Thịt kho tàu – món ngon ngày Tết nhưng 5 đối tượng này càng ăn càng nguy hiểm

Cho dù món thịt kho tàu ngày Tết ngon và hấp dẫn nhưng những người thuộc 5 nhóm dưới đây tốt nhất nên hạn chế hoặc tránh ăn để không hại chính mình.

02-02-2022 14:56
Theo dõi trên |

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều những món ăn truyền thống được bày biện, trong đó có món thịt kho tàu – một trong những món ăn không thể thiếu của người Việt, đặc biệt là người dân miền Nam.

Thịt kho tàu – món ăn truyền thống trong ngày Tết 

Món thịt kho tàu truyền thống bao gồm thịt lợn, nước dừa và trứng (trứng vịt hoặc trứng cút) có thể cho thêm nước hàng (thắng đường) để tạo hương vị và màu sắc.

Thịt kho tàu là món ngon, dễ ăn với phần thịt mềm, ngọt lại giàu năng lượng, đạm, chất béo, phù hợp với trẻ đang trong giai đoạn phát triển cần nhiều chất béo. Vì dễ ăn lại thơm ngon nên nhiều người ăn thịt kho tàu cảm thấy rất hợp khẩu vị, ăn rất nhiều.

Tuy nhiên, thịt kho tàu chứa khá nhiều cholesterol và axit béo, người khỏe mạnh cũng cần phải ăn vừa phải. Đặc biệt với một số người, món ăn này còn cần phải ăn hạn chế hoặc không ăn  nếu không sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

5 đối tượng càng ăn thịt kho tàu nhiều càng nguy hiểm

Người bị tiểu đường: Chế biến thịt kho tàu sẽ làm sản sinh chất AGEs – sản phẩm glycat hóa bền vững là các protein hoặc chất béo bị glycat hóa sau khi tiếp xúc với đường (có trong nước hàng tạo màu). Điều này có thể gây ra những tổn hại cho hệ thần kinh, các bệnh về mắt, thận và tim ở người bị tiểu đường.

Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường có chuyển hóa lipid bất thường, ăn thịt kho tàu quá nhiều sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và dễ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu não.

Người bị mỡ máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh tim mạch: Vì thịt lợn kho có chứa nhiều chất béo và cholesterol. Nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng độ nhớt của máu, tăng hình thành các mảng xơ vữa, dễ gây đông máu, khiến tình trạng mỡ máu nặng hơn. Nguy hiểm hơn có thể dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Vì vậy bệnh nhân bị mỡ máu, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu nên ăn thịt kho tàu càng ít càng tốt.

Người bị tăng huyết áp: Mọi người thường có thói quen nấu một nồi thịt kho thật to để ăn dần từ ngày 30 tháng Chạp đến hết Tết. Do đó, nồi thịt sẽ phải hâm đi hâm lại nhiều lần khiến thịt ngày càng mặn và nhiều muối hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt với những người bị tăng huyết áp do hấp thụ nhiều muối.

Người thừa cân, béo phì: Loại thịt mà các gia đình dùng để nấu thịt kho tàu thường là thịt ba chỉ, chứa nhiều mỡ và da nên người bị thừa cân, béo phì nên ăn ít thịt kho tàu. Hoặc khi ăn cố gắng chọn miếng nạc, ít mỡ.

Người bị gút: Vì thịt lợn kho có chứa nhiều nhân purin nên bệnh nhân mắc bệnh gút có axit uric cao không nên ăn hoặc ăn thật ít nếu không có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Nên ăn thịt kho tàu thế nào để khỏe?

Trong 100g thịt kho tàu sẽ cung cấp khoảng 600kcal, trong đó 70% là chất béo. Để cân bằng dinh dưỡng khi ăn thịt kho tàu, mọi người nên bổ sung thêm chất xơ từ các loại rau xanh, vừa giúp chống ngán lại tốt cho hệ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, trong một phần ăn với một miếng thịt ba chỉ có kích thước 2x3x8 cm và một quả trứng vịt sẽ cung cấp 290 kcal và 200mg cholesterol. Đây là lượng cholesterol tối đa mà một người có bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ máu, người có bệnh tinh mạch, tăng huyết áp, thừa cân – béo phì được khuyến cáo trong một ngày.

Do đó, những người này nếu muốn ăn thịt kho tàu mà vẫn đảm bảo sức khỏe, chỉ nên ăn phần thịt nạc, không dùng nước thịt kho và chỉ ăn trứng vừa phải, tối đa 3-4 quả/tuần.

Ngoài ra, các gia đình sau khi nấu xong thịt kho tàu nên chia thành các hộp nhỏ với lượng phù hợp với từng bữa ăn rồi bảo quản tủ lạnh. Khi dùng tới hộp nào chỉ cần đun nóng lại phần đó và ăn hết, tránh việc đun đi đun lại nhiều lần hay khi thịt kho còn thừa lại đổ vào nồi dễ sản sinh vi khuẩn gây đau bụng, tiêu chảy, thậm chí là ngộ độc thực phẩm.

T.N

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ