Nhập viện do va chạm giao thông, người phụ nữ tình cờ phát hiện u não cỡ quả trứng gà
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, đã phẫu thuật loại bỏ thành công khối u não cho nữ bệnh nhân U70, phát hiện tình cờ sau một lần va chạm giao thông.
Bệnh nhân là bà L.B.T. (62 tuổi, ở Cần thơ) cho biết, tháng 8/2024, trong một lần di chuyển trên đường, bà bị va chạm giao thông và đập trán xuống đường. Khi vào bệnh viện địa phương vệ sinh vết thương, để yên tâm, bà đã chụp CT não kiểm tra. Kết quả cho thấy chấn thương do tai nạn giao thông chỉ là ở phần mềm, tuy nhiên các bác sĩ phát hiện bà có khối u não và chỉ định nhập viện để phẫu thuật nhưng bà không đồng ý.
Đến giữa tháng 11/2024, theo lời khuyên từ gia đình, bà T. đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để kiểm tra một lần nữa. Tại đây, kết quả chụp MRI cho thấy bà có một khối u kích thước khá lớn 35 x 40mm, và khả năng u lành tính.
Hình ảnh MRI não của bệnh nhân L.B.T. (Ảnh: BVCC)
BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng – Đơn vị Ngoại Thần kinh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nhận định, chấn thương do tai nạn không liên quan đến khối u này. Việc phát hiện khối u là tình cờ, nhưng nhờ đó mà bệnh nhân được chẩn đoán điều trị sớm.
Mặc dù khối u có kích thước lớn nhưng chưa gây ra triệu chứng nào cho bệnh nhân, đi đứng bình thường, vì vậy không cần phải mổ cấp cứu. Tuy nhiên, việc phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm thì sẽ càng có lợi cho người bệnh, vì theo thời gian, khối u sẽ phát triển hơn, việc phẫu thuật muộn cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ cho biết, sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp tắc mạch nuôi u trước mổ để giảm nguy cơ chảy máu trong lúc mổ. Theo y văn, khoảng 40% các khối u trong não nằm sâu và có các mạch máu lớn nuôi. Trong những trường hợp này, can thiệp nội mạch để tắc mạch trước phẫu thuật giúp giảm thiểu mất máu trong quá trình mổ. Trong khi đó, với các mạch máu nông từ da, phẫu thuật thông thường vẫn có thể tiếp cận và xử lý cầm máu an toàn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là khối u kích thước khá lớn, lại nằm giữa đỉnh đầu, ngay vùng vận động cảm giác, nguy cơ chảy máu trong lúc mổ rất cao và có thể nguy hiểm trong lúc mổ, hay để lại di chứng yếu liệt sau mổ…
Sau 4 tiếng thực hiện ca phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách thành công toàn bộ khối u khỏi mô lành. Sau mổ, bà T. hồi phục nhanh chóng, không yếu liệt, lượng máu mất không đáng kể, không cần truyền máu và đã xuất viện sau gần 1 tuần điều trị.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: BVCC)
Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ khuyến cáo cần đi tầm soát sức khỏe ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường hoặc chỉ đau đầu nhẹ. Với công nghệ của trang thiết bị hiện nay như MRI, CT, tầm soát sẽ đưa ra hình ảnh bằng chứng cụ thể cho chúng ta về những vấn đề bên trong não, mạch máu não.
Nếu như đau đầu từ nguyên nhân bất thường về não như u não, dị dạng mạch máu não… sẽ giúp can thiệp sớm, dự phòng được nguy cơ. Còn nếu đau đau đơn thuần từ các yếu tố khác như áp lực công việc, huyết áp tăng, thức khuya mất ngủ… có thể điều chỉnh dễ dàng hơn.
- Từ khóa: