Người mỡ máu cao nên ăn gì và hạn chế ăn gì để tránh nguy cơ đột quỵ?

Mỡ máu cao hay rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ quan trọng đưa đến đột quỵ. Bên cạnh việc thay đổi lối sống thì chế độ dinh dưỡng đúng cách là điều tiên quyết để kiểm soát mỡ máu cao tốt hơn, giúp ngăn ngừa hiệu quả biến chứng do tình trạng này gây ra.

24-12-2021 10:46
Theo dõi trên |

Mỡ có trong máu là dưỡng chất cần thiết để duy trì sự sống. Tuy nhiên, nếu mỡ cao hơn mức cần thiết sẽ gây ra rối loạn mỡ máu, xơ vữa, tắc mạch máu. Mỡ máu cao thường diễn tiến âm thầm, có thể bắt đầu tích lũy từ tuổi trẻ, đến tuổi trung niên sẽ đưa đến nhiều biến chứng khó lường, nếu không thường xuyên kiểm tra để có hướng kiểm soát kịp thời.

Một con số thống kê có thể khiến nhiều người giật mình. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 28 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến rối loạn mỡ máu.

Viện Dinh dưỡng Việt Nam đưa ra một con số thống kê khác, ở nước ta có 29% số người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ. Trong khi đó, ở thành thị tỷ lệ này là 44,3%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là 71% số người bị mỡ máu không lường được biến chứng tai hại của bệnh.


Mỡ máu cao là yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Lượng mỡ trong máu tăng cao liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống. Vì vậy, cách điều trị đơn giản nhất và hiệu quả nhất là điều chỉnh ngay trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Về nguyên tắc, nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Những điều người mỡ máu cao NÊN làm

Người có mỡ máu cao nên ăn nhạt, uống đủ nước trong ngày. Nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô – đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol. Điều cần lưu ý là tổng tất cả các loại chất béo nói trên đều không được vượt quá 30% lượng calo cho phép.

Thay vì ăn thịt, người mỡ máu cao nên tập trung vào cá cho các bữa ăn trong tuần. Tốt nhất là mỗi tuần nên có ít nhất 3 ngày ăn cá và 1 ngày ăn đậu (đậu hũ, đậu ve, đậu xanh…). Có rất nhiều loại cá người mỡ máu cao có thể ăn được như cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá mòi và cá thu… Với những bữa ăn lựa chọn thịt để chế biến thì nên ưu tiên các loại thịt nạc không lẫn mỡ, da và gan. Nếu ăn tôm, cua, ghẹ… nên bỏ phần gạch. Mỗi tuần chỉ nên dùng 2 quả trứng gà hoặc trứng vịt.


Người mỡ máu cao cần lưu ý bổ sung các chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là nguồn từ rau củ quả

Đừng quên tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan. Những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan là gạo lức, các hạt họ đậu, đậu lăng, lúa mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi). Các thức ăn này làm giảm lượng chất béo và cholesterol được hấp thụ vào cơ thể, giúp “trục xuất” các muối mật ra ngoài.

Trái cây ít ngọt là lựa chọn tuyệt vời dành cho người mỡ máu cao, tốt nhất nên ăn trái cây nguyên cả múi/ tép hơn là ép lấy nước uống. Một số thực phẩm có tác dụng giảm mỡ trong máu như gừng, chế phẩm đậu, sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà… nên được ưu tiên sử dụng.

Cuối cùng, đừng quên nạp đủ axit folic. Nếu hàm lượng axit này trong máu quá thấp thì hàm lượng homocystein sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên thu nạp mỗi ngày 400 microgram axit folic qua các thực phẩm như rau chân vịt, nước ép trái cam, bánh mì, lạc, đậu trắng và mầm lúa mì.

Những điều người mỡ máu cao KHÔNG NÊN làm

Người mỡ máu cao nên giảm ăn mặn, hàm lượng muối sử dụng mỗi ngày dưới 5g. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

Rượu bia, đồ uống có cồn, đường (đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt nước ngọt) cũng là thực phẩm mà người mỡ máu cáo cần tránh xa. Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là não, bầu dục, gan, nội tạng động vật. Không nên ăn quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol.

Người mỡ máu cao cần giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn vì đây là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật, đồng thời cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân nhiễm mỡ máu.

Đặc biệt, không nên ăn tối quá muộn. Bởi đây là thời điểm năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến cho hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này lâu ngày có thể gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm, kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.

Điều quan trọng hơn đó là tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá. Bên cạnh đó, đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ, việc khám sàng lọc sẽ giúp phát hiện và điều trị máu nhiễm mỡ kịp thời, tránh biến chứng nặng nề như đột quỵ hay bệnh tim mạch.

Lưu ý: Để giảm mỡ máu ở những người có mỡ máu cao, bên cạnh chế độ ăn còn cần chú ý tới việc giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì, duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện tập luyện ở mức độ thích hợp. Kết quả tốt nhất chỉ đạt được nếu phối hợp các yếu tố vừa nêu.

Tuệ Giang

  • Từ khóa:
Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Liên tiếp các trường hợp tài xế bị đột quỵ xảy ra, đặc biệt trong đó 2 trường hợp tài xế đột quỵ trong ngày 30/11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải thích rõ nguyên nhân gây đột quỵ ở tài xế và cách phòng tránh đột quỵ ở nhóm người này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ