Đột quỵ ở người trẻ – vì sao thuốc lá là kẻ thù số 1?

Hút thuốc không chỉ là kẻ thù của ung thư mà còn là “sát nhân số 1” khiến chúng ta đột quỵ.

17-02-2022 09:08
Theo dõi trên |

Đây là những thông tin được TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp thần kinh TPHCM chia sẻ trong buổi trò chuyện đầu năm với AloBacsi.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, khái niệm đột quỵ trẻ cần hiểu đúng là bệnh nhân đột quỵ khi dưới 20 tuổi. Đa số các ca đột quỵ trẻ này thường do nguyên nhân xuất huyết não.

Để tầm soát những cơn đột quỵ đáng tiếc xảy ra ở độ tuổi dưới 20, chúng ta cần quan tâm đến bệnh lý bẩm sinh, các dị tật, dị dạng mạch máu, túi phình,… – những nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ ở người trẻ.

“Không thể cho rằng cơn đột quỵ đến với người trẻ như thế này là chuyện ‘trời kêu ai nấy dạ!’ bởi chúng ta hoàn toàn có thể tầm soát những dị tật của trẻ ngay từ trong bào thai.” –  BS Cường nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, nếu trẻ em xuất hiện triệu chứng động kinh, đau đầu hoặc tê yếu tay chân một cách bất thường mà không phục hồi thì cần phải tầm soát để phát hiện các túi phình hoặc dị dạng mạch máu – nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở trẻ.

“Thêm một khái niệm ‘đột quỵ trẻ’ nhiều người quan tâm nhất hiện nay chính là cơn đột quỵ xảy ra ở ‘những người chưa đáng đột quỵ mà đã bị đột quỵ’, tức ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi.” – BS Cường cho biết.

Phần lớn những trường hợp đột quỵ trẻ là do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên căng thẳng, stress, uống rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá.

Trong buổi gặp đầu năm, BS Cường đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những vấn đề liên quan đến đột quỵ ở người trẻ 

Cụ thể, nếu một cộng đồng nào đó phải sống trong môi trường chiến tranh, luôn trong tình trạng áp lực, căng thẳng, không biết ngày mai có chuyện gì xảy ra với mình thì cộng đồng đó sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Bên cạnh đó, một yếu tố nguy cơ đột quỵ đã được giới khoa học thế giới chứng minh đó là hút thuốc lá. Thuốc lá là kẻ thù số 1 của đột quỵ! Không chỉ là nguyên nhân đầu gây ung thư, thuốc lá gây đột quỵ còn kinh khủng hơn. Bởi việc hút thuốc có thể khiến mạch máu bị tắc nghẽn, xơ chai và hình thành cục máu đông dễ dàng. 

“Đặc biệt, đối với những người hút thuốc lá, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó sẽ bị viêm, ví dụ như mạch vành, mạch máu chi, mạch máu toàn cơ thể nói chung. Do đó, nếu hút thuốc lá càng nhiều, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó đều có thể bị xơ cứng.” TS.BS Trần Chí Cường cho hay.

Hãy từ bỏ hút thuốc lá từ bây giờ bởi thuốc lá chính là kẻ thù số 1 khiến bạn bị đột quỵ.

Ngoài ra, tăng huyết áp ở người trẻ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Những nguyên nhân gây đột quỵ do lối sống không lành mạnh chỉ bấy nhiêu, nhưng để được cộng đồng quan tâm đến những điều này mới là điều quan trọng, BS Cường trăn trở.

Ngồi lại trò chuyện với AloBacsi khi không khí Tết vẫn tràn ngập nhưng BS Cường không khỏi chạnh lòng kể lại câu chuyện xảy ra vào thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, một bệnh nhân vì quá chén trong buổi tiệc đầu năm mà đã ra đi ngay trên bàn tiệc do đột quỵ xuất huyết não nặng.

Thậm chí, có những thanh niên tuổi chỉ đôi mươi nhưng lại phải trải qua căn bệnh hiểm nghèo – đột quỵ. “Bác sĩ ơi, vì sao con bị đột quỵ? Con tưởng đâu chỉ người già mới bị.” – Đó là câu hỏi mà câu trả lời BS Cường cho rằng chua chát nhất, bởi chẳng lẽ lại nói thẳng với bệnh nhân rằng, là do bản thân họ đã hút thuốc, uống rượu quá nhiều trong những năm qua?

Chuyện buồn thường tránh nói vào đầu năm nhưng TS.BS Trần Chí Cường không thể không nói, để ngăn chặn những câu chuyện tương tự trong tương lai. 

“Giá như mọi người biết được hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều nguy hiểm đến nhường nào! Giá như những thanh niên kia biết được những điều này chính là ‘lưỡi dao’ trực tiếp đâm vào họ, khiến họ đột quỵ! Giá như cộng đồng tin rằng nếu hàng năm chúng ta tiêu thụ 5-7 tỷ lít bia thì 10 năm tới họ sẽ trở thành những người què quặt!” –  Đó là những nỗi lòng của TS.BS Trần Chí Cường trước sự thờ ơ của người trẻ về những con đường dẫn đến căn bệnh đột quỵ quái ác.

Anh Thi

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Cảnh báo biến chứng khi tự ý bỏ thuốc huyết áp

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp nam bệnh nhân người Nhật đến tái khám lần hai nhưng tình trạng huyết áp không hề thay đổi so với lần đầu khám tại đây (150/100 mmHg), người bệnh không tuân thủ điều trị, không tái khám định kỳ, tự ý bỏ thuốc. Bác sĩ cảnh báo các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải nếu tiếp tục tình trạng này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ