Người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ cần làm gì để tránh nguy cơ đột quỵ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương – kênh Benhdotquy.net hướng dẫn người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ cần làm gì để tránh nguy cơ đột quỵ.
1. Van 2 lá, van động mạch chủ ở vị trí nào trong tim, khi bị hẹp sẽ dẫn đến nguy cơ gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Van tim của con người hoạt động như một cánh cửa, cho phép máu chảy vào và đi ra khỏi tim theo một chiều. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể.
Có 4 loại van tim chính là: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi, van động mạch chủ. Trong đó:
– Van 2 lá: nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van hai lá mở ra cho phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ để đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.
– Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Van động mạch chủ gồm 3 lá van đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ.
>> Xem thêm: Bệnh nhân hẹp van 3 lá, hẹp van động mạch phổi đi chơi tết sao cho an toàn?
Hẹp van tim là tình trạng van tim không mở hoàn toàn do các lá van cứng hoặc dính nhau.
– Hẹp van tim 2 lá: làm giảm lượng máu từ tâm nhĩ trái (buồng tim phía trên, bên trái) xuống tâm thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái).
– Hẹp van động mạch chủ: làm giảm lượng máu từ tâm thất trái vào động mạch chủ đi nuôi cơ thể.
Van hai lá và van động mạch chủ là thuộc buồng tim bên trái, đây là buồng tim có vai trò bơm máu ra hệ tuần hoàn và nhận máu giàu oxy từ phổi về. Khi một trong hai van tim của buồng tim bên trái bị hẹp, máu sẽ bị ứ lại tại tim rồi tiếp tục ứ tại phổi gây ra triệu chứng suy tim sung huyết gồm ho, khó thở; đồng thời máu tống ra hệ tuần hoàn lớn lại không đủ gây giảm lượng máu đến các cơ quan gây ra triệu chứng mệt mỏi, choáng váng, ngất, đau ngực (thiếu máu cơ tim).
Đặc biệt hẹp các lá van thuộc buồng tim trái dễ hình thành cục máu đông đi vào đại tuần hoàn gây nhồi máu não, huyết khối động mạch ở xa như thận, mắt, chi dưới. Riêng hẹp van 2 lá thì nguy cơ hình thành cục máu đông gây tai biến mạch máu não là cao nhất và với hẹp van động mạch chủ thì nguy cơ nhồi máu cơ tim cao nhất so với các dạng hẹp van khác.
>> Xem thêm: Bệnh hở van tim, khi nào cần điều trị?
2. Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ thường có những triệu chứng gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Hẹp van hai lá và hẹp van động mạch chủ thường có rất ít triệu chứng, bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm, người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm tim. Khi bệnh diễn tiến nặng dần, người bệnh cần khám tim mạch nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau:
– Khó thở khi gắng sức hoặc khó thở kịch phát về đêm;
– Mệt mỏi và dễ cảm thấy đuối sức khi hoạt động gắng sức như chạy bộ, leo cầu thang;
– Phù chân;
– Hồi hộp, tim đập nhanh;
– Chóng mặt hoặc ngất;
– Ho ra máu;
– Đau và khó chịu vùng ngực
Các triệu chứng bệnh sẽ tăng mức độ khi nhịp tim tăng, đặc biệt là khi người bệnh gắng sức. Nhịp tim tăng nhanh có thể đi cùng với triệu chứng của hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ hoặc có thể khởi phát khi bệnh nhân có thai hoặc căng thẳng hoặc nhiễm trùng.
Khi có triệu chứng cơ năng, diễn tiến đến tử vong nhanh: khi có đau ngực, thời gian sống còn trung bình của bệnh nhân hẹp van động mạch chủ được ước tính là 5 năm, ngất là 3 năm và suy tim chỉ còn 2 năm.

3. Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ ăn các món truyền thống ngày tết sao cho an toàn?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ nếu không sử dụng thuốc chống đông thì chú ý ăn theo nguyên tắc ít muối, ít mỡ và ít tinh bột.
– Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…
– Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi… Bệnh nhân suy tim cần ăn lạt, giảm muối (giảm natri), ở bệnh nhân suy tim độ II và III theo NYHA, trong khi chế biến thức ăn chỉ nên cho khoảng 2 – 3g muối/ngày, không quá 4g muối. Còn suy tim độ IV thì cần giảm muối chặt chẽ không quá 2g/ ngày, có khi phải ăn lạt hoàn toàn.
– Hạn chế thức uống có cồn: rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bữa ăn, dưới 60ml/ ngày.
– Uống hạn chế các thức uống có cồn có gas và cafe và trà đặc, thay bằng các nước ép trái cây.
– Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt, nho, táo, lê, bưởi, thanh long,…
– Bệnh nhân có đái tháo đường thì nên tuân thủ chế độ ăn đặc thù của bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Với những bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn, bởi vì hiện quả của thuốc dao động rất nhiều với thực phẩm ăn vào.
Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, làm giảm lượng vitamin K trong cơ thể. Từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan như yếu tố II, VII, IX và X.
Nhưng mà, cơ thể có thể tổng hợp vitamin K và cũng có thể bổ sung từ một số loại thực phẩm. Do đó nếu đột ngột tăng cường những thực phẩm giàu vitamin K trong chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, hiệu quả chống đông máu sẽ bị giảm xuống.
Ngược lại, nếu đột nhiên thêm những thực phẩm có ít vitamin K vào chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, khả năng mắc phải các tác dụng phụ do thuốc kháng kali sẽ lớn hơn.
Như vậy, người bệnh tránh tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu vitamin K, bởi chúng sẽ làm giảm hiệu của của thuốc chống đông. Các thực phẩm, thức uống có hàm lượng vitamin K cao bao gồm: cải xoăn, rau bina, bắp cải Brucxen, mù tạt xanh, rau diếp xanh, cải cầu vồng, bông cải xanh, măng tây, mùi tây, … và trà xanh
Song song đó, những thực phẩm ít vitamin K – có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cũng cần chú ý bao gồm: bắp ngọt, hành, bí đao, cà tím, cà chua, nấm, khoai lang, dưa chuột, bắp cải, quả đào, táo, dâu tây, dưa hấu, dứa, chuối,… nước bưởi, nước ép nam việt quất và rượu.
Để cân bằng được điều này, khi uống thuốc chống đông, bệnh nhân cần chú ý là có chế độ ăn đều đặn – ít thay đổi. Ví dụ mỗi ngày ăn 1 tô rau thì mình cố gắng duy trì mỗi ngày như vậy, chứ không nên ngày ăn ngày không, hôm nay không ăn rau rồi hôm sau ăn bù 2 tô rau là hoàn toàn không nên.
4. Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ có cần kiêng tuyệt đối việc uống rượu bia?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ không nhất thiết kiêng bia rượu tuyệt đối, họ có thể uống rượu bia ở mức độ vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ hoặc 1 lon bia một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly rượu nhỏ hoặc 2 lon bia.
5. Nếu phải di chuyển đường dài, người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ nên chú ý những điều gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Những bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ cần lưu ý những điều sau khi có kế hoạch đi chuyến đi dài bằng xe, máy bay
– Báo với bác sĩ điều trị về dự định của mình để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Trong đó bao gồm thuốc dùng hàng ngày và cả những thuốc cần chuẩn bị cho chuyến đi (như giảm đau, say xe…) – những loại thuốc an toàn không tương tác với các thuốc bệnh nhân đang sử dụng.
– Nếu ở trên xe/máy bay lâu (trên 8 giờ), bệnh nhân nên thường xuyên co duỗi chân, đứng dậy đi lại mỗi giờ, uống đủ nước.
– Nên mang vớ y khoa.
– Cần đem theo giấy chứng nhận có gắn các thiết bị máy tạo nhịp, máy khử rung… để trình bày khi bị kiểm tra bằng máy dò kim loại.
– Giấy tờ và thuốc để trong hành lý xách tay nhằm tránh thất lạc và có thể sử dụng khi cần.
– Cần biết địa chỉ, số điện thoại của cơ sở y tế tại vùng sắp đến để liên lạc khi cần.
6. Người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ gặp thời tiết lạnh thì cần lưu ý gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Nhu cầu oxy của tim cũng tăng lên, tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu. Tất cả những điều này làm cho người có bệnh van tim như hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ dễ tăng nhịp tim và tăng huyết áp, tim phải làm việc vất vả hơn bình thường, dễ xuất hiện tai biến do hình thành cục máu đông hơn.
Do đó, trong thời tiết lạnh, bệnh nhân cần chú ý trước tiên là mặc đủ ấm, tránh ra ngoài thời tiết lạnh khi không cần thiết, nếu bắt buộc phải làm việc khi trời lạnh thì nên mang đầy đủ găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ để tránh nhiễm lạnh.
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm.
Cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày, tốt nhất là vào buổi trưa khi nhiệt độ cao nhất.
Tiếp tục uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bs, tái khám theo hẹn hoặc tái khám sớm khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.
7. Bệnh nhân hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ cần làm gì khi có cơn đau ngực, trường hợp nào cần đi cấp cứu ngay?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân hẹp van hai lá, van động mạch chủ khi có cơn đau ngực cần chú ý: Nới rộng quần áo ở cổ, ngực, bụng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đầu và vai được nâng đỡ, đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim. Cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, tránh hoảng loạn.
Nếu bệnh nhân có tiền căn xảy ra cơn đau ngực trước đây và có thuốc được bác sĩ hướng dẫn sử dụng khi xuất hiện khi đau ngực thì hãy dùng ngay. Khi cơn đau ngực xuất hiện mà kèm các triệu chứng sau thì cần gọi ngay cấp cứu:
– Cơn đau ngực mới xuất hiện lần đầu hoặc cơn đau ngực mức độ nặng.
– Xảy ra đi kèm với triệu chứng khó thở, vã mồ hôi, mặt tái xanh.
– Kéo dài hơn 20 phút.
– Đau ngực nặng không giảm với nghỉ ngơi hay sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
– Cơn đau ngực làm người bệnh sợ hãi hoặc lo lắng.
8. Nguy cơ đột quỵ ở người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ trong dịp tết có cao không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân hẹp vao hai lá, hẹp van động mạch chủ luôn cao, mặc dù nguy cơ ở người không điều trị sẽ cao hơn người đã điều trị (có nghĩa là dù đã điều trị hẹp van tim, ngay cả là sau phẫu thuật thay van tim thì người bệnh vẫn có thể gặp các biến chứng nhưng không phổ biến mà thôi).
Trong đó, đột quỵ là tình trạng khá phổ biến trước khi điều trị hẹp van 2 lá (huyết khối hình thành trong tâm nhĩ trái) và cả sau khi thay van tim (hệ lụy của huyết khối quanh van cơ học bong ra), làm tắc nghẽn mạch máu não.
Đặc biệt, tỉ lệ tai biến mạch máu não, và các biến chứng liên quan đến hẹp van tim tăng lên trong những ngày cận Tết, trong Tết và ngay sau Tết do thay đổi lịch trình sinh hoạt làm việc – chế độ ăn uống và luyện tập – thay đổi của thời tiết (ở vùng lạnh như miền Bắc nước ta).
9. Lời khuyên người bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ đón tết an toàn?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Để có một cái tết an toàn, bên cạnh những chú ý đã nêu trên thì bệnh nhân có bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ cần lưu ý thêm:
– Ngày Tết là ngày vui vẻ của gia đình, không nên lo nghĩ căng thẳng, tránh các xúc động mạnh, tránh stress. Stress sẽ làm tăng hoạt tính giao cảm làm nhịp nhanh dẫn đến không có lợi ở BN có bệnh tim mạch. Làm việc nhà vừa với sức mình. Ngoài ra, dù phải lo nhiều việc ngày tết song không nên thức quá khuya.
– Trong dịp Tết, đừng quên việc tập thể lực. Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ như: đi bộ ngắn, hoặc vận động tay chân để giúp lưu thông tuần hoàn. Không tập quá sức, ngừng tập nếu thấy mệt. Vận động phù hợp sẽ giúp bệnh nhân khỏe hơn.
– Nói không với thuốc lá và khói bếp, khói nhang
– Chăm sóc răng và nướu tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Đến cơ sở y tế ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: tức ngực, khó thở, chóng mặt, tê yếu chân tay,… là những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.
Benhdotquy.net

Tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ?
Chào BS,
Tôi nghe nói bệnh đột quỵ dễ tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc là khi tắm. Do công việc nên tôi thường tắm trễ, sau 11 giờ. Xin BS tư vấn cho tôi biết chi tiết, nên tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ? Cảm ơn BS.
laduc…@gmail.com
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Biến chứng đáng sợ của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, khi có biểu hiện ra bên ngoài thì bệnh gần như đã ở giai đoạn nặng. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim