Sau khi đặt stent mạch vành, bệnh nhân cần làm gì để tránh nguy cơ tắc stent?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương hướng dẫn bạn đọc Benhdotquy.net sau khi đặt stent mạch vành cần làm gì để tránh nguy cơ tắc stent.

05-02-2023 11:43
Theo dõi trên |

1. Những ai sẽ được chỉ định đặt stent mạch vành?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Hệ thống động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim, khi có sự tích tụ các mảng bám trong lòng mạch vành gây ra hiện tượng xơ vữa mạch vành.

Xơ vữa mạch làm cho động mạch vành bị thu hẹp lại, làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim, khi hẹp nhiều gây ra cơn đau thắt ngực, và đặc biệt nếu mảng xơ vữa không ổn định có thể bong ra gây tắc mạch vành gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Nong mạch vành là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp mở rộng lòng động mạch vành nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim do mảng xơ vữa gây chít hẹp.

Sau khi nong rộng mạch vành bằng bóng, bác sĩ sẽ tiến hành bước thứ hai là đặt stent mạch vành, chính là đặt 1 giá đỡ kim loại giúp chống đỡ, giảm cơ hội thu hẹp động mạch vành.

Chỉ định đặt stent mạch vành bao gồm:

– Động mạch vành bị hẹp từ 70% trên phim chụp mạch vành

– Đau thắt ngực ổn định không khống chế được dù đã điều trị phương pháp nội khoa tối ưu

– Đau thắt ngực ổn định có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim và tổn thương ở một động mạch vành mà cung cấp máu cho một vùng lớn của cơ tim

– Đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên mà phân tầng nguy cơ cao

– Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

– Cơn đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật làm cầu nối chủ vành

– Có triệu chứng của tái hẹp mạch vành sau khi can thiệp động mạch vành qua da.

Đặt stent không có nghĩa là chữa khỏi bệnh mạch vành. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương hướng dẫn bạn đọc Benhdotquy.net sau khi đặt stent mạch vành cần làm gì để tránh nguy cơ tắc stent.

2. Đặt stent mạch vành được thực hiện thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Quy trình đặt stent là quy trình phẫu thuật ít xâm lấn được thực hiện khi bệnh nhân được gây tê cục bộ. Thủ thuật thường được thực hiện xuyên qua mạch máu ở cổ tay hoặc vùng bẹn.

Bệnh nhân sẽ được gây tê vùng da quanh khu vực thực hiện thủ thuật, hiếm khi phải dùng thuốc an thần. Sau đó, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở cổ tay hoặc vùng bẹn. Một ống nhựa mỏng, dài (sheath) được luồn vào mạch máu. Ống này được giữ tại chỗ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật và có chức năng dẫn đường để giúp đưa các ống thông và dây dẫn vào, rồi dẫn đến tim.

Trong quá trình thao tác bệnh nhân có thể cảm thấy người nóng hơn nhưng không có gì phải lo lắng.

Bác sĩ quan sát các động mạch vành này trên màn hình X-quang.

Trong lúc thao tác, có thể dùng thêm một số thiết bị cơ học để hoàn thành thủ thuật bao gồm dây dẫn áp lực, máy khoan mảng xơ vữa và siêu âm nội mạch (IVUS).

Nếu chỗ hẹp mạch vành này không cần nong và đã hoàn thành khảo sát, ống thông được rút ra nhẹ nhàng. Nếu chỗ hẹp mạch vành này cần phải nong, một sợi dây mỏng được đưa qua ống nhựa mỏng đã được luồn vào mạch máu và trên sợi dây này, một quả bóng được đưa vào và bơm phồng lên tại chỗ hẹp để giúp ép chặt các mô mỡ (mảng xơ vữa động mạch hoặc mảng bám).

Tiếp theo, stent được đặt vào chỗ hẹp của động mạch vành. Stent nằm trên quả bóng được bơm phồng và mở rộng ra. Stent đóng vai trò như một giá đỡ để giữ cho thành mạch máu mở rộng, khôi phục tốt lưu lượng máu. Sau đó bóng được xì hơi và rút ra, nhưng stent vẫn được giữ tại chỗ.

>> Xem thêm: Tìm hiểu về nong mạch vành và đặt stent

3. Sau can thiệp, bệnh nhân có vết thương ở đâu, chăm sóc vết thương thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Nếu quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, cơ tim người bệnh sẽ nhận được nhiều lưu lượng máu đến hơn, triệu chứng đau ngực sẽ giảm hoặc khỏi hẳn.

Sau can thiệp, bệnh nhân có vết thương nhỏ được băng ép ở cổ tay hoặc vùng bẹn.

Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được lưu lại Khoa Tim mạch bệnh viện để theo dõi mạch và huyết áp. Nhân viên y tế sẽ kiểm tra vết thương và tuần hoàn máu tại chi đã thực hiện thủ thuật.

Băng ép ở động mạch quay (cổ tay) sẽ được tháo sau 4 – 6 giờ và băng ép ở động mạch đùi (bẹn) sẽ được tháo sau 8-12 giờ (nếu không có tình trạng chảy máu).

Bệnh nhân cần nằm tại giường trong 6 giờ đầu nếu. Giữ thẳng chân bên can thiệp trong 2 giờ đầu

Giữ vùng da xung quanh vị trí luồn ống thông luôn khô ráo trong vòng 24-48 giờ sau thủ thuật để tránh nhiễm trùng. Nếu khu vực này trở nên ấm, đỏ hoặc bắt đầu chảy dịch, rất có thể bệnh nhân đang bị nhiễm trùng, cần được bác sĩ xem xét xử lý ngay.

– Ấn giữ vùng vết chọc khi ho hoặc hắt hơi

– Theo dõi khu vực mạch máu luồn ống thông xem có chảy máu không. Nếu có, hãy nằm thẳng, tạo áp lực lên vùng đó để cầm máu rồi gọi bác sĩ.

– Báo cho y tá nếu thấy đau nhiều vùng can thiệp

– Tránh nâng vật nặng, không tập các bài tập gắng sức và kiêng hoạt động tình dục ít nhất một tuần.

– Tránh hút thuốc lá trong 24 giờ. Tốt nhất, bạn nên bỏ hẳn thuốc lá sau khi đặt stent. Khói thuốc đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như có khả năng thay đổi thành phần hóa học trong máu.

– Uống thêm nước để phòng tụt huyết áp và bệnh thận do thuốc cản quang

– Duy trì uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Sau đặt stent, lịch tái khám của bệnh nhân như thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Quá trình thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong vòng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân xuất viện chỉ sau 1-2 ngày, trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân cần nhớ lịch tái khám sau đặt stent: tối thiểu là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau đặt stent. Đến thời điểm 1 năm, cần làm nghiệm pháp gắng sức để kiểm tra khả năng tưới máu của tim.

Bệnh nhân có sử dụng bảo hiểm y tế và ở gần cơ sở y tế đang khám chữa bệnh thì sẽ được hướng dẫn lịch tái khám chặt hơn, thường là mỗi tháng để vừa kết hợp khám kiểm tra tim mạch vừa lãnh thuốc theo quy định của bảo hiểm y tế.

5. Sau khi đặt stent mạch vành, có phải bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh tim trước đó?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Khi mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa hay cục máu đông làm nghẽn dòng máu đến nuôi dưỡng tim, đặt stent mạch vành là bước đột phá trong tim mạch can thiệp giúp điều trị phục hồi khả năng tưới máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ và người bệnh sẽ giảm được các triệu chứng đau ngực, khó thở, mệt mỏi và cải thiện chất lượng sống.

Do đó, bệnh nhân thường cho rằng đặt stent giúp khỏi vĩnh viễn bệnh mạch vành. Đây là nhầm lẫn tai hại vì can thiệp chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, chứ không điều trị bệnh nền là xơ vữa động mạch đã có từ trước. Tắc nghẽn có thể xảy ra ở những vị trí khác trên động mạch vành.

Nếu bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có thể tái phát chỉ sau 6 tháng – 2 năm đặt stent.

Và nguy hiểm hơn khi bị tái hẹp hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim, bệnh nhân buộc phải thực hiện can thiệp tim mạch lần 2 với kỹ thuật phức tạp và chi phí tốn kém hơn như đặt stent trong lòng stent, hoặc phẫu thuật bắc cầu và tất nhiên, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.

6. Bệnh nhân cần làm gì để tránh nguy cơ tắc stent?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Để tránh nguy cơ tắc stent, sau khi đặt stent, người bệnh phải dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, kết hợp với các thuốc hạ áp, hạ cholesterol máu, thuốc điều trị đái tháo đường ở những người bị tiểu đường… Họ phải uống đầy đủ, đúng giờ các loại thuốc được kê ít nhất trong vòng 1 năm sau can thiệp.

Cần khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau đặt stent. Đến thời điểm 1 năm, cần làm nghiệm pháp gắng sức để kiểm tra khả năng tưới máu của tim.

Họ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống cho lành mạnh; bỏ hút thuốc, giảm cân nếu có thừa cân hoặc béo phì. Giảm ăn dầu, mỡ động vật, muối cũng sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện thêm tắc nghẽn mạch vành.

Về vận động, người bệnh không nên lái xe hoặc đi đường xa, quan hệ tình dục trong 2 tuần đầu sau can thiệp. Sau này, họ cũng không nên tham gia các hoạt động thể lực mạnh nhưng nên đi bộ 30 – 60 phút mỗi ngày, tùy theo sức.

Nếu thấy đau ngực hoặc khó thở quá mức, hãy ngừng vận động ngay và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ. Khi phải sử dụng thuốc, ngay cả Viagra cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước bởi thuốc chống ngưng tập tiểu cầu có thể chống chỉ định với một số loại thuốc.

7. Đi khám bệnh, người đặt stent mạch vành cần lưu ý gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh nhân đã đặt stent mạch vành không có chống chỉ định với bất kỳ cận lâm sàng nào, ngoại trừ cần cẩn thận với việc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Sau khi đặt stent trên 6 tháng, bệnh nhân vẫn có thể chụp cộng hưởng từ một cách bình thường mà không sợ ảnh hưởng đến stent hay kết quả chụp. Với bệnh nhân đặt stent dưới 6 tháng thì khi cần chụp MRI thì chú ý tránh máy MRI > 3 tesla.

Trong mọi hoàn cảnh, trước khi chụp, bệnh nhân cần thông báo trước cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế rằng mình có stent trong mạch vành để được chuẩn bị và hướng dẫn kĩ càng hơn.

>> Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ MRI tìm ra những bệnh gì?

8. Bệnh nhân có thể tập thể dục, vận động mạnh sau đặt stent không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong tuần đầu tiên sau đặt stent, không nên lái xe, du lịch xa, đi xe đạp, khuân vác hoặc các hoạt động thể lực nặng, tham gia bất kỳ môn thể thao nào, ngoại trừ đi bộ trên mặt phẳng.

Bệnh nhân có thể rời khỏi giường như bình thường nhưng cố gắng nghỉ ngơi tối đa trong 2 ngày đầu (sau đó tăng dần mức thể lực), đi bộ không quá 10 phút với lực bước tăng dần, nấu ăn nhưng không nên đứng lâu quá 20 phút.

Sang tuần thứ 2 có thể tăng dần mức thể lực trong sự thoải mái cho phép, đi bộ xa hơn một chút nhưng không nên chạy bộ.

Ở một số nơi, người bệnh có thể tham gia chương trình giáo dục phục hồi vận động cho bệnh nhân sau đặt stent.

Người bệnh có thể trở lại làm việc sau 1-2 tuần, nhưng nên giảm giờ làm trong tuần đầu tiên để tránh mệt mỏi quá mức hay đi làm vào giờ cao điểm. Nếu công việc liên quan đến khuân vác nặng, nên chuyển sang khuân vác nhẹ trong thời gian đầu.

Về lâu dài, người bệnh có thể tham gia các hoạt động thể lực bình thường và các môn thể thao trong sự cho phép của bác sĩ tim mạch. Môn được khuyến cáo là đi bộ ít nhất 30 phút, 5 lần mỗi tuần. Nếu thấy đau ngực xuất hiện hoặc khó thở quá mức, nên ngừng vận động ngay và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ.

9. Bệnh nhân sau đặt stent nên lưu ý gì trong sinh hoạt thường ngày và ăn uống?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh nhân sau đặt stent cần thay đổi lối sống để bảo vệ trái tim mình, đó là ngưng thuốc lá, tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần, giảm cân nếu dư cân hay béo phì, chế độ ăn tốt cho tim mạch, giảm rượu bia. Bệnh nhân uống thuốc và tái khám đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng các loại thuốc, bất kể thuốc gì cũng phải có tư vấn của các bác sĩ để tránh các nguy hại cho sức khỏe.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch là:

Nên hạn chế những loại thực phẩm sau:

– Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol: như các loại thịt đỏ (thịt bò); mỡ, da, phủ tạng động vật; lòng đỏ trứng, gan, đồ ăn chiên xào, nước hầm xương… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh mạch vành cần đặc biệt hạn chế bởi chúng có thể làm gia tăng nồng độ cholesterol máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch vành và tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim.

– Muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và gia tăng các biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành cần ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, hành muối hoặc các thức ăn chế biến sẵn như pate, lạp xưởng,…

– Đồ ăn hoặc thức uống có chứa nhiều đường: như bánh, kẹo, nước ngọt…

– Bia, rượu: tránh sử dụng bởi chúng có thể làm tăng huyết áp, tăng triglyceride máu và gây hại cho tim mạch. Mỗi ngày uống không quá 2 lon bia với nam và 1 lon bia đối với nữ.

Nên bổ sung thêm:

– Trái cây tươi nhiều màu sắc, rau củ màu đậm như: súp lơ xanh, cải xoăn, cải bó xôi, cam, dưa hấu, quýt, dâu tây, cà rốt,…

– Ngũ cốc các loại: gạo lứt, bột yến mạch,…

– Nên sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu hướng dương,…

– Các loại quả hạch: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó,…

– Omega – 3 trong các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ,

10. Sau đặt stent, những dấu hiệu nào cho thấy bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau đặt stent, nếu có những dấu hiệu sau, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay: cơn đau thắt ngực tái xuất hiện với mức độ nặng như trước, khó thở, đau thượng vị liên tục không đáp ứng với điều trị theo hướng viêm dạ dày, tim đập không đều, đánh trống ngực liên tục trên 10 phút, vã mồ hôi, tụt huyết áp, đột ngột mệt mỏi, mất nhận thức, người đột nhiên yếu đi, chóng mặt… mà không lý giải được nguyên nhân.

Benhdotquy.net

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ