Từ xơ vữa động mạch đến đột quỵ, vì đâu nên nỗi?

Nghiên cứu chỉ ra, có khoảng 20-30% số trường hợp đột quỵ nhồi máu não là do xơ vữa động mạch cảnh, và ngược lại khoảng 1/3 số người bị hẹp động mạch cảnh từ 80% trở lên đều bị đột quỵ.

20-12-2021 17:17
Theo dõi trên |

Xơ vữa động mạch là tình trạng lòng động mạch bị hẹp do các mảng xơ vữa làm hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan trong cơ thể. Các mảng xơ vữa này được tạo thành từ sự lắng đọng cholesterol, các chất béo, canxi, fibrin và một số chất khác.

Theo thời gian, các mảng xơ cứng lại, thu hẹp “con đường” của động mạch và hạn chế lưu lượng máu. Khi những mảng xơ vữa này vỡ ra, chúng sẽ hình thành cục huyết khối (cục máu đông) có thể làm tắc nghẽn mạch máu hoặc thậm chí chặn dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan và bộ phận khác của cơ thể.

Đặc biệt, khi điều này xảy ra trên hệ thống động mạch cảnh sẽ gây ra đột quỵ và có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn. Sự hình thành các mảng xơ vữa do tích tụ cholesterol trong thành động mạch cảnh thường tiến triển trong thời gian dài, có thể tới hàng chục năm. Nó xảy ra ở mọi độ tuổi, song phổ biến nhất là ở những người ngoài 45. Tuổi càng cao, các mảng xơ vữa động mạch càng nhiều, độ hẹp càng tăng và rất dễ mắc nhiều biến chứng.

Người ta nhận thấy khoảng 20-30% số trường hợp đột quỵ nhồi máu não là do xơ vữa động mạch cảnh, và ngược lại khoảng 1/3 số người bị hẹp động mạch cảnh từ 80% trở lên đều bị đột quỵ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người hẹp động mạch cảnh dưới 80% là không đến 1%.

Có hai dạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường gặp khi bị xơ vữa mạch đó là:

– Đột quỵ tại vị trí xơ vữa: Trường hợp này là phổ biến nhất, xảy ra khi cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa trong mạch máu não. Kết quả làm giảm hoặc gây gián đoạn dòng máu cung cấp cho các phần não phía sau và gây ra đột quỵ.

– Thuyên tắc não: Xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảnh xơ vữa nhỏ tách ra khỏi mảng xơ ban đầu, di chuyển theo dòng máu. Khi đến não, những cục máu đông hay mảng xơ vữa này có thể gây bít tắc và chặn lại dòng chảy của máu, dẫn tới tai biến xảy ra.

Xơ vữa động mạch là hiện tượng dày và cứng lên của thành các động mạch có khẩu kính lớn và trung bình, là nguyên nhân gây nên thiếu máu cục bộ cơ tim, các cơn đột qụy do thiếu máu cục bộ não (nhồi máu não), bệnh mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ bụng… (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa xơ vữa mạch máu bằng cách nào?

Nhiều người cho rằng, xơ vữa động mạch chỉ xảy ra ở người béo phì, thừa cân hoặc nam giới, còn nữ giới trẻ tuổi thì không đáng lo. Song, thực tế, theo BS.CK2 Dương Duy Trang – Trưởng khoa Nội Tim mạch – Tim Mạch can thiệp – Bệnh viện Gia An 115, nếu chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không phù hợp thì xơ vữa động mạch không chừa một ai, ngay cả người gầy, nữ giới trẻ tuổi đều có khả năng mắc bệnh. Những người làm trong môi trường căng thẳng kéo dài, ít vận động đều có nguy cơ bị xơ vữa động mạch.

Hơn nữa, xơ vữa động máu thường xuất hiện rất sớm, nhưng tiến triển lặng lẽ cho tới khi có biến chứng. Chuyên gia khuyến cáo, dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng báo động xơ vữa động mạch tương đối nhiều nhưng do cuộc sống bận rộn khiến chúng ta quên dừng lại, thiếu ý thức về sức khỏe dẫn đến biến chứng nặng nề.

Trong đó, nếu xơ vữa ở động mạch cung cấp máu cho não (động mạch cảnh) thì người bệnh có thể có các triệu chứng của thiếu máu não như xây xẩm, chóng mặt, mất thăng bằng, rối loạn giọng nói, yếu liệt tay chân, cảm giác nặng ở cánh tay, chân, làm rớt đồ vật đang cầm trên tay… Hay nhồi máu cơ tim sẽ khiến người bệnh bị đau ngực, đau tức ngực trái… Nếu chúng ta lơ là, bỏ qua có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Như vậy, khi có một trong 3 triệu chứng cảnh báo nhiều nhất là đau ngực, ngất không rõ lý do, chóng mặt choáng váng thì chúng ta nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra bệnh lý xơ vữa động mạch.

Điều quan trọng để tránh biến cố đột quỵ trên người bị xơ vữa mạch máu là khắc phục tích cực và kiên nhẫn điều trị những bệnh sẵn có như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, thiếu máu não thoáng qua. Đồng thời thay đổi lối sống như hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh stress, giữ đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh, đừng bỏ qua bất kỳ cuộc hẹn nào với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc (khi cần thiết) và thực hiện các cận lâm sàng phát hiện, xử lý kịp thời các biến chứng.

Hồng Anh

  • Từ khóa:
BV An Bình TPHCM: Chiêu sinh lớp đào tạo ngôn ngữ trị liệu sau đột quỵ ở người lớn tuổi

BV An Bình TPHCM: Chiêu sinh lớp đào tạo ngôn ngữ trị liệu sau đột quỵ ở người lớn tuổi

Bệnh viện An Bình TPHCM thông báo chiêu sinh lớp đào tạo liên tục “Ngôn ngữ trị liệu cơ bản về rối loạn giao tiếp ở người lớn sau đột quỵ và sơ lược về rối loạn nuốt” khóa 2 từ ngày 8/4/2025 – 18/4/2025.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ