Tăng huyết áp khi trời lạnh dẫn đến đột quỵ

Theo bác sĩ Tạ Đức Thao (Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân đội 108), huyết áp cao trong thời tiết lạnh dẫn đến việc bệnh nhân nam 41 tuổi, đang ăn cơm thì bị đột quỵ.

14-02-2022 09:25
Theo dõi trên |

Ngày 12/2, Bệnh viện Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là người đàn ông 41 tuổi, có triệu chứng đau đầu, nôn, liệt nửa người trái hoàn toàn, ý thức lơ mơ, đặc biệt, huyết áp tăng cao 200/110 mmHg.

Bác sĩ Tạ Đức Thao (Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, kết quả chụp CT cho thấy người bệnh bị chảy máu não nên đã được điều trị bằng thuốc cầm máu, chống phù não. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục một phần.

“Bình thường, bệnh nhân huyết áp cao có thể chưa bị chảy máu não, nhưng cộng thêm yếu tố thời tiết trở lạnh làm tăng nguy cơ chảy máu não”, bác sĩ Thao nói.


Bệnh nhân điều trị tại khoa đột quỵ bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Trời lạnh sẽ làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến các mạch máu bị co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, dẫn tới huyết áp tăng cao. Khi huyết áp tăng, lực tác động của máu lên thành động mạch lớn khiến mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết. Vì vậy, thời tiết rét đậm rét hại là một nguyên nhân góp phần khiến tỷ lệ chảy máu não tăng lên.

Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, trong đó 80% là người bị tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh, mọi người nên thực hiện các việc sau:

  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh
  • Nên ngủ trong phòng kín gió
  • Buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể.
  • Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng
  • Mặc đủ ấm trước khi ra ngoài trong thời tiết lạnh
  • Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh
  • Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ
  • Điều trị hạ huyết áp đúng thuốc, đúng liều và có theo dõi định kỳ.

Đột quỵ xảy ra khi não bị ngừng cấp máu do vỡ mạch máu (xuất huyết não) hoặc do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nuôi não (nhồi máu não). Các dấu hiệu xuất huyết não như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, co giật, chóng mặt, ù tai, không đứng vững, mắt mờ, người nói lắp và mất khả năng vận động hoặc mất ý thức… Nếu có các triệu chứng trên người bệnh nên được cấp cứu kịp thời để có thể giữ được mạng sống và khả năng hồi phục cao.

Thiên An

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Liên tiếp các trường hợp tài xế bị đột quỵ xảy ra, đặc biệt trong đó 2 trường hợp tài xế đột quỵ trong ngày 30/11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải thích rõ nguyên nhân gây đột quỵ ở tài xế và cách phòng tránh đột quỵ ở nhóm người này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ