Rối loạn ám ảnh cưỡng chế làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não gấp 3 lần

Một bài báo trên tạp chí Stroke đăng tải kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ ở những người rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cao hơn so với những người không bị OCD.

25-12-2021 14:34
Theo dõi trên |

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) định nghĩa, đột quỵ là sự gián đoạn cung cấp máu lên não, dẫn đến tổn thương mô não hoặc tử vong. Đột quỵ được phân loại thành 2 dạng, đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ xuất huyết,

Trong đột quỵ do thiếu máu cục bộ, cục máu đông hoặc sự tích tụ của mảng bám sẽ ngăn chặn nguồn cung cấp máu lên não. Còn đột quỵ xuất huyết là một mạch máu bị vỡ trong não. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, 87% đột quỵ là thiếu máu cục bộ.

Nhiều yếu tố rủi ro khiến bạn có nguy cơ đột quỵ cao hơn như: các tình trạng sức khỏe (bao gồm bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim và bệnh hồng cầu hình liềm…), lối sống (chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn nhiều muối, lười vận động, béo phì, uống quá nhiều rượu bia và thuốc lá).

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra đột quỵ không thể thay đổi được như tuổi tác, di truyền và tiền sử gia đình. Bên cạnh đó, đã có nghiên cứu được tiến hành để xác định nguy cơ gia tăng nguy cơ đột quỵ đối với những người có tình trạng sức khỏe tâm thần. Các nhà khoa học tin rằng, việc xác định các yếu tố nguy cơ đột quỵ sẽ hữu ích trong việc giảm nguy cơ đột quỵ của một người.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và đột quỵ

Để tìm hiểu xem OCD có phải là một yếu tố nguy cơ riêng biệt để phát triển đột quỵ hay không, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Nghiên cứu Bảo hiểm Y tế Quốc gia của Đài Loan (NHIRD). Tổng cộng 28.064 người mắc chứng OCD đã tham gia vào nghiên cứu đều từ 20 tuổi trở lên và không có tiền sử đột quỵ trước đó.

Tất cả những người tham gia đều được chẩn đoán mắc chứng OCD bởi một bác sĩ tâm thần được hội đồng chứng nhận từ năm 2001 đến 2010. Các nhà khoa học cũng đối chiếu thông tin về các loại thuốc chống trầm cảm, đôi khi các bác sĩ kê đơn cho bệnh OCD. Nhóm này được so khớp với nhóm đối chứng, bao gồm tuổi, giới tính, khu vực cư trú, mức thu nhập và các tình trạng sức khỏe hiện có khác.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người tham gia mắc chứng OCD bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn gấp ba lần so với những người không mắc chứng OCD. Mối quan hệ này rõ ràng nhất đối với những người trên 60 tuổi.

OCD vẫn là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ ngay cả sau khi điều chỉnh phân tích để tính đến các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như hút thuốc, béo phì, bệnh tim, tăng huyết áp, tiểu đường loại 2 và cholesterol cao. Tuy nhiên, các tác giả kết luận rằng không có tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết ở những người bị OCD.

Tương tự, họ không xác định được bất kỳ mối liên hệ nào giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ đột quỵ. Các tác giả lưu ý rằng mối quan hệ giữa thuốc chống trầm cảm và đột quỵ cho đến nay vẫn chưa được kết luận, và các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được tiến hành.


Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não gấp 3 lần so với người không mắc bệnh

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như các nhà khoa học không thể chứng minh rằng OCD gây ra đột quỵ. Ngoài ra, có khả năng không phải mọi trường hợp đột quỵ đã xảy ra đều được ghi nhận, vì chỉ những người tìm cách điều trị mới được lưu trữ thông tin trong quá trình thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng không thể được xác định trong nghiên cứu, bao gồm mức độ nghiêm trọng của OCD, các yếu tố môi trường và tiền sử gia đình. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, OCD là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi trung niên và cao tuổi, có nhiều khả năng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ mới khởi phát sau này so với nhóm chứng không OCD,

Vì thế, tác giả cấp cao – TS Ya-Mei Bai, thuộc Đại học Quốc gia Yang-Ming Chiao Tung ở Đài Bắc, Đài Loan cho rằng: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nên khuyến khích những người mắc chứng OCD duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn như bỏ hoặc không hút thuốc, hoạt động thể chất thường xuyên và quản lý cân nặng hợp lý để tránh các yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ”.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn tâm thần liên quan đến suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế.

Ví dụ người bị ám ảnh cưỡng chế luôn tự hỏi bản thân mình đã khóa cửa trước khi ra khỏi nhà hay chưa. Điều này thôi thúc họ phải quay lại nhà để kiểm tra. Việc này thậm chí có thể diễn ra nhiều lần. Người bệnh thường cố gắng loại bỏ suy nghĩ về việc khóa cửa nhưng điều này chỉ càng làm họ căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng.

Hồng Anh (dịch từ Medical News Today)

  • Từ khóa:
Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Liên tiếp các trường hợp tài xế bị đột quỵ xảy ra, đặc biệt trong đó 2 trường hợp tài xế đột quỵ trong ngày 30/11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải thích rõ nguyên nhân gây đột quỵ ở tài xế và cách phòng tránh đột quỵ ở nhóm người này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ