F0 tăng vụt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn hậu COVID-19 do di chứng của đột quỵ não

Dù đã âm tính COVID-19 nhưng nhiều người vẫn cảm giác mệt mỏi, khó thở, mất sức, yếu cơ… kéo dài.

21-02-2022 08:47
Theo dõi trên |

F0 khỏi bệnh đối diện 3 nhóm bệnh lý hậu COVID-19 chính

Người phụ nữ 74 tuổi (Bình Phước) được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị trong một tháng với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, mất sức kéo dài. Sau đó, bà được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) tiếp tục can thiệp.

“Sau khi khỏi COVID-19, xét nghiệm âm tính rất nhiều lần nhưng mẹ tôi vẫn bị khó thở. Cứ cai máy thở là bà lại lên cơn khó thở”, con gái bệnh nhân chia sẻ.

Hiện tình hình của bà bắt đầu tiến triển hơn. Bà là một trong 300 bệnh nhân hậu COVID-19 điều trị nội trú tại Bệnh viện Quân y 175 trong thời gian qua.

Theo ThS.BS Nguyễn Hải Công (Trưởng khoa Lao và bệnh Phổi kiêm Trưởng phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết có 3 nhóm bệnh lý hậu COVID-19 chính. Nhóm thứ nhất là các bệnh nhân nặng thường gặp các di chứng hậu COVID-19 như xơ phổi, viêm phổi, tắc mạch phổi gây ra tình trạng suy hô hấp hoặc lệ thuộc oxy thở oxy kéo dài phải điều trị nội trú. Thứ hai là nhóm bệnh lý về thần kinh bao gồm các di chứng như đột quỵ não, tắc mạch não, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc như lo lắng trầm cảm… Nhóm thứ ba là các biến chứng về tim mạch, ví dụ nhồi máu cơ tim cũ, suy tim tiến triển, do tác động của Covid đẩy các bệnh lý tim mạch tăng lên. Do đó sau khi khỏi Covid-19, người bệnh phải điều trị các di chứng về tim mạch.

“Trong quá trình mắc COVID-19 ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ nên không gây ra các triệu chứng đột quỵ rõ trong lâm sàng, tuy nhiên trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc xơ vữa động mạch từ trước thì sẽ gây ra tắc huyết khối các động mạch lớn và gây ra đột quỵ não”, bác sĩ Công phân tích.

Bệnh nhân trên nhập viện trong giai đoạn hậu COVID-19 là do di chứng của đột quỵ não. Đột quỵ não dẫn đến các di chứng vận động như yếu liệt chi, yếu liệt nửa người tay hoặc chân, rối loạn về ý thức, khả năng nói giảm…

Bệnh nhân 74 tuổi đang thở oxy, điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175.

Theo thông tin từ khu điều trị nội trú bệnh nhân hậu COVID-19, Bệnh viện Quân y 175, hàng ngày có hơn 30 bệnh nhân nặng nằm điều trị. ThS.BS Nguyễn Hải Công cho biết, nhóm bệnh nhân gặp di chứng nặng thường là nhóm nặng và nguy kịch trong giai đoạn điều trị COVID-19, người trên 45 tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh lý béo phì… Trong giai đoạn mắc COVID-19, nếu người bệnh phải thở oxy liều cao kéo dài, can thiệp ECMO… thì nguy cơ gặp các di chứng xơ hóa phổi, khó thở, suy hô hấp sẽ cao hơn sau khi khỏi.

Tính đến thời điểm hiện tại, khu điều trị hậu COVID-19 Bệnh viện 175 tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú. Đa số bệnh nhân gặp các rối loạn về tâm thần kinh, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, tập rung, trí nhớ, rối loạn lo âu, giảm khả năng gắng sức, mệt mỏi, các triệu chứng hô hấp như ho kéo dài, khó thở khi gắng sức…

Theo bác sĩ Công, với những trường hợp đến khám hậu COVID-19, tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ đánh giá, xét nghiệm để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Làm sao để “cựu F0” bớt lệ thuộc bình oxy?

Khoa hậu COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thời gian qua điều trị hơn 7. 000 bệnh nhân ngoại trú và hàng chục trường hợp điều trị nội trú do lệ thuộc oxy.

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, ca hậu COVID-19 gần đây nhất là một bệnh nhân 50 tuổi (quận 10, TPHCM). Người bệnh đến phòng khám cùng bình oxy khiến bác sĩ Nguyễn Như Vinh trăn trở. Khỏi COVID-19 hơn một tháng nhưng bệnh nhân vẫn bị khó thở, phải thở oxy. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy phổi tổn thương nhiều, xơ phổi, tràn khí nhẹ.

“Bệnh nhân bị yếu cơ còn phải mang vác theo bình oxy trong quá trình sinh hoạt, lên xuống cầu thang rất vất vả và bất tiện. Rất may sau thời gian điều trị bằng thuốc khoảng 10 ngày bệnh nhân đã cai được bình oxy khiến tôi rất vui”, BS Vinh chia sẻ.

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc tập thở và các bài tập rất quan trọng trong việc phục hồi di chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, bệnh nhân nên giữ tâm lý, tinh thần thoải mái giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhanh hồi phục.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khỏi bệnh nếu có các triệu chứng bất thường so với cảm nhận của người bệnh ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, công việc nên sớm đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán các rối loạn. Hoặc người bệnh không có các dấu hiệu không rõ nét nhưng có sự lo lắng về sức khỏe quá mức cũng nên đi khám và tư vấn chi tiết để bác sĩ tư vấn, chẩn đoán chính xác. Không nên mang lo lắng dễ dẫn rối loạn cảm xúc, giấc ngủ hoặc mày mò và các loại thuốc không đúng, gây hại sức khỏe.

Các bệnh nhân hậu COVID-19 điều trị nội trú tại Bệnh viện Quân y 175.

Tại TPHCM, đến nay hơn nửa triệu người dân mắc COVID-19 trên 300.000 người đã xuất viện. Ngành y tế thành phố đề ra mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là xác định mô hình của bệnh nhân hậu COVID-19 trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, nâng năng lực chăm sóc của ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Hai chiến lược chăm sóc hậu COVID-19 được Sở Y tế TPHCM triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm. Mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

T.N

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ