Hội chứng chuyển hóa: Liệu có được điều trị khỏi hoàn toàn?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh – Trưởng khối Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết, hội chứng chuyển hóa hoàn toàn có thể được điều trị khỏi, giúp người bệnh quay trở về với tình trạng bình thường. Vì vậy, nên tầm soát sớm để phát hiện sớm hội chứng chuyển hóa, tiếp nhận điều trị và đưa người bệnh trở về mức gần như bình thường.

19-04-2024 11:47
Theo dõi trên |

1. Mối liên hệ giữa hội chứng rối loạn chuyển hóa với đột quỵ và đột tử

Người bệnh sẽ đối diện với những nguy cơ nào khi bị hội chứng chuyển hóa? Tình trạng này liên quan ra sao với đột quỵ và đột tử, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Hội chứng chuyển hóa là một tình trạng tiền bệnh lý. Chính vì vậy, khi một người có hội chứng chuyển hóa sẽ gia tăng nguy cơ về tim mạch và đột quỵ, đây là hai hậu quả nặng nề nhất của bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Khi chúng ta mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nghĩa là cơ thể đã bị hậu quả của bệnh lý tim mạch do xơ vữa.

Khi có hội chứng chuyển hóa sẽ nằm trong nhóm người có nguy cơ tim mạch cao. Đối với tăng huyết ápnguy cơ tim mạch tăng gấp 3 lần, với đái tháo đường sẽ tăng lên gấp 4 lầnrối loạn lipid máu nguy cơ tim mạch tăng lên gấp 4 lần.

Khi cộng dồn lại nhiều yếu tố nguy cơ về tim mạch, tỷ lệ mắc bệnh về tim mạch và đột quỵ sẽ gia tăng lên gấp nhiều lần so với một người không có những yếu tố này.

2. Hội chứng chuyển hóa có thể điều trị khỏi hoàn toàn?

Người đã mắc hội chứng chuyển hóa có chữa khỏi hoàn toàn không, thưa BS? Nếu không thì có cách nào ngăn chặn các biến cố nguy hiểm như đột quỵ, đột tử?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: May mắn là hội chứng chuyển hóa hoàn toàn có thể điều trị để giúp người bệnh quay trở về mức bình thường.

Nếu nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, việc điều trị sẽ chỉ ngăn ngừa tái phát và chỉ giảm bớt triệu chứngg bệnh, không thể quay trở lại hoàn toàn bình thường giống như trước vì đã để lại hậu quả nặng nề.

Còn đối với hội chứng chuyển hóa, người bệnh chỉ vừa ở mức nguy cơ tim mạch cao, hoàn toàn có thể điều trị để quay lại mức bình thường.

Ví dụ một người mới gặp phải tình trạng rối loạn đường huyết đói, việc thay đổi lối sống, chế độ ăn, chế độ tập luyện… điều này hoàn toàn có thể giúp cơ thể trở về bình thường. Với huyết áp mới chỉ ở giới hạn tăng, lớn hơn 130/80 – 135/85 thì việc giảm bớt ăn muối, có thể giúp huyết áp tâm thu giảm xuống 5mmHg. Việc ăn rau có thể giảm thêm huyết áp tâm thu 5mmHg, bên cạnh đó, tập luyện có thể giảm thêm được 3 – 5mmHg

Như vậy, chế độ sinh hoạt của một người từ huyết áp tăng nhẹ có có thể hoàn toàn trở về mức bình thường nếu thực hiện thật tốt những việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Đây chính là lý do để chúng ta phải tầm soát sớm hội chứng chuyển hóa và đưa người bệnh trở về mức gần như bình thường.

3. Dự phòng rối loạn chuyển hóa cần thực hiện ngay khi còn là thanh thiếu niên

Điều trị hội chứng chuyển hóa bắt đầu từ đâu và điều quan trọng nhất là gì, thưa BS? Khi nào bắt đầu dùng thuốc và khi nào chỉ cần thay đổi lối sống?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Điều quan trọng nhất trong điều trị hội chứng chuyển hóa là bắt đầu từ kiến thức và thái độ của tất cả mọi người dân trong cộng đồng. Nếu tất cả mọi người đều nhận biết được hội chứng chuyển hóa chính là một yếu tố nguy cơ tim mạch cao, có thể chuyển sang biến cố về các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Việc phát hiện sớm hoàn toàn có thể trở lại tình trạng bình thường trước đó.

Việc dự phòng cần thực hiện ngay khi còn là thanh thiếu niên, trước khi có hội chứng chuyển hóa, nếu có chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt đều đặn và ổn định, giảm các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa như ăn dư năng lượng, chế độ ít vận động, tập luyện, tránh xa những môi trường căng thẳng, stress hoặc khối thuốc lá… việc không có tiến chuyển đến hội chứng chuyển hóa là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đối với những người đã có hội chứng chuyển hóa, việc thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt, tập luyện và chế độ ăn chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất, có 80 – 90% các trường hợp có hội chứng chuyển hóa nhưng chưa tiến triển nặng hoàn toàn có thể trở lại như bình thường.

Ở những trường hợp hội chứng chuyển hóa đã ở giai đoạn bắt đầu chuyển sang bệnh lý, lúc này sẽ cần thêm vai trò của thuốc. Ví dụ như huyết áp cao hơn 160/100mmHg hoặc đường huyết lớn hơn 180mg/dL, với những mức độ này các bác sĩ thường sẽ kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc song song với thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt tập luyện cho bệnh nhân.

4. Trong quá trình điều trị hội chứng chuyển hóa, cần tránh những sai lầm nào?

Những sai lầm cần tránh trong quá trình điều trị hội chứng chuyển hóa gồm những gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Những sai lầm cần tránh là các trường hợp bản thân nghĩ rằng đã hết bệnh và quay trở lại chế độ sinh hoạt tập luyện như trước.

Như đã trình bày ở phần đầu, rối loạn chuyển hóa liên quan đến lối sống, sinh hoạt của người mắc, nếu có thể thay đổi được một chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt tốt và duy trì được, xác suất mắc lại sẽ rất thấp.

Nếu sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện một thời gian và thấy được các chỉ số tốt lên, lúc này bản thân người bệnh lại quay trở lại chế độ sinh hoạt trước kia, hoàn toàn có thể làm tái lại hội chứng chuyển hóa. Khi tình trạng này lặp lại liên tục, nguy cơ xuất hiện các biến chứng về tim mạch sẽ tăng lên.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, ngay từ lúc trước khi bị hội chứng chuyển hóa, nên hình thành một thói quen, chế độ sinh hoạt, tập luyện tốt và duy trì lâu dài để không bị mắc hội chứng chuyển hóa.

Đối với hội chứng chuyển hóa xuất hiện, diễn tiến ở những đối tượng lớn hơn, khoảng 60 – 70 tuổi, ở nhóm tuổi này khả năng bù trừ của cơ thể giảm đi đáng kể khiến cho các bệnh lý xuất hiện. Lúc này cần phải dùng thêm thuốc và hoàn toàn là diễn tiến sinh lý của một trường hợp về hội chứng chuyển hóa.

5. Người mắc hội chứng chuyển hóa nên tầm soát sức khỏe bao lâu 1 lần?

Người mắc hội chứng chuyển hóa tầm soát sức khỏe, nguy cơ của bản thân ra sao, thưa BS? Nên làm những gì và bao lâu nên làm 1 lần ạ?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: May mắn ở hội chứng chuyển hóa là mặc dù rất phổ biến trong cộng đồng nhưng cũng sẽ rất đơn giản để tầm soát. Người bệnh chỉ cần làm xét nghiệm máu khi khám sức khỏe. Hàng năm đều sẽ có chương trình khám sức khỏe ở công ty hoặc trong cộng đồng.

Song song đó, khi nhận kết quả chỉ số của các yếu tố thông qua xét nghiệm, nếu quan tâm có thể tính toán xem bản thân có bị hội chứng chuyển hóa hay không.

Nếu đã xác định được có hội chứng chuyển hóa, tốt nhất nên đi thăm khám ở một cơ sở y tế để có thể tầm soát thêm xem có những biến cố của hội chứng chuyển hóa hay mắc các bệnh lý tim mạch hay chưa. Vì đôi khi một số trường hợp người bệnh có biến cố nhưng không có triệu chứng như nhồi máu cơ tim yên lặng hoặc là những tổn thương não yên lặng.

Nếu có hội chứng chuyển hóa nên khám thêm chuyên khoa sâu và được quản lý lâu dài để ngăn ngừa những biến cố và cũng như điều chỉnh các yếu tố về vấn đề chuyển hóa.

Hồng Phúc (ghi)

  • Từ khóa:
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ