Người bệnh rung nhĩ đi chơi tết cần lưu ý gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đưa ra những vấn đề mà người bệnh rung nhĩ đi chơi tết cần lưu ý như: ăn món tết, uống rượu bia, đi tàu xe, du lịch…
1. Bệnh rung nhĩ là tình trạng như thế nào?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Trái tim của chúng ta là một khối cơ rỗng, cơ tim co bóp được là nhờ các xung động điện kích thích đều đặn được phát ra từ chính quả tim.
Quả tim có 4 buồng. Hai buồng ở trên là tâm nhĩ. Tâm nhĩ phải nhận máu trở về từ các cơ quan trong cơ thể; tâm nhĩ trái nhận máu từ phổi. Hai tâm thất nằm dưới tâm nhĩ, nhận máu từ các tâm nhĩ tương ứng. Tâm thất phải đưa máu lên phổi để máu trao đổi ôxy. Tâm thất trái bơm máu giàu ôxy (sau khi được tâm thất phải bơm qua phổi để hấp thụ khí ôxy và thải khí cacbonic) đi đến các cơ quan trong cơ thể.
Nút xoang là nút chủ nhịp của quả tim. Nó là một tập hợp các tế bào cơ tim biệt hóa đặc biệt nằm ở phía trên tâm nhĩ phải, sát với nơi đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Bình thường nút xoang có khả năng đều đặn phát ra các xung động điện. Những xung động này sau đó được dẫn truyền đến các tế bào cơ tim lân cận và theo hệ thống dẫn truyền lan đi, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng.
Thông thường mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện lan toả ra tâm nhĩ trước làm cho tâm nhĩ đang chứa đầy máu co lại, tống máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện lại đi theo một hệ thống dẫn truyền tới tâm thất làm cho hai tâm thất co bóp cùng một lúc. Khi tâm thất phải co, máu được đẩy lên phổi. Khi tâm thất trái co, máu đi đến các cơ quan trong cơ thể. Vì thế khi tim co bóp đều đặn, máu được đưa nhịp nhàng đi đến khắp các cơ quan của cơ thể chúng ta.
Những xung động điện này chỉ huy tim của chúng ta đập đều đặn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời. Bình thường, tim đập khoảng 60 – 100 lần/phút khi nghỉ và nhanh hơn khi gắng sức.
Nếu quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, sẽ dẫn đến co bóp của tim sẽ bị rối loạn. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng bệnh lý này được ta gọi là rung nhĩ.
Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 400 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả. Ngoài việc làm rối loạn co bóp cơ ở nhĩ, nếu tất cả những xung động này đều được truyền xuống tâm thất thì cũng sẽ gây hiện tượng tương tự ở nhĩ, làm cho tim không bơm được máu ra khỏi tim, có thể gây tụt huyết áp đột ngột thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng trên thực tế, những xung động này bị chặn một phần khi truyền qua nút nhĩ thất để xuống 2 tâm thất (nằm trong hệ thống dẫn truyền). Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều xung động của rung nhĩ vẫn đi qua được để xuống tới tâm thất và làm cho tâm thất đập nhanh và không đều dù vẫn còn chậm hơn tần số nhịp xung trên tầng nhĩ (thường <160 lần/phút).

2. Nếu không được điều trị tốt, người bệnh rung nhĩ có thể gặp biến chứng gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trong cộng đồng và có thể gây ra những biến chứng nặng nề làm bệnh nhân có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời nếu không được kiểm soát.
Khi rung nhĩ, tâm nhĩ không co bóp, dẫn đến máu luẩn quẩn trong tâm nhĩ và dễ hình thành cục máu đông, thường là ở nhĩ trái. Nếu cục máu đông ra khỏi nhĩ trái sẽ xuống thất trái và từ thất trái có thể đi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, và tới đoạn hẹp của mạch máu sẽ bị “mắc kẹt”.
>> Xem thêm: 5 triệu chứng về cục máu đông đang “ẩn nấp” trong cơ thể bạn
Cục máu đông kẹt lại ở mạch máu não gây ra đột quỵ não, kẹt lại ở động mạch thận gây nhồi máu thận, kẹt lại ở mạch máu ruột gây nhồi máu ruột, kẹt lại ở động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, kẹt lại ở động mạch mắt gây mù đột ngột, kẹt lại ở động mạch chi gây thiếu máu nuôi chi đó… nhìn chung cục máu đông kẹt lại ở động mạch nào thì sẽ gây nhồi máu, thiếu máu nuôi ở cơ quan được động mạch đó cung cấp dẫn đến hoại tử và rối loạn chức năng các cơ quan.
Nhưng mà, rung nhĩ thường gây đột quỵ não nhiều nhất. Nguy cơ đột quỵ mỗi năm vào khoảng 7% ở bệnh nhân rung nhĩ. Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có bệnh van tim do thấp, van tim cơ học, cường giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm chức năng tâm thu thất trái hoặc tiền sử đã từng bị đột quỵ.
Rung nhĩ cũng gây giảm cung lượng tim. Việc tâm nhĩ không co bóp sẽ làm giảm cung lượng tim khoảng 10% với tần số tim bình thường. Bệnh nhân thường dung nạp tốt việc giảm cung lượng tim này trừ phi tần số thất quá nhanh (> 140 lần/phút), hoặc trên cơ sở bệnh nhân đã có sẵn cung lượng tim thấp hoặc ở mức ranh giới. Trong những trường hợp như vậy, tình trạng suy tim sẽ tiến triển nặng hơn.
Người bị rung nhĩ nếu không điều trị sẽ tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ, tăng 3 lần nguy cơ suy tim và tăng 2 lần nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với người bình thường.
>> Xem thêm: Rung nhĩ mạn tính: Nguy hiểm ra sao và cách điều trị thế nào?
3. Biến cố tim mạch nào có thể khiến người bệnh rung nhĩ nhập viện trong ngày tết?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Những biến cố tim mạch có thể khiến người bệnh rung nhĩ nhập viện trong ngày tết là suy tim sung huyết, huyết khối gây tắc mạch hệ thống như động mạch não (đột quỵ), động mạch vành (nhồi máu cơ tim cấp), động mạch thận (đau thận cấp, hoại tử thận), động mạch mạc treo (đau bụng cấp, đi cầu ra máu, liệt ruột, hoại tử ruột), động mạch mắt (mù mắt), động mạch chi (hoại tử chi) và đột tử (tắc động mạch lớn ở não hoặc tim).
4. Sinh hoạt đảo lộn dịp lễ tết tết ảnh hưởng thế nào đến người bệnh rung nhĩ? Họ có cần điều chỉnh thuốc không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Việc thay đổi lịch sinh hoạt – làm việc (căng thẳng, mất ngủ) vào các dịp lễ tết có thể làm cho tần số tim ở bệnh nhân rung nhĩ tăng lên vượt qua ngưỡng kiểm soát của thuốc chống loạn nhịp đang sử dụng.
Các thuốc chống loạn nhịp luôn đi kèm các tác dụng phụ nhất định, do đó, tốt nhất là không nên tăng liều thuốc sử dụng (trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ), người bệnh nên cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt – làm việc – nghỉ ngơi ổn định kể cả dịp nghỉ lễ, đừng xáo trộn quá nhiều, cơ thể sẽ chịu không nổi.
5. Người bệnh rung nhĩ cần lưu ý gì khi ăn món tết truyền thống?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân rung nhĩ sử dụng thuốc chống đông không phải nhóm kháng vitamin K (thuốc chống đông thế hệ mới): rivaroxaban, dabigatran, apixaban và edoxaban thì chú ý ăn theo nguyên tắc ít muối, ít mỡ và ít tinh bột.
– Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…
– Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi… Bệnh nhân suy tim cần ăn lạt, giảm muối (giảm natri), ở BN suy tim độ II và III theo NYHA, trong khi chế biến thức ăn chỉ nên cho khoảng 2 – 3g muối/ngày, không quá 4g muối. Còn suy tim độ IV thì cần giảm muối chặt chẽ không quá 2g/ ngày, có khi phải ăn lạt hoàn toàn.
– Hạn chế thức uống có cồn: rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bữa ăn, dưới 60ml/ ngày.
– Uống hạn chế các thức uống có cồn có gas và cafe và trà đặc, thay bằng các nước ép trái cây.
– Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt, nho, táo, lê, bưởi, thanh long,…
– Bệnh nhân có đái tháo đường thì nên tuân thủ chế độ ăn đặc thù của bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Với những bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn, bởi vì hiện quả của thuốc dao động rất nhiều với thực phẩm ăn vào.
Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, làm giảm lượng vitamin K trong cơ thể. Từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan như yếu tố II, VII, IX và X. Nhưng mà, cơ thể có thể tổng hợp vitamin K và cũng có thể bổ sung từ một số loại thực phẩm.
Do đó nếu đột ngột tăng cường những thực phẩm giàu vitamin K trong chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, hiệu quả chống đông máu sẽ bị giảm xuống. Ngược lại, nếu đột nhiên thêm những thực phẩm có ít vitamin K vào chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, khả năng mắc phải các tác dụng phụ do thuốc kháng kali sẽ lớn hơn.
Như vậy, người bệnh tránh tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu vitamin K, bởi chúng sẽ làm giảm hiệu của của thuốc chống đông. Các thực phẩm, thức uống có hàm lượng vitamin K cao bao gồm: cải xoăn, rau bina, bắp cải Brucxen, mù tạt xanh, rau diếp xanh, cải cầu vồng, bông cải xanh, măng tây, mùi tây, … và trà xanh
Song song đó, những thực phẩm ít vitamin K – có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cũng cần chú ý bao gồm: bắp ngọt, hành, bí đao, cà tím, cà chua, nấm, khoai lang, dưa chuột, bắp cải, quả đào, táo, dâu tây, dưa hấu, dứa, chuối,…. nước bưởi, nước ép nam việt quất và rượu.
Để cân bằng được điều này, khi uống thuốc chống đông, bệnh nhân cần chú ý là có chế độ ăn đều đặn – ít thay đổi. Ví dụ mỗi ngày ăn 1 tô rau thì mình cố gắng duy trì mỗi ngày như vậy, chứ không nên ngày ăn ngày không, hôm nay không ăn rau rồi hôm sau ăn bù 2 tô rau là hoàn toàn không nên.
6. Người bệnh rung nhĩ có cần kiêng rượu bia tuyệt đối không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Người bệnh rung nhĩ không nhất thiết kiêng bia rượu tuyệt đối, họ có thể uống rượu bia ở mức độ vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ hoặc 1 lon bia một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly rượu nhỏ hoặc 2 lon bia.
7. Khi di chuyển bằng tàu xe, máy bay… người bệnh rung nhĩ cần làm gì để đảm bảo an toàn?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Những bệnh nhân rung nhĩ cần lưu ý những điều sau khi có kế hoạch đi chuyến đi dài bằng xe, máy bay:
– Báo với bác sĩ điều trị về dự định của mình để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Trong đó bao gồm thuốc dùng hàng ngày và cả những thuốc cần chuẩn bị cho chuyến đi (như giảm đau, say xe…) – những loại thuốc an toàn không tương tác với các thuốc bệnh nhân đang sử dụng.
– Nếu ở trên xe/máy bay lâu (trên 8 giờ), bệnh nhân nên thường xuyên co duỗi chân, đứng dậy đi lại mỗi giờ, uống nhiều nước.
– Nên mang vớ y khoa.
– Cần đem theo giấy chứng nhận có gắn các thiết bị máy tạo nhịp, máy khử rung… để trình bày khi bị kiểm tra bằng máy dò kim loại.
– Giấy tờ và thuốc để trong hành lý xách tay nhằm tránh thất lạc và có thể sử dụng khi cần.
– Cần biết địa chỉ, số điện thoại của cơ sở y tế tại vùng sắp đến để liên lạc khi cần
8. Người bệnh rung nhĩ cần cần lưu ý gì khi đi du lịch ở nơi có thời tiết lạnh?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Nhu cầu oxy của tim cũng tăng lên, tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu.
Tất cả những điều này làm cho người bị rối loạn nhịp tim nói chung và bệnh nhân rung nhĩ nói riêng khó kiểm soát được nhịp tim – huyết áp hơn, dễ xuất hiện tai biến do hình thành cục máu đông hơn.
Do đó, trong thời tiết lạnh, bệnh nhân cần chú ý trước tiên là mặc đủ ấm, tránh ra ngoài thời tiết lạnh khi không cần thiết, nếu bắt buộc phải làm việc khi trời lạnh thì nên mang đầy đủ găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ để tránh nhiễm lạnh.
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm.
Cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày, tốt nhất là vào buổi trưa khi nhiệt độ cao nhất.
Tiếp tục uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo hẹn hoặc tái khám sớm khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.
9. Người bệnh rung nhĩ điều trị nội khoa và bệnh nhân đã triệt đốt rung nhĩ lưu ý gì để đón tết an toàn?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Để có một cái tết an toàn, bên cạnh những chú ý đã nêu trên thì bệnh nhân có bệnh rung nhĩ cần lưu ý thêm:
– Ngày Tết là ngày vui vẻ của gia đình, không nên lo nghĩ căng thẳng, tránh các xúc động mạnh, tránh stress. Stress sẽ làm tăng hoạt tính giao cảm làm nhịp nhanh dẫn đến không có lợi ở BN có bệnh tim mạch. Làm việc nhà vừa với sức mình. Ngoài ra, dù phải lo nhiều việc ngày tết song không nên thức quá khuya.
– Trong dịp Tết, đừng quên việc tập thể lực. Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ như: đi bộ ngắn, hoặc vận động tay chân để giúp lưu thông tuần hoàn. Không tập quá sức, ngừng tập nếu thấy mệt. Vận động phù hợp sẽ giúp bệnh nhân khỏe hơn.
– Nói không với thuốc lá và khói bếp, khói nhang
– Đến cơ sở y tế ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: tức ngực, khó thở, chóng mặt, tê yếu chân tay,… là những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.
Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- rối loạn nhịp tim
- rung nhĩ

Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim