Làm thế nào để bệnh nhân đái tháo đường có thể nhận biết bản thân đang gặp bất ổn về tâm lý, trầm cảm
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, người bệnh đái tháo đường cần lưu tâm đến các bất ổn về tâm lý, vì khi có một căn bệnh phải mang theo suốt cuộc đời, trầm cảm có khả năng dễ xảy ra. Những câu than vãn, những suy nghĩ tiêu cực dù chỉ thoáng qua, nhưng cũng cần phải để ý. Khi một người thay đổi bất ngờ trong 1 – 2 tuần, bệnh nhân hoặc người nhà nên báo ngay cho bác sĩ
1. Trầm cảm và đái tháo đường tác động lẫn nhau theo chiều hướng đi xuống
Trầm cảm và bệnh tiểu đường có mối liên quan với nhau như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe không chỉ là không có bệnh tật mà là sự toàn vẹn của thể chất, tâm lý và xã hội. Ba mặt thể chất, tâm lý và xã hội gắn kết chặt chẽ với nhau, không riêng gì một bệnh nào, không riêng gì một vấn đề sức khỏe nào.
Như vậy, đái tháo đường, hay vẫn thường gọi là tiểu đường, có gắn kết với trầm cảm hay vấn đề tâm lý nào khác không? Câu trả lời là có. Từ khi chưa có chẩn đoán đái tháo đường, vấn đề tâm lý đã xảy ra rồi. Trong tâm lý của mọi người, đái tháo đường là thứ gì đó ghê gớm lắm. Chính vì vậy, người ta sợ nó.
Khi được đề nghị đi thử máu, đi khám xem có bị đái tháo đường hay không, người ta thường có tâm lý sợ, không dám đi khám. Tâm lý sợ sệt ở một người tình nghi đái tháo đường là rất thường gặp. Đến khi có biến chứng, người ta mới đến khám, dẫn đến chẩn đoán trễ.
Giữa đái tháo đường với vấn đề sức khỏe tâm lý có liên hệ chặt chẽ: Tâm lý sợ sệt trước những biến chứng của đái tháo đường. Từ tâm lý sợ sệt đó nên đái tháo đường không được chẩn đoán sớm, việc chữa trị chậm trễ, kiểm soát không tốt.
Đây là mối quan hệ hai chiều, cái này thúc đẩy cái kia theo chiều hướng đi xuống.
Khi đã chẩn đoán, người bệnh đái tháo đường có chương trình điều trị. Gọi là chương trình điều trị vì nó có nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ là thuốc. Chương trình điều trị bao gồm: thuốc, chế độ ăn, thay đổi lối sống, tập luyện, tương tác xã hội,… Việc chuẩn bị kinh tế đối với một người đái tháo đường cũng rất cần thiết.
Tất cả những điều này làm cho người đái tháo đường có tâm lý hoang mang. Đầu tiên là chuyện ăn uống. Trước đây họ có thể ăn uống thoải mái nhưng bây giờ phải kiêng ăn ngọt, tâm lý người bệnh bắt đầu khó chịu khi phải thay đổi thói quen.
Ở bệnh viện, có những bệnh nhân bị hoại tử chân, lý do là điều trị trễ. Nếu không cắt bỏ ngón chân có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm độc, nguy cơ tử vong. Nhưng người bệnh nhất định không đồng ý cắt bỏ với tâm lý muốn toàn vẹn thân thể. Bác sĩ phải trò chuyện, khuyên nhủ, làm các biện pháp tâm lý để bệnh nhân đồng ý phương án điều trị.
Như vậy có thể thấy, tâm lý gắn kết từ trước khi chẩn đoán, trong chẩn đoán, khi đưa ra quyết định trị liệu, trong quá trình trị liệu và cả theo dõi sau đó. Có sự gắn kết giữa sức khỏe của người bệnh đái tháo đường với vấn đề tâm lý chung, không riêng gì trầm cảm.
Về mặt bằng chứng, người ta thấy rõ ràng, một người bị đái tháo đường lâu năm rất dễ bị sa sút trí tuệ. Nghiên cứu ở Mỹ đo đạc được, thể tích não của người bị trầm cảm từ 10 năm trở lên bị nhỏ lại, khiến họ bị giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Việc điều trị đái tháo đường cũng khó khăn hơn do bệnh nhân quên uống thuốc, quên lời bác sĩ dặn.
Người bị trầm cảm có triệu chứng là không muốn chăm sóc bản thân. Trong vấn đề không muốn chăm sóc bản thân, họ có thể bỏ bê việc điều trị, không quan tâm sống chết. Không tuân thủ trị liệu sẽ làm nặng thêm tình trạng đái tháo đường, kéo theo sự suy sụp về mặt tinh thần.
Trên đây, tôi chỉ đưa ra những biểu hiện thường gặp nhất của người đái tháo đường có vấn đề trầm cảm.
2. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường có cách nào để tự phát hiện bản thân đang gặp bất ổn về tâm lý, trầm cảm không, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Những người bị bệnh mãn tính, trong đó có đái tháo đường, có khả năng bị trầm cảm hơn. Người ta thấy giữa nhóm người bị đái tháo đường, bị các bệnh mãn tính so với nhóm nhóm người cùng tuổi nhưng không mắc bệnh mãn tính, tỷ lệ trầm cảm ở nhóm thứ nhất nhiều hơn hẳn nhóm còn lại.
Bệnh đái tháo đường sẽ theo người bệnh đến suốt đời, bệnh có thời gian ổn định nhưng cũng có những lúc biến chuyển. Khi có một căn bệnh phải mang theo suốt cuộc đời, trầm cảm có khả năng dễ xảy ra.
Làm sao có thể nhận diện trầm cảm? Khi một người vui vẻ, tương tác xã hội tốt, có cuộc sống thoải mái, đến khi có chẩn đoán đái tháo đường thì đột nhiên buồn rầu, không có nhu cầu ăn uống, không trò chuyện, tính tình cáu gắt…
Những câu than vãn, những suy nghĩ tiêu cực dù chỉ thoáng qua, nhưng cũng cần phải để ý. Khi một người thay đổi bất ngờ trong 1 – 2 tuần, bệnh nhân hoặc người nhà nên báo ngay cho bác sĩ.
Hiện nay có bài kiểm tra tầm soát cho người đái tháo đường, kiểm tra trong vòng từ 2 – 4 câu hỏi, để xem bệnh nhân có bị rối loạn lo âu hay trầm cảm không. Những câu hỏi là “Bạn có liên tục lo phiền điều gì trong 2 tuần qua không?”, “Trong 2 – 4 tuần qua, bạn có cảm thấy lo phiền về điều gì đó khiến bạn không muốn làm gì khác không?”…
Nếu câu trả lời của bệnh nhân là có, bác sĩ điều trị sẽ có phản xạ gửi bệnh nhân đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để đánh giá thêm để xác định rõ bệnh nhân có thật sự bị lo âu, trầm cảm không.
3. Bác sĩ nội tiết và chuyên gia tâm lý phối hợp điều trị cho người bệnh đái tháo đường
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán trầm cảm trên người đái tháo đường như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có một đội phối hợp giữa các bác sĩ nội tiết chuyên chữa các bệnh bướu cổ, đái tháo đường,… với các chuyên gia tâm lý. Thông thường, người bệnh đái tháo đường không chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý.
Trong quá trình thăm khám, qua lời kể từ bệnh nhân, người nhà hoặc bác sĩ nội tiết quan sát được dấu hiệu khác thường, bác sĩ nội tiết sẽ gửi bệnh nhân đến khám tâm lý ở lầu 14 ngay.
Chuyên gia tâm lý và bác sĩ nội tiết sẽ cùng hỗ trợ nhau trong việc thực hiện y lệnh chặt chẽ.
4. Điều trị tốt trầm cảm thúc đẩy tích cực việc điều trị đái tháo đường
Khi xác định bệnh nhân đái tháo đường có vấn đề về tâm lý, trầm cảm, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ được tiến hành như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Việc điều trị trầm cảm cho người đái tháo đường và người không mắc đái tháo đường cũng không có nhiều khác biệt.
Người đái tháo đường dành nhiều sự quan tâm đến sức khỏe hơn nên khi được bác sĩ giới thiệu, hướng dẫn, họ tuân thủ theo rất tốt. Trong khi một người bình thường được gợi ý đến khám trầm cảm sẽ có phản ứng chống đối.
Thuốc an thần, giảm trầm cảm giúp người đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường thực hiện tốt y lệnh của bác sĩ nội tiết. Họ được ngủ ngon hơn, giảm bớt lo âu, khí sắc tốt hơn làm cho cục diện điều trị đái tháo đường và trầm cảm được thúc đẩy theo chiều hướng tích cực.
Khi điều trị tốt vấn đề trầm cảm, người bệnh sẽ tuân thủ tốt lời dặn của bác sĩ cũng như chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân. Theo tôi, người bệnh đái tháo đường điều trị trầm cảm có nhiều thuận lợi hơn nhưng cũng gặp một số khó khăn.
Điều trị trầm cảm phải có thuốc phối hợp, chỉ điều trị tâm lý thôi chưa đủ. Thuốc điều trị đái tháo đường cộng thêm thuốc điều trị trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy phải uống quá nhiều thuốc, nảy sinh lo lắng.
Bác sĩ cố gắng không kê nhiều thuốc quá, trao đổi thêm để người bệnh chấp nhận trị liệu. Việc điều trị phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa những chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, bác sĩ nội tiết.
5. Người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm nên tránh những chất kích thích
Chế độ ăn góp phần quan trọng trong việc vực dậy tinh thần cho người trầm cảm. Vậy những loại thực phẩm nào sẽ tốt cho người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Chúng ta nên lưu tâm đến những loại thực phẩm mà bệnh nhân không nên dùng. Giữa đái tháo đường và trầm cảm, các bằng chứng cho thấy rằng, hãy làm theo những hướng dẫn của bác sĩ nội tiết.
Bác sĩ nội tiết sẽ hướng dẫn bệnh nhân của mình phải ăn như thế nào. Trong chế độ ăn của người đái tháo đường, đầu tiên phải giảm tinh bột. Thứ hai, không nên ăn những thức ăn ngọt như kem, sầu riêng, nước ngọt có ga, đường…
Có thể dùng các loại trái cây ít ngọt để cung cấp vitamin. Người bệnh đái tháo đường thường ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều. Trong đó, tiểu nhiều gây mất nước. Lượng nước trong các loại trái cây ít ngọt có thể bù đắp phần nào lượng nước bị mất.
Người trưởng thành nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Đối với thời tiết nắng nóng như hiện nay, lượng nước sẽ phải tăng lên. Người đái tháo đường nên uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Chế độ ăn của người đái tháo đường phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nội tiết. Chuyên gia tâm lý sẽ cùng với bác sĩ nội tiết giúp người bệnh thực hiện y lệnh về dinh dưỡng tốt hơn. Chuyên gia tâm lý ít can thiệp vào mặt dinh dưỡng.
Nhìn chung, bệnh nhân không được dùng chất kích thích. Uống rượu, bia khi đang dùng thuốc chống trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến gan. Không cần bỏ hoàn toàn trà, cà phê, nhưng mỗi ngày chỉ nên uống một lượng vừa phải vào buổi sáng để không gây mất ngủ ban đêm.
Người đái tháo đường thường tiểu nhiều vào ban đêm dẫn đến khó ngủ. Tác dụng của trà và cà phê sẽ khiến bệnh nhân càng mất ngủ. Chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ làm cho bệnh trầm cảm nặng thêm.
Người đái tháo đường lâu năm sẽ có những biến chứng về mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Hút thuốc lá ảnh hưởng xấu đến mạch máu ở mắt, thận, chân,… Hút thuốc lá cũng không tốt cho giấc ngủ của người trầm cảm. Như vậy, hút thuốc lá vừa tác động không tốt đến sức khỏe thể chất của người bệnh đái tháo đường, vừa ảnh hưởng đến vấn đề trầm cảm.
Tóm lại, người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm nên tránh những chất kích thích và áp dụng chế độ dinh dưỡng của bác sĩ nội tiết đưa ra.
6. Hiểu rõ, nhận thức đúng về đái tháo đường để phòng ngừa trầm cảm
Bệnh nhân nên làm gì để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày để tránh đưa đến tình trạng trầm cảm? Người thân, gia đình đóng vai trò như thế nào trong tình huống này, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn trả lời: Trầm cảm ở người đái tháo đường rất thường gặp nên việc phòng ngừa là điều rất quan trọng.
Bắt đầu từ việc nhận thức đái tháo đường. Ngày xưa, nhiều người nghĩ đái tháo đường là một căn bệnh kinh khủng với nhiều biến chứng nặng nề. Người ta ôm mối lo về bệnh tật trong lòng dẫn đến buồn phiền, trầm cảm.
Vì vậy, bệnh nhân cần biết rõ, đái tháo đường có thể kiểm soát tốt. Năm 2010, thống kê cho thấy trên thế giới có trên 300 triệu người bị đái tháo đường. Đến nay, con số này còn cao hơn nữa.
Người đái tháo đường nên chú ý ăn uống, không nên ăn quá nhiều, cũng không nên để cơ thể bị đói. Nếu nhận thức đúng, người đái tháo đường sẽ có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Việc chăm sóc sức khỏe tốt sẽ trở thành những thói quen lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh được những lo âu, trầm cảm.
Phương Linh (ghi)
- Từ khóa:
Hướng dẫn hồi sức tim phổi cho người ngạt thở
Những kỹ năng sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng đối với một người đang gặp nạn mà chưa có sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ y tế. Đặc biệt là vấn đề sơ cứu hồi sức tim phổi đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của một ca cấp cứu ngưng tim khi đưa người bệnh đến bệnh viện.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, thanh niên 25 tuổi đột quỵ
Đang ở nơi làm việc, nam thanh niên 25 tuổi đột ngột hôn mê, mất ý thức, liệt tay chân bên phải, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não. Được biết thanh niên này mỗi ngày hút gần 20 điéu thuốc lá.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim