Đột quỵ khác Đột tử do tim như thế nào?

Đột quỵ và đột tử do tim là hai thuật ngữ dùng để mô tả các tình trạng cấp cứu của não và tim, với đặc điểm biểu hiện chung là diễn tiến đột ngột, dễ dẫn đến tử vong tức thời nếu không được nhận diện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, phân biệt đột quỵ và đột tử do tim rất quan trọng, vì cách xử trí ban đầu và phác đồ điều trị bệnh nhân hoàn toàn khác nhau.

10-05-2023 01:06
Theo dõi trên |

Theo ThS.BS. Giang Minh Nhật – Khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, đột tử do tim với nguyên nhân thường gặp nhất là nhồi máu cơ tim cấp, trong đó dòng máu từ động mạch vành cấp máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn, thường là do huyết khối, làm cơ tim bị tổn thương và chết đi. Bên cạnh đó, đột tử do tim cũng có thể có nguyên nhân rối loạn nhịp tim ở người hoàn toàn bình thường trước đó, hay ở bệnh nhân đã biết bệnh tim nền (suy tim, các bệnh cơ tim, thiếu máu nuôi cơ tim mạn tính…).

Ngược lại, đột quỵ là tình trạng mạch máu nuôi não bị “tắc nghẽn” (nhồi máu não) hay bị “vỡ” (xuất huyết não). Não ở điều kiện bình thường không tích trữ oxygen, và hoạt động của não phụ thuộc vào mạng lưới mạch máu dày đặc cung cấp oxy cho các tế bào. Khi đột quỵ xảy ra, tình trạng thiếu máu nuôi làm các tế bào não xung quanh mạch máu bị thiếu dưỡng chất và oxygen. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3-4 phút, các tế bào não bắt đầu chết đi.

Đột tử do nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ khác nhau về biểu hiện triệu chứng.

Phân biệt giữa đột tử do tim và Đột quỵ

Ở người nhồi máu cơ tim:

Đau ngực: Hầu hết ở người nhồi máu cơ tim cấp có cảm giác đè nặng, đau nhói, hay đau thắt nghẹt vị trí giữa ngực. Cơn đau kéo dài vài phút, xuất hiện một hoặc nhiều cơn.

Cảm giác khó chịu lan đến các vị trí khác trên cơ thể: Triệu chứng đau hay khó chịu có thể lan đến một hay hai cánh tay, lưng cổ, hàm dưới (vùng mặt).

Khó thở và các triệu chứng khác: Người nhồi máu cơ tim thường vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, choáng váng.

Bệnh có thể diễn tiến gây mất tri giác, không đáp ứng khi lay gọi, người bệnh không còn thở, thở hước, kiểm tra tim không còn đập, mạch không nảy.

Với nhồi máu cơ tim, việc xử trí ban đầu là cần thực hiện hồi sức tim phổi. Người nhà hoặc người xung quanh cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bệnh viện đó có khoa tim mạch vì thời gian là sự sống còn của cơ tim.

Xem thêm: Đột tử gây tử vong nhanh hơn đột quỵ

Ở bệnh nhân đột quỵ:

Thường xuất hiện và nhận biết bằng dấu hiệu F.A.S.T:

FACE – Mặt: Bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, xệ một bên mặt

ARMS – Tay/chân: Người bệnh không có khả năng nâng tay lên hoặc khi nâng lên sẽ rơi xuống.

SPEECH – Giọng nói: Xuất hiện dấu hiệu nói đớ, nói ngọng, không nói được hoặc phát âm sai.

TIME – Thời gian: Khi phát hiện một người có 3 dấu hiệu trên, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ hoặc gọi ngay đến cấp cứu 115 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ, tri giác của người bệnh có thể bất thường, nhưng tim vẫn còn đập và kiểm tra mạch còn nảy.

Đối với đột quỵ, việc xử trí ban đầu là ổn định bệnh nhân. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và thời gian là sự sống còn của não

Mặc dù đột tử do tim và đột quỵ là hai tình huống cấp cứu hoàn toàn khác nhau về triệu chứng, nhưng lại có chung nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm: Hút thuốc lá; huyết áp cao; rối loạn lipid máu; béo phì; tiền căn gia đình bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; rung nhĩ…

Chính vì thế, nguyên tắc cơ bản phòng ngừa đột quỵ và đột tử do tim nhìn chung giống nhau. Thay đổi lối sống tích cực giúp giảm cả nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

– Duy trì vận động thể lực thể thao đều đặn (ít nhất 30 phút/ngày, hầu hết các ngày trong tuần)

– Duy trì cân nặng lý tưởng bằng khẩu phần ăn hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất mỡ bão hòa, và cholesterol, ít muối…

– Ngưng hút thuốc lá, giảm lượng cồn trong thức uống.

– Khám sức khỏe định kỳ

– Phát hiện và chẩn đoán sớm các yếu tố nguy cơ tim mạch gây xơ vữa động mạch: huyết áp cao, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, đái tháo đường…

Tuỳ theo giai đoạn bệnh lý, một hay nhiều bệnh lý đi kèm, tùy theo đặc điểm lối sống từng bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn chế độ điều trị và theo dõi hợp lý.

Minh Anh (Theo Bộ Y tế)

Hướng dẫn hồi sức tim phổi cho người ngạt thở

Hướng dẫn hồi sức tim phổi cho người ngạt thở

Những kỹ năng sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng đối với một người đang gặp nạn mà chưa có sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ y tế. Đặc biệt là vấn đề sơ cứu hồi sức tim phổi đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của một ca cấp cứu ngưng tim khi đưa người bệnh đến bệnh viện.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ