Những sai lầm cần tránh để không bỏ lỡ cơ hội vàng trong đột quỵ

Benhdotquy.net ghi nhận buổi livestream S.I.S Vì sức khỏe cộng đồng (lần 7) với chủ đề: “Đột quỵ và những sai lầm trong xử trí và điều trị”.

23-02-2023 14:20
Theo dõi trên |
Buổi livestream S.I.S Vì sức khỏe cộng đồng (lần 7) với chủ đề: “Đột quỵ và những sai lầm trong xử trí và điều trị” với diễn giả là TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

1. Cách phân biệt trúng gió với triệu chứng đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Trong từ ngữ y khoa hiện đại không có khái niệm về bệnh trúng gió, có thể đây là một trong những kinh nghiệm dân gian hoặc y học cổ truyền. Thông thường chúng ta sau khi dầm mưa dãi nắng gặp hiện tượng sốt, cảm, ho, hắt hơi, sổ mũi sẽ gọi đó là trúng gió. Tuy nhiên một số trường hợp đột quỵ bị lầm tưởng với trúng gió, vì vậy cần lưu ý các dấu hiệu của đột quỵ như sau:

– Méo mặt

– Yếu liệt tay chân

– Nói đớ, nói khó.

Nếu phát hiện 3 dấu hiệu của đột quỵ nên nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện có thể điều trị đột quỵ gần nhất. Không nên nghĩ đây là trúng gió và tự xử lý sẽ rất nguy hiểm.

Nếu nhận diện sai lầm sẽ dẫn theo một chuỗi vấn đề khác như sơ cứu sai cách, xử lý sai, chờ đợi quá lâu đến khi hôn mê, diễn tiến nặng mới phát hiện đột quỵ.

2. Sơ cứu đột quỵ sai cách sẽ nguy hiểm ra sao?

Dân gian tay truyền nhau dùng kim chích 10 đầu ngón tay hoặc dái tai, vắt chanh cạo gió để sơ cứu đột quỵ điều này sẽ nguy hiểm ra sao?

TS.BS Trần Chí Cường:

Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng nếu xử lý cho trường hợp đột quỵ. Bất kỳ một xâm lấn nào vào cơ thể người bệnh ở điều kiện ngoài trời, ngoài đường, thậm chí trong nhà đều không vô trùng.

– Kim may đồ ở nhà không thể vô trùng được, đây là một nguy cơ tìm ẩn.

– Giả sử kim có dính máu của người bị viêm gan siêu vi B hoặc HIV, khi đâm vào người khác sẽ tìm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

– Nếu cây kim bị vi trùng uốn ván chích vào người bệnh nhân sau này có thể lên cơn co giật vì uốn ván.

– Bệnh nhân đột quỵ đang tỉnh táo khi tiêm vào sẽ chịu một cảm giác rất đau đớn và nếu bệnh nhân đang trong tình trạng tăng huyết áp có thể làm xuất huyết não nặng hơn. Vì đau là một stress làm tăng phản ứng cơ thể.

– Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân bị hoặc bệnh tim, rung nhĩ, van tim nhân tạo đang uống thuốc chống đông (máu đang loãng) khi chích kim vào người bệnh nhân sẽ gây ra thảm họa, chảy máu nghiêm trọng.

– Đề phòng xa hơn, nếu bệnh nhân vào viện chẩn đoán nhồi máu não, các bác sĩ tiêm thuốc tan cục máu đông (rTPA) thì những chỗ bị kim chích sẽ khó cầm máu khiến việc xử trí khó khăn hơn.

Chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào cho thấy những hành động này sẽ cứu được bệnh nhân đột quỵ. Do đó, dù bất cứ lý do gì chúng ta cũng không được và không nên thực hiện, không tạo tác động vật lý lên bệnh nhân, làm bệnh nhân bị chảy máu.

3. Thực phẩm ngừa đột quỵ trên mạng có mang lại hiệu quả?

Hiện nay trên mạng xã hội đang quảng cáo rất nhiều thực phẩm ngừa đột quỵ. Thậm chí một số sản phẩm nói rằng “uống một lần sẽ ngừa cả đời” và có không ít người tin. Nhờ BS cho biết việc này là đúng hay sai và người dân phải phòng ngừa như thế nào để hiệu quả?

TS.BS Trần Chí Cường:

Điều này hoàn toàn sai vì tất cả những sản phẩm được tuyên truyền, quảng cáo trên mạng bằng nguồn thông tin không chính thống đều là những loại thực phẩm chức năng. Với phương tiện truyền thông, mạng xã hội như hiện nay ai cũng có thể là tác giả, nhà biên tập và có kênh truyền thông riêng.

Do đó, mọi người có thể nói bất cứ thứ mình muốn nếu không vi phạm luật pháp. Khi để ý sẽ thấy những thực phẩm chức năng luôn có câu “đây là thực phẩm chức năng hoàn toàn không thay thế thuốc chữa bệnh”.

Khi bệnh nhân truyền tai nhau mua uống, nhiều trường hợp rơi vào những kênh bán hàng đa cấp rất nguy hiểm, xảy ra sự cố “tiền mất tật mang”.

Thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân khi vào bệnh viện cấp cứu cho biết đã mua viên thuốc vài triệu đồng để uống phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên những thuốc này chỉ dừng lại ở thực phẩm chức năng, không thể biết được có hiệu quả hay không.

Trường hợp nếu đã nghiên cứu thành thuốc và có chỉ định rõ ràng thì chỉ được sử dụng ở bệnh viện, là những thuốc kê toa rất nghiêm ngặt. Chỉ có thuốc làm tan cục máu đông là thuốc tại bệnh viện đã được nghiên cứu chứng minh, tuyên truyền và được cả thế giới sử dụng.

Không ai mong muốn mình xảy ra đột quỵ, do đó có rất nhiều cách phòng ngừa tốt hơn như chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, điều trị bệnh nền.

Giả sử trường hợp một bệnh nhân hút thuốc lá 2 gói/ngày và nghĩ rằng mua những viên thuốc này để uống phòng ngừa, sau đó hút thuốc thoải mái là suy nghĩ sai lầm. Liệu pháp tốt nhất là giảm thuốc lá và sau đó ngưng hút thuốc lá sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

>> Xem thêm: Bác sĩ Viện Y học dân tộc TPHCM bác bỏ công dụng ngừa đột quỵ của An cung ngưu hoàng hoàn

TS.BS Trần Chí Cường

4. Có phải các loại đột quỵ và phương pháp điều trị đều giống nhau?

Phải chăng các loại đột quỵ đều giống nhau? Và các phương pháp điều trị tại bệnh viện đều giống nhau?

TS.BS Trần Chí Cường:

Không phải tất cả các loại đột quỵ đều giống nhau. Nếu một viên thuốc chữa được tất cả các bệnh đột quỵ thì đó là điều không có thật. Đột quỵ luôn được xếp thành hai nhóm là xuất huyết não (vỡ mạch máu) và nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu). Hai loại đột quỵ này hoàn toàn khác nhau và được điều trị khác nhau, thậm chí có một số phương pháp ngược nhau.

– Xuất huyết não: là máu đang chảy từ mạch máu, chúng ta phải tắc nghẽn mạch máu đó lại. Gây tắc, cầm máu bằng thuốc, điều trị nội khoa, bơm keo, thậm chí mổ hở để lấy phần máu chảy (máu tụ) ra ngoài.

– Tắc nghẽn mạch máu: phải làm mọi cách để thông mạch máu, cục máu đông có thể được làm tan bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc dùng dụng cụ lấy huyết khối (đưa dụng cụ từ mạch máu trên đùi hoặc cánh tay đi vào não để kéo máu đông ra ngoài).

Quan trọng là thời gian đến bệnh viện, nếu đến sớm có thể thực hiện cứu sống bệnh nhân trong khoảng thời gian não chưa tổn thương hoàn toàn.

Ngoài ra khi chưa biết bệnh nhân bị đột quỵ do nguyên nhân gì mà uống một loại thuốc để điều trị tất cả các bệnh đột quỵ là sai.

Trường hợp bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não sẽ chống chỉ định hoàn toàn với thuốc làm tan cục máu đông. Khi tin theo quảng cáo, sử dụng phải thuốc làm tan cục máu đông và thuốc có tác dụng sẽ gây tử vong cho bệnh nhân. Do đó, có thể uống thực phẩm chức năng nhưng đừng nghĩ sẽ làm tan cục máu đông khi bệnh nhân bị đột quỵ.

5 Có phải thời gian điều trị đột quỵ trước hoặc sau đều giống nhau?

Theo những dạng đột quỵ mà BS vừa chia sẻ, thời gian điều trị trước và sau có ảnh hưởng như thế nào và có giống nhau không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Kết quả điều trị sẽ hoàn toàn khác nhau tùy vào thời gian bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị. Đây là một vấn đề rất quan trọng, ý nghĩa của thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ và chính những người đang theo dõi chương trình sẽ giúp bác sĩ hoàn thành tốt vai trò của mình.

Cũng như những người thân xung quanh người bị đột quỵ nếu có kiến thức tốt sẽ cứu được người nhà của mình, rút ngắn thời gian vàng (đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt) để các bác sĩ có thể tiêm thuốc tan cục máu đông nếu bệnh nhân nhồi máu não.

Đối với bệnh nhân nhồi máu não trong thời gian vàng, tắc mạch máu nhỏ đến bệnh viện trước 4 tiếng rưỡi, có thể hy vọng khả năng phục hồi lên đến 90%, đây là một con số rất thần kỳ, ngoạn mục. Và vấn đề này có thể bị đảo ngược hoàn toàn nếu như cùng một ca nhưng đưa đến bệnh trễ sau 6 tiếng, thậm chí sau 4 tiếng rưỡi các bác sĩ sẽ không dám chỉ định điều trị thuốc tan cục máu đông cho bệnh nhân. Vì khi tiêm thuốc tan cục máu đông cho bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn muộn sẽ giai tăng nguy cơ xuất huyết não trên bệnh nhân đó (khi não thiếu máu sẽ bị hoại tử, tím đen nếu tiêm thuốc tan cục máu đông vào thì vùng tím đen sẽ bị xuất huyết).

Lưu ý thời gian tiêm thuốc tan cục máu đông sẽ giới hạn trong cửa sổ giờ vàng là trước 4 tiếng rưỡi. Một điều quan trọng nữa là bệnh nhân điều trị càng sớm thời gian phục hồi sẽ càng nhanh và di chứng để lại thấp.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị trong thời gian vàng có thể trở lại phòng mổ, đi đứng bình thường. “Trở lại phòng mổ” là do bệnh viện S.I.S đã từng cứu bác sĩ ngoại khoa bị đột quỵ đến trong thời gian vàng và sau khi điều trị có thể trở lại cầm dao mổ bình thường, không bị rung tay, không gây biến chứng cho bệnh nhân từ những hậu quả của đột quỵ.

>> Làm sao để đừng trễ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ?

6 Làm thế nào để sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân đột quỵ đúng cách?

Nhờ bác sĩ đưa ra lời khuyên về cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ và cách vận chuyển bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế?

TS.BS Trần Chí Cường:

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ có rất nhiều cách nhưng nguyên tắc ABC sẽ dễ thực hiện nhất.

A (airway) là đường thở, đầu tiên xem bệnh nhân đột quỵ có bị tắc nghẽn đường thở không. Vì nếu tắc nghẽn đường thở thì chỉ trong vòng 4 phút ngưng thở bệnh nhân sẽ tử vong không cứu được. Không kể đến thời gian vàng là 4 tiếng rưỡi nếu bệnh nhân chẳng may bị hôn mê, tắc nghẽn đường thở như bị sặc thức ăn, nuốt răng giả vào miệng,… và có biểu hiện tím tái, khó thở thì phải tìm cách khai thông đường thở.

– Nếu do sặc thức ăn sẽ tìm cách để hút thức ăn ra.

– Nếu gặp vấn đề về răng giả sẽ cạy, lấy hàm răng giả của bệnh nhân ra.

– Nới lỏng quần áo.

– Di chuyển bệnh nhân đến vùng không khí thoáng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi đột quỵ bị vây kín bởi đám đông nên có thể thiếu oxi.

Khi bệnh nhân vẫn đang thở tốt sẽ tiến hành kiểm tra B (blood), quan sát xung quanh bệnh nhân xem có chảy máu hay không.

– Nạn nhân bị té ngã ngoài đường gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, máu chảy nếu không có kinh nghiệm về y khoa hãy tìm vải sạch, khăn sạch băng ép sau đó quấn garo xung quanh vết thương để cầm máu tạm thời.

– Trường hợp người bệnh còn tỉnh táo nên hỏi xem có đau những vùng xương lớn như cột sống cổ, cột sống thắt lưng hay xương đùi, xương cẳng chân không để tiến hành cố định xương gãy. Đây là vấn đề rất quan trọng nếu chúng ta không xác định trước mà xốc bệnh nhân lên có thể sẽ gây tử vong. Bệnh nhân chỉ cần nằm yên tại hiện trường chờ nhân viên y tế đến trong khoảng 15 – 20 phút sẽ an toàn hơn.

– Nếu chúng ta biết cách sơ cứu nên sử dụng những tấm ván gỗ hoặc băng ca cứng di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng trên nguyên tắc xem bệnh nhân như khúc gỗ, khiêng bằng 2 tay và nhờ những người khác cùng đưa bệnh nhân lên với tư thế thẳng hoàn toàn. Ví dụ có xương gãy phải đặt nẹp xung quanh, quấn lại bằng băng hoặc khăn để cố định xương gãy sau đó mới di chuyển bệnh nhân sẽ an toàn hơn.

Nếu bệnh không chảy máu, không có xương lớn gãy bất thường sẽ tiến hành qua bước C (circulation) tuần hoàn của bệnh nhân.

– Đối với người tỉnh táo, giao tiếp rõ ràng, nói đớ, nói ngọng nhẹ là tuần hoàn vẫn ổn không cần thiết phải sờ mặt.

– Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân đang hôn mê, bất tỉnh phải sờ mạch cảnh, sờ ở vùng trái cổ bệnh nhân đưa ra hai bên.

– Nếu mạch cảnh không đập có thể sờ những mạch khác như ở vùng bẹn để xem mạch còn đập hay không.

– Trường hợp mạch cổ không đập, mạch bẹn không đập và không nghe tim thì phải tiến hành hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Tại các nước phát triển đã đào tạo hồi sức tim phổi cho cộng đồng. Còn Việt Nam cần thời gian để bệnh viện, các hiệp hội cũng như ngành y tế có thể đào tạo hồi sức tim phổi cho cộng đồng.

– Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở thì chắc chắn nguy cơ tử vong trên 99%.

90% bệnh nhân đột quỵ còn tỉnh táo, chỉ một vài phần trăm bệnh nhân đột quỵ hôn mê thậm chí ngưng tim, ngưng thở. Chúng ta hãy yên tâm là phần lớn những sai lầm không nằm ở trường hợp bệnh nhân đột quỵ xong hôn mê. Mà nằm ở trường hợp đột quỵ nhẹ sau đó lơ là, chủ quan dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.

Thời gian cấp cứu đột quỵ chỉ trong vòng 6 giờ, nếu mất đi thời gian vàng dù có bao nhiêu của cải và quyền lực cũng không cứu được. Chỉ cần không đúng thời gian sẽ trở thành rào cản ngăn tất cả các phương pháp điều trị, bao nhiêu tiền bạc, thuốc men cũng không còn chỉ định để điều trị. Do đó đừng lãng phí thời gian để theo dõi một trường hợp được nhận biết đang bị đột quỵ, “mất thời gian vàng là mất mạng”.

7. Bệnh nhân đã bị đột quỵ rồi có đột quỵ nữa hay không?

TS.BS Trần Chí Cường:

Sách vở y văn đã chứng minh, đối với những người đã bị đột quỵ nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ cao hơn, thậm chí gấp 3-4 lần so với những người chưa từng đột quỵ đột quỵ. Do đó, đối với những người đã bị đột quỵ điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải quan tâm đến sức khỏe.

Một số bệnh nhân đã đột quỵ khi đến khám xác nhận vẫn còn hút thuốc lá, do bị liệt tay phải, tay trái vẫn bình thường nên tiếp tục hút thuốc. Đây là trường hợp hết sức đau lòng, bác sĩ phải khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá vì khi hút thuốc nguy cơ đột quỵ tái phát rất cao, thậm chí lần đột quỵ sau sẽ nặng hơn lần đột quỵ trước rất nhiều.

Đa phần những lần đột quỵ sau nguy cơ tử vong có thể tăng gấp 10 lần.

Sau khi bị đột quỵ chúng ta phải tìm nguyên nhân và dự phòng nguyên nhân bằng thuốc và tất cả các phương pháp, cũng như kiểm soát yếu tố nguy cơ đã từng gây đột quỵ cho chúng ta. Ví dụ:

– Bệnh lý về tim, loạn nhịp tim, rung nhĩ phải kiểm soát bằng thuốc chống cục máu đông.

– Bệnh tiểu đường phải điều trị thật tốt tiểu đường để dự phòng đột quỵ tái phát.

– Nếu uống rượu bia quá nhiều, khi đột quỵ rồi phải tiết chế lại mới có cơ may phòng ngừa đột quỵ tái phát.

Hồng Yến – Benhdotquy.net

Ảnh chụp màn hình.

Quảng cáo
Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ