Cô gái bị đột quỵ não cấp trong lúc làm việc

Cô gái 25 tuổi đang đi làm thì đột ngột mệt, nói khó, yếu tay chân bên phải; may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Đà Nẵng.

10-04-2021 10:15
Theo dõi trên |

Mới đây, Khoa Đột quỵ – Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ vừa chạy đua với thời gian, cấp cứu thành công nữ bệnh nhân tắc động mạch não, gây đột quỵ não cấp.

Bệnh nhân là chị T.T.T.T (25 tuổi, ngụ P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Khi người này đang đi làm thì đột ngột mệt, nói khó, yếu tay chân bên phải. Bệnh nhân nhập BV Đà Nẵng trong tình trạng rối loạn tri giác, liệt nửa người bên phải, có dấu hiệu của đột quỵ.

Ảnh DSA mạch máu não trước can thiệp (trái) và sau can thiệp (phải).

Ngay lập tức, quy trình cấp cứu đột quỵ cấp tại BV Đà Nẵng được kích hoạt. Bệnh nhân nhanh chóng được chụp CT scan sọ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong vòng chưa đầy 30 phút kể từ lúc nhập viện. Hình ảnh chụp CTA mạch máu não sau đó ghi nhận có tổn thương hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái và tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái. 

Bệnh nhân được khẩn trương đưa đến phòng DSA (chụp mạch máu xóa nền). Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch, nong và đặt stent vào gốc động mạch cảnh trong bên trái; đồng thời, lấy thành công huyết khối ở vị trí động mạch não giữa trái.

Theo BS.CKII Dương Quang Hải – Phó trưởng khoa Đột quỵ (BV Đà Nẵng), quá trình điều trị được thực hiện trong vòng 2 giờ đồng hồ với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Khoa Cấp cứu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Khoa Đột quỵ.

Sau khi can thiệp, tình trạng tri giác của bệnh nhân cải thiện nhanh, sức cơ phục hồi dần. Bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, tuy nhiên vẫn phải tái khám định kỳ, sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống xơ vữa… để dự phòng tái phát.

Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi có các dấu hiệu của đột quỵ cấp như: méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó, mất thăng bằng, người thân nên đưa bệnh nhân tới các bệnh viện có trung tâm điều trị đột quỵ để được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, BN đột quỵ có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế rất cao.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, yêu cầu đến bệnh viện có khả năng cấp cứu, điều trị càng sớm càng tốt. Để làm được điều đó trước tiên cần nhận diện được dấu hiệu đột quỵ, có như vậy mới nhận thức đúng và đưa ra hướng xử lý kịp thời.

Mặt, miệng méo một bên: Người bị đột quỵ thường có biểu hiện mặt thiếu cân xứng, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống.

Yếu liệt nửa người: Người bị đột quỵ sẽ có cảm giác cánh tay hoặc chân đột ngột yếu đi, tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân – tay lên được. Chẳng hạn khi đang ăn cơm, người bệnh đột ngột không cầm muỗng – đũa lên được, mặc dù đã rất cố gắng.

Nói ngọng, nói lắp: Người bị đột quỵ sẽ rất khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ, vì khi đó môi lưỡi thường bị tê cứng, miệng khó mở, phải gắng sức mới nói được, do đó tiếng nói có thể bị méo, ngọng bất thường.

Đau đầu dữ dội: Một số người đã từng bị đột quỵ miêu tả rằng, cơn đau đầu mà họ gặp phải rất dữ dội, chưa bao giờ trong đời gặp phải cơn đau đầu đến mức như vậy. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Rối loạn trí nhớ: Người bệnh không nhận thức được, mắt mờ, tai ù nghe không rõ.

Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt: tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

Chóng mặt: cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Khó thở hoặc tim đập nhanh: Một nghiên cứu về những khác biệt giới trong đột quỵ cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng khó thở hoặc tim đập nhanh khi đột quỵ.

Nếu bạn nhận thấy một trong những dấu hiệu trên hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Hãy nhớ rằng các bác sĩ chỉ có 6 tiếng từ khi khởi phát các dấu hiệu để cứu chữa cho người bệnh và trả lại cho cuộc sống bình thường cho họ.

Cách xử trí khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

– Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

– Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

– Phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng, hoặc bị chèn ép.

Minh Huy, Phương Nguyên

  • Từ khóa:
Inforgraphic – Cách xử trí khi xảy ra đột quỵ

Inforgraphic – Cách xử trí khi xảy ra đột quỵ

Hậu quả sau đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết của người thân hoặc người xung quanh của người bị đột quỵ. Những kiến thức dưới đây sẽ góp phần giúp người bị đột quỵ có thể được đưa đến bệnh viện sớm hơn, cơ hội phục hồi cao hơn.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ