Người bệnh tăng áp động mạch phổi có nguy cơ đột quỵ không?

Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp, vì vậy có liên quan đến đột quỵ. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chỉ ra đó là tình huống thế nào.

11-01-2023 21:28
Theo dõi trên |

1. Tăng áp động mạch phổi là tình trạng như thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Để hiểu tăng áp động mạch phổi là gì thì bạn cần biết dòng máu lưu chuyển qua tim thế nào.

Tim là một cơ quan rất quan trọng bảo tồn sự sống của cơ thể và hoạt động như 2 máy bơm. Phần bên trái của tim (gồm tâm nhĩ trái và tâm thất trái) nhận máu giàu oxy từ phổi về và bơm máu này vào hệ thống động mạch hệ thống để nuôi toàn bộ cơ thể. Tâm thất trái bơm máu đi khoảng cách xa nên tâm thất trái có cấu trúc cơ dày và khỏe, hiệu quả của sức bơm tâm thất trái có thể biết được qua huyết áp động mạch mà chúng ta đo được bằng máy đo huyết áp.

Sau khi máu đã đưa oxy đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, máu nhận lại Carbonic và trở về tim bằng hệ thống tĩnh mạch, về tâm nhĩ phải và tâm thất phải để được bơm lên phổi qua động mạch phổi vào phế nang trao đổi oxy.

Vì một số nguyên nhân khác nhau, quá trình lưu thông máu lên phổi có thể bị cản trở và áp lực máu trong mạch máu phổi tăng lên, có thể do hệ thống mao mạch và động mạch phổi bị xơ vữa, thu hẹp hoặc suy yếu, dẫn đến bệnh tăng áp động mạch phổi.

Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp. Nó ảnh hưởng đến các động mạch phổi và bên phải của tim. Bệnh tăng áp động mạch phổi bắt đầu khi áp lực lên thành động mạch phổi thường xuyên tăng lên. Buồng thất phải sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi khi áp suất được xây dựng, cứ như vậy cơ tim sẽ bị suy yếu và cuối cùng là suy hoàn toàn.

2. Những bệnh lý gì có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tăng áp lực động mạch phổi có 2 loại nguyên phát và thứ phát.

2.1. Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát

Nguyên nhân do các mạch máu nhỏ của phổi bị thay đổi cấu trúc trở nên dày và cứng gây ra hẹp lòng mạch, tâm thất phải khi bơm máu lên phổi phải dung sức bóp mạnh hơn bình thường làm áp lực trong động mạch phổi tăng lên, lâu dần tâm thất phải cũng sẽ dầy lên.

Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát cho đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh diễn tiến chậm từ lúc nhỏ đến tuổi trưởng thành.

2.2. Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát

Là diễn tiến của một bệnh lý tim bẩm sinh, một bệnh van tim, một bệnh cơ tim, bệnh thuyên tắc phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát có thể được điều trị khỏi nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh lý gây ra tăng áp lực động mạch phổi.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chỉ ra tình huống nào khiến người bệnh tăng áp động mạch phổi sẽ dẫn đến đột quỵ.

3. Người bệnh có thể tự nhận biết mình bị tăng áp động mạch phổi không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Các triệu chứng của bệnh trong giai đoạn đầu thường không đặc hiệu, gặp trong nhiều bệnh lý khác, bệnh khởi phát từ từ. Điều này dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và không xác định được tăng áp động mạch phổi cho đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, phát sinh các dấu hiệu khác.

Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh tăng áp động mạch phổi gồm:

+ Khi vận động, tập luyện thể dục, người bệnh sẽ nhanh cảm thấy khó thở, mau kiệt sức;

+ Thường cảm thấy mệt mỏi;

+ Vùng ngực bị đau thắt;

+ Tay, chân, mắt cá chân bị sưng phù;

+ Nhịp tim, mạch đập nhanh bất thường;

+ Các vết xanh tím xuất hiện ở da và môi;

+ Người bệnh thường xuyên cảm thấy chóng mặt, có thể bị ngất xỉu;

+ Đối tượng bị bệnh tim, phổi nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng lên;

+ Người bệnh cảm thấy chướng bụng, khó tiêu.

4. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán tăng áp động mạch phổi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tăng áp động mạch phổi có thể khó chẩn đoán vì nhiều dấu hiệu của căn bệnh này tương tự như các dấu hiệu của các bệnh lý khác. Do đó, sau khi khám sức khỏe ban đầu (khám tim phổi, khám tĩnh mạch cổ, khám gan, nhìn bụng, mắt cá chân và chân xem có bị phù không; đo huyết áp; đo nồng độ oxy trong máu bằng máy đo bão hòa oxy), bác sĩ có thể thực hiện một vài xét nghiệm để có thêm thông tin và có được kết luận chính xác nhất.

+ Siêu âm tim: Một phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh chuyển động của trái tim đang đập, cho thấy lưu lượng máu qua tim và có thể kiểm tra áp lực trong động mạch phổi. Thăm dò này được thực hiện để giúp chẩn đoán bệnh và kiểm tra hoạt động hai tâm thất đang bơm máu tốt như thế nào.

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT): Một loạt các tia X được thực hiện để tạo ra hình ảnh mặt cắt của xương, mạch máu và các mô mềm bên trong cơ thể. Thuốc cản quang có thể được tiêm vào tĩnh mạch để giúp các đánh giá các mạch máu rõ ràng hơn. Chụp CT có thể cho biết kích thước của tim và bất kỳ tắc nghẽn nào trong động mạch phổi. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các bệnh phổi có thể dẫn đến tăng áp phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay xơ phổi.

+ Chụp thông khí/tưới máu (quét V/Q): Kỹ thuật này giúp tìm ra cục máu đông có thể gây ra huyết áp cao trong phổi.

+ Điện tâm đồ (ECG): Giúp theo dõi hoạt động của tim, có thể phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc các dấu hiệu tăng áp lực buồng tim phải.

+ Chụp X-quang ngực: Cho biết động mạch phổi hoặc buồng tim có giãn hay không và giúp gợi ý các tình trạng khác của phổi, tim.

+ Thông tim phải: là thăm dò bắt buộc để khẳng định chẩn đoán bệnh. Bác sĩ đặt một ống thông vào một tĩnh mạch lớn, thường là tĩnh mạch đùi hoặc đường động mạch quay ở cánh tay, sau đó luồn nó vào bên phải tim. Một màn hình ghi lại áp lực ở tim phải và trong động mạch phổi.

+ Xét nghiệm máu: Giúp xác định một số nguyên nhân của bệnh hoặc phát hiện các dấu hiệu biến chứng.

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp dựng lên hình ảnh chi tiết của tim, có thể hiển thị lưu lượng máu trong động mạch phổi và đánh giá hoạt động của tâm thất phải.

+ Đo chức năng thông khí phổi: thăm dò không xâm lấn này đo lượng không khí phổi có thể giữ và luồng không khí vào/ra khỏi phổi. Kỹ thuật thực hiện bằng cách thổi vào một dụng cụ được gọi là phế dung kế.

+ Đo đa ký giấc ngủ (polysomnogram): Nhằm đo lường hoạt động của não, nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy và các yếu tố khác trong khi ngủ. Thăm dò giúp nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ.

+ Sinh thiết phổi: Đây là một loại phẫu thuật hiếm được sử dụng, trong đó một mẫu mô nhỏ được lấy ra khỏi phổi. Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra nguyên nhân.

+ Kiểm tra thông qua tập thể dục: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe được kết nối với màn hình để kiểm tra sự thay đổi về nồng độ oxy, chức năng tim, áp suất phổi hoặc những vấn đề liên quan khác hay không.

5. Tăng áp động mạch phổi được điều trị bằng những phương pháp gì? Liệu có phương pháp nào tối ưu?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tăng áp động mạch phổi thứ phát do các bệnh lý tim bẩm sinh và van tim nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì áp lực động mạch phổi sẽ trở về bình thường sau khi bệnh lý tim bẩm sinh hay bệnh van tim được phẫu thuật kịp thời. Tăng áp động mạch phổi thứ phát do các nguyên nhân khác nếu được chẩn đoán xác định và điều trị đúng thì tình trạng tăng áp động mạch phổi sẽ ổn định và có thể giảm.

>> Xem thêm: Các loại hở van tim: Mức độ nguy hiểm và cách điều trị

Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, gần đây qua các nghiên cứu trên thế giới đã có những thuốc có tác dụng dãn mạch máu phổi và làm chậm tiến triển của áp lực động mạch phổi.

Tuy nhiên vì bệnh diễn tiến chậm nên người bệnh có thể được điều trị bảo tồn và ổn định đến tuổi trưởng thành và vẫn có thể sinh hoạt làm việc được như những người bình thường khác.

5.1. Sử dụng thuốc 

Việc sử dụng thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng của tăng áp phổi và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các loại thuốc được kê đơn để điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng tăng áp lực mạch phổi, bao gồm:

+ Thuốc giãn mạch máu: Loại thuốc này giúp giãn và mở rộng các mạch máu bị thu hẹp, cải thiện lưu lượng máu. Thuốc giãn mạch có thể được uống, hít, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

+ Chất kích thích guanylate cyclase (GSC): Loại thuốc này làm tăng oxit nitric trong cơ thể, làm giãn động mạch phổi và giảm áp lực trong phổi.

+ Thuốc mở rộng mạch máu: Những loại thuốc này được gọi là thuốc đối kháng thụ thể endothelin đảo ngược tác dụng của một chất trong thành mạch gây hẹp mạch máu. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây hại cho gan và không được dùng khi mang thai.

+ Thuốc tăng lưu lượng máu: Được gọi là chất ức chế phosphodiesterase 5 (PDE5), thuốc có thể được sử dụng để tăng lưu lượng máu qua phổi).

+ Thuốc chẹn kênh canxi liều cao: Giúp giãn các cơ trong thành mạch máu. Mặc dù thuốc chẹn kênh canxi có thể có hiệu quả nhưng chỉ một số ít người bị Tăng áp động mạch phổi cải thiện khi dùng thuốc.

+ Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu): Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông. Loại thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là ở những người đang phẫu thuật hoặc được dùng thủ thuật xâm lấn. Nếu dùng thuốc làm loãng máu thì thỉnh thoảng sẽ cần xét nghiệm máu để xem thuốc có hoạt động như bình thường hay không.

+ Thuốc trợ tim: Giúp tim đập mạnh hơn và bơm nhiều máu hơn; đồng thời có thể giúp kiểm soát nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).

+ Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp thận loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, để giảm tích tụ chất lỏng trong phổi, chân và bụng, giảm bớt gánh nặng công việc cho tim phải.

>> Xem thêm: Vì sao người bệnh tăng huyết áp được kê thuốc lợi tiểu, mặc dù không bí tiểu?

+ Liệu pháp oxy: Thở oxy tinh khiết đôi khi được khuyến cáo như một phương pháp điều trị tăng áp phổi, đặc biệt đối với những người bị ngưng thở khi ngủ.

Đa dạng các loại thuốc có thể giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này. Thực tế sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ điều trị, người bệnh không tự mua thuốc để điều trị tại nhà.

5.2. Các phẫu thuật – can thiệp để điều trị tăng áp phổi

+ Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch phổi: Phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông cũ từ động mạch phổi ở những người bị tăng áp lực mạch phổi mãn tính.

+ Nong mạch phổi bằng bóng: Một thủ thuật mới mà trong đó, một quả bóng nhỏ được dẫn vào động mạch phổi và bơm căng trong vài giây để đẩy khối tắc nghẽn sang một bên và khôi phục lưu lượng máu đến phổi. Phương pháp này đã được chứng minh là làm giảm áp lực trong động mạch phổi, cải thiện nhịp thở và tăng khả năng vận động.

+ Phá vách liên nhĩ: Một lỗ nhỏ được tạo ra trên vách liên nhĩ (thành giữa tâm nhĩ trái và phải của tim) bằng cách sử dụng một ống thông tim đưa qua mạch máu vào các buồng tim. Điều này làm giảm áp lực ở phía bên phải của tim, do đó tim có thể bơm hiệu quả hơn và lưu lượng máu đến phổi có thể được cải thiện. Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm các vấn đề về nhịp tim (loạn nhịp tim).

+ Phẫu thuật ghép tim phổi: Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần ghép phổi hoặc ghép tim – phổi. Những rủi ro chính của các phương pháp cấy ghép là cơ thể từ chối cơ quan được cấy ghép và có thể nhiễm trùng nặng. Vì vậy, thuốc ức chế miễn dịch phải được dùng suốt đời để giúp giảm khả năng bị đào thải.

6. Biến cố tim mạch nào có thể xảy đến với người bệnh tăng áp động mạch phổi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Các biến chứng tiềm ẩn của tăng áp lực mạch phổi bao gồm:

+ Dày/giãn tim bên phải và suy tim (cor pulmonale): Áp lực trong động mạch phổi cao buộc tâm thất phải phải làm việc nhiều hơn để bơm máu lên phổi trao đổi oxy. Theo thời gian, tâm thất phải dày lên (phì đại tâm thất phải), giãn buồng tim phải và dẫn đến suy tim bên phải, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của nhiều cơ quan và hệ thống.

+ Các cục máu đông: Bệnh làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong các động mạch nhỏ ở phổi.

+ Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): Nếu không điều trị, tình trạng này có thể làm rối loạn nhịp tim và cuối cùng là gây ra tử vong.

>> Xem thêm: Làm thế nào để giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi?

+ Chảy máu trong phổi: Tăng áp phổi có thể dẫn đến chảy máu vào phổi và ho ra máu, đe dọa đến tính mạng.

+ Các biến chứng khi mang thai: Bệnh rất nguy hiểm cho những người đang mang thai. Nó có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi, thậm chí sảy thai, lưu thai, sinh non.

Vì tăng áp lực mạch phổi có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, đo đó điều cần thiết là người bệnh phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh.

7. Trường hợp nào người bệnh tăng áp động mạch phổi có nguy cơ đột quỵ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong bệnh tăng áp động mạch phổi có tình trạng tăng khả năng hình thành cục máu đông trong động mạch phổi, gây nhồi máu phổi là chủ yếu.

Nếu bệnh nhân tăng áp động mạch phổi có thêm sự tồn tại bất thường của lỗ thông nối giữa hai buồng tim trái – phải (bệnh tim bẩm sinh hay thủ thuật điều trị) thì cục máu đông hình thành bên buồng tim phải có thể lọt qua buồng tim trái rồi theo động mạch chủ đưa đi khắp cơ thể, trong đó có não gây ra đột quỵ não.

>> Xem thêm: 5 triệu chứng về cục máu đông đang “ẩn nấp” trong cơ thể bạn

8. Phụ nữ bị tăng áp động mạch phổi có cách nào để mang thai, sinh con an toàn?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Việc điều trị tăng áp phổi không đơn giản và hiện nay chỉ có một số thuốc hạn chế để làm giảm mức độ tăng áp phổi nhưng chỉ ở mức độ giới hạn, chứ không trở về bình thường vì đây là diễn tiến tự nhiên của bệnh.

Có thai là một áp lực rất lớn trên bệnh nhân có bệnh tim phức tạp nói chung và bệnh nhân tăng áp động mạch phổi nói riêng, đe dọa tính mạng cho cả mẹ lẫn con.

Những người phụ nữ tăng áp động mạch phổi nguyên phát không nên có con. Nếu mang thai thì thai nhi có khả năng sẽ chết trong bụng mẹ và người mẹ có thể tử vong (50% người mẹ tử vong trong một tuần sau đó).

Ở nước ta chưa có trường hợp ghép tim và phổi, nước ngoài có trường hợp ghép nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn.

9. Người bệnh tăng áp động mạch phổi nên tập thể dục thế nào là phù hợp?

Trước đây, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân tăng áp động mạch phổi nên tránh tập thể dục vì lo sợ hoạt động thể chất sẽ tác động tiêu cực tới sức khỏe của quả tim.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, những bệnh nhân này có thể tập thể dục hàng ngày như một phương pháp hỗ trợ điều trị tăng áp động mạch phổi và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, GS Jarett Berry, cùng các bác sỹ tim mạch thuộc Trung tâm y khoa khu vực Tây Nam thuộc Đại học Texas (tại Dallas, Hoa Kỳ) đã phân tích dữ liệu của hơn 400 tình nguyện viên. Kết quả cho thấy, tập luyện có thể làm giảm huyết áp động mạch phổi, cải thiện sức khỏe trái tim và gia tăng khả năng chịu đựng của cơ thể. Phát hiện này đã “đập tan” quan niệm truyền thống cho rằng bệnh nhân tăng áp động mạch phổi không nên tập thể dục.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo bệnh nhân tăng áp động mạch phổi cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi có ý định tập luyện thể dục thể thao. Việc tập luyện cũng cần tránh quá gắng sức, nên nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt và chỉ nên tập các môn có cường độ nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe.

10. Khi đến nơi công cộng đông đúc, người bị tăng áp động mạch phổi cần lưu ý gì?

Bệnh lý tăng áp phổi làm giảm khả năng trao đổi oxy, hậu quả là giảm oxy máu. Nên khi đến nơi giảm nồng độ oxy trong không khí như nơi đông người, đi lên vùng cao, di chuyển bằng đường hàng không (oxy trong khoang máy bay sẽ giảm khi máy bay lên cao), người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, nặng ngực, tim đập nhanh, chóng mặt và ngất xỉu.

>> Xem thêm: Khi nào người bị ngất cần thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng?

Vì vậy, bệnh nhân được khuyên không nên đưa mình vào những tình huống như vậy, đặc biệt là với quy định đeo khẩu trang ở một số nơi bắt buộc có thể làm việc “cố gắng hít thở để lấy oxy” càng khó khăn hơn.

Những người bệnh tăng áp phổi mức độ nhẹ có thể vượt qua cảm giác khó chịu này bằng cách trấn tĩnh tâm lý và hít thở sâu để tăng lấy oxy vào phổi, nhưng người bệnh tăng áp phổi mức độ nặng hơn thì cần có bình oxy hỗ trợ.

Người bệnh tăng áp phổi khi đi tàu xe, máy bay cũng chú ý tránh ngồi lâu, nên đi lại mỗi 2-4 giờ để tránh nguy cơ hình thành huyết khối ở chân.

Benhdotquy.net

Tổn thương não nặng do dùng thuốc giảm cân mua trên TikTok

Tổn thương não nặng do dùng thuốc giảm cân mua trên TikTok

Cô gái trẻ bị nhiễm độc chất Sibutramin, tổn thương não nặng do uống thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân không rõ nguồn gốc mua trên TikTok, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ