Thiếu máu cơ tim – Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành (CAD) bao gồm sự suy giảm lưu lượng máu qua các động mạch vành, thông thường là do các mảng xơ vữa. Biểu hiện lâm sàng bao gồm thiếu máu cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực, hội chứng mạch vành cấp (đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim), và đột tử do tim.

14-07-2023 09:37
Theo dõi trên |
  1. Thế nào là thiếu máu cơ tim do bệnh động mạch vành?

Các động mạch vành nuôi tim

Tim là một trong những bộ phận quan trọng nhất cơ thể, giữ nhiệm vụ bơm máu đến nuôi tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Để thực hiện tốt việc đó, tim cũng cần được nuôi dưỡng bằng một hệ thống mạch máu riêng của tim. Hệ thống mạch máu chuyên trách này được gọi là động mạch vành.

Các động mạch vành cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim. Sự tích tụ của mảng bám (mảng xơ vữa) có thể làm thu hẹp các động mạch vành này, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Khi lưu lượng máu động mạch vành giảm đáng kể cơ tim sẽ không được cấp máu đầy đủ gây ra cơn đau thắt ngực.

  1. Hậu quả của bệnh động mạch vành
    Cơn đau thắt ngực: do cơ tim không nhận đủ máu nuôi lúc cần, đặc biệt là khi gắng sức hay vận động, từ đó làm khả năng hoạt động thể chất và chất lượng sống giảm.

Nhồi máu cơ tim cấp: mảng xơ vữa cholesterol vỡ và huyết khối bám lên gây nghẽn hoàn toàn động mạch vành dẫn đến chết tế bào cơ tim, nếu vùng cơ tim ảnh hưởng đủ lớn có thể tử vong đột ngột.

Suy tim: do lưu lượng máu giảm, tim bị tổn thương lâu dài có thể làm chức năng co bóp trở nên yếu dần, dẫn đến hậu quả cuối cùng là khả năng bơm máu đi nuôi toàn cơ thể bị suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ quan trong cơ thể nhất là não, phổi, gan, thận…

Rối loạn nhịp tim: tổn thương các mô dẫn truyền tín hiệu điện trong tim do giảm lượng máu cung cấp nuôi dưỡng có thể gây rối loạn các xung điện của tim, gây ra nhịp tim bất thường (đập không đều, cơn ngừng đập…), nếu nghiêm trọng có thể tử vong.

  1. Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (BMV)

Các yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành

Tuổi càng cao càng làm tăng nguy cơ bị tổn thương và hẹp động mạch vành.

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ. Với phụ nữ sau mãn kinh nguy cơ sẽ tăng lên.

Tiền sử gia đình (yếu tố di truyền): trong gia đình có ông bà, cha mẹ bị bệnh động mạch vành cũng góp phần gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cho những người con.

Huyết áp cao không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến động mạch vành bị xơ cứng và dày lên, dẫn tới hẹp động mạch vành.

Rối loạn mỡ máu: mức cholesterol trong máu cao làm tăng mức xơ vữa. Trong đó, phân tử LDL cholesterol “xấu” cao, HDL cholesterol “tốt” thấp, góp phần vào sự phát triển xơ vữa động mạch vành.

Đái tháo đường và tình trạng tăng đường huyết tăng nguy cơ xơ vữa các động mạch toàn cơ thể (trong đó có cả động mạch vành).

Các yếu tố phổ biến khác: hút thuốc lá, béo phì – thừa cân, lối sống ít vận động, stress – lo âu hay chế độ ăn uống kém lành mạnh như ăn quá nhiều chất béo, thức ăn nhiều muối, nhiều mặn đều liên quan đến bệnh mạch vành.

4. Các dấu hiệu chủ yếu của bệnh động mạch vành

4.1. Các dấu hiệu sớm gợi ý
Bệnh động mạch vành có thể gây biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, từ không có triệu chứng (thiếu máu cơ tim thầm lặng) cho đến các triệu chứng không đặc hiệu như: hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, yếu sức, buồn nôn.

Một số trường hợp khác, chúng được mô tả dưới các cảm giác khác nhau: như tê ran, cảm giác bị vật ép hoặc cảm giác chỉ khó chịu vùng trước ngực khó diễn tả. Triệu chứng xảy ra điển hình nhất là “cơn đau thắt ngực”.

4.2. “Cơn đau thắt ngực” triệu chứng phổ biến khi đã bị bệnh động mạch vành.

“Cơn đau thắt ngực” là nói tới tình trạng đau thắt ngực (ĐTN) hoặc khó chịu ở vị trí giữa ngực, phía sau xương ức do dòng máu cung cấp oxy đến tim bị gián đoạn.

Đau thắt ngực ổn định:

+ Đau ở ngực có thể lan đến hàm, cổ, cánh tay, lưng hoặc các khu vực khác.

+ Thường kéo dài khoảng 5 phút, hiếm khi quá 15 phút. Do kích thích bởi hoạt động gắng sức, cảm xúc căng thẳng (stress), bữa ăn không phù hợp, thay đổi thời tiết quá lạnh hay quá nóng.

+ Nên theo dõi và nắm bắt những yếu tố kích thích cơn đau thắt ngực để phòng tránh. Ghi lại thời gian kéo dài bao lâu. Dùng thuốc chống đông đau thắt ngực và tham khảo ý kiến của bác sĩ tư vấn điều chỉnh thuốc phù hợp.

Đau thặt ngực không ổn định:

+ Xảy ra lúc nghỉ ngơi, thường đột ngột và khác với các cơn đau thắt ngực từng có trước đây.

+ Khó chịu hơn và kéo dài hơn bình thường (hơn 20 phút). Không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch vành (nitroglycerine). Các cơn đau trở nên nặng nề hơn theo thời gian.

+ Đây là dấu hiệu nguy cấp cần đi đến bệnh viện ngay do tim đang trong tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính hoặc nhồi máu cơ tim cấp (mạch máu nuôi dưỡng cơ tim có khả năng bị tắc nghẽn đáng kể, gây hoại tử cơ tim và có thể đe dọa tính mạng nếu tiến triển nhanh). Cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị tức thời.

5. Các mức độ của bệnh động mạch vành

Các phân loại phổ biến trong bệnh động mạch vành

6. Điều trị bệnh động mạch vành như thế nào?

6.1. Điều trị thuốc phổ biến bệnh động mạch vành?

– Khi một bệnh nhân bị mắc bệnh động mạch vành sẽ được điều trị 2 mục tiêu chính đồng thời, gồm: giảm triệu chứng bằng các thuốc cắt cơn đau thắt ngực và phòng ngừa biến cố nhồi máu cơ tim cấp.

– Thay đổi lối sống rất quan trọng, là bước đầu tiên sẽ áp dụng cho tất cả các bệnh nhân có bệnh động mạch vành, giúp giảm yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, ngăn ngừa tiến triển độ nặng của bệnh.

– Các thuốc thường sẽ được bác sĩ kê toa như: ngăn ngừa và ổn định tình trạng xơ vữa động mạch vành (aspirin, clopidogrel), thuốc điều chỉnh tình trạng rối loạn phân tử mỡ trong máu (rosuvastatin, atorvastatin…), các thuốc hạ áp, thuốc điều trị suy tim và các tình trạng khác sẽ được bác sĩ tư vấn và kê toa khi khám trực tiếp bệnh nhân.

6.2. Điều trị thủ thuật – phẫu thuật tái thông động mạch vành

Phẫu thuật động mạch vành

Các bác sĩ đang làm thủ thuật trong phòng DSA – đặt stent động mạch vành

Chụp nong đặt stent động mạch vành qua da bằng máy DSA: nếu bệnh động mạch vành điều trị bằng thuốc không hiệu quả, tiến triển xấu hơn, những biện pháp chuyên sâu khác sẽ được cân nhắc thực hiện như chụp và có thể can thiệp mạch vành bằng phương pháp mạch máu số hóa xóa nền DSA. Khi động mạch vành hẹp nặng do xơ vữa sẽ cần phải xem xét đặt stent để khôi phục dòng máu xuôi cơ tim.

Động mạch vành (ĐMV) hẹp nặng và nhiều nhánh được mổ bắc cầu

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: khi động mạch vành hẹp quá nặng nề (hẹp từ 3 nhánh động mạch vành hay nhiều hơn hay nhánh chính động mạch vành trái – thân chung động mạch vành trái) mà chức năng tâm thu tim giảm nặng hoặc hình thái động mạch vành quá phức tạp, vôi hóa nặng nề khó can thiệp thủ thuật động mạch vành qua da, lúc này phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ được chỉ định thực hiện, nhằm tái thông tưới máu động mạch vành.

7. Tầm soát bệnh động mạch vành

– Khi có các dấu hiệu đau thắt ngực, cần phải thực hiện các xét nghiệm phổ biến tầm soát yếu tố nguy cơ và giúp chẩn đoán bệnh lý tim mạch chung như:

+ Kiểm tra xét nghiệm thường quy: chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu, đường huyết, tổng phân tích tế bào máu, điện giải đồ, nước tiểu…

+ Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang ngực, điện tim, siêu âm tim.

– Trong một vài trường hợp dựa trên xét nghiệm cơ bản và khám lâm sàng gợi ý bệnh nhân có nguy cơ cao về dự đoán bị biến cố tim mạch và tử vong cơ thể xảy ra do nhồi máu cơ tim cấp, bác sĩ có thể kiểm tra thêm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm đánh giá và phân tầng nguy cơ bệnh động mạch vành.

7.1. Điện tim đồ gắng sức
– Điện tim đồ được ghi nhận khi bệnh nhân gắng sức bằng cách chạy trên thảm lăn có thể điều chỉnh mức độ gắng sức, kết quả sẽ cho phân loại nguy cơ của bệnh mạch vành (thấp, trung bình, cao); trong đó, những bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ cần chụp mạch vành và có thể can thiệp nong và đặt stent nếu tổn thương > 70% trên các nhánh động mạch vành.

Điện tim đồ gắng sức

7.2. Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành có cản quang (CTA mạch vành)

Bệnh nhân được thực hiện chụp CTA mạch vành

Chụp và cho hình ảnh động mạch vành, kết quả đánh giá được động mạch vành hẹp bao nhiêu phần trăm và bao nhiêu nhánh bị tổn thương hẹp. Nếu thương hẹp > 70% trên các nhánh động mạch vành, sẽ cần chụp mạch vành và có thể can thiệp nong và đặt stent.

7.3. Chụp DSA động mạch (chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền)

Là biện pháp thông dụng hiện nay, ít xâm lấn, từ một vết chọc kim nhỏ vào động mạch quay vị trí cổ tay hay vị trí đùi, các ống thông sẽ được đưa vào mạch máu đi đến động mạch vành, các dụng cụ nong sẽ được đưa vào cơ thể (như dây dẫn, bóng nong…), thuốc cản quang sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch vành để tìm ra chỗ hẹp và đánh giá được mức độ hẹp. Đây là biện pháp chính xác nhất để đánh giá động mạch vành, kết quả đưa ra đáng tin cậy nhất và giúp bác sĩ biết được tất cả các chi tiết như loại tổn thương, mức độ tổn thương, mức hẹp động mạch vành, vị trí cần can thiệp. Từ đó, lên kế hoạch và thực hiện đặt stent nếu các nhánh của động mạch vành hẹp > 70%.

Các bác sĩ thực hiện chụp mạch vành phương pháp DSA trong phòng thủ thuật

Hình ảnh mạch vành khi chụp DSA: A. Động mạch vành trai; B. Động mạch vành phải

8. Cách phòng ngừa bệnh động mạch vành ra sao?

Một số biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp cho động mạch vành khỏe hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành:

– Ngưng hút thuốc lá.

– Kiểm soát và giữ mục tiêu mức huyết áp, đường huyết, tình trạng mỡ máu trong giới hạn bình thường.

– Duy trì thói quen tập thể dục.

Ăn một chế độ ăn ít chất béo, ít muối, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc thực phẩm nguyên hạt.

– Duy trì cân nặng hợp lý.

– Giảm thiểu những căng thẳng tâm lý hay stress lo âu.

– Tầm soát sớm nếu có những dấu hiệu của bệnh động mạch vành để được điều trị phòng ngừa sớm tránh biến chứng nặng.

 Trọng Dy (ghi) – benhdotquy.net

Nguồn: Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ – Chủ biên: TS.BS Trần Chí Cường

Quảng cáo
Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ