Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.

28-09-2023 15:08
Theo dõi trên |

Mọi sinh vật đều có các giai đoạn hoạt động và không hoạt động. Điều đó đúng từ sinh vật có cấu trúc đơn giản nhất đến sinh vật có cấu trúc phức tạp như con người. Cho nên ngủ là một trong những nền tảng của cuộc sống con người.

Mất ngủ trở thành một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện nay
Để sống, con người chỉ cần ngủ từ 3 đến 5 giờ, tuy vậy để có thể duy trì sự tỉnh táo tối ưu trong suốt cả một ngày dày thì tối thiểu trung bình mỗi người cần ngủ khoảng 7 giờ dù con số này có thể thay đổi theo từng cá nhân. Khi thời gian ngủ của một người dưới 7 giờ thì được gọi là thiếu ngủ.
Cơ thể chúng ta duy trì nhịp độ ngày – đêm theo một chu kỳ gọi là đồng hồ sinh học. Cơ thể con người sẽ bắt đầu vào đi ngủ khi não phóng thích ra một loại hormon gây buồn ngủ có tên là melatonin.
Quá trình phóng thích này vô cùng phức tạp và có liên quan đến ánh sáng, có thể hình dung một cách đơn giản là melatonin sẽ bị ức chế khi tiếp xúc ánh sáng và ngược lại. Điều đó giải thích về việc chúng ta buồn ngủ khi về đêm.
Tuy nhiên, cơ chế đồng hồ sinh học này không thể nhận biết được ánh sáng nhân tạo từ đèn chiếu, đặc biệt các ánh sáng có bước sóng ngắn mà ngày nay chúng ta hay được nghe dưới tên là “ánh sáng xanh”. Các ánh sáng này thường gặp ở nhiều thiết bị phát thông dụng như: điện thoại, máy tính cá nhân,…. Việc tiếp xúc thời gian dài vào ban đêm sẽ gây ức chế và dẫn đến rối loạn cơ chế sinh học về giấc ngủ rất nghiêm trọng.
Thói quen sử dụng điện thoại trước khi ngủ gây ức chế dẫn đến khó ngủ
Áp lực trong cuộc sống hiện đại, các bệnh lý về tâm thần kinh liên quan đến stress cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sinh học giấc ngủ.
Mất ngủ do liên quan điều kiện không đảm bảo như: ồn ào hoặc những vấn đề về đau mạn tính, rối loạn ngưng thở khi ngủ, bệnh lý về hô hấp cũng là nhóm đáng được quan tâm hiện nay.

Hậu quả của thiếu ngủ?

Khi ngủ, não bộ không nghỉ hoàn toàn, đây là thời điểm tái tạo neuron tổn thương trong ngày, trí nhớ được củng cố…
Trải qua một đêm thiếu ngủ, não bộ vẫn ở trạng thái ức chế: cảm giác buồn ngủ, không thể tập trung, và thiếu sinh lực…
Những biểu hiện trên là những phản ứng tức thời của não bộ, mất ngủ diễn ra thường xuyên tác động theo cách “tàn phá” cơ thể, những nghiên cứu về Y học giấc ngủ hiện đại đã làm rõ, việc thiếu ngủ mãn tính gây nên:
Những rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng trong cơ thể: một số enzym hay hormon liên quan đến chu kì giấc ngủ sẽ bị tác động, trong đó kể đến chú ý nhất là Insulin, các hormon chuyển hóa khác gây nên bệnh đái tháo đường và béo phì. Người thiếu ngủ thường xuyên gây tăng nguy cơ đái tháo đường đáng kể.
Hoạt động hệ tim mạch chịu sự chi phối rất lớn từ chu kì sinh học: điều không quá ngạc nhiên là rối loạn giấc ngủ ngày nay cũng là tác nhân đóng góp chính cho các bệnh lý tim mạch, đột quỵ…
Giấc ngủ đóng vai trò giúp loại bỏ một loại protein gây bệnh Alzheimer – nguyên nhân hàng đầu gây nên sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ.

Chúng ta đối diện với chứng mất ngủ như thế nào?

Thật khó để nói chúng ta có thể sắp xếp một cách tuyệt đối cuộc sống và công việc để có giấc ngủ tốt. Tuy nhiên, dưới đây là một số điều cần lưu ý để có giấc ngủ tốt:
Hạn chế tiếp xúc ánh sáng, đặc biệt ánh sáng xanh vào thời điểm trước giấc ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thời điểm 22 giờ trở đi, cơ thể thật sự nhạy cảm với ánh sáng nhân tạo. Cách tốt nhất hạn chế là bạn phải có một kế hoạch làm việc khoa học.
Hạn chế việc sử dụng điện thoại khuya trước đi ngủ.
Đảm bảo một môi trường nghỉ ngơi thoáng mát, yên tĩnh, nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh.
Hoạt động thể thao gắng sức hàng ngày có tác động rất tích cực đến giấc ngủ, việc tạo ra các “tổn thương cơ bắp nhỏ” góp phần kích thích sản xuất ra các hormon có lợi cho việc điều hòa giấc ngủ.
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm, nhất là các thực phẩm khó tiêu hoặc giàu năng lượng vào ban đêm, việc sản sinh ra insulin vào ban đêm làm rối loạn giấc ngủ thêm trầm trọng và một loạt các bệnh lý tim mạch, nội tiết khác.
Rối loạn giấc ngủ thực sự là vấn đề cần được bạn quan tâm, vì những hậu quả nó gây ra được mô tả là “âm thầm” và “phá hủy tàn khốc” cơ thể, sức khỏe bạn.
Hiện nay với nhu cầu rất lớn của người bệnh về các vấn đề rối loạn giấc ngủ, các khái niệm về trung tâm Y học giấc ngủ tại Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc tiếp cận các trung tâm này còn khó khăn do người dân chưa hiểu đủ về giấc ngủ, cũng như thông tin còn hạn chế. Trong tương lai, các trung tâm Y học giấc ngủ được mở rộng, việc tiếp cận với người dân với các phương pháp điều trị tiên tiến có thể sẽ thay đổi tích cực.

Nguồn: Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Quân y 175

  • Từ khóa:
Quảng cáo

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ