Vai trò của hình ảnh học trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ và TIA

17% cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ tái phát trong cùng 1 ngày, 25% bệnh nhân đột quỵ từng có cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó. Kết quả hình ảnh học giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác cơn thiếu máu não thoáng qua và đưa ra phương pháp điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

20-12-2021 23:49
Theo dõi trên |

Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Khoa thần kinh – ĐV Đột quỵ BV Đại học Y dược TPHCM, đề cập đến trong Hội nghị Đột quỵ TPHCM – Cập nhật khuyến cáo điều trị 2021.

Hiểu sao cho đúng về cơn thiếu máu não thoáng qua?

Trong bài báo cáo “Vai trò của hình ảnh học trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ và TIA”, TS.BS Nguyễn Bá Thắng nhắc đến định nghĩa đột quỵ của Tổ chức y tế Thế giới năm 1970 (hiện vẫn đang được sử dụng) như sau: “Đột quỵ là các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài trên 24 giờ, có thể dẫn đến tử vong, không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu”.

Năm 1975, một định nghĩa về cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) rằng: “Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là giai đoạn rối loạn chức năng cục bộ và tạm thời do nguyên nhân mạch máu, nó rất đa dạng về thời gian, thường kéo dài 2 đến 15 phút, nhưng có thể kéo dài trong 24 giờ. Cơn thiếu máu não thoáng qua không để sang thương nào”. Mốc thời gian 24 giờ được áp đặt mà không hề có dữ liệu căn cứ. Định nghĩa này được xây dựng trong bối cảnh chưa hề có những phương tiện chẩn đoán để xác định sự hiện diện của tổn thương nhồi máu não.

Năm 2009, Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho rằng khái niệm về cơn thiếu máu não thoáng qua này có vấn đề. Bởi mốc thời gian 1 giờ cũng giống như mốc thời gian 24 giờ, không phân biệt chính xác bệnh nhân có tình trạng nhồi máu não cấp tính hay không. Theo nghiên cứu, đa số bệnh nhân mắc cơn thiếu máu não thoáng qua đều hết triệu chứng trong 30 – 60 phút. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hơn 1 tiếng thì chỉ 14% bệnh nhân hồi phục trong 24 giờ. Nếu không hồi phục 1 – 3 tiếng, chỉ 2% bệnh hết triệu chứng hoàn toàn trong 24 giờ.

Chính vì thế, năm 2009, AHA định nghĩa lại khái niệm này rằng chỉ xác định bệnh nhân bị thiếu máu não thoáng qua khi đã hồi phục hoàn toàn và không có sang thương.

Vai trò của hình ảnh học trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ và TIA

Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ cơn thiếu máu não thoáng qua tái phát nhanh hơn rất nhiều so với đột quỵ. Những bệnh nhân có tiền sử thiếu máu não thoáng qua sẽ có nguy cơ đột quỵ cao và xảy ra sớm. Cụ thể, 17% cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ tái phát trong cùng 1 ngày, 25% bệnh nhân đột quỵ từng có cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có tiền sử thiếu máu não thoáng qua sẽ có nguy cơ đột quỵ cao và xảy ra sớm – Ảnh chụp màn hình.

Chụp MRI là một trong những biện pháp chẩn đoán giúp đánh giá tổn thương từ cơn thiếu máu não thoáng qua. Theo đó, nếu kết quả MRI cho thấy bệnh nhân có tổn thương thì nguy cơ đột quỵ hoặc xảy ra cơn TIA tái phát là rất cao.

Do đó, với bệnh nhân nghi ngờ có cơn thiếu máu não thoáng qua, các bác sĩ cần xác định chẩn đoán, đánh giá yếu tố nguy cơ (thông qua hình ảnh nhu mô, khảo sát mạch máu, khảo sát tim, khảo sát đáy mắt, bilan lipid…) và đưa điều trị phù hợp.

Theo hướng dẫn của AHA (năm 2009), chúng ta cần phải thực hiện các phương pháp hình ảnh học cho cơn thiếu máu não đầu tiên, ưu tiên phương pháp chụp MRI. Nếu không thể chụp MRI thì có thể thay thế bằng phương pháp chụp CT, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên chụp MRI để đánh động mạch ngoại sọ, nội sọ. Nếu bệnh nhân có thang điểm ABCD2 cao (thang điểm được dùng trong hướng dẫn điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua tại Hoa Kỳ, Anh, Canada, Châu Âu, Úc) thì nên nhập viện sớm. Bệnh nhân có nguy cơ càng cao cần hoàn tất các yếu tố càng sớm.

Thực tế, theo một khảo sát năm 2017, đánh giá gần 17.000 bệnh nhân cho thấy, hình ảnh MRI xác định 78,5% bệnh nhân có tổn thương nhu mô não, 43,2% bệnh nhân được xác định căn nguyên nguy cơ tái phát sớm nhờ chụp hình ảnh mạch máu. Bên cạnh đó, việc siêu âm Doppler động mạch cảnh còn giúp chúng ta đánh giá các mảng xơ. Vì vậy, nếu đã chụp MRI, CT thì vẫn cần siêu âm doppler để bổ sung thông tin.

Khi đã xác định được bệnh, cũng như chẩn đoán nguy cơ tái phát, cần điều trị cấp bằng việc sử dụng thuốc chống tiểu cầu kép (thuốc asa kết hợp với thuốc clopidogrel ngắn hạn); thuốc kháng đông nếu bệnh nhân có rung nhĩ; thuốc trị mỡ máu Statin; kiểm soát huyết áp, cẩn trọng với hẹp động mạch; kiểm soát yếu tố nguy cơ khác và điều trị nội trú với trường hợp nguy cơ cao.

Tóm lại, chỉ xác định bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua khi đủ 2 tiêu chuẩn là đã hồi phục hoàn toàn và không có tổn thương. Trước đó, nên coi là đột quỵ (hội chứng mạch máu não). Bệnh nhân có tiền sử thiếu máu não thoáng qua sẽ có nguy cơ đột quỵ cao nên cần được khảo sát và điều trị tích cực. Chụp MRI (có thể kết hợp chụp cộng hưởng từ khuếch tán) nên là khảo sát nhu mô được chọn. Việc hoàn tất khảo sát hình ảnh sẽ giúp bác sĩ tìm nguyên nhân để có phương án điều trị phù hợp.

Anh Thi

  • Từ khóa:
Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Liên tiếp các trường hợp tài xế bị đột quỵ xảy ra, đặc biệt trong đó 2 trường hợp tài xế đột quỵ trong ngày 30/11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải thích rõ nguyên nhân gây đột quỵ ở tài xế và cách phòng tránh đột quỵ ở nhóm người này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ