Hành trình 100 ngày cứu sống thuyền trưởng người Indonesia trở về từ cõi chết do đột quỵ

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp hi hữu là bệnh nhân người nước ngoài bị đột quỵ xuất huyết não, nhập viện trong tình trạng nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

14-12-2021 11:42
Theo dõi trên |

100 ngày chiến đấu với tử thần

Ngày 20/7, bệnh viện viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Wan Suhermansyah (56 tuổi, quốc tịch Indonesia, là một thuyền trưởng đang công tác tại Việt Nam) trong tình trạng xuất huyết, hôn mê, mất nhận thức, tê yếu tay chân.

Theo đánh giá sơ bộ, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện của tai biến mạch máu não, nguy cơ tử vong cao. Sau khi tiến hành các bước thăm khám chuyên sâu, kết quả hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não, có tiền sử tăng huyết áp.

Bệnh nhân người Indonesia nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao – Ảnh: bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cung cấp.

Theo bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, trong thời gian đầu, bệnh nhân không đáp ứng được điều trị nội khoa nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Đáng chú ý hơn cả, sau khi phẫu thuật lấy máu tụ thành công, dù não bệnh nhân có phù tương đối nhưng các bác sĩ đã quyết định đặt lại nắp sọ cho vị thuyền trưởng này.

Sở dĩ có quyết định như vậy, các bác sĩ lý giải: “Khác với những bệnh nhân khác, sau khi lấy máu tụ phải đợi khoảng 3 tháng để não không còn phù mới lắp nắp sọ lại, ở bệnh nhân này chúng tôi quyết định lắp nắp sọ ngay sau đó. Bởi nắp sọ cần phải được giữ lại tại TPHCM, khi bệnh nhân quay trở về Indonesia thì phải mất công quay trở lại Việt Nam để đặt lại nắp sọ mới có thể hoàn thiện lại nửa bán cầu của chính mình.”

Bác sĩ cũng cho biết bệnh viện đã thực hiện phương pháp này với nhiều bệnh nhân nhưng không phải ai cũng có thể được điều trị mà cần được bác sĩ đánh giá, xem xét kỹ lưỡng mới đưa ra quyết định phẫu thuật.

Anh Quý – người đã chăm sóc cho bệnh nhân người nước ngoài cho biết, sau 17 bệnh nhân được điều trị ICU kết hợp với tập vật lý trị liệu thì đã hồi phục dần và được chuyển về khoa thần kinh.

Sau 30 ngày, ông Wan dường như đã hồi phục lại bình thường, ngoại trừ khả năng nói vẫn còn bị hạn chế một phần, có thể do bất đồng ngôn ngữ – bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân thông tin thêm.

Hiện bệnh nhân đã được xuất viện và trở về quê hương Indonesia của mình để đoàn tụ với gia đình. Đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng bệnh nhân mà còn là của anh Quý, cùng tập thể nhân viên y tế tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Bệnh nhân xuất viện sau 100 ngày điều trị – Ảnh: bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cung cấp.

Tình người mới là “thuốc tiên” giúp thuyền trưởng người Indonesia vượt qua cửa tử

Khi bệnh nhân nhập viện, tất cả mọi người đều cho rằng khả năng sống sót vị thuyền trưởng người Indonesia này là rất mong manh. Song, với tấm lòng nhiệt thành của những con người chẳng cùng màu da, không chung dòng máu đã tạo nên kỳ tích tuyệt vời.

Ngay sau khi phát hiện ông Wan có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, những cộng sự trên tàu đã đưa ông cấp cứu ngay lập tức.

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Trường hợp cấp cứu cho bệnh nhân gặp một vấn đề vô cùng khó khăn trong pháp lý khi điều trị vì bệnh nhân là người nước ngoài và không có một thân nhân nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các thuyền viên đi cùng trên tàu và đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện, bệnh nhân đã hồi phục lại rất tốt sau tròn 100 ngày điều trị, đây là điều rất may mắn.”

Không chỉ vậy, điều bất ngờ hơn cả chính là sự chăm sóc ròng rã hơn 3 tháng trời của anh Quý – một người không quen biết bệnh nhân, cũng chẳng hiểu được ngôn ngữ Indonesia. Dù chẳng phải “máu mủ ruột rà” với ông Wan nhưng hình ảnh người đàn ông chân chất, thật thà chăm sóc mỗi ngày cho vị thuyền trưởng dường như đã quá quen thuộc với đội ngũ điều dưỡng tại bệnh viện.

Anh Quý vui mừng chia sẻ: “Lúc nhập viện không ai nghĩ ông Wan sẽ sống cả nên khi thấy ông ấy hồi phục từng ngày tôi mừng lắm. Chỉ cần ông ấy cử động nhẹ ngón tay, chân hay tằng hắng một tiếng thôi tôi cũng mừng như chính người thân của mình đang hồi phục vậy.” Anh cho hay, dù không quen không biết nhưng trong thời gian chăm sóc anh cũng có tình cảm thân thuộc như đang chăm cho người thân trong gia đình. Anh cũng không quên chia sẻ niềm vui này cho người nhà của ông Wan từ đầu cầu Việt Nam sang đầu cầu Indonesia.

Anh Quý hỗ trợ bệnh nhân người Indonesia tập vật lý trị liệu – Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cung cấp.

Không chỉ vậy, anh Quý cũng tự học một vài từ cơ bản của ngôn ngữ Indonesia thông qua điện thoại để giao tiếp dễ dàng hơn với bệnh nhân. Đồng thời, anh cũng thường xuyên mở những bài nhạc Indonesia để giúp ông Wan gợi nhớ lại ký ức và phục hồi tốt hơn.

Đến thời điểm hiện tại, dù ông Wan đã được xuất viện và trở về quê nhà của mình, nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau như những người bạn tri kỷ.

Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và không loại trừ bất cứ ai!

TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chúng ta giữ gìn sức khoẻ và lắng nghe triệu chứng sớm của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Theo đó, người dân cần phải nhanh chóng cấp cứu nếu có những dấu hiệu như: tê yếu tay chân, nói đớ, nói khó, miệng méo, ngất xỉu thoáng qua hoặc đau đầu dữ dội.

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khuyến cáo người dân cẩn trọng đột quỵ trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp – Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cung cấp.

Theo số liệu thống kê tại bệnh viện, đột quỵ có dấu hiệu tăng lên đột biến, mỗi ngày khoảng 30 – 40 trường hợp cấp cứu; phòng hồi sức của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, trung bình hơn 25 ca/ngày.

Do đó, việc nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ hoàn toàn có thể tầm soát được nguyên nhân và điều trị dự phòng từ xa.

Thi Nguyên

  • Từ khóa:
Quảng cáo
Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ