Làm sao để đừng trễ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ?

Vì sao số bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong giờ vàng còn thấp? Bệnh nhân trễ giờ vàng được cứu chữa thế nào? TS.BS Trần Chí Cường, và PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng sẽ giải đáp các thắc mắc xung quanh thời gian vàng cấp cứu đột quỵ với quý bạn đọc.

28-11-2022 23:56
Theo dõi trên |

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM và TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TPHCM.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM và TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch hội Can thiệp thần kinh TPHCM.

1. Giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ được giới chuyên môn quy định ra sao?

TS.BS Trần Chí Cường:

Giờ vàng được nhắc đến rất nhiều trong phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết được chữ này trong cấp cứu đột quỵ như thế nào.

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ có 2 mốc thời gian.

Mốc thứ nhất sử dụng cho thuốc tiêm làm tan cục máu đông. Thời gian cho phép là 4.5 giờ (4 tiếng rưỡi). Điều đó không phải là đến đúng 4.5 giờ bác sĩ mới tiêm thuốc tiêu sợi huyết mà bệnh nhân phải đến trước đó càng sớm càng tốt. 4.5 giờ là thời gian tối đa cho phép chúng ta tiêm thuốc tan cục máu đông. Nếu 4.5 giờ mà bệnh nhân mới đến bệnh viện thì sẽ trễ.

Giờ vàng thứ hai là dành cho can thiệp nội mạch lấy cục máu đông ra trong trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn. Thời gian tốt nhất là đến trước 6 giờ (6 tiếng) sau khi đột quỵ xảy ra.

Nếu bệnh nhân đến trễ thời gian vàng, ngoài nguy cơ tử vong, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tàn phế rất cao.

TS.BS Trần Chí Cường hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần ThơTS.BS Trần Chí Cường hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

2. Nguyên nhân khiến số bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng còn thấp?

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng:

Số lượng bệnh nhân đến kịp thời gian vàng ở Việt Nam còn rất thấp, trong khi số bệnh nhân ở Hoa Kỳ, châu Âu đến kịp giờ vàng luôn cao hơn 70%.

Thống kê của Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy số bệnh nhân đến kịp giờ vàng luôn dưới 20%. Đối với bệnh nhân được tiêm thuốc tan cục máu đông, tái thông đường tĩnh mạch thì đây là một thiệt thòi.

Điều này một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Một số người nghĩ rằng đột quỵ giống như bị trúng gió và khi thấy người nhà bị đột quỵ, họ thực hiện các biện pháp theo dân gian như vắt chanh vào miệng, chích lể, cạo gió và tin rằng cơn trúng gió sẽ qua ngay.

Bên cạnh đó, hệ thống xe cấp cứu ở các thành phố lớn vẫn không đảm bảo được nhu cầu của người bệnh. Điều đó cho thấy thông qua số bệnh nhân đến Bệnh viện 115 bằng taxi, xe người nhà là 90%. Số người đến bằng xe cứu thương của ngành y tế thấp là một bất lợi vì khi người bệnh đến tự phát, họ sẽ không đến ngay được trung tâm điều trị đột quỵ, làm mất nhiều thời gian di chuyển.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng hiện là Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCMPGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng hiện là Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM

Đôi khi các bệnh viện gần nhà không có đủ điều kiện để điều trị cấp cứu đột quỵ. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ bị giữ lại trước khi đưa đến trung tâm y tế tuyến cao hơn. Điều này làm chậm trễ thời gian vàng.

Cho đến hiện nay, chúng tôi đã phát triển 90 trung tâm đột quỵ tại Việt Nam. Đây là con số ấn tượng nhưng 90 trung tâm đó không thể đáp ứng cho toàn bộ mọi vùng miền. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển thêm trung tâm đột quỵ để cấp cứu các bệnh nhân trong thời gian vàng.

3. Vì sao các phương pháp điều trị không đạt hiệu quả cao khi người bệnh đột quỵ đã qua giờ vàng?

TS.BS Trần Chí Cường:

Khi bệnh nhân bị đột quỵ, cứ sau 1 phút thì có 2 triệu tế bào não bị mất chức năng. Nếu chúng ta nhân con số đó lên trong vài giờ hoặc 24 giờ, não đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Phương pháp điều trị của chúng ta có rất nhiều, tuy nhiên nếu bệnh nhân vượt quá khoảng thời gian vàng thì tế bào não đã bị tổn thương quá nhiều và không hồi phục.

Các biện pháp can thiệp như tiêm thuốc tiêu huyết khối, DSA lấy huyết khối có thể giúp thông lại mạch máu não nhưng tế bào não thiếu oxy đã mất chức năng thậm chí chết. Khi tái thông mạch máu não, tế bào não đã chết vẫn không cứu lại được.

Nếu bệnh nhân đến được trong thời gian vàng, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Thậm chí chúng ta vẫn có thể cứu chữa thành công khi bệnh nhân đến kịp giờ vàng dù đã hôn mê, giúp họ trở về cuộc sống bình thường. Một số bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ nhưng đến ngoài thời gian vàng nên khi tái thông mạch máu, khả năng phục hồi vận động của họ không cao.

TS.BS Trần Chí Cường

4. Có phải vì trễ thời gian vàng mà bệnh nhân buộc phải can thiệp, không được dùng thuốc?

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng:

Cửa sổ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ nằm trong 4.5 giờ, thông thường là 3 giờ đầu. Các bệnh nhân nhập viện sau 4.5 giờ thì gần như không được dùng thuốc tiêu sợi huyết vì sử dụng thuốc sau 4.5 giờ, tính hiệu quả của thuốc sẽ giảm.

Như vậy, đối với bệnh nhân bị tắc động mạch lớn vào sau 4.5 giờ, họ sẽ được lấy huyết khối bằng stent, tức là chúng ta đưa stent vào mạch máu để lấy cục huyết khối ra. Cửa sổ thời gian của kỹ thuật này dài hơn và nó có thể kéo dài trong 6 giờ.

Với phần mềm RAPID, chúng ta có thể mở rộng khung giờ thành 24 giờ để chọn lọc bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được chụp bằng phần mềm RAPID, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng bệnh nhân còn cứu được hay không, trong trường hợp cứu được, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối bằng stent, hút huyết khối.

Đối với đột quỵ cấp, phẫu thuật là phương pháp sau cùng, khi chúng ta gần như thất bại. Nếu chúng ta tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng stent thất bại, lúc đó, bác sĩ phải phẫu thuật để giải áp nội sọ, giảm nguy cơ tử vong. Phẫu thuật không giúp bệnh nhân đi lại được mà chỉ có vai trò chữa cháy, tức là giúp người bệnh được sống. Tuy nhiên, nguy cơ tàn phế sẽ rất cao do bệnh nhân đến trễ thời gian vàng.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong và tàn phế hàng đầu nhưng chưa có nhiều bệnh nhân được đưa đến kịp trong giờ vàng.

Khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu mặt méo, tê yếu tay chân, nói khó nói ngọng, đau đầu dữ dội thì hãy gọi ngay tổng đài cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có chức năng cấp cứu đột quỵ để cứu sống người bệnh.

Trọng Dy (ghi) – Benhdotquy.net

Nguồn: VTV Cần Thơ

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ