Làm sao giữ an toàn cho người đặt máy tạo nhịp tim đi chơi tết?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương – kênh Benhdotquy.net đưa ra những lưu ý để giữ an toàn cho người đặt máy tạo nhịp tim ăn tết, đi chơi tết.

30-01-2023 12:33
Theo dõi trên |

1. Những bệnh nhân nào được chỉ định đặt máy tạo nhịp?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử dùng để điều trị nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim).

Rối loạn nhịp tim làm gián đoạn tín hiệu điện này khiến tim đập không đều. Trường hợp hay gặp phải là nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm hay tim đập không đều.

Vai trò của máy tạo nhịp tim là cảm nhận xung điện từ tim từ đó ghi lại các hoạt động của tim đồng thời cũng có thể tự động điều chỉnh các xung điện của tim theo thông tin mà nó ghi lại. Tùy thuộc vào thực trạng, máy tạo nhịp tim có thể tăng tốc, làm chậm, điều chỉnh mà mục đích cuối cùng là ổn định nhịp tim.

Các tình trạng cần đặt máy tạo nhịp tim bao gồm:

– Hội chứng suy nút xoang: là tình trạng khi nút xoang tạo nhịp tim tự nhiên không hoạt động đúng cách làm tim đập quá chậm hoặc quá nhanh hoặc kết hợp cả hai;

– Block tim hoàn toàn hoặc block tim từng lúc: là tình trạng nút nhĩ thất không dẫn truyền được xung điện từ đỉnh tim xuống đáy tim;

– Một số dạng nhịp tim nhanh (tim đập nhanh bất thường);

– Ngất do cường phế vị và hội chứng tăng nhạy cảm xoang cảnh;

– Suy tim: một số người bị suy tim (khi tim không bơm máu như bình thường) có thể đạt hiệu quả khi sử dụng loại máy tạo nhịp tim đặc biệt, gọi là máy tạo nhịp hai buồng thất hoặc máy tái đồng bộ tim (CRT). Loại máy tạo nhịp tim này thường có 3 dây dẫn trong tim.

>> Xem thêm: Máy tạo nhịp tim hoạt động thế nào, ai cần đặt máy tạo nhịp?

2. Sau khi được đặt máy tạo nhịp, có phải họ được xem là khỏi bệnh tim trước đó đã có?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Một người bệnh tim mạch có thể mắc 1 bệnh đơn độc cũng có thể mắc nhiều bệnh lý tim mạch cùng lúc, hoặc là có 1 bệnh tim mạch gốc thôi nhưng bệnh đó biến chứng sinh ra nhiều vấn đề thêm nữa.

Như vậy, nếu bệnh nhân chỉ có duy nhất 1 bệnh lý rối loạn nhịp tim cần đặt máy tạo nhịp như cường phế vị gây ngất thì việc đặt máy tạo nhịp đã giải quyết xong bệnh lý đó và xem như bệnh nhân đã điều trị bệnh đó thành công.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có nhiều bệnh tim mạch đồng mắc, hoặc từ 1 bệnh gốc sinh ra nhiều vấn đề, mà đặt máy tạo nhịp chỉ giải quyết được 1 vấn đề thôi, thì sau khi đặt máy tạo nhịp, sức khỏe tim mạch của bệnh nhân có cải thiện, nguy cơ biến chứng giảm xuống nhưng bệnh nhân vẫn còn cần điều trị các vấn đề tim mạch khác còn lại, không thể gọi là hết hẳn bệnh tim.

3. Sau khi đặt máy tạo nhịp, người bệnh vẫn duy trì những thuốc gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau khi cấy máy tạo nhịp tim thì bệnh nhân sẽ duy trì những thuốc điều trị bệnh lý nền đang có (rung nhĩ, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim…).

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương – kênh Benhdotquy.net đưa ra những lưu ý để giữ an toàn cho người đặt máy tạo nhịp tim đi chơi tết, thưởng thức món tết truyền thống, lưu ý dùng thuốc khi đi du lịch hay về quê.

4. Các kỳ nghỉ lễ lớn gây căng thẳng cho người đặt máy tạo nhịp tim, có cần điều chỉnh thuốc hay không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Việc thay đổi lịch sinh hoạt – làm việc (căng thẳng, mất ngủ) vào các dịp nghỉ lễ không ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp, nhưng sẽ tác động không tốt lên sức khỏe tim mạch nói riêng và sức khỏe toàn bộ nói chung (thể chất, tinh thần).

Ngoài ra, do nhu cầu hoạt động nhiều hơn, những cài đặt của máy tạo nhịp trước đây (cho những ngày bình thường) sẽ không tương thích với nhu cầu của bệnh nhân vào những dịp nghỉ lễ, người bệnh vì thế nên khám bác sĩ trước khi bước vào dịp nghỉ lễ lớn, để có sự điều chỉnh máy cho phù hợp.

Tuy nhiên, những bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp tim tốt nhất là nên cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt – làm việc – nghỉ ngơi ổn định kể cả dịp nghỉ lễ, đừng xáo trộn quá nhiều, cơ thể sẽ chịu không nổi.

5. Với việc đi tàu xe, máy bay, đi thuyền… người đặt máy tạo nhịp tim cần thận trọng điều gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Ô tô, tàu hỏa không ảnh hưởng đến sức khỏe người đặt máy tạo nhịp. Riêng đối với việc đi máy bay, thì người đặt máy tạo nhịp tim cần chú ý: Bệnh nhân có thể đi qua các cổng kiểm tra an ninh. Hệ thống có thể phát hiện thiết bị nhưng không phát tín hiệu; tuy nhiên, nó sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị.

Hãy xuất trình thẻ chứng nhận sử dụng máy tạo nhịp tim cho nhân viên an ninh. Yêu cầu họ cho phép rời đi sau khi khám xét bằng tay và không sử dụng máy quét cầm tay vì có thể làm hỏng thiết bị.

6. Người đặt máy tạo nhịp tim khi đến các khu vui chơi, có thể chọn những trò chơi nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Người đặt máy tạo nhịp tim được khuyến cáo chơi các môn vui chơi, thể dục thể thao nhẹ nhàng, không có tính đối kháng (đá banh, bóng bầu dục, võ thuật…) và không sử dụng lực mạnh từ cánh tay (như tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bơi, cử tạ, leo xà đơn…), hạn chế tối đa va chạm vào thành ngực (đông người chen chúc chật chột cần tránh ra).

>> Xem thêm: Người đặt máy tạo nhịp tim vận động, thể dục sao cho an toàn?

7. Người đặt máy tạo nhịp tim nếu đi du lịch hay về quê dài ngày, cần lưu ý gì về việc dùng thuốc?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Về việc dùng thuốc, Người đặt máy tạo nhịp tim nếu đi du lịch hay về quê dài ngày cần chú ý:

– Luôn mang theo thẻ chứng nhận máy tạo nhịp tim, trong đó có ghi tên bệnh nhân và các chi tiết về hiệu máy và kiểu máy. Bệnh nhân nên luôn mang thẻ bên mình vì trong trường hợp cấp cứu sẽ làm giảm được thời gian khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân, cũng như tìm hiểu thông số máy tạo nhịp tim, bác sĩ sẽ có hướng xử trí kịp thời.

– Khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch của mình để kiểm tra sức khỏe hiện tại và điều chỉnh chế độ máy cho phù hợp với nhu cầu hoạt động trong những ngày sắp tới. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ đánh giá hệ thống dây dẫn cũng như pin máy để đảm bảo mọi thứ hoạt động tốt, pin còn đầy. Mua dự trữ đủ thuốc cho những ngày đi xa.

– Tốt nhất là nên chia sẵn thuốc vào các hộp trữ thuốc nhỏ trong ngày và đem theo bên mình, để những lúc đi du xuân, đi thăm hỏi người thân vẫn có thể uống thuốc đúng cữ. Uống thuốc đúng giờ, không uống thuốc cùng bia rượu. Nếu bạn có dự định đi chơi xa, đi về quê, nên tham khảo ý kiến bác sĩ các thuốc say tàu xe không tương tác với thuốc bạn đang sử dụng.

– Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị sẵn 1 ít thuốc cấp cứu đem theo trong người để sử dụng khi huyết áp tăng cao vượt mức hay có cơn đau thắt ngực mà không giảm khi nghỉ ngơi.

Khi có những triệu chứng bất thường tăng dần hay không cải thiện sau khi uống thuốc vài ngày thì cần khám ngay, bất kể mùng nào.

8. Nguyên tắc cần nhớ dành cho người đặt máy tạo nhịp tim khi thưởng thức các món tết truyền thống?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh nhân cần ăn theo nguyên tắc ít muối, ít mỡ và ít tinh bột. Đặc biệt không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin K vì nó tăng khả năng đông máu như: họ rau cải, các loại rau có màu xanh đậm, quả mận, dưa chuột,… Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá,…

– Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…

– Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi… Bệnh nhân suy tim cần ăn lạt, giảm muối (giảm natri), ở BN suy tim độ II và III theo NYHA, trong khi chế biến thức ăn chỉ nên cho khoảng 2 – 3g muối/ngày, không quá 4g muối. Còn suy tim độ IV thì cần giảm muối chặt chẽ không quá 2g/ ngày, có khi phải ăn lạt hoàn toàn.

– Hạn chế thức uống có cồn: rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bữa ăn, dưới 60ml/ ngày.

– Uống hạn chế các thức uống có gas, thay bằng các nước ép trái cây.

– Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt, nho, táo, lê, bưởi, thanh long,…

– Bệnh nhân có đái tháo đường hay sử dụng thuốc kháng vitamin K kèm theo thì nên tuân thủ chế độ ăn đặc thù của bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

9. Nếu không tránh được tình huống phải uống rượu bia, người đặt máy tạo nhịp tim có thể uống lượng bao nhiêu là tối đa?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Liều lượng bia rượu uống hàng ngày được xem là an toàn và tốt cho sức khỏe dựa vào lượng cồn hấp thu. Lượng cồn hấp thu được tính toán dựa vào nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống theo công thức sau: Thể tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (là hệ số quy đổi) sẽ ra số đơn vị rượu.

Một đơn vị cồn (rượu) là 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3⁄4 lon bia 330ml, tương đương 135ml rượu vang và tương đương 30ml rượu whisky. Khuyến cáo nam không nên uống quá 02 đơn vị cồn mỗi ngày, nữ không nên uống quá 01 đơn vị cồn mỗi ngày.

10. Lưu ý của BS dành cho người đặt máy tạo nhịp tim để họ đón tết an toàn?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Để có một cái tết an toàn, bên cạnh những chú ý đã nêu trên thì người đặt máy tạo nhịp cần lưu ý thêm:

– Ngày Tết là ngày vui vẻ của gia đình, không nên lo nghĩ căng thẳng, tránh các xúc động mạnh, tránh stress. Stress sẽ làm tăng hoạt tính giao cảm làm nhịp nhanh dẫn đến không có lợi ở BN có bệnh tim mạch. Làm việc nhà vừa với sức mình. Ngoài ra, dù phải lo nhiều việc ngày tết song không nên thức quá khuya.

– Trong dịp Tết, đừng quên việc tập thể lực. Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ như: đi bộ ngắn, hoặc vận động tay chân để giúp lưu thông tuần hoàn. Không tập quá sức, ngừng tập nếu thấy mệt. Vận động phù hợp sẽ giúp bệnh nhân khỏe hơn.

– Không nên tiếp xúc gần và lâu với một số thiết bị như: Điện thoại di động, máy nghe nhạc bluetooth, lò vi sóng, bếp từ… Những thiết bị này có thể làm gián đoạn các tín hiệu điện của máy tạo nhịp, hoạt động của máy sẽ không được chính xác.

– Tránh đè tay lên vị trí cấy máy đo nhịp tim: Phụ nữ nên có một miếng lót nhỏ đệm giữa vết rạch da với dây đeo áo ngực.

– Giữ ấm cơ thể: cần nhớ các biện pháp giữ ấm ngày tết, nhất là khi ra ngoài buổi tối hoặc khi trời mưa lạnh như sau: mặc đủ áo ấm, đeo tất, đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, khẩu trang, xức dầu làm ấm người,… tránh nhiễm lạnh khi nửa đêm đột ngột thức giấc, tránh tắm muộn sau 22 giờ.

– Nói không với thuốc lá và khói bếp, khói nhang

– Đến cơ sở y tế ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: tức ngực, khó thở, chóng mặt, tăng cân và phù nề chân tay,… là những dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.

Benhdotquy.net

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp nam bệnh nhân người Nhật đến tái khám lần hai nhưng tình trạng huyết áp không hề thay đổi so với lần đầu khám tại đây (150/100 mmHg), người bệnh không tuân thủ điều trị, không tái khám định kỳ, tự ý bỏ thuốc. Bác sĩ cảnh báo các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải nếu tiếp tục tình trạng này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ