Người có bệnh nền cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ trong ngày Tết?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ hướng dẫn người có bệnh nền phòng ngừa đột quỵ trong ngày Tết.

22-01-2023 12:49
Theo dõi trên |

1. Các bệnh lý nào có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ trong ngày Tết?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Các bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hàng đầu là tăng huyết áp.

Thứ hai, đó là bệnh tim mạch như: hở van tim, hẹp van tim gây tạo huyết khối, tắc mạch dẫn đến đột quỵ. Bệnh rối loạn nhịp tim, rung nhĩ tạo huyết khối (cục máu đông) gây tắc mạch.

Đái tháo đường, tăng lipid máu, béo phì hoặc hút thuốc thụ động, chủ động gây tổn thương vi mạch dẫn đến đột quỵ.

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi – Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ hướng dẫn người có bệnh nền cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ trong ngày Tết.

2. Thói quen nào khiến người có bệnh nền bị đột quỵ trong ngày Tết?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Người có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu sẽ khiến bệnh nhân dễ bị đột quỵ hơn.

Trong ngày Tết, đây là thời điểm sum họp, vui chơi, du lịch nên ăn uống không điều độ, thức khuya, uống quá nhiều rượu bia. Ví dụ như người bệnh ăn thức ăn quá mặn như dưa muối, stress, tăng huyết áp ác tính có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Người bị đái tháo đường ăn thức ăn ngọt như mứt, kẹo, uống nước ngọt và nước mía, trái cây ngọt như xoài, mít, sầu riêng nhưng không uống thuốc chính là nguy cơ gây đột quỵ vì bị đái tháo đường, hôn mê do đái tháo đường.

3. Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ là gì?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Tình trạng đột quỵ là quy trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn có thể do cục máu đông hay mảng xơ vữa gây tắc mạch, mạch máu bị vỡ. Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời. Do đó, các triệu chứng mới khởi phát ban đầu cần được lưu ý để cấp cứu kịp thời.

Trước hết, mặt bệnh nhân có thể bị tê, cười méo lệch.

Thứ hai, tay chân bị tê mỏi không nhích lên được.

Thứ ba, giao tiếp bị líu lưỡi, nói không rõ chữ và mô tả vấn đề không rõ.

Khi phát hiện các triệu chứng trên, chúng ta cần gọi cấp cứu và đến trung tâm đột quỵ càng sớm càng tốt. Người nhà cần ghi nhớ thời gian khởi phát triệu chứng nêu trên để báo cáo cho bác sĩ. Từ đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

>> Xem thêm: Những dấu hiệu đột quỵ bạn không nên bỏ qua

4. Người có bệnh nền cần lưu ý gì đến việc uống thuốc trong ngày Tết?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Khi nghỉ vài ngày, người mắc bệnh nền như tiểu đường, viêm cơ tim, tăng huyết áp cần chuẩn bị thuốc đủ trong ngày Tết. Người bệnh cần uống thuốc đúng liều, đúng thời gian theo toa của bác sĩ.

Đừng vì thiếu thuốc mà không uống khiến huyết áp bị tăng đột biến, đường huyết không ổn định.

Không nên vì tiệc tùng, vui chơi mà quên uống thuốc, đường huyết sẽ tăng cao có thể dẫn đến đột quỵ.

5. Người bị cao huyết áp cần làm gì để ổn định huyết áp trong ngày Tết?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Đối với bệnh nhân mắc bệnh nền cao huyết áp, người bệnh nên chuẩn bị đủ thuốc bác sĩ đã kê trong toa hằng ngày. Khi đã được kê đủ thuốc, bệnh nhân cần uống đủ lượng thuốc theo thời gian và bác sĩ kê. Đừng vì bỏ quên thuốc mà không uống, lúc ấy huyết áp sẽ tăng cao.

Đừng vì quá lo lắng mà dự trù thêm thuốc hơn lượng thuốc đã được kê trong toa. Khi uống quá nhiều thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ, tuột huyết áp cũng không tốt.

Bệnh nhân cao huyết áp cần được nghỉ ngơi, không nên thức khuya, tránh stress, không nên ăn mặn và uống nhiều rượu bia để tránh bị đột quỵ.

6. Bệnh nhân tiểu đường có cần kiêng món ăn gì trong ngày Tết hay không?

BS.CK2 Vương Thị Nguyên Chi:

Các bệnh nhân đái tháo đường có thể vui vẻ trong ngày Tết. Tuy nhiên, họ cần hạn chế kẹo, bánh, mứt, trái cây ngọt, uống nước ngọt hay uống nước mía, nước ép trái cây.

Bệnh nhân tiểu đường cần chia phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no hay để quá đói. Ăn quá no sẽ khiến đường huyết tăng, ăn quá ít sẽ khiến hạ đường huyết.

Ngoài ra, người bị tiểu đường cần bổ sung đạm như cá, rau xanh, trái cây như táo, lê.

Lưu ý, người bị đái tháo đường không nên thức khuya.

Trọng Dy (ghi) – Benhdotquy.net

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ