Hội chứng chuyển hóa: Dư thừa năng lượng chính là nguyên nhân nền tảng

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh – Trưởng khối Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thông tin, tình trạng dư thừa năng lượng, mỡ tích tụ, chủ yếu là mỡ tạng sẽ gây ra hội chứng chuyển hóa. Vì vậy cần thăm khám, điều trị và thay đổi lối sống lành mạnh để tránh việc tiến triển thành các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ.

17-04-2024 10:35
Theo dõi trên |

1. Hội chứng chuyển hóa là gì?

Nhờ BS chia sẻ thêm, hội chứng chuyển hóa nghĩa là gì và bao gồm những tình trạng nào?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Hội chứng chuyển hóa là một tình trạng bao gồm 5 yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch cho người bệnh. Đây chính là giai đoạn trung gian giữa một người “lành”với một người có bệnh lý về tim mạch. Đó là những người có chỉ số huyết áp bắt đầu tăng lên, xuất hiện tình trạng rối loạn đường huyết, rối loạn lipid máu. Sinh lý bệnh của hội chứng này chính là tình trạng thừa cân, béo phì. Nếu bệnh nhân có 3/5 yếu tố nói trên sẽ được đánh giá là mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa.

Định nghĩa cụ thể hơn của hội chứng chuyển hóa là khi người bệnh có tình trạng huyết áp lớn hơn 130/80mmHg, đường huyết lớn hơn 100mmol/L, vòng eo đối với nam giới lớn hơn 102cm, ở nữ giới lớn hơn 88cm (chỉ số này được xét trên cơ thể người phương Tây). Đối với thể trạng người Việt Nam hoặc ở người châu Á nói chung, chu vi vòng eo được xét ở nam giới là lớn hơn 90cm và nữ giới là lớn hơn 80cm.

Ngoài ra, còn có hai tiêu chuẩn khác khi đi xét nghiệm tổng quát có thể thấy, đó là chỉ số triglyceride lớn hơn 150mg/dL và chỉ số HDL cholesterol (tốt) đối với nam là dưới 50mg/dL, ở nữ là dưới 40mg/dL.

2. Hội chứng chuyển hóa bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa là gì, thưa BS? Cuộc sống hiện đại với những thói quen như thức khuya, ăn đồ nhiều dầu mỡ, stress… ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Nguyên nhân nền tảng chính của hội chứng chuyển hóa là tình trạng dư thừa năng lượng mỡ trong cơ thể, lượng mỡ này sẽ tích tụ và chủ yếu là mỡ tạng. Tình trạng dư thừa năng lượng, mỡ sẽ gây ra hội chứng chuyển hóa.

Biểu hiện của hội chứng chuyển hóa bao gồm 5 biểu hiện đã đề cập trên. Cơ chế sinh lý bệnh, nền tảng bên trong là tình trạng đề kháng insullin và tình trạng rối loạn nội mô của mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, nguy cơ xơ vữa mạch máu. Vì vậy, nếu tầm soát ở một người có biểu hiện bên ngoài khỏe mạnh sẽ thực hiện xét nghiệm và xem xét về hội chứng này.

Nếu bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa được phát hiện sớm, có thể tiếp nhận điều trị hoặc thay đổi lối sống để trở lại trạng thái bình thường trước đó. Nếu không phát hiện sớm tình trạng bệnh, không điều trị triệt để, hội chứng chuyển hóa sẽ chuyển thành những bệnh lý cụ thể như tiến chuyển thành bệnh lý nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch máu gây đột quỵ, nặng hơn có thể rơi vào những trường hợp đột tử.

Theo các thống kê, có thể thấy ở các nước đang phát triển, hội chứng chuyển hóa đang bắt đầu có xu hướng tăng lên dần. Ở Việt Nam, trong vòng khoảng 10 – 20 năm trở lại đây, tình trạng thừa cân, béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu gia tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, ở các nước đã phát triển, tỷ lệ này đã giảm xuống, cho thấy ở các quốc gia này, vấn đề về sức khỏe được quan tâm nhiều hơn. Người dân nơi dây nhận biết những yếu tố nguy cơ có khả năng gây ra các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ. Họ dự phòng bệnh lý bằng cách phát hiện sớm và không để cho tình trạng tiến triển.

Vì vậy, ở các nước đã phát triển, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa giảm đáng kể. Tỷ lệ mắc bệnh về tim mạch, cũng như tử vong do tim mạch và đột quỵ sẽ giảm đi ở các nước đã phát triển.

Tóm lại, tình hình ở các nước chưa tập trung chú ý nhiều đến vấn đề sức khỏe, làm việc, ăn uống  không chú ý đến giờ giấc, đặc biệt với lối sống ít vận động, ngồi tĩnh tại nhiều và có nhiều năng lượng dư thừa, đó chính là yếu tố nguy cơ chính của hội chứng chuyển hóa.

3. 20 – 30% người trẻ trưởng thành có hội chứng chuyển hóa

Tình trạng trẻ hóa được đề cập đến trong nhiều bệnh lý mạn tính không lây. Vậy còn với hội chứng chuyển hóa thì sao ạ? Độ tuổi được xác định mắc hội chứng chuyển hóa thường nằm trong giai đoạn nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Cách đây khoảng 20 – 30 năm về trước, ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, sẽ thấy tình trạng suy dinh dưỡng nhiều hơn, lúc này hội chứng chuyển hóa sẽ không xuất hiện phổ biến. Do nền tảng của hội chứng chuyển hóa chính là dư thừa năng lượng, gây tích tụ mỡ và khiến đường huyết tăng cao, là nguyên nhân gây ra những rối loạn về mặt chuyển hóa.

Nếu năng lượng ngày một dư thừa, điều kiện sống, chế độ sinh hoạt và ăn uống ngày một nhiều năng lượng, tỷ lệ mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa ở trẻ em và người trẻ trưởng thành thừa cân béo phì ngày một gia tăng.

Ở Việt Nam, các thống kê cho thấy khoảng 20 – 30% người trẻ trưởng thành có hội chứng chuyển hóa, đây chính là nhóm cần được tác động sớm và tích cực để kịp thời ngăn ngừa bệnh lý về tim mạch trong tương lai.

Độ tuổi của hội chứng chuyển hóa, thường khi bắt đầu sẽ thấy biểu hiện tương đối rõ, bắt đầu ở lứa tuổi trưởng thành sớm, nam và nữ trên 18 tuổi. Tuy nhiên, có thể thấy rõ nhất ở lứa tuổi từ sau 40 tuổi và thường nhất là ở độ tuổi 50. Nếu hội chứng chuyển hóa trong giai đoạn bệnh chưa tiến triển nặng, vào độ tuổi 40 – 50 tuổi, đây là giai đoạn chưa gây ra những biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Sau 50 tuổi, nếu hội chứng chuyển hóa không được kiểm soát tốt, lúc này sẽ tiến chuyển và hình thành nên những biến cố về tim mạch, gây ra hậu quả của hội chứng chuyển hóa. Tóm lại, hội chứng chuyển quá thường xuất hiện sớm ngay từ tuổi trưởng thành và đạt đỉnh điểm ở lứa tuổi 30 – 40 – 50, ở lứa tuổi này thường sẽ có cảm giác khỏe nhất và ít quan tâm đến các vấn đề của cơ thể mình.

Vì vậy, tiến triển của hội chứng chuyển hóa thường sẽ chuyển biến theo thời gian nếu chúng ta không quan tâm.

Đặc biệt lưu ý, ngay từ ở lứa tuổi còn trẻ, nếu có một chế độ sinh hoạt, tập luyện, có thái độ đúng và dự phòng, hoàn toàn có thể ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa ngay từ lứa tuổi thanh thiếu niên, đến độ tuổi trưởng thành sẽ không mắc hội chứng chuyển hóa.

4. Những dấu hiệu cảnh báo hội chứng chuyển quá có thể bỏ sót

Hội chứng chuyển hóa có dấu hiệu cảnh báo nào, thưa BS? Những triệu chứng nào mà chúng ta thường bỏ sót nhất ạ?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Một yếu tố có thể đánh giá được bề ngoài của hội chứng chuyển hóa là xem xét về tình trạng thừa cân béo phì, có thể nhìn thấy, ước đoán được. Tuy nhiên, để chính xác, chúng ta phải đo vòng eo hoặc tính chỉ số BMI của cơ thể.

Ngoài ra, còn có thể đo huyết áp để có thể đánh giá được huyết áp có bắt đầu giới hạn cao hay chưa? Trong xét nghiệm máu thông thường, có thể phát hiện được rối loạn chuyển hóa là đường huyết bắt đầu cao (trên 100mg/dL) và chỉ số cholesterol máu là triglyceride bắt đầu tăng, chỉ số HDL giảmDấu hiệu sớm và nền tảng nhất của hội chững này chính là tình trạng thừa cân, có thể nhận thấy những người thừa cân cần phải tầm soát về hội chứng chuyển hóa.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa của người Việt khác gì so với thế giới?

Hội chứng chuyển hóa bao gồm béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và nồng độ triglycerides máu tăng. Vậy, tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa gồm những gì, thưa BS? Và tiêu chuẩn chẩn đoán của người Việt có khác so với thế giới?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Như đã đề cập, hội chứng chuyển hóa bao gồm 5 yếu tố. Tuy nhiên, có một yếu tố khác biệt giữa người châu Âu hoặc các nước châu Mỹ so với người Việt theo đồng thuận của Hội Tim mạch Việt Nam, vòng eo nếu tính khi bắt đầu có hội chứng chuyển hóa là vòng eo của nam giới trên 90cm và nữ là trên 80cm. Đây chính là điểm khác biệt duy nhất giữa các tiêu chuẩn chẩn đoán về hội chứng chuyển hóa của Việt Nam so với các nước phương Tây.

Ngoài ra, 4 yếu tố còn lại là tình trạng huyết áp bắt đầu ở giới hạn tăng, nghĩa là huyết áp lớn hơn 130 ở tâm thu và tâm trương lớn hơn 80. Đối với đường huyết, bắt đầu giới hạn tăng chưa đến mức tiểu đường là lớn hơn 126mg/dL, ở người hội chứng chuyển hóa mức đường huyết trên 100mg/dL đã được định nghĩa là rối loạn đường huyết đói. Ngoài ra, về xét nghiệm máu thì triglyceride lớn hơn 150mg/dL và HDL – cholesterol (tốt) thấp, dưới 50mg/dL ở nam và dưới 40mg/dL ở nữ

– Tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa so với béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết và rối loạn triglycerides máu đơn lẻ có khác gì nhau?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Theo như định nghĩa, có thể thấy các tiêu chuẩn chẩn đoán của hội chứng chuyển hóa sẽ sớm hơn so với những tiêu chuẩn chẩn đoán về các bệnh lý khác. Chẳng hạn như tình trạng tăng huyết áp, nếu định nghĩa huyết áp lớn hơn 140/90mmHg, đối với hội chứng chuyển hóa huyết áp ở giới hạn cao, lớn hơn 130/80mmHg đã nằm trong tiêu chuẩn của hội chứng chuyển hóa. Về đường huyết, đối với người bị tiểu đường, lượng đường huyết lớn hơn 126mg/dL, nghĩa là lớn hơn 7mmol/L, còn ở người có hội chứng chuyển hóa là lớn hơn 100mg/dL và giới hạn từ 100 – 126mg/dL, được gọi là rối loạn đường huyết đói.

Lý do của hội chứng chuyển hóa chính là tiêu chuẩn chẩn đoán ở giới hạn thấp hơn so với các bệnh lý, vì đây là giai đoạn trung gian giữa người lành và người có bệnh lý rõ ràng. Trong giai đoạn này, hoàn toàn có thể tác động để người bệnh có thể quay trở lại tình trạng khỏe mạnh nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực. Trong trường hợp không điều trị tích cực, giai đoạn trung gian này sẽ chuyển thành giai đoạn bệnh lý cụ thể.

– Đối với béo phì, tiêu chuẩn chẩn đoán với chỉ số BMI, vòng eo của người Việt – người châu Á có khác so với các chủng tộc khác?

BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đối với béo phì, có hai chỉ số cần lưu ý, đầu tiên là chỉ số BMI, được tính theo công thức: cân nặng chia bình phương chiều cao trên mét vuông da. Thứ hai là chỉ số vòng eo, đối với các nước phương Tây, người béo phì sẽ có chỉ số BMI lớn hơn 25. Đối với người Việt, theo đồng thuận của các chuyên gia trong Hội Tim mạch Việt Nam, chỉ số BMI lớn hơn 23 được xem là thừa cân béo  phì.

Về vòng eo, ở người phương Tây, chu vi vòng eo được đánh giá là vượt mức của nam giới sẽ lớn 102cm và ở nữ là lớn hơn 88cm. Ở Việt Nam, đối với nam là lớn hơn 90cm và nữ là 80cm, cho thấy các tiêu chuẩn ở nước ta sẽ thấp hơn các nước phương Tây do thể trạng của họ lớn hơn chúng ta.

Hồng Phúc (ghi)

  • Từ khóa:
Inforgraphic – Cách xử trí khi xảy ra đột quỵ

Inforgraphic – Cách xử trí khi xảy ra đột quỵ

Hậu quả sau đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết của người thân hoặc người xung quanh của người bị đột quỵ. Những kiến thức dưới đây sẽ góp phần giúp người bị đột quỵ có thể được đưa đến bệnh viện sớm hơn, cơ hội phục hồi cao hơn.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ