ Tăng tác hại của các thuốc aminosid (như streptomycin, gentamycin…), céphalosporin và thuốc cản quang lên thận nếu được dùng đồng thời với các thuốc này.
9. Những lưu ý dành cho người bệnh tăng huyết áp được kê thuốc lợi tiểu?
+ Trong khi điều trị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, không được tự ý ngưng, bỏ thuốc nửa chừng ngay sau khi giảm triệu chứng bệnh.
+ Khi đang điều trị bệnh bằng thuốc lợi tiểu bạn không nên tự ý dùng đồng thời các nhóm thuốc khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc phải báo cho bác sĩ điều trị rõ các thuốc đang dùng khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp.
+ Các nhóm thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và tác động ở quai Henle) có tác dụng thải natri đồng thời làm giảm lượng kali. Trong khi đó kali đóng vai trò quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, khi điều trị bằng thuốc lợi tiểu bạn nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali.
+ Khi dùng thuốc lợi tiểu mà lại có triệu chứng co cứng cơ, chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh phải đến ngay các cơ sở y tế để giải quyết kịp thời tình trạng mất kali do dùng thuốc lợi tiểu.
+ Xét nghiệm kiểm tra định kỳ những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc lợi tiểu kéo dài (chức năng thận, đường huyết, acid uric, mỡ máu, điện giải đồ…) để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương – Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- công dụng của thuốc lợi tiểu
- người bệnh tăng huyết áp được kê thuốc lợi tiểu
- thuốc lợi tiểu

Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim