Kiểm soát huyết áp sao cho hiệu quả trong những ngày tết?
Dịp tết đến xuân về, người bệnh tăng huyết áp ăn được những món gì trong ngày tết? Nếu uống rượu bia thì giới hạn bao nhiêu? BS.CK1 Cao Thị Lan Hương sẽ chia sẻ cùng bạn đọc Benhdotquy.net về vấn đề này.
1. Người tăng huyết áp ăn được những món gì trong ngày tết?
Đồ ngọt, dưa muối, thịt đỏ và thức uống có ga là những thực phẩm “chủ đạo” trong dịp Tết. Liệu bệnh nhân cao huyết áp có thể tiêu thụ những thực phẩm này không và cần lưu ý gì để tránh huyết áp tăng cao không kiểm soát?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Tùy theo mỗi vùng miền khác nhau mà những món ăn ngày tết cũng có khác nhau, như ở miền Nam thì có món thịt kho riệu nước dừa ăn với dưa cải muối chua, khổ qua nhồi thịt, bánh tét ăn với dưa món làm bằng củ cải trắng ngâm nước mắm rất ngon…
Còn miền Bắc thì có món thịt nấu đông, giò lụa, bánh chưng, dưa hành,… Các món để nhâm nhi như tôm khô, lạp xưởng, khô bò, khô mực, giò lụa, giò thủ ăn với dưa kiệu, dưa hành, kim chi… thì hầu như các nhà ở thành thị khá giả đều có.
Bệnh nhân tăng huyết áp vẫn có thể tham gia các bữa cỗ, bữa tiệc đầu năm cùng gia đình, nhưng cần chú ý một chút trong chuyện ăn uống ngày Tết, để huyết áp không tăng cao mất kiểm soát.
Các loại bánh chưng, bánh tét thì rất giàu năng lượng (trên 200kcal/100g), ăn nhiều dễ đầy bụng, khó tiêu, gây tăng đường huyết, tăng mỡ máu, tăng cân, người bị tăng huyết áp cần hạn chế.
Các loại thực phẩm nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… thì thường là có nhiều muối không tốt cho tim, thận, làm tăng huyết áp…
Hơn nữa, trong các sản phẩm này luôn chứa chất béo bão hòa triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi…
Thức uống có gas là thức uống có chứa nhiều đường, dù là loại “không calo không đường” thì vẫn có độ ngọt nhất định do sử dụng loại “đường thay thế”, loại này không gây tăng đường huyết nhưng bù lại có xu hướng gia tăng cholesterol xấu, vì thế cũng không nên “thả ga”.
Bên cạnh đó, thức uống có gas sẽ thúc đẩy làm trống dạ dày nhanh hơn, mang đến cảm giác thèm ăn và ăn nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể.
2. Có giới hạn nào an toàn mà người bệnh cao huyết áp có thể uống rượu bia không?
Rượu, bia không thể thiếu trong những cuộc vui ngày Tết và khó có thể tránh khỏi việc nâng ly. Vậy liệu có giới hạn nào an toàn mà người bệnh cao huyết áp có thể uống mà vẫn đảm bảo ổn định được huyết áp không, thưa BS?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Rượu bia là thành phần không thể thiếu trong những cuộc vui, đặc biệt là ngày Tết. Bệnh nhân tăng huyết áp vẫn có thể tiêu thụ rượu, bia trong ngày, nhưng cần chú ý giới hạn cho phép để huyết áp được ổn định.
Tiêu thụ cồn (có trong bia rượu) vượt mức cho phép sẽ gây rối loạn chuyến hoá mỡ, đường, acid uric, béo bụng, tăng cân khó kiểm soát; là những nguyên nhân làm huyết áp tăng lên. Đặc biệt, dưới tác dụng của bia, các mạch máu não dễ bị giãn mạch não, nên khi huyết áp tăng đột biến sau uống bia rất dễ gây ra biến chứng tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp thì mỗi ngày không uống quá 50ml rượu mạnh, 100ml rượu vang, 350ml bia.
Đơn giản hơn, bệnh nhân chú ý uống khoảng 1-2 lon bia 1 ngày, hoặc 1-2 ly rượu vang 1 ngày là mức cho phép trong ngày Tết.

3. Làm cách nào để hạn chế tăng cân không kiểm soát trong dịp Tết?
Nhiều người thường rơi vào tình trạng tăng cân sau Tết, thậm chí thừa cân béo phì. Điều này liệu có ảnh hưởng đến huyết áp không và làm cách nào để hạn chế tăng cân không kiểm soát trong dịp Tết, thưa BS?
Thừa cân, béo phì từ lâu đã được biết đến là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung. Người thừa cân béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao gây xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Mặt khác, ở người thừa cân béo phì thì tim phải thường xuyên làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim, do đó nhịp tim có xu hướng nhanh hơn. Thừa cân béo phì còn làm gia tăng và trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ, từ đó gây ra cơn tăng huyết áp và đột quỵ tim, đột quỵ não về đêm.
Do chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều calo vào ngày tết nên nhiều nhiều người thường rơi vào tình trạng tăng cân sau Tết, thậm chí thừa cân béo phì. Tình trạng này làm cho huyết áp tăng cao mất kiểm soát, nguy cơ đột quỵ tim và đột quỵ não tăng lên.
Hạn chế tăng cân trong những ngày tết bằng cách giảm các thực phẩm giàu năng lượng: Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…
Bữa ăn luôn có rau tươi: súp lơ, bắp cải, su hào, su su, củ cải đỏ, cà chua, rau cần, khổ qua… những loại rau củ này dễ bảo quản hơn các loại rau lá trong những ngày Tết.Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt, nho, táo, lê, bưởi, thanh long,…
4. Thức khuya, ngủ nướng ảnh hưởng thế nào đến huyết áp?
Tết là dịp mà nhiều người thức khuya, ngủ nướng. Điều này ảnh hưởng thế nào đến tình trạng huyết áp, thưa BS?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Đối với người trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch thì việc thức khuya, ngủ nướng trong thời gian nghỉ Tết cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe chung.
Tuy nhiên, người có bệnh tăng huyết áp nếu thức khuya, dậy trễ trong chuỗi ngày Tết có thể làm huyết áp dao động lớn, huyết áp có xu hướng tăng cao khi thức khuya có thể dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não, dậy quá trễ sẽ làm sai lệch giờ uống thuốc huyết áp của người bệnh, và sau chuỗi ngày Tết (tầm 7-9 ngày) khi phải quay lại guồng công việc và sinh hoạt như trước đây, cơ thể sẽ khó thích nghi như người trẻ, gây ra biến động huyết áp, đau đầu, mệt mỏi.
Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp chú ý giữ giờ giấc ngủ nghỉ điều độ cả trong dịp Tết, có thể giãn ra chứ đừng bung xõa.
5. Nếu không kiểm soát huyết áp tốt, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng nào?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Nếu không kiểm soát huyết áp tốt trong mùa Tết, bệnh nhân tăng huyết áp sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng cấp tính của tăng huyết áp, biểu hiện qua các cơn tăng huyết áp khẩn cấp (mức huyết áp tăng cao ≥ 180/120 mmHg nhưng chưa có tổn thương trên cơ quan đích) với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hồi hộp; nặng hơn là các cơn tăng huyết áp cấp cứu (mức huyết áp tăng cao ≥ 180/120 mmHg kèm tổn thương cơ quan đích). Tăng huyết áp cấp cứu là trường hợp cấp tính phải được nhập viện để hồi sức cấp cứu và điều chỉnh giảm huyết áp kịp thời bằng đường tĩnh mạch để ngăn chặn những tổn thương vĩnh viễn cơ quan đích như:
– Tai biến mạch máu não: nhồi máu não cấp, xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện.
>> Xem thêm: Xuất huyết dưới nhện nguy hiểm ra sao?
– Tổn thương tim cấp tính: hội chứng mạch vành cấp, bóc tách thành động mạch chủ, suy tim mất bù, rung nhĩ, phù phổi cấp.
– Tổn thương thận cấp tính như suy thận cấp hoặc tổn thương mắt gây mù loà.
6. Có nhiều bệnh nhân đột quỵ ngay trong những ngày Tết do tăng huyết áp không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Không chỉ có “vài” trường hợp bệnh nhân đột quỵ ngay trong những ngày Tết do tăng huyết áp, mà thực tế là có “nhiều” trường hợp như vậy. Thực tế nhiều năm nay, tỉ lệ tai biến mạch máu não, tăng huyết áp đột ngột, nhồi máu cơ tim nhập viện tăng lên trong những ngày cận Tết, trong Tết và ngay sau Tết.
7. Lời khuyên trong chế độ ăn uống giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả ngày Tết?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Tết của những người hiện đại không chỉ dừng lại ở việc ăn uống mà còn là giải trí, chơi Tết. Vì vậy, ăn uống khoa học sẽ là cách tốt nhất đảm bảo cho chúng ta chơi Tết vui vẻ và có một sức khoẻ dồi dào trong năm mới.
Muốn được như vậy, người cao huyết áp cần phải giữ một số nguyên tăc sau đây:
– Hạn chế tăng cân trong những ngày tết bằng cách giảm các thực phẩm giàu năng lượng: Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…
– Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi…
– Hạn chế thức uống có cồn: rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bũa ăn, dưới 60ml/ ngày.
– Uống hạn chế các thức uống có gas, thay bằng nước lọc.
– Bữa ăn luôn có rau tươi: súp lơ, bắp cải, su hào, su su, củ cải đỏ, cà chua, rau cần, khổ qua…
– Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quýt, nho, táo, lê, bưởi, thanh long,…
– Ăn ngủ, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya
8. Việc duy trì thuốc huyết áp trong những ngày Tết có khác biệt so với ngày thường không?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Tết là dịp nghỉ lễ dài, do đó người bệnh tim mạch và huyết áp nên kiểm tra sức khỏe trước ngày nghỉ cùng với đảm bảo đủ lượng thuốc sử dụng từ 2 – 4 tuần.
Chú ý uống thuốc đều đặn đúng giờ, tốt nhất là nên chia sẵn thuốc vào các hộp trữ thuốc nhỏ trong ngày và đem theo bên mình, để những lúc đi du xuân, đi thăm hỏi người thân vẫn có thể uống thuốc đúng cữ.
Nếu bạn có dự định đi chơi xa, đi về quê, nên tham khảo ý kiến bác sĩ các thuốc say tàu xe không tương tác với thuốc huyết áp bạn đang sử dụng.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị sẵn 1 ít thuốc hạ áp cấp cứu đem theo trong người để sử dụng khi huyết áp tăng cao vượt mức mà không hạ khi nghỉ ngơi.
9. Một số biện pháp giúp duy trì huyết áp ổn định và tăng cường sức khoẻ mùa Tết?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Để dịp lễ tết thực sự là khoảng thời gian vui vẻ, đáng nhớ, bệnh nhân tăng huyết áp cần lưu ý một số điều sau để giúp duy trì huyết áp ổn định, bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh như đã đề cập bên trên:
9.1 Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ
Giữ ấm cơ thể là điều đầu tiên cần nhớ để bảo vệ sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng. Khi nhiệt độ thấp, cơ thể nhiễm lạnh sẽ dẫn đến mạch máu giãn, huyết áp và nhịp tim tăng lên đột ngột. Nhất là những người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành,… thì nguy cơ biến chứng càng cao hơn.
Do đó, cần nhớ các biện pháp giữ ấm ngày tết, nhất là khi ra ngoài buổi tối hoặc khi trời mưa lạnh như sau: mặc đủ áo ấm, đeo tất, đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, khẩu trang, xức dầu làm ấm người,…
Ngoài ra, dù phải lo nhiều việc ngày tết song không nên thức quá khuya, làm việc mệt mỏi liên tục dẫn đến đột quỵ. Thay vào đó, cần chú ý đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh nhiễm lạnh khi nửa đêm đột ngột thức giấc, tránh tắm muộn sau 22 giờ.
9.2 Duy trì thói quen tập thể dục
Thói quen tập thể dục cần được duy trì hàng ngày kể cả vào ngày lễ tết, nên dành từ 15 phút – 30 phút để đi bộ hoặc tập thể dục vận động nhẹ nhàng. Những bài tập này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp hệ tim mạch dẻo dai hơn, lưu thông máu tốt hơn ngăn ngừa biến chứng do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu.
Tuy nhiên nếu thời tiết lạnh giá, nên tập thể dục trong nhà, bắt đầu bằng các bài tập làm ấm cơ thể trước khi luyện tập với cường độ cao hơn. Nên tránh đổ mồ hôi nhiều khi gió lạnh, mạch máu có thể bị co thắt đột ngột rất nguy hiểm.
9.3 Duy trì thói quen theo dõi huyết áp 2 cữ sáng và chiều
9.4 Nói không với thuốc lá.
Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- kiểm soát huyết áp

Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đừng chủ quan bỏ qua 5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu cao khi ngủ
Tiểu đêm quá ba lần, luôn bị khô miệng, đổ mồ hôi hay ngứa da khi ngủ… là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy có thể bạn bị tăng đường huyết.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim