Nhà thơ Y Phương qua đời vì đột quỵ
Tối 9/2, nhà thơ Y Phương – tác giả bài thơ “Nói với con” vừa qua đời tại nhà riêng do đột quỵ, hưởng thọ 74 tuổi.
Cụ thể, vào 20g tối 9/2, họa sĩ Hoàng A Sáng – con rể nhà thơ Y Phương lên phòng ba thì thấy ông đã bất tỉnh. Sau đó, gia đình vội gọi cấp cứu, nhưng họ xác nhận ông đã mất nên không đưa tới bệnh viện.
Chị Hứa Nhuệ Anh – con gái nhà thơ Y Phương cho biết, sức khỏe của ông có phần giảm sút do bệnh tuổi già và ông đang thực hiện tác phẩm về chữ Nôm Tày – chữ viết của người Tày, cũng như nhiều dự định về thơ ca còn dang dở.
Cô viết: “Cảm ơn ba đã sống một cuộc đời thành tựu thật đẹp và thương yêu chúng con đến giây phút cuối cùng. Chúng con sẽ là sự tiếp nối của ba”.
Nhà thơ Y Phương
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ trên trang cá nhân về nhà thơ Y Phương: “Ông sống ở Cao Bằng rồi theo con về Hà Nội. Tôi luôn cảm thấy những ngọn gió và câu hát tháng giêng (tác phẩm Tiếng hát tháng giêng của Y Phương) từ núi cao cố hương cũng theo ông về chốn đô thành. Những ngọn gió và câu hát ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố. Nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn.
Nhiều lúc, ông phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê. Nhất là những năm tháng tuổi già ít về được cố hương. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chìm đắm trong những câu hát tháng giêng. Xin cúi đầu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn”.
BTV Hoàng Trang VTV nghẹn ngào viết:
“Bác Y Phương ơi! Cháu vẫn không tin đâu.
Đêm qua, lúc đang ngồi làm kịch bản, thì cháu nhận được tin. Cháu nhắn cho chị Nhuệ, mãi sau chị Nhuệ mới trả lời. Cháu không muốn tin là “ông già hâm người Tày” yêu công nghệ từ nay sẽ mãi mãi không còn còm vào FB cháu nữa. Cháu cảm thấy sự thật này thật khó chấp nhận, vì nó quá đột ngột!
Cháu không thể viết được tiếp. Việc đầu tiên cháu làm là lần lại đường link chương trình Ông bà tôi mà bác cháu mình quay 4 năm trước! Chương trình cháu viết format, và bác là nhân vật, cùng với Sa. Hai ông cháu đã tặng chúng cháu một chương trình quá nhiều xúc cảm, có nước mắt, có nụ cười. Một chương trình giản dị, hóm hỉnh mà sâu sắc như chính con người bác! Trong chương trình ấy, bác đã ăn bát cháo bẹ mà cháu ngoại bác nấu- sau 50 năm. Bác đã khóc, rồi kể cho cháu nghe về những người mẹ Tày vất vả ra sao, tả cho cháu nghe về mùi thơm của tấm vải dệt nhuộm làm ra tấm áo chàm của người Tày như thế nào….
Rồi nước mắt cháu cứ thế rơi thôi….
Chưa từng trong đời làm nghề, cháu thấy có ai yêu và tự hào, kiêu hãnh về văn hoá của người Tày như bác! Điều đó khiến cháu luôn nghĩ đến bác đầu tiên mỗi khi có điều gì cần hỏi về văn hoá Tày.
Và mỗi khi nghĩ tới Cao Bằng, cháu lại lẩm bẩm bài hát “mời anh lên Cao Bằng quê em” một cách vô thức. Bài thơ của bác đã trở thành biểu tượng cho vùng đất ấy!
Với cháu, Y Phương không bao giờ ra đi. Bác vẫn bay bổng với trái tim lãng mạn và kiêu hãnh, khiêm nhường giản dị mà đáng ngưỡng mộ về chiều sâu tri thức và tâm hồn. Tâm hồn ấy đã, và mãi mãi sẽ hoà vào vẻ đẹp của nước non Trùng Khánh, Cao Bằng!
Chỉ có điều, cháu sẽ hỏi ai về văn hoá Tày nếu sau này cháu trở lại Cao Bằng đây?
– À lố, con gái à? Lại cần gì ở ông già này à?
– Chữ bác xấu lắm, mấy chục năm rồi toàn gõ máy tính thôi….
– Cái đó bác không giỏi lắm, cháu tìm người này, người này…..
Bác ơi!!!!!!
Bác yên nghỉ! Cháu sẽ mãi nhớ những kỷ niệm của bác cháu mình!
Cháu chào bác- nhà thơ Y Phương!”
Nhà thơ Y Phương tên thật Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, dân tộc Tày ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Cao Bằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông có nhiều tác phẩm được in trên báo phát hành hơn 10 tập thơ, trường ca như Bếp nhà trời, Dáng một con sông, Nói với con (1980), Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Thơ Y Phương (2002), Vũ khúc Tày (2015)…. hai tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm (2009), Kungfu người Co Xàu (2010) và một tập kịch Người của núi (1982)…
Nhà thơ Y Phương từng đoạt giải thưởng như Giải A Cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng”, Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc-Hội Nhà văn Việt Nam (1992) cho tập thơ “Lời chúc”. Giải B của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập trường ca “Chín tháng” (2001), Giải B của Bộ Quốc phòng với “Trường ca chín tháng” (2001).
Ông cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Thiên An
Inforgraphic – Cách xử trí khi xảy ra đột quỵ
Hậu quả sau đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết của người thân hoặc người xung quanh của người bị đột quỵ. Những kiến thức dưới đây sẽ góp phần giúp người bị đột quỵ có thể được đưa đến bệnh viện sớm hơn, cơ hội phục hồi cao hơn.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
S.I.S Cần Thơ cứu sống nữ bệnh nhân 53 tuổi suy hô hấp cấp và viêm phổi nặng
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa cứu sống nữ bệnh nhân 53 tuổi “Thoát khỏi của tử” do căn bệnh suy hô hấp cấp và viêm phổi nặng. Sau 9 ngày điều trị không hiệu quả tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân đã được hồi sinh nhờ sự can thiệp quyết liệt của ekip bác sĩ tại S.I.S Cần Thơ.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim