Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (hay Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ) là cơ sở y tế đầu tiên tại ĐBSCL chuyên cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch.

15-03-2022 16:14
Theo dõi trên |

I. Giới thiệu về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ còn được biết đến với tên gọi Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ, với 2 chuyên khoa mũi nhọn ban đầu là Đột Quỵ và Tim Mạch.

Bệnh viện có quy mô xây dựng 13.000m2 sàn phân bố trên 10 tầng, với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất như: máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA thế hệ mới,…

Bên cạnh đó là hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi, C-Arm DSA di động, hệ thống truyền hình trực tuyến, hệ thống PACS lưu trữ truy xuất dữ liệu bệnh án điện tử có thể truy cập từ xa…

Bệnh viện không chỉ có chức năng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà còn nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao y tế, hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu về Đột quỵ – Tim mạch.

Đây cũng là bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn “bạch kim” về điều trị đột quỵ, được Đại diện Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) đã trao chứng nhận, ngày 29/10/2021.


Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, với các trang thiết bị hiện đại, thế hệ mới nhằm phục vụ tốt nhất để giành lấy cuộc sống cho bệnh nhân đột quỵ

II. Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Ban đầu, khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ lâm sàng tại phòng Cấp cứu sẽ khám, đánh giá các triệu chứng, tình trạng sơ bộ. Việc quyết định điều trị tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Cụ thể:

1. Bệnh nhân đột quỵ vẫn có thể hợp tác (có thể nằm yên, thực hiện theo y lệnh của bác sĩ)

Trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI 3 Tesla. Đây là kỹ thuật hiện đại, không cần dùng thuốc cản từ mà vẫn có thể quan sát rõ bó sợi thần kinh, kiểm tra độ tưới máu não, chi tiết giải phẫu tốt hơn do đó các tổn thương dễ dàng phát hiện hơn.


Máy chụp MRI 3 Tesla không cần tiêm chất cản từ

Qua kết quả chụp MRI, nếu là đột quỵ không xuất huyết (nhồi máu não) thì bác sĩ sẽ kiểm tra xem có chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hay không. Nếu không có chống chỉ định mà bệnh nhân đến trước 3,5 giờ thì sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Ngay sau khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định chụp lại CTA (CT có thuốc cản quang) để kiểm tra hiệu quả điều trị, nếu mạch máu không được tái thông và kết quả chụp CTA là tắc mạch máu lớn thì chuyển lên phòng DSA can thiệp nội mạch, nếu là tắc mạch máu nhỏ thì tiếp tục điều trị nội.

Nếu nhồi máu não mà bệnh nhân đến sau 3,5 giờ (trường hợp này đã có chống chỉ định tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, vì nếu bơm thuốc làm gia tăng khả năng xuất huyết) hoặc nhồi máu não do tắc mạch lớn mà bệnh nhân đến trong vòng 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng thì sẽ được điều trị bằng can thiệp nội mạch.

Qua kết quả chụp MRI, nếu là đột quỵ xuất huyết và nghi ngờ do cao huyết áp thì sẽ điều trị nội khoa. Trường hợp đột quỵ do dị dạng mạch máu não hoặc do túi phình sẽ chuyển lên phòng DSA can thiệp nội mạch.


Phòng DSA của bệnh viện được trang bị hiện đại tương đương với các nước đi đầu về can thiệp thần kinh đột quỵ trên thế giới.

2. Bệnh nhân không hợp tác được, kích thích nhiều

Trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT không cản quang để đánh giá bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết hay không xuất huyết. Một số trường hợp đột quỵ không do xuất huyết, nếu bệnh nhân đến trong thời gian vàng 3,5 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát triệu chứng và không có chống chỉ định thì sẽ được tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Tương tự như trên, sau khi tiêm thuốc bác sĩ sẽ cho chụp lại CTA (CT có tiêm thuốc cản quang) để đánh giá tình trạng tái thông mạch máu. Nếu kết quả đánh giá là mạch máu đã thông thì tiếp tục điều trị nội, nếu kết quả chụp CTA có tắc mạch máu lớn thì chuyển lên phòng DSA điều trị can thiệp nội mạch.

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sau khi đánh giá, thuốc tiêu sợi huyết có thể được tiêm ngay tại phòng chụp CT hoặc quay trở lại phòng Cấp cứu. Vì ngay từ khi thiết kế và thi công, bệnh viện đã chủ ý đặt các phòng CT, phòng MRI ngay cạnh phòng Cấp cứu để tiết kiệm từng mốc thời gian cho bệnh nhân.

Phòng DSA của bệnh viện được trang bị hiện đại tương đương với các nước đi đầu về can thiệp thần kinh đột quỵ trên thế giới. Hệ thống đầu đèn thế hệ mới giúp giảm được lượng tia X, giúp bệnh nhân và bác sĩ hạn chế tiếp xúc quá nhiều với loại tia này. Chất lượng hình ảnh tốt hơn.


Không khí vô trùng tại phòng DSA được trang bị như tại phòng mổ

Việc cần bệnh nhân hợp tác bởi đối với MRI thời gian chụp sẽ lâu hơn, khoảng 10-15 phút hoặc nhiều hơn tùy theo tình trạng và đòi hỏi bệnh nhân phải nằm yên, không cử động đầu để hình ảnh được rõ nét. Còn đối với chụp CT chỉ mất khoảng 5 phút.

Về chi phí, chụp CT rẻ hơn một nửa so với chụp MRI. Mặc dù MRI giá cao hơn nhưng sẽ đánh giá chi tiết hơn, mặt khác không cần tiêm thuốc cản từ vẫn có thể quan sát được bó sợi thần kinh, độ tưới máu não và đánh giá chính xác vùng nhồi máu não, cũ – mới, tranh tối tranh sáng, phù não… Đồng thời giúp quyết định có nên điều trị các trường hợp đến muộn sau 6 giờ hay không.

Sau khi điều trị, can thiệp bác sĩ sẽ theo dõi lâm sàng, nếu ổn định thì không cần chụp CT kiểm tra lại. Nếu bệnh nhân trên lâm sàng diễn tiến nặng hơn thì có thể cần chụp CT không tiêm thuốc cản quang để đánh giá lại tình trạng bệnh nhân có bị tổn thương nhiều hơn hoặc xuất huyết não thêm hay không.

III. Sau can thiệp bệnh nhân được chăm sóc như thế nào?

Ngay sau khi can thiệp, Đơn vị Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng của bệnh viện cũng sẽ lên kế hoạch chăm sóc tùy theo giai đoạn, tình trạng giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tốt nhất. Quy trình như sau:

Bệnh nhân ở phòng ICU – Hồi sức tích cực từ 0-24 giờ: Kỹ thuật viên sẽ thực hiện các bài tập vận động thụ động (xoa bóp các cơ, các khớp bên liệt, kể cả những vị trí nhỏ nhất chẳng hạn như khớp ngón tay, khuỷu tay, cổ tay, vai cho đến những khớp lớn như khớp háng) giúp kích thích não bộ phản ứng. Ngoài ra, còn xoay trở bệnh nhân ở tư thế tốt (tư thế nằm cho phù hợp để không gây tổn thương thêm), vì nếu sai thì sẽ để lại di chứng như trật khớp vai hoặc khớp háng.

Sau khi bệnh nhân được chuyển sang phòng theo dõi, kỹ thuật viên sẽ tiếp tục thực hiện các bài tập vận động thụ động có thể kết hợp với điện xung kích thích cơ, giảm đau giúp bệnh nhân hồi phục về vận động.

Bệnh phòng (bệnh tỉnh, có thể cử động, làm theo y lệnh của bác sĩ): tập vận động kháng trở (bệnh nhân có thể tự tập theo hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên) kết hợp với điện xung, có thể sử dụng laser nếu có chỉ định, giúp bệnh nhân mạnh về sức cơ.

Xuất viện: Điều trị tại nhà. Đơn vị Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân cách sinh hoạt, bài tập hồi phục tại nhà và quay lại tập Vật lý trị liệu khi có nhu cầu.

Chi tiết liên hệ:

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Địa chỉ: 397 Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Điện thoại: 02923 789 911

Hotline: 1800 1115

Email: cskh@dotquy.vn

Website: https://sisvietnam.vn/

Hướng dẫn nhận biết ngưng thở khi ngủ

Hướng dẫn nhận biết ngưng thở khi ngủ

Làm thế nào để nhận biết người có mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ? Ai có nguy cơ bị mắc và làm thế nào để chẩn đoán, điều trị ngưng thở khi ngủ? TS.BS Phan Thanh Thủy – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp cho quý đọc giả hiểu rõ vấn đề này trong bài viết sau.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ