Tầm quan trọng của tập vật lý trị liệu sau đột quỵ
Tập vật lý trị liệu tai biến mạch máu não giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động, cải thiện lực của cơ và tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra, giải pháp này còn hữu hiệu trong việc khôi phục khả năng giữ thăng bằng, di chuyển và ngôn ngữ, giúp bệnh nhân có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Mục lục
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là sự cố đột ngột nguy hiểm của hệ tuần hoàn, làm ngừng cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não.
Đột quỵ được chia thành 2 loại chính:
Thứ nhất, đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu não (nhồi máu não) chiếm khoảng 80%. Có nhiều nguyên nhân gây ra hẹp động mạch cấp máu cho não như hẹp động mạch cảnh ở vùng trước cổ; hẹp các động mạch đốt sống phía sau cổ; hẹp các động mạch trong sọ; cục máu đông do rung nhĩ; bệnh van tim, đa hồng cầu…; bong tróc các mảng xơ vữa động mạch… gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn lòng mạch máu dẫn đến việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não bị ngưng trệ khi tế bào não ngưng hoạt động sẽ dẫn đến đột quỵ với dấu hiệu nhận biết như: mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó, hôn mê.
Thứ hai, đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (xuất huyết não), chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân gây vỡ mạch máu phổ biến nhất là do bệnh tăng huyết áp. Các nguyên nhân khác hay gặp ở người trẻ là vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình mạch máu não, vỡ các thông động tĩnh mạch trong sọ… các bệnh gây rối loạn đông máu, liên quan đến dùng thuốc chống đông…
Khi mạch máu bị vỡ ra, máu sẽ thoát ra ngoài lòng mạch tạo nên cục máu bầm (khối máu tụ) xung quanh nơi bị vỡ gây chèn ép vùng não lành kế bên làm mất chức năng tế bào não dẫn đến đột quỵ với các dấu hiệu điển hình như đột ngột đau đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê, cổ cứng…
Hậu quả của đột quỵ?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ có thể độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần. Nhóm còn lại, các chức năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến phụ thuộc chủ yếu vào sự chăm sóc của người khác như: tắm rửa, ăn uống, di chuyển… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh.
Một số hậu quả của đột quỵ gây ra cho người bệnh:
Khó nuốt
Làm tăng nguy cơ các biến chứng như viêm phổi do hít phải (viêm phổi hít), mất nước và suy dinh dưỡng. Các biến chứng thường kết hợp với tình trạng chảy nước dãi quá mức, cũng thường gặp trong đột quỵ. Khó nuốt cũng dẫn đến các hậu quả xấu như tử vong, nhiễm trùng hô hấp và khuyết tật.
Thay đổi trong trương lực cơ
Giảm trương lực cơ: giai đoạn đầu của đột quỵ, trương lực cơ giảm ở một bên cơ thể, có thể ở chi trên, chi dưới, thân mình và đầu/cổ. Hậu quả của giảm trương lực cơ có thể là nguy cơ chấn thương cao và mất vận động chức năng.
Tăng trương lực cơ (Co cứng): thường gặp ở giai đoạn mạn của bệnh, là một trong những nguyên nhân cơ bản của giảm khả năng di chuyển, co rút mô mềm, đau (đặc biệt là ở vai) và tình trạng tăng hoạt cơ quá mức
Rối loạn cảm giác
Các thay đổi về cảm giác có thể xảy ra ở 85% người bệnh đột quỵ. Khiếm khuyết cảm giác có thể dẫn đến giảm vận động chủ động và làm tăng nguy cơ tổn thương do chấn thương (té ngã, bỏng…)
Xem thêm: Vật lý trị liệu sau đột quỵ: tập khi nào, vì sao cần thiết?
Khó khăn trong giao tiếp
Mất ngôn ngữ (aphasia) ảnh hưởng đến khả năng nói và/hoặc viết và/hoặc hiểu ngôn ngữ nói và viết trong khi các khả năng nhận thức khác tương đối còn nguyên vẹn. Mất ngôn ngữ là một tình trạng kéo dài làm thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng đến cả cá nhân và những người khác xung quanh về kiểu giao tiếp, lối sống, bản sắc… Mất ngôn ngữ có thể cùng tồn tại với các khiếm khuyết nhận thức khác.
Loạn vận ngôn (Dysarthria) có thể ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống, là một khiếm khuyết về lời nói do vận động với mức độ nặng nhẹ khác nhau ảnh hưởng đến sự rõ ràng của lời nói, chất lượng /âm lượng giọng nói và khả năng hiểu được nói chung.
Ảnh hưởng chức năng chi trên
Trong đột quỵ, chi trên có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn chi dưới.
Giảm cơ lực
Đột quỵ gây yếu cơ, gia tăng cơ lực tạo thuận vận động và giúp lấy lại chức năng, các bài tập cơ lực có thể giúp cải thiện tâm lý
Các vấn đề về dáng đi, thăng bằng, di chuyển và đi lại
Đi thường là ưu tiên hàng đầu của người bệnh đột quỵ
Co rút
Là sự rút ngắn các mô mềm làm giảm tầm vận động khớp do các khiếm khuyết (ví dụ như yếu cơ hoặc co cứng) và đặt tư thế xấu kéo dài.
Co rút có thể dẫn đến các thay đổi trong cấu trúc xương. Thường gặp là mất vận động xoay ngoài vai, duỗi khuỷu, quay ngửa cẳng tay, duỗi cổ tay và ngón tay và dạng ngón cái, gấp mu cổ chân và xoay trong khớp háng.
Những người bệnh bị yếu liệt cơ nặng đặc biệt dễ có nguy cơ hình thành co rút bởi vì bất kỳ khớp hoặc cơ nào không được di chuyển hoặc kéo dài đều đặn đều có nguy cơ bị các biến chứng mô mềm, cuối cùng sẽ hạn chế vận động và có thể gây đau.
Bán Trật Khớp Vai
Bán trật khớp vai thường phối hợp với đau vai và giảm chức năng chi trên. Có thể là do trương lực cơ giảm hoặc tăng
Đau
Người bệnh sau đột quỵ rất dễ bị đau. Đau thường xảy ra ở vai liệt và do tình trạng liệt (giảm trương lực cơ), co cứng, bất động và cầm nắm chăm sóc không đúng cách. Đau vai góp phần làm tăng co cứng, mất hồi phục chi trên, mất ngủ, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống, cũng như kéo dài thời gian nằm viện.
Các bệnh lý kèm theo liên quan đến tuổi tác do các thay đổi khớp (ví dụ như thoái hoá khớp) có thể làm tăng thêm đau đớn khó chịu, đặc biệt khi cầm nắm di chuyểnvà đặt tư thế. Đau ở người bệnh đột quỵ có thể là đau trung ương sau đột quỵ (CPSP, Central Post-Stroke Pain) xảy ra ở khoảng 2-8% người bệnh đột quỵ và là một cảm giác rát bỏng, nhói, hoặc châm chích nông và khó chịu, thường nặng hơn khi sờ chạm, bởi nước hoặc vận động
Sưng phù chi
Người bệnh ở tư thế thẳng đứng người (đứng hoặc ngồi) với tay hoặc chân rủ xuống hoặc bất động do yếu cơ có nguy cơ xuất hiện phù nề bàn tay và bàn chân.
Mất sức bền tim phổi
Sức bền tim phổi suy giảm nghiêm trọng do tình trạng bất động ở giai đoạn sớm sau đột quỵ.
Mệt mỏi sau đột quỵ
Mệt mỏi ở đây được định nghĩa là sự mệt mỏi bất thường (hoặc bệnh lý) đặc trưng bởi cảm giác mệt mỏi không liên quan đến mức độ gắng sức trước đó và thường không cải thiện khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân của mệt mỏi sau đột quỵ chưa được rõ nhưng tình trạng này thường gặp và kéo dài sau đột quỵ với tỷ lệ hiện mắc ước tính lên tới 70%. Mệt mỏi có liên quan đáng kể với hạn chế trong thực hiện các sinh hoạt hàng ngày nhưng chủ yếu là do liên quan đến trầm cảm.
Thay đổi về nhận thức
Người bệnh đột quỵ có thể bị suy giảm nhận thức tổng quát trầm trọng. Những thay đổi về nhận thức sau đột quỵ có thể là tổng quát (ví dụ quá trình xử lý thông tin bị chậm) hoặc có thể ở các lĩnh vực cụ thể (ví dụ như định hướng, chú ý, trí nhớ, thị giác không gian, suy luận, hiểu biết kém về các khó khăn của họ, ngôn ngữ, lập kế hoạch và tổ chức). Cần lưu ý là khiếm khuyết nhận thức này có trước hay sau khi bị đột quỵ
Trầm cảm
Trầm cảm là hết sức phổ biến ảnh hưởng đến 1/3 người bệnh sống sót sau đột quỵ. Trầm cảm có liên quan đến chậm cải thiện chức năng và thời gian nằm viện kéo dài. Trầm cảm thường gặp ở giai đoạn cấp tính, trung hạn và dài hạn của đột quỵ, có thể thường tự khỏi trong vòng vài tháng sau khi xuất hiện hoặc kéo dài ở những người bệnh khác dù được can thiệp.
Thay đổi hành vi
Các thay đổi về hành vi và nhân cách (ví dụ như dễ cáu giận, hiếu chiến, cố chấp, mất sức sống/lãnh đạm, dễ thay đổi cảm xúc, thiếu kiềm chế, bốc đồng và mất hiểu biết về bệnh tật) thường xảy ra sau đột quỵ và có thể gây trở ngại đáng kể đối với sự tham gia và tái hòa nhập cộng đồng sẽ gây khó khăn cho gia đình, bạn bè và người chăm sóc, góp phần đáng kể vào gánh nặng và căng thẳng của người chăm sóc.
Huyết khối tĩnh mạch sâu + thuyên tắc mạch phổi
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và biến chứng thuyên tắc phổi là những nguy cơ quan trọng trong vài tuần đầu sau đột quỵ trong đó thuyên tắc phổi chiếm 5% số ca tử vong. Các yếu tố nguy cơ bao gồm giảm vận động, độ trầm trọng của đột quỵ, tuổi, mất nước…
Nguy cơ té ngã
Té ngã là một vấn đề thường gặp của người bệnh sau đột quỵ. Vì một số trường hợp ngã có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ té ngã.
Khó khăn trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày
Giới hạn về thể chất và tinh thần của người bệnh đột quỵ gây cho họ nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cần khuyến khích sự độc lập và để giảm gánh nặng cho gia đình/người chăm sóc, độc lập trong sinh hoạt cũng là cách để giảm trầm cảm.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau đột quỵ có vai trò như thế nào?
Từ khi bệnh nhân sau đột quỵ nằm ở khoa hồi sức đã thể hiện được vai trò của vật lý trị liệu qua các bài tập vận động, bài tập hô hấp giúp bệnh nhân giữ vững thăng bằng, giữ vững các nhóm cơ.
Sau khi xuất viện sự thăng bằng và hô hấp của bệnh nhân sẽ tốt hơn, tránh các yếu tố lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và gia đình.
Ngoài ra vật lý trị liệu như bài tập vận động các nhóm cơ do tổn thương thần kinh sẽ điều trị hỗ trợ một số các bệnh lý do di chứng đột quỵ. Các tổn thương liệt nửa người cần phải hỗ trợ vật lý trị liệu kết hợp một số phương pháp như vận động trị liệu, điện xung để giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động, kích thích vùng tổn thương não.
Sau giai đoạn phục hồi bệnh nhân sẽ lấy lại khả năng, kỹ năng của bản thân trước khi đột quỵ.
Xem thêm: Tìm hiểu về vật lý trị liệu tại bệnh viện sau đột quỵ
Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân sau đột quỵ có mấy giai đoạn?
Theo WHO, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ chia ra 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là sau giai đoạn cấp, tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống bệnh nhân, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn 2 này diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng, là giai đoạn “vàng”, tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được sớm.
Giai đoạn 3 là từ 3 – 6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Giai đoạn 4, sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đặc biệt, nếu sau 1 năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều, tuy nhiên nếu kiên trì tập luyện vẫn tốt hơn, có cơ hội hồi phục.
Sau đột quỵ bao lâu thì bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng?
Sau khi bị đột quỵ, quá trình tiếp cận và phục hồi chức năng khởi động càng sớm càng hiệu quả.
Sau 24 giờ, nếu tình trạng bệnh nhân đã ổn, có thể áp dụng tập cho bệnh nhân sớm để giúp phục hồi và kích thích, phần não tổn thương sẽ được hỗ trợ từ phần não không tổn thương. Bệnh nhân sau khi được hỗ trợ vật lý trị liệu sớm, tiếp cận các phương pháp sẽ phục hồi tốt hơn và để lại di chứng ít hơn.
Những điều bệnh nhân sau đột quỵ cần lưu ý khi tập vật lý trị liệu?
Đáng chú ý khi tập luyện sau đột quỵ đó là phòng ngừa té ngã ở người bệnh. Nếu người bệnh bị té ngã thì cần nghỉ ngơi sau đó kiểm tra sờ nắn những vị trí tay chân, cổ xương quay, xương đùi… nếu người bệnh cử động cảm thấy đau, cần đưa đến cơ sở y tế để chụp Xquang.
Chú ý thứ hai là tránh để người bệnh tập luyện quá mức khiến cho người bệnh sẽ sợ tập luyện. Nếu người bệnh thấy mệt mỏi, chán nản hãy cho nghỉ ít phút để thư giãn, nghỉ ngơi thay vào đó cho người bệnh nghe nhạc, xem tivi… để giảm bớt căng thẳng mệt mỏi.
Để cải thiện quá trình hồi phục sau đột quỵ cần bắt đầu luyện tập sớm và phù hợp thì khả năng phục hồi sau đột quỵ càng cao.
Người bệnh cần có nhiều động lực, cố gắng và chỉ cần kiên trì luyện tập chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Quá trình tập luyện tăng dần, lặp lại nhiều lần, tần suất cao… Mỗi người bệnh cụ thể, thời gian cụ thể sau đột quỵ sẽ có những bài tập khác nhau cho phù hợp. Do đó, cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc, luyện tập, tái khám…
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hiệu đính
- Từ khóa:
Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc
PGS.TS.BS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới điều trị đột quỵ tại miền Bắc đang có bước phát triển mạnh, nhiều trung tâm, khoa, đơn vị đột quỵ được thành lập nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, đặc biệt là cấp cứu trước viện, đào tạo nhân lực và hành lang pháp lý.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Phân biệt các loại nhức đầu thường gặp
Nhức đầu là triệu chứng phổ biến, dấu hiệu này có thể cảnh báo cho rất nhiều tình trạng bệnh lý. Trong bài viết dưới đây, GS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney sẽ chia sẻ về những loại đau đầu thường gặp, cũng như cách nhận biết và điều trị tình trạng này.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim